TỨ PHẦN LUẬT

NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 20

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni thuyết giới giữa đất trống, có mộtcư sĩ thấy hỏi:

«Thưa A-di, tại sao thuyết giới nơi đất trống? Không có nhà thuyết giới hay sao?»

Chư ni trả lời:

«Không.»

Cư sĩ thưa:

«Nếu có cung cấp phương tiện, có thể cất nhà thuyết giới được không?»

Chư ni nói:

«Được.»

Cư sĩ liền cung cấp vật dụng để xây nhà thuyết giới.

Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni bèn khởi ý nghĩ: «Chúng ta gặp ngày thuyết giới có thể tìm chỗ ngồi để thuyết giới, chứ y phục khó có thể có được đầy đủ năm y. Nay ta nên đem vật này đổi lấy y, cùng chia cho nhau thì hơn.» Họ liền đem đổi lấy y chia cho nhau.

Sau đó, các tỳ-kheo-ni vẫn thuyết giới nơi đất trống, cư sĩ thấy hỏi:

«Tại sao các cô vẫn thuyết giới nơi đất trống? Không có nhà thuyết giới sao?»

Chư ni nói:

«Không có.»

Cư sĩ hỏi:

«Trước đây, tôi đã cúng vật liệu để cất nhà thuyết giới rồi. Các cô đem làm gì?»

Các tỳ-kheo-ni nói:

«Chúng tôi nghĩ, đến ngày thuyết giới chúng tôi tìm chỗ ngồi thuyết cũng được. Còn y phục, khó có đủ năm y, nên chúng tôi đem vật liệu đổi lấy y. Chúng tôi đã đem vật liệu đi đổi lấy y, rồi chia cho nhau.»

Cư sĩ cơ hiềm nói:

«Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, thọ nhận không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đem vật liệu tôi cúng để cất nhà thuyết giới đổi lấy y chia cho nhau. Làm như tôi không biết y phục khó có đủ năm y. Đức Phật dạy, phước điền thứ nhất là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng kia mà!»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Sao cư sĩ cúng vật liệu để cất nhà thuyết giới, các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các tỳ-kheo-ni, sao cư sĩ cúng vật liệu để xây cất nhà thuyết giới, các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi bảo các tỳ-kheo:

«Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, biết vật được đàn-việt cúng Tăng để làm việc này, đem làm việc kia, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Dùng vật thí cho Tăng mà làm việc khác: vật thí để làm nhà thuyết giới lại đem may y; vật thí may y lại đem làm nhà thuyết giới; vật cúng chỗ này đem dùng chỗ khác.

Vật của Tăng, vật vì Tăng, vật thuộc Tăng:

—Vật của tăng: vật đã hứa cho Tăng.

—Vật vì Tăng: vật vì Tăng làm mà chưa hứa cho Tăng.

—Vật thuộc Tăng: vật đã hứa cho Tăng, đã xả cho Tăng.

Tỳ-kheo-ni biết đàn-việt cúng cho Tăng để làm việc này, đem dùng vào việc khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả, phạm đột-kiết-la.

Khi xả cho Tăng, đương sự phải đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Thượng tọa, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! tôi, tỳ-kheo-ni tên là…, đem vật cúng cho Tăng để làm việc này, dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho tăng.»

Xả rồi phải sám hối. Người thọ sám phải tác bạch trước, sau đó mới thọ. Văn bạch như sau:

«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, vật cúng cho Tăng để làm việc này lại đem dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo-ni có tên… Đây là lời tác bạch.»

Bạch như vậy rồi, sau đó mới nhận sự sám hối. Khi nhận sự sám hối nên nói với người kia:

«Cô hãy tự trách tâm mình.»

Người kia thưa:

«Xin vâng.»

Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo-ni này liền, bằng pháp bạch nhị yết-ma như vầy: Trong tăng nên sai một vị có thể tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch:

«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, đem vật cúng cho Tăng để làm việc này lại dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả lại y cho tỳ-kheo-ni có tên… này. Đây là lời tác bạch.

«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni có tên… này đem vật cúng cho Tăng để làm việc này lại dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Các đại tỉ nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo-ni có tên… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

«Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo-ni có tên… này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Y đã được xả giữa Tăng rồi, Tăng không trả y lại phạm đột-kiết-la. Khi trả y lại có người bảo ‹đừng trả!› người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu nhận để làm năm y, hoặc chuyển làm tịnh thí, hoặc dùng vào việc khác, hoặc sai cho người, hoặc cố ý làm cho hư hoại, hoặc đem đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc hỏi chủ rồi dùng; tùy theo sự phân phối mà dùng; hoặc khi cúng, người chủ nói: ‹Tùy ý cứ xử dụng;› thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.