TỨ PHẦN LUẬT

NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 29

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Bà-già-bà ở trên giảng đường Cao các, bên sông Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Lê-xa Tỳ-xá-ly có nhân duyên cần nhận tài vật từ một cư sĩ nọ. Khi ấy có tỳ-kheo-ni tên là Ca-la thường lui tới nhà cư sĩ này, xem như là một đàn-việt.

Lê-xa nói với Ca-la rằng:

«A-di, tôi muốn đến sư cô nhờ chút việc về tài vật.»

Ca-la nói:

«Có thể được.»

Rồi cô giúp làm xong việc ấy. Lê-xa được tài vật vui vẻ, hỏi rằng:

«Sư cô cần vật gì, bảo cho tôi biết.»

Ca-la nói:

«Thôi, như thế đã là cúng dường cho tôi rồi.»

Lê-xa lại hỏi:

«Sư cô cần gì, xin cứ nói.»

Ca-la nói:

«Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.»

Cư sĩ lại nói:

«Sư cô cứ nói cần cái gì, tôi sẽ cúng cho.»

Tỳ-kheo-ni Ca-la liền chỉ một chiếc y trị giá một ngàn trương điệp và nói:

«Tôi cần tấm y như vậy.»

Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại yêu sách y trị giá một ngàn trương điệp? Giả sử đàn-việt có cho, thì mình cũng phải biết vừa đủ.»

Cư sĩ liền đem y trao cho Ca-la, lại nói:

«Vừa rồi nếu tôi tự thu xếp công việc thì đâu có phải mất chiếc y này!»

Bấy giờ, lại có tỳ-kheo-ni Bạt-đà Ca-tỳ-la cũng đến nhà bà con, an tọa nơi chỗ ngồi. Các cư sĩ hỏi:

«A-di cần thứ gì?»

Cô ni nói:

«Thôi, như thế cũng là cúng dường cho tôi rồi.»

Người cư sĩ lại nói:

«Cần thứ gì xin cứ nói.»

Cô ni nói:

«Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.»

Cư sĩ nói:

«Tôi sẽ cho chứ không phải không cho. Nhưng cứ nói muốn cần cái gì.»

Khi ấy, cô ni chỉ tấm y (vải) trị giá một ngàn trương điệp và nói: «Tôi cần tấm y đây.»

Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại yêu sách y trị giá một ngàn trương điệp? Giả sử đàn-việt có cho, thì mình củng phai biết vừa đủ.»

Cư sĩ đưa tấm y (vải) rồi, nói:

«Tỳ-kheo-ni dùng chiếc y quý giá này để làm gì?»

Bấy giờ các tỳ-kheo-ni nghe những việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu-đà, ưa học giới biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Bạt-đà-ca-tỳ-la rằng: «Sao tỳ-kheo-ni lại đến nơi cư sĩ đòi hỏi chiếc y trị giá một ngàn trương điệp?›

Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la:

«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại đến cư sĩ đòi hỏi chiếc y trị giá một ngàn trương điệp?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:

«Hai Tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, xin y nặng, tối đa bằng giá bốn lớp trương điệp; nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Y nặng (y dày): y chống lạnh.

Y: có mười loại như trên.

Khi tỳ-kheo-ni mong cầu y dày, nhiều nhất là 16 điều. Nếu tỳ-kheo-ni mong cầu y dày, trị giá quá 4 trương điệp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, như trên. Xả y rồi phải sám hối, cũng như trên.

Tăng phải trả y lại cho tỳ-kheo-ni kia bằng pháp bạch nhị yết-ma, như trên. Nếu Tăng không trả lại, hoặc thọ làm năm y,cho đến thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Đòi hỏi y bằng bốn trương điệp, hoặc ít hơn; hoặc xin nơi người xuất gia; hoặc người kia vì mình xin, mình vì người kia xin; hoặc không xin mà được; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.