KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
TÁM PHÁP
42. PHẨM TÁM NẠN
3. KINH SỐ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở trong vườn Nại thị, thành Tỳ-xá-ly, cùng năm trăm Tỳ-kheo, lần hồi đi du hoá trong nhân gian.
Lúc ấy, Thế Tôn quay lại nhìn thành Tỳ-xá-ly rồi nói bài kệ này:
Nay ngắm Tỳ-xá-ly
Sau không ngắm lại nữa
Cũng không vào lại nữa
Nơi đó, sẽ từ biệt.
Lúc ấy, nhân dân trong thành Tỳ-xá-ly nghe bài kệ này, trong lòng sầu ưu, đi theo sau Thế Tôn, ai ai cũng đều rơi lệ, nói với nhau:
“Không bao lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ, thế gian sẽ mất ánh sáng.”
Thế Tôn bảo:
“Thôi, thôi! Các người chớ ôm lòng sầu ưu. Vật phải chịu hủy hoại mà muốn nó không bị hủy hoại, không hề có lý này. Trước đây, Ta đã có nói, do bốn sự mà được tác chứng. Ta cũng đã dạy cho chúng bốn bộ bốn sự này. Những gì là bốn? Tất cả hành là vô thường, đó gọi là pháp thứ nhất. Tất cả hành là khổ, đó gọi là pháp thứ hai. Tất cả hành vô ngã, đó gọi là pháp thứ ba, Niết-bàn là diệt tận, đó là pháp thứ tư. Như vậy, không bao lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ. Các ngươi nên biết gốc bốn pháp này, hãy giải giảng ý nghĩa đó cho khắp tất cả chúng sanh.”
Bấy giờ, Như Lai muốn cho nhân dân thành Tỳ-xá-ly quay trở về, liền hoá ra một hố lớn. Như Lai đưa các Tỳ-kheo sang bờ kia. Nhân dân nước ấy ở lại bên bờ này. Rồi Thế Tôn ném bát của mình lên hư không cho nhân dân ấy, lại nói rằng:
“Các người khéo cúng dường bát này. Cũng nên cúng dường pháp sư tài giỏi thì mãi mãi sẽ được phước vô lượng.”
Sau khi cho họ bát mình rồi, Thế Tôn liền đến nước Câu-thi-na-kiệt.
Lúc ấy, hơn năm trăm người Lực sĩ ở nước Câu-thi-na-kiệt tập hợp lại một chỗ, bàn luận với nhau:
“Chúng ta cùng nhau làm việc kỳ lạ để sau khi mạng chung, vang danh cùng khắp, con cháu cùng truyền: ‘Ngày xưa, các Lực sĩ Câu-thi-na-kiệt có sức mạnh không ai bì.’”
Sau đó, họ lại nghĩ: “Nên làm công đức gì?”
Bấy giờ, cách nước Câu-thi-na-kiệt không xa có tảng đá vuông lớn, dài một trăm hai mươi bộ, rộng sáu mươi bộ. “Chúng ta hãy dựng đứng nó lên.” Họ dùng hết sức lực để dựng nó, nhưng không thể dựng được. Không lay động nổi, huống gì là nâng lên.
Lúc đó, Thế Tôn liền đi đến chỗ họ, nói rằng:
“Các đống tử, các cậu muốn làm gì?”
Các đồng tử bạch Phật:
“Vừa rồi, chúng con có bàn như vầy: ‘Chúng ta sẽ dời tảng đá này đi, để được vang danh đời đời. Thi công từ đó đến nay đã bảy ngày, nhưng không thể làm cho tảng đá này chuyển động.’”
Phật bảo các đồng tử:
“Các cậu có muốn Như Lai dựng tảng đá này đứng dậy không?”
Các đồng tử đáp:
“Nay chính là lúc thích hợp, cúi xin Thế Tôn đặt lại tảng đá này.”
Khi ấy, Thế Tôn liền dùng bàn tay phải nâng khối đá này đặt lên bàn tay trái, rồi ném lên hư không. Tảng đá ấy lên đến Phạm thiên.
Lúc ấy, các người Lực sĩ Câu-thi-na-kiệt không thấy tảng đá nữa, bèn bạch Thế Tôn:
“Nay tảng đá đi đâu? Giờ tất cả chúng con đều không thấy.”
Thế Tôn bảo:
“Tảng đá đã lên đên Phạm thiên.”
