KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

NĂM PHÁP

32. PHẨM THIỆN TỤ

5. KINH SỐ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật cùng chúng Tỳ-kheo năm trăm vị, ở trong vườn Lộc Mẫu, khu vườn phía đông, nước Xá-vệ.

Bây giờ, tháng bảy, ngày mười lăm, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, các Tỳ-kheo trước sau vây quanh. Phật bảo A-nan:

“Nay, nơi đất trống, ngươi mau đánh kiền chùy. Vì sao vậy? Vì ngày rằm tháng bảy là ngày thọ tuế.”

Lúc ấy, Tôn giả A-nan gối phải quỳ sát đất, chấp tay, liền nói kệ này:

Đấng Tịnh Nhãn vô thượng,
Thông suốt tất cả việc;
Trí huệ không đắm nhiễm:
Thọ tuế, nghĩa là gì?

Bấy giờ, Thế Tôn liền dùng kệ đáp A-nan:

Thọ tuế, ba nghiệp tịnh;
Việc làm thân, miệng, ý.
Hai Tỳ-kheo đối nhau,
Tự trình chỗ sai trái.

Lại tự xưng tên chữ”
‘Hôm nay Chúng thọ tuế,
Tôi cũng ý tịnh, thọ.
Cúi xin chỉ lỗi tôi.’

Bấy giờ, A-nan lại dùng kệ hỏi nghĩa này:

Hằng sa Phật quá khứ,
Bích-chi và Thanh văn;
Đây là pháp chư Phật,
Hay chỉ Thích-ca Văn?

Bấy giờ, Phật lại dùng kệ đáp A-nan:

Hằng sa Phật quá khứ,
Đệ tử tâm thanh tịnh.
Đều là pháp chư Phật
Chẳng riêng Thích-ca Văn.

Không tuổi, không đệ tử;
Một mình không bạn bè;
Không nói pháp cho người.

Phật Thế Tôn vị lai,
Hằng sa không thể tính,
Lại cũng thọ tuổi này;
Như pháp Cồ-đàm nay.

Sau khi nghe những lời này rồi, Tôn giả A-nan vui mừng hớn hở, không tự dừng được, liền lên giảng đường, tay cầm kiền chùy nói:

“Hôm nay, tôi đánh trống đưa tin của Như Lai, các chúng đệ tử Như Lai đều phải tập họp hết.”

Tôn giả lại nói kệ này:

Hàng phục sức ma oán;
Trừ sạch kết không còn;
Đất trống, đánh kiền chùy:
Tỳ-kheo nghe hãy họp.

Những người muốn nghe pháp,
Vượt qua biển sanh tử,
Nghe âm vi diệu này,
Hãy tập họp về đây.

Sau khi đánh kiền chuỳ xong, Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía, bạch Thế Tôn:

“Đã đến giờ, cúi xin Thế Tôn chỉ dạy những gì?”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:

“Ngươi hãy ngồi theo thứ lớp. Như Lai tự biết thời.”

Thế Tôn ngồi xuống đệm cỏ, bảo các Tỳ-kheo:

“Tất cả các ngươi hãy ngồi hết xuống đệm cỏ.”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”

Các Tỳ kheo đều ngồi xuống đệm cỏ. Bấy giờ, Thế Tôn im lặng quán sát các Tỳ-kheo, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nay muốn thọ tuế. Đối với mọi người, Ta không có lỗi gì chăng? Thân, miệng, ý cũng không có phạm chăng?”

Như Lai nói những lời này xong, các Tỳ-kheo im lặng không đáp. Bấy giờ, Ngài hỏi các Tỳ-kheo lại lần thứ ba:

“Hôm nay, Ta muốn thọ tuế. Song đối với mọi người, Ta không có lỗi gì chăng?”

