TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
ĐIỀU 111
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni tranh cãi, đến tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà nói: «Yêu cầu cô vì tôi giải quyết sự tranh cãi này.» Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà là người thông minh trí tuệ, là người có khả năng chấm dứt những việc cãi cọ xảy ra. Nhưng cuối cùng cô đã không tìm cách dập tắt tránh sự này. Tỳ-kheo-ni kia vì cuộc tranh cãi này mà không được hòa hợp, sầu ưu, nên thôi tu.
Chúng tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Thâu-la-nan-đà rằng: «Tỳ-kheo-ni được yêu cầu giải quyết sự tranh cãi, sao cuối cùng không dùng phương tiện để dập tắt tránh sự này, khiến tỳ-kheo-ni kia do sự tranh cãi này không được hòa giải mà phải bỏ tu?»
Tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà:
«Cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao cô không vì tỳ-kheo-ni kia hòa giải sự tranh cãi khiến cho cô ni kia phải thôi tu?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, được tỳ-kheo-ni khác yêu cầu, rằng: ‹cô vì tôi dập tắt tránh sự này› mà không tìm cách để dập tắt, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tránh sự: có bốn loại như trước đã giải.
Tỳ-kheo-ni kia nói với các tỳ-kheo-ni khác rằng: «Cô vì tôi dập tắt tránh sự này» mà tỳ-kheo-ni ấy không tìm cách dập tắt tránh sự đó, ba-dật-đề. Trừ các tránh sự ra, nếu có các việc cãi cọ nhỏ khác, không tìm cách để dập tắt, đột-kiết-la. Nếu bản thân có tránh sự mà không tìm phương tiện giải quyết, đột-kiết-la.
Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, người khác có tránh sự mà không tạo phương tiện để giải quyết, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu chấm dứt; hoặc vì họ tạo phương tiện; hoặc bị bệnh, hoặc nói không được; hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc từ việc này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn nên không tìm cách chấm dứt thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.