Các đồng tử bạch Phật:
“Khi nào tảng đá này sẽ trở lại trên Diêm-phù-lợi-địa?”
Thế Tôn bảo:
“Nay ta sẽ đưa ra ví dụ. Người trí nhờ thí dụ sẽ tự hiểu. Nếu có người lên đến Phạm thiên, cầm tảng đá này ném xuống cõi Diêm-phù-địa, thì mười hai năm mới đến. Nhưng nay do cảm ứng oai thần Như Lai, nó sẽ trở lại ngay bây giờ.”
Sau khi Như Lai nói lời này xong, giây lát tảng đá rơi trở lại. Giữa hư không mưa xuống hàng trăm loại hoa trời. Bấy giờ, hơn năm trăm các đồng tử kia, từ xa nhìn thấy tảng đá rơi xuống, mọi người đều chạy tán loạn, không ai đứng yên chỗ cũ.
Phật bảo các đồng tử:
“Chớ có sợ hãi. Như Lai biết lúc nào thích hợp.”
Khi ấy, Thế Tôn duỗi tay trái, từ xa đón tảng đá ấy đặt vào bàn tay phải, rồi dựng đứng nó lên. Lúc ấy, ba ngàn đại thiên thế giới chấn động sáu cách, các trời thần diệu giữa hư không rãi các loại hoa sen ưu-bát. Lúc ấy, năm trăm đồng tử đều khen là thật kỳ lạ, hiếm có, oai thần của Như Lai thật không gì có thể sánh kịp. Tảng đá này dài một trăm hai mươi bộ, rộng sáu mươi bộ, mà Như Lai có thể dùng một tay để đặt để nó.
Năm trăm đồng tử bèn bạch Phật rằng:
“Như Lai dùng lực gì để dời tảng đá này? Dùng sức thần túc, hay dùng sức trí tuệ để đặt lại tảng đá này?”
Phật bảo các đồng tử:
“Ta không dùng sức thần túc, cũng không dùng sức trí tuệ. Nay Ta dùng sức cha mẹ cho để đặt lại tảng đá này.”
Các đồng tử bạch Phật:
“Không rõ Như Lai dùng sức cha mẹ, là nghĩa thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Nay Ta sẽ đưa ra một thí dụ. Người trí nhờ thí dụ sẽ tự hiểu. Các đồng tử, sức mười con lạc đà không bằng sức của một con voi thường. Lại nữa, sức mười con lạc đà và một con voi thường không bằng sức của một con voi Ca-la-lặc. Lại nữa, sức của mười con lạc đà, một con voi thường và sức voi Ca-la-lặc không bằng sức của một con voi Cưu-đà-diên. Giả sử ngay sức mười con lạc đà, một con voi thường cho đến sức con voi Cưu-đà-diên không bằng sức của một con voi Bà-ma-na. Lại tính sức con voi này không bằng sức một con voi Ca-nê-lưu. Lại tính hết sức những con voi trên lại không bằng sức một con voi Ưu-bát. Lại tính sức bao nhiêu voi trên lại không bằng sức một con voi Câu-mâu-đà. Lại gom bao nhiêu sức các voi trên, lại không bằng sức một con voi Phân-đà-lợi. Lại gom tính hết những con voi trên đó, lại không bằng sức một con Hương tượng. Lại tính hết sức những con trên gộp lại không bằng sức một con Ma-ha-na-cực. Lại tính gom tất cả sức lực trên, lại không bằng sức một vị Na-la-diên. Lại tính gộp tất cả sức trên cũng không bằng sức một Chuyển luân Thánh vương. Lại tính tất cả sức trên hợp lại cũng không bằng sức một vị A-duy-việt-trí. Lại tính gộp tất cả sức trên lại cũng không bằng sức của một vị Bồ-tát bổ xứ. Lại gộp tất cả sức trên lại cũng không bằng sức của một vị Bồ-tát ngồi dưới bóng cây Đạo thọ. Lại gộp tất cả sức trên lại cũng không bằng sức của thân thể cha mẹ di truyền của Như Lai. Nay Ta đã dùng sức ấy để đăt lại tảng đá này.”
