TỨ PHẦN LUẬT

NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 22

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni An Ẩn có một cư sĩ kia là đàn-việt. Đến giờ, cô khoác y, bưng bát, đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi rồi ngồi lên.

Bấy giờ, cư sĩ thưa thăm hỏi:

«Cô có được an lạc không?»

Tỳ-kheo-ni An Ẩn nói:

«Không được an lạc.»

Cư sĩ hỏi:

«Vì sao không được an lạc?»

An Ẩn nói:

«Chỗ ồn ào nên không được an lạc.»

Cư sĩ hỏi:

«Cô không có phòng riêng hay sao?»

An ẩn nói:

«Không có.»

Cư sĩ nói:

«Tôi cúng phương tiện, cô có thể cất được không?»

An Ẩn nói:

«Được.»

Cư sĩ liền cung cấp phương tiện cho. Tỳ-kheo-ni kia liền nghĩ: «Ta mà xây cất phòng xá lại thêm lắm chuyện. Trong khi y phục của tỳ-kheo-ni, khó kiếm đủ năm y. Nay ta nên đem phương tiện xây cất phòng xá này đổi lấy y.» Rồi cô đi đổi lấy y.

Sau đó một thời gian, tỳ-kheo-ni An Ẩn khoác y, bưng bát, đến nhà cư sĩ, ngồi nơi chỗ ngồi.

Cư sĩ chào hỏi:

«Thưa A-di, nếp sống được an lạc chăng?»

Đáp:

«Nếp sống không được an lạc.»

Cư sĩ hỏi:

«Tại sao không an lạc?»

Cô ni nói:

«Vì chỗ ở ồn ào nên không được an lạc.»

Cư sĩ lại hỏi:

«Sư cô không có phòng riêng hay sao?»

Cô ni nói:

«Không có.»

Cư sĩ vặn hỏi:

«Trước kia tôi đã đưa cô tiền để cô làm nhà, mà cô không làm hả?»

Cô ni nói:

«Tôi không làm.»

Lại hỏi:

«Vì sao không làm?»

Trả lời:

«Tôi tự nghĩ, ta mà đem đồ này đi xây cất phòng xá lại thêm lắm chuyện. Trong khi y phục của tỳ-kheo-ni khó kiếm đủ năm y. Nay ta nên đem phương tiện xây cất phòng xá này đổi lấy y.»

Cư sĩ cơ hiềm nói:

«Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tôi cho tiền làm nhà, lại đem đi đổi lấy y. Tôi há không biết y phục tỳ-kheo-ni khó khăn lắm mới có đủ năm y. Nhưng chúng tôi nghe đức Thế tôn dạy, phước điền đứng vào hàng thứ nhất là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng.»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách An Ẩn rằng: «Đàn-việt cho vật dụng để xây cất phòng xá, sao cô lại đem đổi lấy y?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni An Ẩn:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đàn-việt cho vật dụng để xây cất phòng xá, sao cô lại đem đổi lấy y?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni An Ẩn là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, vật dụng đàn-việt cúng cho để làm việc này, xoay làm việc khác, ni tát kỳ ba dật đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Vật thí cho việc khác: cúng để xây phòng xá lại đem may y; cúng để may y lại đem xây phòng xá; cúng làm các việc này lại đem làm các việc kia; phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng như trước. Cách xả, sám hối cũng như trước.

Tăng phải trả lại y xả này bằng pháp bạch nhị yết-ma, cũng như trước. Nếu không trả lại thọ làm năm y, cho đến làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hỏi đàn-việt, tùy theo ý của đàn-việt xử dụng, hoặc khi cúng đàn-việt nói: «Cứ xử dụng theo ý muốn»; hoặc người bà con nói: «Cứ dùng như ý muốn, tôi sẽ nói với thí chủ cho», thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.