KINH TĂNG NHẤT A-HÀM

MƯỜI PHÁP

51. PHẨM PHI THƯỜNG

3. KINH SỐ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.

Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:

“Hãy tư duy vô thường tưởng, hãy quảng bá vô thường tưởng. Do tư duy quảng bá vô thường tưởng mà đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái; vô minh, kiêu mạn, thảy đều dứt sạch. Cũng như lấy lửa đổ cây cỏ, cháy sạch hết không còn gì. Tỳ kheo, nên biết, nếu tư duy vô thường tưởng, quảng bá vô thường tưởng, sẽ đoạn trừ sạch ái dục trong ba cõi.

“Thủa xưa, có vị quốc vương tên là Thanh Tịnh Âm Hưởng, thống lãnh Diêm-phù-địa với tám vạn bốn nghìn thành quách, có tám vạn bốn nghìn đại thần, tám vạn bốn nghìn cung nhân thể nữ. Mỗi một thể nữ có bốn người hầu. Bấy giờ Thanh vương Âm Hưởng không có con. Vị Đại vương này nghĩ như vầy, ‘Nay ta thống lãnh bờ cõi này, trị hóa mà không làm trái đạo lý. Nhưng nay ta không có người nối dõi. Nếu sau khi ta chết, gia đình, dòng họ sẽ đoạn tuyệt.’ Vì để có con nên quốc vương quy y nơi các trời, rồng, thần, mặt trời, mặt trăng, các sao; tự quy y Đế Thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, thần núi, thần cây, cho đến thần cỏ thuốc, cây trái: ‘Nguyện cầu phước cho tôi sanh con.’ Lúc bấy giờ trên trời Tam thập tam có một thiên tử tên Tu-bồ-đề, mạng sắp dứt, năm điềm báo tự nhiên bức bách. Những gì là năm? Hoa quan của chư thiên không hề héo úa, nhưng hoa quan của thiên tử này tự nhiên héo húa. Y phục của chư thiên không có cáu bẩn, nhưng y phục của thiên tử đã cáu bẩn.Thân thể của chư thiên Tam thập tam thường thơm tho, tinh khiết, có ánh sáng rọi suốt; thân thể thiên này này bấy giờ có mùi hôi không ai gần được. Chư thiên Tam thập tam luôn luôn có ngọc nữ vây quanh trước sau để ca, múa, xướng hát, vui thú với ngũ dục; thiên tử này khi sắp mạng chung các ngọc nữ ly tán. Chư thiên Tam thập tam có tòa ngồi tự nhiên, sâu xuống đất bốn thước, và khi thiên tử đứng dậy thì tòa này rời khỏi mặt đất bốn thước; nhưng thiên tử này sắp mạng chung nên không thích chỗ ngồi cũ nữa. Đó là năm điềm báo tự nhiên bức cách.

“Khi thiên tử Tu-bbồ-đề có điềm báo này, Thích Đề-hoàn Nhân bảo một thiên tử: ‘Ông hãy đến Diêm-phù-địa nói với vua Âm Hưởng rằng, Thích Đề-hoàn Nhân có lời thăm hỏi vô lượng, mong Vua đi đứng nhẹ nhàng, dạo bước khỏe mạnh. Ở Diêm-phù-địa không có người có đức để làm con của Vua. Nhưng nay trời Tam thập tam có vị thiên tử tên là Tu-bồ-đề đã có năm niềm báo bức bách, sẽ giáng thần xuống để làm con của Vua. Nhưng rồi khi tuổi tráng niên đang thịnh người này sẽ xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng.’ Vị thiên tử vâng lời, nói ‘Kính vâng, Thiên vương! Xin vâng lời dạy của Thiên vương.’ Rồi trong khoảnh khắc bằng như lực sỹ co duổi cánh tay, biên mất khỏi Tam thập tam, hiện đến Diêm-phù-địa. Lúc bấy giờ Đại vương Âm Hưởng đang ở trên lầu cao, cùng với một người cầm lọng hầu. Khi ấy vị trời này đứng giữa hư không nói với vua rằng, ‘Thích Đề-hoàn Nhân có lời thăm hỏi vô lượng, mong Vua đi đứng nhẹ nhàng, dạo bước khỏe mạnh. Ở Diêm-phù-địa không có người có đức để làm con của Vua.. Nhưng nay trời Tam thập tam có vị thiên tử tên là Tu-bồ-đề đã có năm niềm báo bức bách, sẽ giáng thần xuống để làm con của Vua Nhưng rồi khi tuổi tráng niên đang thịnh người này sẽ xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng.’ Vua Âm Hưởng nghe được lời này, hoan hỷ phấn khởi không thể dừng được, liền trả lời vị trời rằng, ‘Nay ngài đến báo cho biết, thật đại hạnh! Chỉ mong giáng thần làm con của tôi. Con muốn cầu xuất gia, tôi sẽ không hề trái ý.’ Rồi thiên tử ấy trở về, đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân tâu lại, ‘Tâu Thiên vương, vua Âm Hưởng rất mừng rỡ.’ Và thuật lại lời vua Âm Hương, ‘Chỉ mong giáng thần làm con của tôi. Con muốn cầu xuất gia, tôi sẽ không hề trái ý.’

“Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân đi đến chỗ thiên tử Tu-bồ-đề, nói với thiên tử Tu-bồ-đề rằng, ‘Ông hãy phát nguyện sanh vào trong cua vua loài người là Âm Hưởng. Vì sao vậy? Vua Âm Hưởng không có con. Nhưng luôn luôn cai trị đúng theo chánh pháp. Ông xưa có phước, tạo các công đức, nay nên giáng thần vào trong cung đó.’ Thiên tử Tu-bồ-đề tâu, ‘Thôi, thôi, tâu Thiên vương! Tôi không thích nguyện sanh vào cung vua. Ý tôi muốn xuất gia học đạo. Nhưng ở trong cung thì sự học đạo rất khó.’ Thích Đề hoàn Nhân nói, ‘Ông chỉ cần phát nguyện sanh vào cung vua kia. Ta sẽ giúp đỡ để ông xuất gia học đạo.’

“Tỳ kheo, nên biết, thiên tử Tu-bồ-đề khi ấy liền phát nguyện sanh vào cung vua. Bấy giờ vua Âm Hưởng cùng với Đệ nhất phu nhân giao hội. Bà liền cảm thấy mình mang thai, liền tâu với vua Âm Hưởng, ‘Đại vương, nên biết, tôi nay cảm giác mình đang mang thai.’ Vua nghe vậy rồi, hoan hỷ phấn khởi không thể dừng được. Vua liền đặc biết sai trải lót chỗ ngồi rất đẹp đẽ, ăn các thứ ngon ngọt như vua không khác. Qua tám chín tháng, sinh một đứa con trai cực kỳ xinh đẹp, hiếm có trên đời. Vua Âm Hương bèn triệu các bà-la-môn ngoại đạo cùng các quần thần xem tướng. Vua đem hết nguồn gốc nhân duyên kể hết cho các tướng sư. Các bà-la-môn đáp: ‘Tâu Đại vương, hãy xét lý này. Nay sanh Thái tử hiếm có trên đời. Xưa tên là Tu-bồ-đề, nay theo như trước mà đặt tên là Tu-bồ-đề.’ Các tướng sư sau khi đặt tên rồi, ai nấy đứng dậy ra về.

“Vương tử Tu-bồ-đề bấy giờ được vua rất quý trọng, chưa từng rời khỏi mắt. Rồi một lúc, vua Âm Hưởng suy nghĩ, ‘Xưa ta không có con. Vì không có con nên cầu đảo các trời để có một đứa con. Sau một thời gian nay mới sanh con. Nhưng Thiên Đế đã báo trước, nó sẽ xuất gia học đại. Ta nay hãy bày phương tiện để nó không xuất gia học đạo.’ Rồi vua Âm Hưởng cho dựng cung điện ba mùa cho Thái tử. Mùa lạnh, có cung điện ấm. Mùa nóng có cung điện mát. Khi không lạnh không nóng, có cung điện thích thời. Lại cho dựng bốn chỗ ở cho cung nữ. Cung thứ nhất có sáu vạn thể nữ. Cung thứ hai có sáu vạn thể nữ. Cung thứ ba có sáu vạn thể nữ. Cung thứ tư có sáu vạn thể nữ. Mỗi cung có bốn người hầu dọn trải thảm ngồi để cho thái tử ngồi nằm trên đó. Nếu ý vương tử Tu-bồ-đề muốn dạo chơi phía trước, tức thì có các thể nữ đứng phía trước, khi ấy thảm ngồi tùy thân chuyển tới. Phía trước có sáu vạn thể nữ và bốn người hầu. Nếu muốn dạo chơi phía sau, thảm ngồi liền tùy thân chuyển theo. Nếu muốn cùng vui thú với các thể nữ, kho ấy thảm ngồi cùng tùy thân chuyển theo. Khiến cho vương tử Tu-bồ-đề tâm ý đắm nơi ngũ dục mà không muốn xuất gia.