Lúc ấy, năm trăm đồng tử lại bạch Thế Tôn:
“Lực thần túc của Như Lai thì thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Trước đây Ta có đệ tử tên Mục-kiền-liên có thần túc bậc nhất. Lúc ấy, Ta cùng vị ấy du hoá ở trong thôn Trúc viên Tỳ-la-nhã. Lúc ấy, trong nước này đang đói kém, nhân dân ăn thịt lẫn nhau, xương trắng đầy đường. Người xuất gia học đạo khất thực khó được. Thánh chúng gầy ốm, sức lực hư cạn. Lại nữa, nhân dân trong làng đều đói khát, lại cũng không nơi nương cậy. Mục-kiền-liên, bấy giờ đến chỗ Ta bạch với Ta: ‘Nay Tỳ-la-nhã này rất là đói kém, không nơi nào khất thực được. Nhân dân khốn khổ, không còn đường sống. Con tự thân nghe từ Như Lai những lời dạy này: phần dưới đất này có chất béo đất rất thơm ngon. Cúi xin Thế Tôn cho phép đệ tử lật lớp béo đất này lên trên để nhân dân này có được thứ ăn và khiến Thánh chúng cũng được khí lực sung mãn.’ Khi ấy, Ta bảo Mục-liên: ‘Các côn trùng mềm yếu trong đất sẽ được để ở đâu?’ Mục-liên bạch: ‘Một tay con sẽ hoá ra giống như đất này, và một tay sẽ lật ngược lớp mỡ đất này, khiến những côn trùng mềm yếu đều ở yên tại chỗ của chúng.’ Bấy giờ, Ta lại bảo Mục-liên: ‘Ông muốn lật đất này lên bằng tâm thức gì?’ Mục-liên bạch: ‘Nay con lật đất này lên giống như người lực sĩ lật một lá cây, không có gì khó khăn.’ Lúc ấy, Ta lại bảo Mục-liên: ‘Thôi, thôi, Mục-liên! Không cần lật đất mỡ này. Vì sao vậy? Chúng sanh thấy việc này, sẽ sinh lòng sợ hãi, lông tóc đều dựng đứng, tháp miếu của chư Phật cũng sẽ bị hư hoại.’ Mục-liên lại bạch với Phật: ‘Cúi xin Thế Tôn cho phép Thánh chúng đến Uất-đan-viết khất thực.’ Phật bảo Mục-liên: ‘Trong đại chúng này, những người không có thần túc sẽ làm sao đến đó khất thực?’ Mục-liên bạch Phật: ‘Những người không có thần túc, con sẽ đưa đến đất ấy.’ Phật bảo Mục-liên: ‘Thôi, thôi, Mục-liên! Thánh chúng cần gì phải đến đó khất thực? Vì sao vậy? Đời tương lai cũng sẽ có lúc đói kém như vậy, khất cầu khó được, người không nhan sắc. Lúc ấy các trưởng giả bà-la-môn sẽ nói với Tỳ-kheo: ‘Sao các ông không đến Uất-đan-việt khất thực? Ngày xưa các đệ tử họ Thích có thần túc, gặp lúc đói kém, đều cùng nhau đến Uất-đan-việt khất thực để tự nuôi sống. Ngày nay đệ tử Thích ca không có thần túc, cũng không có hành vi oai thần của Sa-môn.’ Rồi coi thường Tỳ-kheo, khiến cho các cư sĩ trưởng giả kia đều sinh tâm kiêu mạn, mắc vô lượng tội. Mục-kiền-liên, nên biết, vì nhân duyên này, các chúng Tỳ-kheo không nên đến hết đó khất thực.’
“Các đồng tử, nên biết, thần túc của Mục-liên có oai đức của nó như vậy. Tính sức thần túc của Mục-liên tràn khắp ba ngàn đại thiên thế giới, không có một khe hở, nhưng không bằng một phàn hàng trăm, ngàn, ức, vạn lần sức thần túc của Thế Tôn; không thể dùng thí dụ để so sánh. Thần túc của Như Lai, oai đức không thể đo lường được.”
