KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

TÁM PHÁP

42. PHẨM TÁM NẠN

2. KINH SỐ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Đôc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ:

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có tám địa ngục lớn. Những gì là tám? Một địa ngục Hoàn họat, hai địa ngục Hắc thằng, ba địa ngục Đẳng hại, bốn địa ngục Thế khốc, năm địa ngục Đại thế khốc, sáu địa ngục A-tỳ, bảy địa ngục Viêm, tám địa ngục Đại viêm.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Hoàn họat và Hắc thằng,
Đẳng hại và Thế khốc
Ngũ nghịch ngục A-tỳ
Địa ngục Viêm, Đại viêm.

Đó là tám địa ngục
Trong ấy không thể ở
Đều do gốc hạnh ác
Mười sáu lớp ngăn quanh.

Còn trên ngục sắt kia
Bị lửa thường thiêu đốt;
Tràn ngập một do tuần,
Lửa cháy dậy hừng hực.

Bốn thành bốn cửa ngõ
Ở trong rất bằng phẳng
Lại dùng sắt làm thành
Ván sắt che trên đó.

“Đây là do duyên tội báo chúng sanh, khiến chúng sanh kia chịu khổ vô cùng, máu thịt tiêu hết, chỉ còn có xương.

“Vì những duyên cớ gì gọi là địa ngục Hoàn hoạt? Những chúng sanh kia thân hình thẳng đơ, không cử động, bị khổ bức bách không thể di chuyển, thân thể không còn máu thịt. Lúc đó, chúng sanh nói với nhau: ‘Chúng sanh sống lại!’ Khi ấy, chúng sanh kia tức thì sống lại. Do nhân duyên này nên gọi là địa ngục Hoàn hoạt.

“Lại vì nhân gì mà gọi là địa ngục Hắc thằng? Vì chúng sanh kia hình thể gân, mạch, đều hoá thành dây, để cưa vào thân. Cho nên gọi là địa ngục Hắc thằng.

“Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đẳng hại? Lúc ấy, chúng sanh kia tụ tập lại một chỗ, đã chém đầu mà giây lát sống trở lại. Vì nhân duyên này gọi là địa ngục Đẳng hại.

“Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Thế khốc? Chúng sanh kia đã đoạn mất căn lành, không còn sót chút lông tóc, ở trong địa ngục kia chịu vô số khổ não, ở đó kêu gào oán hận, tiếng kêu không dứt. Vì nhân duyên này nên gọi là địa ngục Thế khốc.

“Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại thế khốc? Chúng sanh kia ở trong địa ngục chịu vô lượng khổ sở, không thể tính hết. Ở trong đó kêu gào, đấm ngực, tự tát vào mặt, đồng thanh gào thét. Vì nhân duyên này gọi là địa ngục Đại thế khốc.

“Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục A-tỳ? Các loài chúng sanh giết hại cha mẹ, phá hoại tháp Phật, gây đấu loạn chúng Tăng, hành theo tà kiến điên đảo, tương ưng với tà kiến, không thể chữa trị. Vì vậy cho nên gọi là địa ngục A-tỳ.

“Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Viêm? Các loài chúng sanh trong địa ngục kia, thân thể bốc khói, thảy đều tan rã. Cho nên gọi lả địa ngục Viêm.

“Lại vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại viêm? Các chúng sanh trong địa ngục này đều không thấy sót lại cái gì của tội nhân. Cho nên gọi là địa ngục Đại viêm.

“Tỳ-kheo, đó là vì nhân duyên này mà gọi tên tám địa ngục lớn. Mỗi một địa ngục có mười sáu ngục nhỏ. Tên chúng là địa ngục Ưu-bát, địa ngục Bát-đầu, địa ngục Câu-mâu-đầu, địa ngục Phân-đà-lợi, địa ngục Vị-tằng-hữu, địa ngục Vĩnh vô, địa ngục Ngu hoặc, địa ngục Súc tụ, địa ngục Đao sơn, địa ngục Thang hỏa, địa ngục Hỏa sơn, địa ngục Khôi hà, địa ngục Kinh cức, địa ngục Phất thỉ, địa ngục Kiếm thọ, địa ngục Nhiệt thiết hòan.

Như vậy, mười sáu ngục nhỏ này không thể ước tính hết, khiến chúng sanh kia sinh trong địa ngục. Hoặc có chúng sanh phá huỷ chánh kiến, phỉ báng Chánh pháp mà tránh xa, sau khi mạng chung sẽ sinh vào trong địa ngục Hoàn họat.

“Những chúng sanh nào ham thích sát sinh, sẽ sinh vào trong địa ngục Hắc thằng.

“Những chúng sanh giết mổ bò, dê và các loại khác, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đẳng hại.

“Những chúng sanh lấy của không cho, ăn trộm vật của người khác, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Thế khốc.

“Những chúng sanh thích dâm dật, lại nói dối, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đại thế khốc.

“Những sanh giết hại cha mẹ, phá hoại chùa tháp, gây đấu lọan Thánh chúng, phỉ báng Thánh nhân, hành theo tà kiến điên đảo, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục A-tỳ.