“Cho đến một lúc, vào lúc nửa đếm, lúc không có người, Thích Đề-hoàn Nhân đi đến vương tử Tu-bồ-đề, ở giữa hư không mà nói với vương tử, ‘Vương tử, há không phải xưa kia đã có ý nghĩ này, ‘Ta sống tại gia cho đên tuổi tráng thịnh sẽ xuất gia học đạo’ chăng? Nay sao lại vui thú trong ngũ dục, ý không còn ý nguyện xuất gia nữa? Nhưng ta cũng đã có nói, sẽ khuyến khích Vương tử xuất gia học đạo. Nay đã đúng lúc, nếu không xuất gia học đạo, sau hối tiếc vô ích.’ Thích Đề-hòan Nhân nói xong, biến mất.

“Lúc bấy giờ Vương tử Tu-bồ-đề ở trong cung suy nghĩ như vầy, ‘Vua Âm Hưởng giăng lưới ái dục cho ta. Do bởi lưới ái dục này mà ta không xuất gia học đạo được. Nay ta phải cắt đứt lưới này không để bị lôi kéo bởi những thứ ô trược. Bằng chí tín kiên cố mà xuất gia học đạo, sỗng chỗ nhàn tĩnh, siêng năng tu tập nghiệp học để cho càng ngày càng tiến.’ Rồi vương tử Tu-bồ-đề lại suy nghĩ thêm, ‘Phụ vương Âm Hưởng cho sáu vạn thể nữ vây quanh trước sau. Ta hãy quán sát lý này, thử xem có ai tồn tại mãi ở đời chăng?’ Rồi vương tử Tu-bồ-đề quán sát khắp trong cung, không thấy có nữ nhân nào sống mãi ở đời. Rồi Tu-bồ-đề lại nghĩ, ‘Ta nay sao lại quán vật bên ngoài? Hãy quán sát nội thân, do nhân duyên gì mà có. Nay trong thân này, các thứ như tóc, lông, móng, răng, xương, tủy, có cái nào còn mãi ở đời chăng? Từ đầu đến chân, quán sát ba mươi sáu thứ, thấy là ô uế bất tịnh. Từ quán sát thấy không một thứ đáng tham. Cũng không có cài gì chân thật, mà chỉ là huyễn ngụy giả dối, thảy đều trở về không, không còn mãi ở đời.’ Rồi Vương tử Tu-bồ-đè lại suy nghĩ, ‘Ta nay phải cắt đứt cái lưới nầy mà xuất gia học đạo.’

“Bấy giờ Tu-bồ-đề quán sát thân năm thủ uẩn này. Rằng ‘Đây là sắc khổ. Đây là tập khởi của sắc. Đây là sắc diệt tận. Đây là xuất yếu của sắc. Thọ, tưởng, hành, thức khổ. Đây là tập khởi của thức. Đây là diệt tận của thức. Đây là xuất yếu của thức.’ Sau khi quán thân năm thủ uẩn này rồi, biết rằng những gì là pháp tập khởi đều là pháp diệt tận, tức thì ngay trên chỗ ngồi mà đắc quả Bích-chi-phật. Lúc bấy giờ Bích-chi-phật Tu-bồ-đề biết mình đã thành Phật, liền nói bài kệ:

Này Dục, ta biết ngươi.
Ý do tư tưởng sanh.
Ta không tư tưởng ngươi;
Thì người không tồn tại.

“Sau khi nói bài kệ xong, Bích-chi-phật liền bay lên hư không mà đi, rồi một mình bát-niết-bàn trong Vô dư Niết-bàn giới dưới một gốc cây trong một núi nọ.