Các đồng tử bạch Phật:
“Sức trí huệ của Như Lai thì thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Trước đây, ta cũng có đệ tử tên Xá-lợi-phất là bậc nhất trong hàng có trí huệ. Như một biển lớn dài rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, nước đầy trong đó. Lại có núi Tu-di cao tám vạn bốn ngàn do tuần, chìm vào nước cũng như vậy. Diêm-phù-lý-địa, nam đến bắc là hai vạn một ngàn do tuần; đông sang ttây là bảy ngàn do tuần. Nay lấy chúng để so sánh. Dùng nước trong bốn biển lớn làm mực; lấy núi Tu-di làm giấy; lấy cỏ cây hiện có Diêm-phù-địa làm bút; lại khiến người trong cả ba ngàn đại thiên thế giới đều viết, để tả hành nghiệp trí huệ của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Song, các đồng tử nên biết, nước mực trong bốn biển lớn cạn, bút hết, người dần dần mạng chung, cũng không thể khiến trí huệ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất cạn kiệt hết. Cũng vậy, các đồng tử, trong các đệ tử của ta, trí tuệ bậc nhất không ai vượt hơn trí huệ Xá-lợi-phất. Tính trí huệ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có thể biến khắp ba ngàn đại thiên thế giới không có một khe hở, nhưng muốn so với trí huệ của Như Lai thì gấp trăm, nghìn, ức, vạn lần, không thể thí dụ đề so sánh. Sức trí huệ Như Lai chúng là như vậy.”
Các đồng lại bạch Phật:
“Còn có sức nào hơn các sức này không?”
Thế Tôn bảo:
“Cũng có sức này vượt trên các sức này. Đó là gì? đó chính là sức mạnh của vô thường. Nửa đêm hôm nay, Như Lai ở giữa song thọ, bị lực vô thường dắt đến diệt độ.”
Lúc ấy, các đồng đều cùng rơi lệ than:
“Như Lai diệt độ sao chóng vậy! Thế gian sắp mất con mắt!”
Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Quân-trà-la Hệ Đầu là con gái trưởng giả Bà-la-đà. Tỳ-kheo-ni này tự nghĩ: “Ta nghe Thế Tôn không bao lâu nữa sẽ diệt độ, song số ngày đã hết. Giờ ta phải đến chỗ Thế Tôn để hầu thăm.” Tỳ-kheo ni này ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến chỗ Thế Tôn. Từ xa, bà trông thấy Như Lai dẫn các Tỳ-kheo và năm trăm đồng tử đang đi đến rừng Song thọ. Khi ấy, Tỳ-kheo ni đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:
“Con nghe Thế Tôn sắp diệt độ, không còn ở đời bao lâu.”
Thế Tôn nói:
“Đúng vào nửa đêm hôm nay Như Lai sẽ diệt độ.”
Tỳ-kheo-ni bạch Phật:
“Nay con xuất gia học đạo, lại không kết quả như sở nguyện mà Thế Tôn đã bỏ con diệt độ. Cúi xin Thế Tôn nói pháp vi diệu cho con được như sở nguyện.”
Thế Tôn bảo:
“Nay cô hãy tư duy về nguồn gốc của khổ.”
Tỳ-kheo ni lại bạch Phật:
“Thật khổ, bạch Thế Tôn! Thật khổ, bạch Như Lai!”
Thế Tôn bảo:
“ Cô quán sát ý nghĩa gì mà nói là khổ?”
Tỳ-kheo ni bạch Phật rằng:
“Sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ, sầu bi não khổ, oán tắng hội khổ, ân ái biệt ly khổ. Tóm lại mà nói năm thủ uẩn là khổ. Bạch Thế Tôn, con đã quán nghĩa này như vậy, cho nên bảo là khổ.”
Tỳ-kheo-ni sau khi tư duy nghĩa này, liền ngay ở trên chỗ ngồi đạt được ba đạt trí. Lúc ấy, Tỳ-kheo ni bạch Phật:
“Con không thể kham thấy Thế Tôn diệt độ. Cúi xin cho phép con diệt độ trước.”
Lúc ấy, Thế Tôn im lặng chấp nhận.
Tỳ-kheo ni liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, ở trước Phật, thân bay lên hư không, làm mười tám phép biến hoá, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc kinh hành, thân phát ra khói lửa, vọt lên hạ xuống tự do không có gì trở ngại, hoặc phun ra nước lửa đầy khắp hư không. Sau khi biến hoá đủ cách như vậy rồi, liền ở trong Niết-bàn giới vô dư mà diệt độ. Ngay lúc bà diệt độ, tám vạn thiên tử được mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Trong các Thanh văn của Ta, Tỳ-kheo ni có trí huệ nhanh nhạy đứng đầu chính là Tỳ-kheo-ni Quân-trà-la.”
Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
“Ngươi đến giữa song thọ trải chỗ nằm cho Như Lai.”
Đáp:
“Thưa vâng, Thế Tôn!”
Theo lời Phật dạy, A-nan đến giữa song thọ, trải tòa cho Như Lai, rồi trở về chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:
“Con đã trải tòa xong, đầu về hướng bắc. Cúi xin Thế Tôn biết thời.”
