KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

HAI PHÁP

17. PHẨM AN-BAN

9. KINH SỐ

Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp thiện tri thức, cũng sẽ nói về pháp ác tri thức. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo thưa:

“Kính vâng, thưa Thế Tôn.”

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

“Kia, sao gọi là pháp ác tri thức? Này Tỳ-kheo, ở đây người ác tri thức tự sinh tâm niệm này: ‘Ta thuộc dòng hào tộc xuất gia học đạo. Các Tỳ-kheo khác thuộc dòng ti tiện xuất gia.’ Ỷ vào dòng họ mình mong chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.

“Lại nữa, người ác tri thức tự sinh tâm niệm này: ‘Ta rất siêng năng phụng hành chánh pháp. Các Tỳ-kheo khác thì không siêng năng trì giới.’ Lại dùng nghĩa này chê bai người khác mà tự cống cao. Đó gọi là pháp ác tri thức.

“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Ta thành tựu tam-muội, các Tỳ-kheo khác không có tam-muội, tâm ý thác loạn không nhất định.’ Người ấy ỷ vào tam-muội này thường tự cống cao chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.

“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Ta trí tuệ bậc nhất. Ở đây các Tỳ-kheo khác không có trí tuệ.’ Người ấy ỷ vào trí tuệ này mà tự cống cao hủy báng người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.

“Lại nữa, người ác tri thức lại tự nghĩ: ‘Hiện tại ta thường được thức ăn, giường mềm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Ở đây, các Tỳ-kheo khác không được các vật cúng dường này.’ Người này ỷ vào vật cúng dường này mà tự cống cao, chê bai người khác. Đó gọi là pháp ác tri thức.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là người ác tri thức, hành tà nghiệp này.

“Kia, sao gọi là pháp thiện tri thức? Này Tỳ-kheo, ở đây người thiện tri thức không tự nghĩ: ‘Ta sinh thuộc dòng hào tộc. Ở đây các Tỳ-kheo khác không phải là dòng hào tộc.’ Vì thân mình cùng người không có khác. Đó gọi là pháp thiện tri thức.

“Lại nữa, người thiện tri thức không tự nghĩ: ‘Nay ta trì giới. Ở đây các Tỳ-kheo khác không trì giới hạnh,’ Vì thân mình cùng họ không có thêm bớt. Tuy người ấy nương vào giới này, nhưng không tự cống cao, không chê bai người khác. Đó gọi là pháp thiện tri thức.

“Lại nữa, người thiện tri thứ lại không tự nghĩ: ‘Ta thành tựu tam-muội. Ở đây các Tỳ-kheo khác ý loạn không định.’ Vì thân mình cùng người không thêm bớt. Người ấy tuy nương vào tam-muội này, nhưng không tự cống cao, cũng không chê bai người khác. Đó gọi là pháp thiện tri thức.

“Lại nữa Tỳ-kheo, người thiện tri thức cũng không tự nghĩ: ‘Ta thành tựu trí tuệ. Ở đây các Tỳ-kheo khác không có trí tuệ. Vì thân mình cùng người cũng không thêm bớt. Người ấy tuy nương vào trí tuệ này, nhưng không tự cống cao, cũng không chê bai người khác. Này Tỳ-kheo đó gọi là pháp thiện tri thức.

“Lại nữa Tỳ-kheo, người thiện tri thức không tự nghĩ: ‘Ta có thể được y phục, đồ ăn thức uống, giường mền, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Ở đây các Tỳ-kheo khác không thể được được y phục, đồ ăn thức uống, giường mền, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh.’ Vì thân mình cùng người cũng không thêm bớt. Người ấy tuy nương vào những lợi dưỡng này, nhưng không tự cống cao, cũng không chê bai người. Này Tỳ-kheo, đó gọi là pháp thiện tri thức.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta phân biệt cho các ngươi pháp ác tri thức, cũng nói cho các ngươi pháp thiện tri thức. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tránh xa pháp ác tri thức, và nhớ hãy cùng tu hành pháp thiện tri thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.