KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

BẢY PHÁP

40. PHẨM BẢY NGÀY

2. KINH SỐ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, tại thành La-duyệt, cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm vị.

Bấy giờ, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế ở giữa quần thần nói rằng:

“Nước Bạt-kỳ rất thịnh vượng, dân chúng đông đúc. Ta sẽ chinh phạt để thu phục nước ấy.”

Rồi vua A-xà-thế bảo bà-la-môn Bà-lợi-ca rằng:

“Ông hãy đến chỗ Thế Tôn, xưng tên họ ta mà hỏi thăm Thế Tôn, đảnh lễ, thừa sự rồi thưa: ‘Vua A-xà-thế bạch Thế Tôn, vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, không biết có được không?’ Nếu Như Lai có dạy gì, ông hãy nhớ kỹ rồi về nói lại cho ta. Vì sao vậy? Như Lai không có nói hai lời.”

Bà-la-môn vâng lệnh vua, đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn bạch Phật rằng:

“Vua A-xà-thế kính lạy Thế Tôn, thừa sự, hỏi thăm.”

Rồi lại bạch:

“Ý muốn vua muốn công phạt nước Bạt-kỳ, trước hết đến hỏi Phật, không biết có được không?”

Bấy giờ, Bà-la-môn kia lấy y che kín đầu, chân mang giày ngà voi, hông đeo kiếm bén, không nên vì ông nói pháp.

Khi ấy, Thế Tôn bảo A-nan:

“Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tu bảy pháp, quyết không bị giặc cướp bên ngoài tiêu diệt. Những gì là bảy? Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tập họp lại một chỗ không phân tán, sẽ không bị nước khác phá hoại. Đó gọi là pháp thứ nhất không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ trên dưới hoà thuận, nhân dân nước Bạt-kỳ sẽ không bị người ngoài cầm giữ. Này A-nan, đó gọi là pháp thứ hai không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tà dâm, đắm sắc người nữ khác, đó gọi là pháp thứ ba không bị giặc ngoại xâm phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không đem việc nơi này truyền đến nơi kia, cũng lại không đem việc nơi kia truyền đến nơi này, đó gọi là pháp thứ tư không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ cúng dường sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, kính lễ đồng phạm hạnh, đó gọi là pháp thứ năm không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tham đắm của báu người khác, đó gọi là pháp thứ sáu không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ đều cùng một lòng, hướng đến miếu thần, mà chuyên tinh ý mình, sẽ không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại. Đó gọi là pháp thứ bảy không bị giặc ngoại xâm phá hoại.

“A-nan, đó gọi là người Bạt-kỳ tu bảy pháp này, quyết không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.”

Khi ấy, bà-la-môn bạch Phật:

“Giả sử người nước Bat-kỳ thành tựu chỉ một pháp thôi, còn không thể hoại, huống chi đến bảy pháp thì làm sao hoại nổi? Đày đủ thay, Bạch Thế Tôn. Nhưng việc nước đa đoan, con muốn trở về.”

Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Sau khi bà-la-môn đi được một lát, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói bảy pháp không thối chuyển, các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

“Sao gọi là bảy pháp không thối chuyển? Tỳ-kheo, nên biết, nếu Tỳ-kheo cùng tập hợp lại một chỗ, đều cùng hoà thuận, trên dưới chăm sóc nhau, tiến dần lên trên, tu các pháp lành không thối chuyển, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ nhất.

“Lại nữa, chúng Tăng hoà hợp, thuận theo giáo pháp, tiến dần lên trên không thối chuyển, không để Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ hai.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không bận rộn công việc, không huân tập nghiệp đời, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ ba.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không tụng đọc sách tạp, trọn ngày sách tấn tình ý tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ tư.

“Lại nữa, Tỳ-kheo siêng tu pháp, trừ khử ngủ nghỉ, thường tự cảnh tỉnh, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ năm.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không học toán thuật, cũng không khuyến khích người khác học, thích chỗ yên tĩnh, tu tập pháp, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ sáu.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khởi tưởng tất cả thế gian không đáng ưa thích, tập hạnh thiền, kham nhẫn pháp giáo, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ bảy.

“Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, hoà thuận với nhau, Ma không thể tùy tiện.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này:

Trừ bỏ mọi nghiệp đời,
Không tư duy loạn tưởng.
Nếu không hành như vậy,
Không thể được tam-muội.

Người hay ưa thích phap;
Phân biệt nghĩa pháp ấy;
Tỳ-kheo ưa hạnh này,
Sẽ dẫn đến tam-muội.

“Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.