Thế Tôn liền đến giữa song thọ, vào chỗ đã trải tòa sẵn. Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
“Vì có nhân duyên Như Lai bảo trải chỗ nằm xoay đầu về hướng bắc?”
Phật bảo A-nan:
“Sau khi ta diệt độ, Phật pháp sẽ ở Bắc Thiên-trúc. Vì nhân duyên này nên khiến trải tòa hướng bắc.”
Lúc ấy, Thế Tôn phân biệt ba y.
A-nan bạch Phật:
“Vì sao hôm nay Như Lai phân biệt ba y?”
Phật bảo A-nan:
“Ta vì đàn-việt thí chủ trong đời tương lai nên phân biệt y này. Vì muốn cho những người kia hưởng phước này nên ta phân biệt y như vậy.”
Bấy giờ, trong chốc lát, từ miệng Thế Tôn phát ra ánh sáng năm màu, chiếu khắp mọi nơi. Lúc ấy, A-nan lại bạch Phật:
“Vì nhân duyên gì hôm nay từ miệng của Như Lai phát ra ánh sáng năm màu?”
Thế Tôn bảo:
“Vừa rồi, Ta nghĩ như vầy: ‘Khi chưa thành đạo, ở trong địa ngục lâu dài, nuốt hòn sắt nóng, hoặc ăn cây cỏ để nuôi thân tứ đại; hoặc làm la, lừa, lạc đà, voi, ngựa, heo, dê, hoặc làm ngạ quỷ nuôi bốn đại; hoặc sinh làm thân người, mang hình chịu nạn thọ thai, hoặc hưởng phước trời ăn cam lồ tự nhiên. Nay Ta đã thành Như Lai, dùng căn lực ngộ đạo mà thành thân Như Lai. Vì nhân duyên này nên miệng phát ra ánh sáng năm màu.”
Một lát sau, từ miệng Như Lai lại phát ra ánh sáng vi diệu hơn ánh sáng trước. Lúc ấy, A-nan bạch Thế Tôn:
“Vì nhân duyên gì Như Lai lại phát ra ánh sáng hơn ánh sáng trước?”
Thế Tôn bảo:
“Vừa rồi Ta tự nghĩ: ‘Chư Phật Thế Tôn trong quá khứ khi diệt độ thì pháp để lại không tồn tại lâu dài trên đời.’ Ta suy nghĩ lại: ‘Bằng phương tiện nào để pháp của ta tồn tại lâu dài ở đời?’ Thân Như Lai là thân kim cang, ý muốn nghiền nát thân này như hạt cải cho lưu bố trên thế gian, khiến những đàn-việt có lòng tin đời tương lai, tuy không thấy hình tượng Như Lai, nhưng chọn lấy đó cúng dường, nhờ duyên phước lành này sẽ sinh vào nhà bốn giai cấp, nhà Tứ thiên vương, trời Tam thập tam, trời Diệm-ma, trời Đâu-thuật, trời Hoá tự tại, trời Tha hoá tự tại. Nhờ phước lành này mà sanh vào cõi dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, hoặc lại đắc đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật hoặc thành Phật đạo. Vì nhân duyên này nên phát ra ánh sáng này như vậy.”
Lúc ấy, Thế Tôn tự thân gấp tăng-già-lê thành bốn lớp, nằm nghiêng qua hông phải, hai bàn chân chồng lên nhau. Lúc ấy, tôn giả A-nan thương khóc rơi nước mắt, không thể tự chế, lại tự trách mình chưa được thành đạo, còn bị kết sử trói buộc, mà nay Thế Tôn đã bỏ mình diệt độ, sẽ nương tựa vào ai?
Lúc ấy, Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo A-nan đang ở đâu?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Tỳ-kheo A-nan đang ở sau giường Như Lai, buồn khóc rơi lệ, không thể tự chế, lại tự trách đã không thành Đạo, lại chưa dứt sạch kết sử, mà nay Thế Tôn đã bỏ mình Niết-bàn.”
Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
“Thôi! Thôi! A-nan, chớ có sầu ưu. Phàm vật ở đời đáng phải tan rã, muốn cho không biến đổi thì việc này không thể, cần nỗ lực tinh tấn nhớ tu tập chánh pháp, như vậy không bao lâu cũng sẽ hết gốc khổ, thành hạnh vô lậu. Thời quá khứ, các Như Lai Chánh đẳng Chánh giác cũng có thị giả như vậy. Giả sử hằng sa chư Phật trong tương lai cũng sẽ có thị giả như Tỳ-kheo A-nan.