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chấp tay bạch Thế Tôn:

“Các chúng Tỳ-kheo quán sát, Như Lai không có lỗi nơi thân, miệng, ý. Vì sao vậy? Thế Tôn đã độ cho người chưa được độ, đã giải thoát cho người chưa giải thoát, khiến Bát Niết-bàn cho người chưa Bát Niết-bàn, đã cứu giúp cho người chưa được cứu giúp, làm con mắt cho người mù, vì người bệnh làm đại y vương, là đấng Độc tôn trong ba cõi, không ai sánh bằng, là đấng Tối tôn thượng, khiến phát đạo tâm cho người chưa phát đạo tâm. Mọi người chưa tỉnh, Thế Tôn khiến lay tỉnh; người chưa nghe, khiến cho nghe; vì người mê mà tạo đường tắt, luôn đưa về Chánh pháp.Vì những duyên sự này, Như Lai không có lỗi đối với mọi người, cũng không có lỗi nơi thân miệng ý.”

Rồi Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn tiếp:

“Nay con hướng về Như Lai, tự phát lồ. Không biết đối với Như Lai cùng Tăng Tỳ-kheo, con có lỗi gì không?”

Thế Tôn bảo:

“Này Xá-lợi-phất, nay những việc làm thân, miệng, ý của ngươi hoàn toàn đúng hạnh. Vì sao vậy? Ngươi có trí huệ không ai sánh kịp, trí huệ biết các chủng loại, trí huệ vô lượng, trí vô biên, trí không gì bằng, trí bén nhạy, trí nhanh nhẹn, trí sâu xa, trí bình đẳng, ít muốn, biết đủ, thích nơi vắng, có nhiều phương tiện, niệm không tán loạn, đạt tam-muội tổng trì, đầy đủ căn nguyên, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến huệ, dũng mãnh, hay nhẫn, lời nói không ác, không làm điều phi pháp, tâm tánh điều hòa thứ lớp, không làm sơ suất. Giống như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, sẽ nối ngôi vua, chuyển vận bánh xe pháp. Xá-lợi-phất cũng vậy, chuyển vận bánh xe pháp vô thượng, mà chư thiên, loài người, rồng, quỷ, ma và thiên ma đều không thể chuyển. Nay lời ngươi nói ra thường như nghĩa pháp, chưa từng trái lý.”

Khi ấy, Xá-lợi-phất bạch với Phật:

“Năm trăm Tỳ-kheo này đều đáng thọ tuế. Năm trăm người này đối với Như Lai đều không có lỗi gì chăng?”

Thế Tôn nói:

“Cũng không có gì phải trách, các hành vi bởi thân, miệng, ý của năm trăm Tỳ-kheo này. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, đại chúng trong đây rất là thanh tịnh, không có tỳ vết. Nay người thấp nhất trong chúng này, cũng đắc đạo Tu-đà-hoàn, nhất định tiến đến pháp bất thối chuyển. Vì vậy Ta không thể chê trách họ.”

Khi ấy, Đa-kỳ-xa rời khỏi chỗ ngồi đến trước Thế Tôn đảnh lễ sát đất rồi bạch Thế Tôn: “Con có điều muốn nói.”

Thế Tôn bảo: “Muốn nói gì thì hãy nói đi.”

Đa-kỳ-xa liền ca ngợi Phật và chúng Tăng ngay trước mặt đức Phật bằng bài kệ sau:

Vào ngày rằm thanh tịnh,
Họp năm trăm Tỳ-kheo,
Đã giải thoát các kết,
Không ái, không tái sanh.

Vua Chuyển luân Đại Thánh
Được quần thần vây quanh,
Đi khắp các thế giới,
Trên trời và thế gian.

Đại tướng tôn quí nhất,
Đạo sư dẫn dắt người.
Đệ tử vui đi theo,
Đủ ba đạt sáu thông,

Là con Phật chơn chánh,
Không có chút bụi dơ,
Cắt bỏ sạch ái dục:
Nay con xin quy y.

Khi ấy, đức Thế Tôn ấn khả những lời của Đa-kỳ-xa. Đa-kỳ-xa thấy Như Lai ấn khả lời mình nói, nên vui mừng phấn khởi, đứng dậy lễ Phật, rồi trở lại chỗ ngồi.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Đệ tử nói kệ đứng đầu trong hàng Thanh văn chính là Tỳ-kheo Đa-kỳ-xa. Nói lời không có gì đáng nghi ngờ chính là Tỳ-kheo Đa-kỳ-xa.”

Lúc ấy, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.