“Những chúng sanh nghe lời ở đây truyền đến nơi kia, nghe nơi kia truyền đến nơi này, cầu người phương tiện, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Viêm.

“Lại có chúng sanh gây lọan hai bên, tham lam của người, khởi tâm ganh tị, trong lòng nghi kỵ, sau khi mạng chung sinh vào trong địa ngục Đại viêm.

“Nếu có chúng sanh tạo các tạp nghiệp, sau khi mạng chung sinh vào mười sáu địa ngục nhỏ đó. Bấy giờ, ngục tốt hành hạ chúng sanh kia khổ sở khôn lường, hoặc bị chặt tay, hoặc chặt chân, hoặc chặt tay chân, hoặc xẻo mũi, hoặc cắt tai mũi, hoặc lấy gỗ ván ép lên, hoặc lấy cỏ nhét vào bụng, hoặc lấy tóc treo ngược, hoặc lột da, hoặc cắt thịt, hoặc xẻ làm hai phần, hoặc may dính trở lại, hoặc xẻ làm năm, hoặc dùng lửa nướng một bên, hoặc rưới nước sắt nóng chảy lên, hoặc phanh thây làm năm, hoặc kéo dài thân, hoặc dùng búa bén chặt đầu mà giây lát sống trở lại, chỉ khi nào những tội đã tạo ra ở nhơn gian trả hết, sau đó mới ra khỏi.

“Bấy giờ, ngục tốt bắt chúng sanh kia dùng chuỳ lớn đập nát thân thể nó, hoặc róc xương gân. Lại rượt đuổi cho lên cây kiếm, rồi lại rượt đuổi cho xuống, rồi sau đó có chim mỏ sắt đến mổ; lại bắt trói chặt năm chi, không được động đậy; lại đem bỏ vào trong vạc nước sôi lớn, dùng thêm chỉa sắt hại thân, khi gió thổi qua, thân kia sống lại như cũ. Lúc ấy, ngục tốt lại bắt chúng sanh lên núi đao, núi lửa, không cho dừng nghỉ. Ở trong đó chịu khổ không thể nào nói hết, chỉ khi nào những tội đã tạo ra ở nhơn gian trả hết, sau đó mới ra khỏi.

“Bấy giờ, người có tội không chịu nổi đau khổ, lại tìm vào trong địa ngục tro nóng chịu vô lượng khổ đau. Từ trong đó ra, lại vào trong địa ngục gai nhọn chích ngược, ở trong ấy gió thổi đến đau đớn không thể tả. Từ trong đó ra, lại vào trong địa ngục phẩn nóng. Trong địa ngục phẩn nóng lúc ấy, có loại trùng nhỏ xíu ăn xương thịt nó. Khi ấy, chúng sanh không kham chịu khổ đau, lại dời đến địa ngục cây kiếm, thân thể thương tổn, đau không thể chịu đựng nổi.

“Khi ấy, ngục tốt bảo với chúng sanh kia: ‘Các ngươi từ đâu đến?’ Tội nhân đáp: ‘Bọn chúng tôi cũng không biết là từ đâu lại?’ Lại hỏi: ‘Sẻ đi về đâu?’ Đáp: ‘Cũng lại không biết đến chỗ nào.’ Lại hỏi: ‘Muốn gì?’ Đáp: ‘Chúng tôi đói khát quá.’ Ngục tốt liền lấy viên sắt nóng bỏ vào miệng tội nhân, thiêu chín thân thể, đau đớn không thể chịu nổi. Chỉ khi nào trả hết những tội trước kia đã tạo ra, sau đó mới mạng chung. Lúc ấy, tội nhân lại trải qua bao nhiêu địa ngục, ở trong đó chịu khổ hàng ngàn vạn năm, sau đó mới ra.”

“Tỳ-kheo, nên biết, bấy giờ vua Diêm-la tự nghĩ: ‘Những chúng sanh nào mà thân, miệng, ý hành ác, phải chịu hết những tội như vậy. Những chúng sanh mà thân, miệng, ý hành thiện, những người như vậy đều sẽ sinh về trời Quang âm.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Người ngu thường nhởn nhơ
Như trời Quang âm kia.
Người trí thường lo sợ
Giống như ở địa ngục.

“Bấy giờ, này Tỳ kheo, giáo lệnh của vua Diêm-la được nghe: ‘Ước mong ngày nào ta diệt hết những tội đã tạo ra xưa kia, để mạng chung ở đây, được thọ hình người, sinh ở trung tâm đất nước, theo thiện tri thức, cùng gặp cha mẹ dốc lòng tin Phật pháp, được xuất gia học đạo ở trong chúng Như Lai, ngay trong đời hiện tại mà dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu. Nay ta nói lại lần nữa với các ngươi, hãy cố gắng dụng tâm để lìa xa tám nạn, được sanh tại trung tâm đất nước, gặp được thiện tri thức, được tu phạm hạnh, được thành chánh quả như ước nguyện.”

“Này các Tỳ-kheo, thiện nam, thiện nữ nào muốn lìa tám địa ngục lớn và mười sáu ngục nhỏ, phải tìm cầu phương tiện tu tám chánh đạo.

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.