“Chuyển luân Thánh vương có bốn pháp hiếm có. Sao gọi là bốn? Ở đây, khi Chuyển luân Thánh vương đi ra khỏi nước, nhân dân thấy, không một ai không vui vẻ. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương có dạy điều gì thì những ai nghe không một ai không vui mừng, nghe những lời dạy này không biết chán. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương im lặng. Giả sử người dân thấy vua im lặng thì cũng lại hoan hỷ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là bốn Pháp hiếm có của Chuyển luân Thánh vương.
“Tỳ-kheo, nên biết, nay A-nan cũng có bốn pháp hiếm có. Sao gọi là bốn? Giả sử Tỳ-kheo A-nan im lặng đến giữa đại chúng, nếu có ai thấy, không ai không vui vẻ. Giả sử Tỳ-kheo A-nan có nói điều gì; ai nghe những lời này cũng đều vui vẻ. Giả sử A-nan im lặng thì cũng như vậy. Nếu Tỳ-kheo A-nan đi vào trong bốn chúng như sát-lợi, bà-la-môn, quốc vương, cư sĩ, họ đều vui vẻ, sinh lòng cung kính, nhìn mà không biết chán. Giả sử Tỳ-kheo A-nan có nói những điều gì thì người nghe dạy pháp cũng nghe không biết chán. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là bốn pháp hiếm có của Tỳ-kheo A-nan.”
Lúc ấy, A-nan bạch Thế Tôn:
“Nên giao thiệp với người nữ như thế nào, khi mà đến giờ Tỳ-kheo đắp y, cầm bát, khất thực từng nhà nhà để tạo phước cho chúng sanh?”
Phật bảo A-nan:
“Chớ có nhìn họ. Nếu có nhìn thì chớ có nói chuyện. Nếu nói chuyện thì phải chuyên tâm ý.”
Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:
Chớ giao du người nữ;
Cũng chớ có trò chuyện.
Ai có thể xa lìa,
Thì tránh được tám nạn.
“Nên đối xử với Tỳ-kheo Xa-na như thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Cần phải trừng phạt bằng pháp phạm-đàn.”
A-nan bạch Phật:
“Trừng phạt bằng pháp phạm-đàn là thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Không được nói chuyện gì cùng Tỳ-kheo Xa-na, không nói điều tốt, cũng không nói xấu. Tỳ-kheo này cũng không được nói chuyện gì với ông.”
A-nan bạch Phật:
“Nếu tỳ kheo ấy vẫn không chịu phục tùng, tội ấy há không nặng thêm sao?”
Thế Tôn bảo:
“Chỉ không nói chuyện tức là trừng phạt bằng phạm-đàn. Nhưng nếu vẫn không sửa đổi, cần phải đưa ra giữa chúng để mọi người cùng quyết định trục xuất, không cho thuyết giới chung, cũng không được tham dự pháp hội.”
Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:
Muốn trả lại oán thù,
Cho kẻ oán gia kia,
Thường nhớ chớ nói chuyện;
Ác này không đi quá.
Lúc ấy, nhân dân Câu-thi-na-kiệt nghe Như Lai sắp diệt độ vào nửa đêm nay. Lúc này nhơn dân cả nước liền đi đến rừng Song thọ. Đến rồi, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, nhân dân bạch Thế Tôn:
“Nay nghe Như Lai sắp diệt độ, chúng con phải làm gì để biểu lộ sự tôn kính?”
Lúc ấy, Thế Tôn quay lại nhìn A-nan. A-nan liền tự nghĩ: “Hôm nay thân thể Như Lai mệt mỏi, muốn sai ta chỉ bày cách thức cho họ.”
Rồi A-nan quỳ gối phải sát đất chấp tay bạch Thế Tôn:
“Hôm nay có hai dòng họ, một tên là Bà-a-đà, một tên là Tu-bạt-đà đến quy y Như Lai Thánh chúng. Cúi xin Thế Tôn cho phép họ làm Ưu-bà-tắc, từ đây về sau không sát sanh nữa.
Lại có người tên Đế-xa, người thứ hai tên Ưu-ba-đế-xa. Lại có người tên Phật-xá, người thứ hai tên Kê-đầu. Những người này đều đến quy y Như Lai. Cúi xin Thế Tôn nhận họ làm Ưu-bà-tắc, từ nay về sau không sát sanh nữa, vâng giữ năm giới.