“Bấy giờ vua Âm Hưởng bảo kẻ tả hữu, ‘Ngươi hãy đi đến cung của Tu-bồ-đề, xem Vương tử có ngủ giấc yên ổn không?’ Quan đại thần vâng lệnh vua, đi đến cung của Thai tử. Nhưng cửa phòng ngủ đã khóa chặt. Đại thần quay trở lại tâu vua, ‘Vương tử ngủ yên. Cửa phòng đã khóa chặt.’ Vua lặp lai ba lần hỏi, ‘Ngươi đến xem Vương tử ngủ có ngon không.’ Quan đại thần lại đến trước cửa cung. Nhưng cánh cửa đóng chặt Ông quay trở lại, tâu vua, ‘Vương tử ở trong cung ngủ say không biết gì. Cửa cung khóa chặt, đến giờ vẫn chưa mở.’ Khi ấy vua Âm Hưởng nghĩ thầm, ‘Con ta, Vương tử, khi thiếu thời còn không mê ngủ. Sao nay tuổi tráng niên lại mê ngủ? Ta nên tự mình đến đó xem để biết con ta cát hung, hay có bệnh hoạn gì không.’

“Rồi vua Âm Hưởng đi đến cung của Tu-bồ-đề , đứng ngoài cửa, bảo một người, ‘Ngươi bắc thang leo vào trong cung mà mở cửa cho ta.’ Người ấy vâng lệnh vua, tức thì bắc thang, leo tường vào bên trong, mở cửa cho vua. Khi vua vào bên trong, quán sát bên trong cung, thấy chăn đệm trống không mà không có vương tử. Không trông thấy vương tử, vua hỏi các thể nữ, ‘Vương tử Tu-bồ-đề hiện ở đâu?’ Thể nữ đáp, ‘Chúng tôi cũng không biết Vương tử hiện đang ở đâu.’ Nghe nói thế, Vua Âm Hưởng gieo mình xuống đất, giây lâu mới tỉnh.

“Khi ấy, vua Âm Hưởng nói với quần thần, ‘Con ta khi còn nhỏ đã có ý nghĩ rằng, ‘Lớn lên con sẽ cạo bỏ râu tóc, khóac ba pháp y, với tín tâm kiên cố xuất gia học đạo.’ Nay chắc chắn Vương tử đã bỏ ta mà xuất gia học đạo. Các người hãy đi khắp bốn phương tìm xem Vương tử rốt cuộc đang ở tại đâu.’

Quần thần tức thì cho xe cộ dung ruổi khắp mọi nơi tìm kiếm Khi ấy có một vị đại thần đi vào trong núi kia, nửa đường chợt nghĩ, ‘Nếu Vương tử Tu-bồ-đề xuất gia học đạo tất phải ở trong núi này.’ Rồi thì, ông đại thần từ xa trông thấy vương tử Tu-bồ-đề ngồi kiết già dưới một gốc cây. Ông liền nghĩ thầm, ‘Đây chính là Vương tử Tu-bồ-đề.’ Nhìn kỹ, rồi quay trở về Vua, tâu rằng, ‘Vương tử Tu-bồ-đề đang ở gần đây, đang ngồi kiết già dưới một gốc cây trong núi.’ Vua Âm Hưởng nghe nói thế, liền đi đên núi đó. Từ xa trong thấy Tu-bồ-đề ngồi kiết già dưới một gốc cây, tức thì vua gieo mình xuống đất, nói rằng, ‘Con ta ngày xưa đã tự thề nguyền rằng, Con đến 20 tuổi sẽ xuất gia học đạo. Nay quả không sai. Vả lại, trời đã có báo với ta rằng, con ta sẽ học đạo.’

“Bấy giờ Vua Âm Hưởng đi thẳng đến trước, nói với Tu-bồ-đề rằng, ‘Con nay sao bỏ cha mà xuất gia học đạo?’ Khi ấy Bích-chi-phật im lặng không trả lời. Vua lại nói, ‘Mẹ con rất buồn lo. Phải gặp con mới chịu ăn. Hợp thời thì con nên về cung.’ Bích-chi-phật vẫn ngồi im lặng. Vua Âm Hưởng liền bước tới nắm tay, cũng không lay động. Vua mới nói với quần thần, ‘Vương tử hôm nay đã mạng chung rồi. Thích Đề-hoàn Nhân trước đây đã có báo ta, rằng ta sẽ có con, nhưng con ta sẽ xuất gia học đạo. Nay Vương tử đã xuất gia học đạo. Giờ hãy rước xá-lợi này về trong nước.’

