KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

MƯỜI PHÁP

48. PHẨM BẤT THIỆN

4. KINH SỐ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.

Bấy giờ số đông Tỳ kheo cùng tụ tập tại giảng đường Phổ hội. Mọi người đều có ý nghĩ này: “Thật kỳ diệu thay, hy hữu thay! Như Lai có thể phân biệt biết rõ chư Phật quá khứ đã nhập Niết-bàn, với tên hiệu như vậy, chủng tộc như vậy, sự trì giới và đệ tử tùy tùng như vậy, cùng tam-muội, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thân thọ dài ngắn, thảy đều biết rõ. Thế nào, chư Hiền, đó là do Như Lai phân biệt pháp xứ cực kỳ thanh tịnh mới biết nguồn gốc danh hệu của chư Phật chăng? Hay do chư thiên đến báo cáo cho biết điều này chăng?”

Khi ấy, bằng thiên nhĩ thông suốt, Thế Tôn nghe các Tỳ kheo đang khơi dậy đề tài này, liền đi đến chỗ các Tỳ kheo, rồi xuống ngay giữa đại chúng. Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ kheo:

“Các ông tập họp tại đây, đang bàn luận chuyện gì?”

Các Tỳ kheo bạch Phật:

“Chúng con tập họp tại đây bàn luận các đề tài Phật pháp. Mọi người đều nêu lên vấn đề như vầy, ‘Kỳ diệu thay, hy hữu thay, Như Lai có thể biết rõ chư Phật quá khứ với danh hiêu, chủng tộc như vậy; trí tuệ như vậy, cũng đều thống suốt tường tận. Thật kỳ diệu! Thế nào, này chư Hiền, đó là do sự phân biệt pháp giới của Như Lai cực kỳ thanh tịnh mới biết được nguồn gốc danh hiệu chư Phật, hay do chư Thiên đến chỗ Phật nói lại sự kiện ấy?’”

Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:

“Các ông có muốn nghe trí lực siêu việt của chư Phật quá khứ, cùng danh hiệu, thọ mạng dài vắn chăng?”

Các Tỳ kheo đáp:

“Nay là lúc thích hợp, cúi xin Như Lai giải bày nghĩa lý này.”

Phật bảo các Tỳ kheo:

“Các ông hãy khéo suy nghĩ. Ta sẽ diễn rộng ý nghĩa cho các ông nghe.”

Các Tỳ kheo vâng lời Phật dạy, lắng nghe.

Phật bảo các Tỳ kheo:

Tỳ kheo, nên biết, quá khứ cách nay 91 kiếp, có Phật xuất thế hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác.

“Lại 31 kiếp có Phật xuất thế hiệu Thi-khí Như Lai, Chí chân, đẳng chánh giác.

“Lại 31 kiếp Có Phật hiệu Tỳ-xá-phù Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xuất hiện ở đời.

“Trong Hiền kiếp này, có Phật xuất thế hiệu Câu-lưu-tôn Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác.

“Lại trong Hiền kiếp có Phật xuất thế hiệu Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác.

“Lại trong Hiền kiếp có Phật xuất thế hiệu Ca-diếp.

“Lại trong Hiền kiếp, Ta, Thích-ca Văn Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, xuất hiện ở đời.”

Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:

Trong chín mươi mốt kiếp
Có Phật Tỳ-bà-thi.
Trong ba mươi mốt kiếp
Xuất hiện Phật Thi-khí.

Lại ở trong kiếp đó
Xuất hiện Phật Tỳ-xá.
Ngày nay trong Hiền kiếp
Bốn Phật lại ra đời:

Câu-tôn, Na, Ca-diếp,
Như mặt trời soi đời.
Nếu muốn rõ tên họ,
Và danh hiệu, như vậy

“Tỳ-bà-thi Như Lai xuất hiện trong chủng tộc sát-lợi. Thi-khí Như Lai cũng xuất hiện trong sát-lợi. Tỳ-xá-phù Như Lai cũng từ sát-lợi. Câu-lưu-tôn xuất hiện trong dòng Bà-la-môn. Câu-na-hàm-mâu-ni xuất hiện trong dòng bà-la-môn. Ca-diếp Như Lai xuất hiện trong dòng bà-la-môn. Như Ta nay xuất hiện trong dòng sát-lợi.”

Rồi Thế Tôn nói bài kệ này:

Các Phật trước xuất hiện
Đều từ dòng sát-lợi.
Câu-tôn, đến Ca-diếp,
Xuất từ Bà-la-môn.