Lúc ấy, Thế Tôn thuyết pháp rộng rãi cho họ. Sau đó bảo họ trở về. Bấy giờ, chúng năm trăm người Ma-la liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi. Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
“Những đệ tử chứng ngộ cuối cùng của Ta chính là năm trăm Ma-la ở Câu-thi-na-kiệt.
Bấy giờ, bà-la-môn Tu-bạt từ nước kia đi đến Câu-thi-na-kiệt. Từ xa trông thấy năm trăm người này, liền hỏi:
“Các vị từ đâu đến?”
Năm trăm người đáp:
“ Tu-bạt, nên biết, hôm nay Như Lai sẽ diệt độ giữa cây song thọ.”
Lúc ấy, Tu-bạt liền tự nghĩ:
“Như Lai xuất hiện ở đời, rất là khó gặp. Sự xuất thế của Như Lai lâu lâu mới có. Như hoa ưu-đàm-bát, ức kiếp mới xuất hiện. Nay ta có những pháp chưa được thông tỏ, còn ít nhiều hồ nghi. Chỉ có Sa-môn Cù-đàm kia có thể giải thích hồ nghi cho ta. Nay ta hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm kia mà hỏi nghĩa này.”
Rồi bà-la-môn Tu-bạt đến chỗ Song thọ, đến chỗ A-nan, thưa A-nan:
“Tôi nghe hôm nay Thế Tôn sẽ diệt độ; không biết có thật vậy không?”
A-nan đáp:
“Thật có việc này”
Tu-bạt bạch:
“Song hôm nay tôi còn có hồ nghi. Cúi xin cho phép tôi bạch Thế Tôn lời này: Mọi người không rõ những điều Lục sư nói. Tôi có thể biết những điều Sa-môn Cù-đàm nói chăng?”
A-nan nói:
“Thôi! Thôi! Tu-bạt, chớ có quấy nhiễu Như Lai!”
Ba lần như vậy. Ông lại thưa với A-nan:
“Như Lai xuất thế rất là khó gặp. Như hoa Ưu-đàm-bát, lâu lâu mới có. Như Lai cũng vậy, lâu lâu mới xuất hiện. Nay tôi xét thấy Như Lai có khả năng giải thích những hồ nghi cho tôi. Nay, ý nghĩa mà tôi muốn hỏi, thật không đủ lời để nói. Bây giờ A-nan lại không cho tôi đến thưa hỏi Thế Tôn. Lại nghe Như Lai có thể thấy xa đến vô cùng, có thể thấy khoảng trước đến vô cực, mà hôm nay tôi vẫn không được tiếp nhận.”
Ngay khi ấy, Thế Tôn bằng thiên nhĩ, từ xa nghe Tu-bạt bàn với A-nan như vậy. Thế Tôn bảo A-nan:
“Thôi, thôi, A-nan! Chớ ngăn bà-la-môn Tu-bạt. Vì sao vậy? Ông ấy đến hỏi nghĩa, thật có nhiều lợi ích. Nếu Ta nói pháp, ông ấy sẽ được độ thoát.”
A-nan bèn bảo Tu-bạt:
“Lành thay, lành thay! Nay Như Lai đã cho phép ông vào trong hỏi pháp.”
Sau khi nghe những lời ấy rồi, Tu-bạt vui mừng hớn hở không xiết kể. Tu-bạt đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tu-bạt bạch Thế Tôn:
“Nay con có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn cho phép.”
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Tu-bạt:
“Nay chính đúng lúc, nên có thể hỏi.”
Lúc ấy, Tu-bạt bạch Phật:
“Các Sa-môn khác, thưa Cù-đàm, biết các toán thuật, hơn hẵn nhiều người. Đó là Bất-lan Ca-diếp, A-di-sủy, Cù-da-lâu, Chi-hưu Ca-chiên, Tiên-tỷ-lô-trì, Ni-kiền Tử. Những hạng Tông sư như vậy có biết việc ba đời không? Hay là không rõ? Trong Lục sư kia lại có ai hơn được Như Lai không?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo:
“Thôi, thôi, Tu-bạt! Chớ nên hỏi điều đó. Phiền gì phải hỏi có ai hơn Như Lai không? Song hôm nay Ta ngay trên chỗ ngồi này, sẽ nói pháp cho Ông. Hãy ghi nhớ kỹ.”