“ Trong lúc đang hỏa thiêu, các vị thần kỳ trong núi đó, hiện nửa thân hình, tâu vua rằng, ‘Đây là Bích-chi-phật, chứ không phải là Vương tử. Ta là đệ tử của chư Phật quá khứ. Chư Phật cũng có dạy rằng, ở đời có bốn hạng người xứng đáng dựng tháp thờ. Những gì là bốn? Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác xứng đáng dựng tháp thờ. Bích-chi-phật xứng đáng dựng tháp thờ. A-la-hán lậu tận, đệ tử của Như Lai, xứng đáng dựng tháp thờ. Chuyển luân Thanh vương xứng đáng dựng tháp thờ. Hỏa thiêu thân của Chuyển luân Thánh vương như hế nào, thì hỏa thiêu thân của Như Lai và Bích-chi-phật cũng như vậy.’ Vua Âm Hưởng hỏi chư thiên, ‘Cúng dường hỏa thiêu thân của Chuyển luân Thánh vương như thế nào?’ Thần cây đáp: ‘Làm quách bằng sắt cho Chuyển luân Thánh vương, bên trong chứa đầy dầu thơm. Tắm gội thân thể Chuyển luân Thánh vương, lấy vải lụa kiếp-ba trắng quấn quanh thân; rồi lấy vải thêu màu phủ lên trên; sau đó bỏ vào trong quách. Dùng nắp bằng sắt đậy lên. Đóng đinh khắp nhiều chỗ. Lại lấy một trăm tấm vải mịn quấn quanh quách. Dùng các thứ tạp hương rải lên đất, rồi để quách bằng sắt vào giữa. Bảy ngày bảy đêm, cúng dường hương, hoa, lụa là, phướn, lọng, ca nhạc. Sau bảy ngảy, đưa thân Vua đi hỏa thiêu để lấy xá-lợi. Lại trải qua bảy ngày, bảy đêm cúng dường không dứt. Dựng tháp tại các ngả tư đường. Lại lấy hương, hoa, phướn, lọng, các thứ cúng dường. Đại vương, nên biết, sự việc cúng dường xá-lợi của Chuyển luân Thánh vương là như vậy. Cúng dường chư Phật Như Lai, Bích-chi-phật, A-la-hán, cũng giống như vậy.’

“Vua Âm Hưởng hỏi vị trời ấy rằng, ‘Do nhân duyên gì mà cúng dường thân của Chuyển luân Thánh vương? Lại do nhân duyên gì mà cúng dường thân của chư Phật, Bích-chi-phật, A-la-hán?’ Trời đáp: ‘Chuyển luân Thánh vương cai trị đúng pháp, tự mình không sát sanh, lại dạy người khác không sát sanh; tự mình không lấy của không cho, lại dạy người khác không trộm cướp; tự mình không dâm dật, lại dạy người khác không xâm phạm vợ người; tự mình không nói dối, không ỷ ngữ, không ác khẩu, không hai lưỡi gây đấu loạn đây kia, không tật đố, sân nhuế, ngu si; tự mình chuyên hành chánh kiến, lại làm cho người khác cũng tập theo chánh kiến. Đại vương, do nhân duyên này Chuyển luân Thánh vương xứng đáng dựng tháp thờ.’

“Vua lại hỏi, ‘Do nhân duyên gì A-la-hán lậu tận xứng đáng dựng tháp thờ?’ Trời đáp: ‘Tỳ kheo A-la-hán lậu tận, ái dục đã dứt sạch, sân hận, ngu si đã diệt trừ, tự mình đã độ thoát, đạt đên Vô vi, là ruộng phước của thế gian. Do nhân duyên này, A-la-hán lậu tận xứng đáng dựng tháp thờ.’

“Vua lại hỏi, ‘Do nhân duyên gì Bích-chi-phật xứng đáng dựng tháp thờ?’ Trời đáp: ‘Bích-chi-phật không Thầy mà tự mình giác ngộ, xuất hiện đời thật khó gặp, được báo ngay trong hiện pháp, thoát khỏi đường dữ, khiến người được sanh lên trời. Do nhân duyên này, Bích-chi-phật xứng đáng dựng tháp thờ.’