Chí tôn không ai bằng.
Ta nay Thầy trời người,
Với các căn tịch tĩnh,
Xuất từ dòng sát-lợi.

“Tỳ-bà-thi Như Lai họ Cù-đàm. Thi-khí Như Lai cũng từ họ Cù-đàm. Tỳ-xá-phù cũng họ Cù-đàm. Ca-diếp Như Lai xuất từ họ Ca-diếp. Câu-lâu-tôn, Câu-na-hàm-mâu-ni, cũng đòng họ Ca-diếp không khác. Ta, Như Lai đời hiện tại, có họ Cù-đàm.’

Bấy giờ Thế Tôn bèn nói bài kệ này:

Các Phât Chánh giác đầu
Xuất từ họ Cù-đàm.
Ba vị tiếp Ca-diếp,
Đều có họ Ca-diếp.

Như Ta đời hiện tại,
Chư thiên nhân cúng dường,
Các căn đều tịch tĩnh,
Xuất từ họ Cù-đàm.

“Tỳ kheo, nên biết, Tỳ-bà-thi Như Lai có họ là Câu-lân-nhã. Thi-khí Như Lai cũng xuất từ Câu-lân-nhã. Tỳ-xá-phù Như Lai cũng xuất từ Câu-lân-nhã. Câu-lưu-tôn Như Lai xuất từ Bà-la-đọa. Câu-na-hàm-mâu-ni cũng xuất từ Bà-la-đọa. Ca-diếp Như Lai cũng xuất từ Bà-la-đọa.”

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:

Ba vị Chánh giác đầu
Xuất từ Câu-lân-nhã.
Sau cho đến Ca-diếp
Đều từ Bà-la-đọa.

Như Ta đời hiện tại,
Chư thiên nhân cúng dường,
Các căn đều tịch tĩnh,
Xuất từ Câu-lân-nhã.

“Tỳ-bà-thi Như Lai ngồi dưới cây hoa Ba-la-lợi mà thành Phật đạo. Thi-khí Như Lai ngồi dưới cây Phân-đà-lợi mà thành Phật đạo. Tỳ-xá-phù Như Lai ngồi dưới cây Sa-la mà thành Phật đạo. Câu-lưu-tôn Như Lai ngồi dưới cây Thi-lợi-sa mà thành Phật đạo. Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai ngồi dưới cây Ưu-đầu-bát-la mà thành Phật đạo. Ca-diếp Như Lai ngồi dưới cây Ni-câu-lưu mà thành đạo quả. Như Ta Như Lai trong đời hiện tại ngồi dưới cây Cát-tường mà thành Phật đạo.”

Vị thứ nhất thành đạo
Dưới cây Ba-la-lợi.
Thi-khí, Phân-đà-lợi.
Tỳ-xá, cây Sa-la.

Câu-tôn, cây Thi-lợi.
Câu-na, cây Bạt-la.
Ca-diếp, cây Câu-lưu.
Ta dưới cây Cát tường.

Bảy Phật, Thiên trung Thiên,
Soi tỏ khắp thế gian,
Nhân duyên dưới bóng cây,
Mà chứng thành đạo quả.

“Tỳ-bà-thi Như Lai có đệ tử là đại chúng gồm 16 vạn 8 nghìn người. Thi-khí Như Lai có đệ tử với đại chúng gồm 16 vạn người. Tỳ-xá-phù Như Lai có đệ tử là đại chúng 10 vạn người. Câu-lưu-tôn Như Lai có đệ tử là đại chúng 8 vạn người. Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai có đệ tử là chúng 7 vạn người. Ca-diếp Như Lai có đệ tử là chúng 6 vạn người. Ta nay chúng đệ tử có 1250 người. Thảy đều là A-la-hán, vĩnh viễn dứt sạch các lậu, không còn các triền phược.”

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ này:

Trăn nghìn sáu vạn tám,
Đệ tử Tỳ-bà-thi.
Trăm nghìn thêm sáu vạn,
Chúng đệ tử Thi-khí.

Chúng Tỳ kheo trăm nghìn,
Đệ tử Tỳ-xá-bà.
Câu-tôn, chúng tám vạn.
Câu-na-hàm bảy vạn

Ca-diếp, chúng sáu vạn.
Thảy đều A-la-hán.
Ta nay Thích-ca Văn,
Nghìn hai trăm năm chục,

Đều là bậc Chân nhân,
Hiện đang hành giáo pháp.
Đệ tử theo di giáo,
Con số không thể lường.

