Aṅguttara Nikāya
XIX. Phẩm Chiến Sĩ
(VII) (187) Vassakàra
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi. Sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, bậc đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
—Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”?
—Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.
—Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết bậc chân nhân là: “Vị này là bậc chân nhân”?
—Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”.
—Thưa Tôn giả Gotama, bậc chân nhân có thể biết một bậc chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”?
—Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”.
—Nhưng thưa Tôn giả Gotama, có trường hợp một người chân nhân biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”?
—Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.
—Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: “Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”. Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.
Một thời, thưa Tôn giả Gotama, hội chúng của Bà-la-môn Todeyya đang nói lên những lời nhiếc mắng người khác như sau: “Ngu si là vua Eleyya, đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện. Lại nữa, những tập đoàn này của vua Eleyya là ngu si, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Những người này đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện”.
—Này Bà-la-môn, Ông có thấy như thế nào Bà-la-môn Todeyya dẫn dắt chúng bằng cách dắt dẫn này: “Các vị nghĩ thế nào, hiền trí là vua Eleyya? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng?”
—Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là vua Eleyya. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích; do vậy vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.
—Các Tôn giả nghĩ thế nào “Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa không? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải tập đoàn của vua Eleyya là những bậc có minh kiến thù thắng?
—Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, tập đoàn của vua Eleyya được xem là những bậc có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta được xem còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của tập đoàn vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải thích những vấn đề cần được giải thích; do vậy tập đoàn của vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.
—Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: “Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”. Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.
Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng tôi phải đi, chúng tôi có nhiều công việc, có nhiều phận sự phải làm.
—Này Bà-la-môn, Ông hãy làm những gì mà Ông nghĩ là hợp thời.
Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.