“Vua lại hỏi, ‘Do nhân duyên gì Như Lai xứng đáng dựng tháp thờ?’ Trời đáp: ‘Như Lai có đầy đủ mười lực. Mười lực ấy không phải là những pháp mà Thanh văn, Bích-chi-phật có thể đạt được. Như Lai có bốn vô sở úy, ở giữa đại chúng mà rống tiếng sư tử, vận chuyển Phạm luân. Như Lai độ những ai chưa được độ, giải thoát những ai chưa được giải thoát, khiến bát-niết-bàn những ai chưa bát-niết-bàn; che chở những ai cô khổ, làm con mắt cho kẻ mù, làm đại y vương cho người bệnh; hết thảy chư thiên, người đời, Ma và Ma thiên, thảy đều tuân phụng, tôn kính, quý trọng, xoay chuyển nẻo dữ quay sang nẻo lành. Đại vương, do nhân duyên này Như Lai xứng đáng dựng tháp thờ. Đại vương, đó là nhân duyên gốc ngọn mà bốn hạng người xứng đáng dựng tháp thờ.’

“Bấy giờ Vua Âm Hưởng nói với vị thiên thần này, ‘Lành thay, lành thay, Thiên thân! Nay tôi sẽ theo lời ông dạy để cúng dương xá-lợi này theo phép cúng dường Bích-chi-phật.’

“Sau đó, Vua Âm Hưởng bảo mọi người, ‘Các người hãy rước xá-lợi của Bích-chi-phật Tu bồ-đề về trong nước’ Quần thần vâng lệnh vua, đặt lên kim sàng rồi rước về trong nước. Khi ấy Vua Âm Hương liền ra lệnh là cái quách bằng sắt, bên trong chứa đầy dầu thơm. Tắm gội thân thể Bích-chi-phật, lấy vải lụa kiếp-ba trắng quấn quanh thân; rồi lấy vải thêu nhiều màu phủ lên trên; sau đó bỏ vào trong quách. Dùng nắp bằng sắt đậy lên. Đóng đinh khắp nhiều chỗ cho chắc chắn. Lại lấy một trăm tấm vải mịn quấn quanh quách. Dùng các thứ tạp hương rải lên, rồi để thân Bích-chi-phật vào giữa. Bảy ngày bảy đêm, cúng dường hương, hoa, lụa là, phướn, lọng, ca nhạc. Sau bảy ngảy, đưa xá-lợi Bích-chi-phật đi hỏa thiêu. Lại trải qua bảy ngày, bảy đêm cúng dường ca nhạc. Tại ngả tư đường dựng một ngôi tháp. Lại lấy hương, hoa, phướn, lọng, các thứ và tấu nhạc cúng dường.

“Tỳ kheo, nên biết, những chúng sanh nào cúng dường xá-lợi của Bích-chi-phật, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên trời Tam thập tam. Có chúng sanh tư duy vô thường tưởng, quay khỏi ba đường dữ mà chuyển sanh vào cõi người, trên trời.

“Các Tỳ kheo, các ông chớ nghĩ Vua Âm Hưởng bấy giờ là ai khác. Đó là thân Ta vậy. Những ai tư duy vô thường tưởng, sẽ được nhiều lợi ích. Nay Ta xét nghĩa này nên nói với các Tỳ kheo, hãy tư duy vô thường tưởng, quảng bá vô thường tưởng. Do tư duy vô thường tưởng mà đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái; vô minh, kiêu mạn cũng vĩnh viễn diệt trừ. Cũng như ngọn lửa đôt cháy cỏ cây trước cửa sổ giảng đường cao đẹp, cháy sạch không còn gì. Tỳ kheo tư duy vô thường tưởng cũng vậy, đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái. dứt sạch không còn tàn dư,

“Cho nên, Tỳ kheo, hãy chuyên nhất tâm ý chớ để sai trái.”

Khi pháp này được thuyết, 60 tỳ kheo ngay trên chỗ ngồi dứt sạch các lậu, tâm giải thoát.

Bấy giờ các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.