Tu-bạt bạch Phật:
“Nay, con sẽ hỏi nghĩa lý sâu xa. Bấy giờ là lúc thích hợp, cúi xin Thế Tôn hãy nói.”
Thế Tôn bảo:
“Lúc Ta mới học đạo, năm hai mươi chín tuổi, vì muốn độ mọi người. Cho đến năm hai mươi lăm tuổi, học ở trong ngoại đạo. Từ đó đến nay, Ta không thấy ai là Sa-môn, Bà-la-môn. Trong các đại chúng nào mà không có tám đạo Hiền thánh thì ở đó không có bốn quả Sa-môn. Này Tu-bạt, đó gọi là thế gian trống rỗng, không có ai là chân nhân đắc đạo. Rong đạo Hiền thánh nào có pháp Hiền thánh thì ở đó có bốn kết quả Sa-môn. Vì sao vậy? Sở dĩ có bốn kết quả Sa-môn là do có tám phẩm đạo Hiền thánh. Này Tu-bạt, nếu như Ta mà không đắc Đạo Vô thượng Chánh chơn, ấy là do không có tám phẩm đạo Hiền thánh. Do có tám phẩm đạo Hiền thánh nên Ta mới thành Phật đạo. Cho nên, Tu-bạt, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu đạo Hiền Thánh.”
Tu-bạt bạch Phật:
“Con cũng rất muốn ưa nghe tám phẩm đạo Hiền Thánh, cúi xin Thế Tôn giảng nói.”
Thế Tôn bảo:
“Tám đạo Hiền Thánh là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm, Chánh định. Này Tu-bạt, đó gọi là tám phẩm đạo Hiền thánh.”
Lúc ấy, Tu-bạt ngay trên chỗ ngồi đắc pháp nhãn tịnh. Bấy giờ, Tu-bạt đi đến nói với A-nan:
“Nay tôi đã được thiện lợi. Ước Thế Tôn cho phép tôi làm Sa-môn.”
A-nan đáp:
“Ông hãy tự đến chỗ Thế Tôn mà thỉnh cầu làm Sa-môn.”
Tu-bạt bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.”
Bấy giờ, Tu-bạt liền thành Sa-môn, thân mặc ba Pháp y. khi Tu-bạt ngước nhìn dung nhan Thế Tôn, liền ngay trên chỗ ngồi tâm được giải thoát khỏi hữu lậu.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
“Đệ tử cuối cùng của Ta chính là Tu-bạt.”
Lúc ấy, Tu-bạt bạch Phật:
“Con nghe, nửa đêm nay Thế Tôn sẽ Bát Niết-bàn. Cúi xin Thế Tôn cho phép con Niết-bàn trước. Con không kham chịu thấy Như Lai diệt độ trước.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng chấp nhận. Vì sao vậy? Vì đệ tử chứng ngộ cuối cùng của hằng sa chư Phật Thế Tôn quá khứ đều Bát Niết-bàn trước, sau đó Như Lai mới diệt độ. Đó là thường pháp của chư Phật Thế Tôn, chẳng phải mới ngày nay. Lúc ấy, Tu-bạt thấy Thế Tôn đã hứa khả, liền đến trước Như Lai, chánh thân chánh ý, buộc niệm trước mặt, ở trong vô dư Niết-bàn giới mà diệt độ. Lúc ấy, cõi đất này chấn động sáu cách.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Hết thảy hành vô thường.
Có sanh thì có chết.
Không sanh thì không chết.
Tịch tĩnh là an lạc.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
“Từ nay về sau hãy bảo các Tỳ-kheo, khi giao tiếp, không được gọi nhau là “bạn”, mà hãy xưng bậc lớn là “Tôn giả”, bậc nhỏ xưng là “Hiền giả”. Hãy xem nhau như anh em. Từ nay về sau không được xưng tên do cha mẹ đặt.”
Lúc ấy, A-nan bạch Thế Tôn:
“Nay, như các Tỳ-kheo phải tự xưng danh hiệu thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Tỳ-kheo nhỏ gọi Tỳ-kheo lớn là Trưởng lão. Tỳ-kheo lớn gọi Tỳ-kheo nhỏ bằng tên họ. Lại, các Tỳ-kheo muốn đặt tên thì phải y vào Tam bảo. Đó là lời dạy bảo của Ta.”
A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.