“Tỳ bà-thi Như Lai có thị giả tên là Đại Đạo Sư. Thi-khí Như Lai có thị giả tên là Thiện Giác. Tỳ-xá-phù Như Lai có thị giả tên là Thắng Chúng. Câu-lưu-tôn Như Lai có thị giả tên là Cát Tường. Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai có thị giả tên là Tỳ-la-tiên. Ca-diếp Như Lai có thị giả tên là Đạo Sư. Ta nay có thị giả tên là A-nan.”

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Đại Đạo và Thiện Giác,
Thắng Chúng và Cát Tường,
Tỳ-la-tiên, Đạo Sư,
A-nan. Bảy thị giả.

Những vị này hầu Phật,
Không khi nào sái thời;
Phúng tụng và thọ trì,
Không để mất nghĩa lý.

“Tỳ-bà-thi Như ai thọ 8 vạn 4 nghìn tuổi. Thi-khí Như Lai thọ 7 vạn tuổi. Tỳ-xá-phù Như Lai thọ 6 vạn tuổi. Câu-lưu-tôn Như Lai thọ 5 vạn tuổi. Câu-na-hàm Như Lai thọ 4 vạn tuổi. Ca-diếp Như Lai thọ 2 vạn tuổi. Ta ngày nay thọ mạng rất vắn. Tuổi thọ dài nhất không quá một trăm.”

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Phật đầu, tám vạn tư.
Phật kế, 7 vạn tuổi.
Tỳ-xá-bà sáu vạn.
Câu-lưu thọ 5 vạn.

Gấp đôi số hai vạn
Tuổi thọ Câu-na-hàm.
Ca-diếp thọ hai vạn.
Chỉ Ta thọ trăm tuổi.

“Như vây, này các Tỳ kheo, Như Lai quán sát biết rõ tên họ, danh hiệu của chư Phật; tất cả đều rõ ràng; chủng loại, xuất xứ, thảy đều quán triệt; trì giới, thiền đinh, trí tuệ, giải thoát, thảy đều thấu rõ.”

Bấy giờ A-nan bạch Thế Tôn:

“Như Lai cũng nói, Như Lai biết rõ quá khứ hằng sa chư Phật đã diệt độ, và vị lai hằng sa chư Phật sẽ xuất hiện. Vì sao Như Lai không ghi nhận những việc làm của ngần ấy chư Phật, mà nay chỉ nói đến sự tích của bảy vị Phật?”

Phật bảo A-nan:

“Tất cả đều có nhân duyên nên Như Lai chỉ nói sự tích của bảy vị Phật. Hằng sa chư Phật trong quá khứ cũng chỉ nói sự tích của bảy Phật. Tương lai Di-lặc xuất hiện ở đời cũng chỉ nói sự tích bảy Phật. Như khi Sư Tử Ưng Như Lai xuất hiện, cũng sẽ nói sự tích bảy Phật. Khi Phật Thừa Nhu Thuận xuất hiện ở đời, cũng sẽ nói sự tích bảy Phật. Khi Phật Quang Diệm xuất hiện ở đời cũng sẽ nói sự tích bảy Phật. Khi Phật Vô Cấu xuất hiện ở đời, cũng sẽ ghi nhận sự tích Phật Ca-diếp. Khi Phật Bảo Quang xuất hiện ở đời, cũng sẽ ghi nhận sự tích Thích-ca Văn.”

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ này:

Sư Tử, Nhu Thuận, Quang,
Vô Cấu và Bảo Quang,
Tiếp theo sau Di-lặc,
Thảy đều thành Phật đạo.

Di-lặc kể Thi-khí.
Sư Tử thuật Tỳ-xá.
Nhu Thuận kể Câu-tôn.
Quang Diệm kể Mâu-ni.

Vô Cấu kể Ca-diếp.
Thảy đều nói bởi duyên.
Bảo Quang thành Chánh giác,
Sẽ kể danh hiệu Ta.

Phật Chánh giác quá khứ,
Cũng như Phật tương lai,
Đều kể truyện bảy Phật,
Và sự tích gốc ngọn.

“Thảy đều có nhân duyên nên Như Lai ghi nhận danh hiệu chỉ bảy Phật thôi.”

A-nan bạch Phật:

“Kinh này tên gì? Phụng hành như thế nào?”

Phật nói:

“Kinh này gọi là “Ký Phật danh hiệu.” Hãy ghi nhớ phụng hành.”

Bấy giờ A-nan và các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.