TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 112

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có hai sa-di, một người tên là Nhĩ, một người tên Mật.Một người bỏ đạo, một người mang áo ca-sa gia nhập trong chúng ngoại đạo. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni đem thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo.

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô đem thức ăn cho bạch y gia nhập ngoại đạo?»

Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:

«Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô đem thức ăn cho bạch y gia nhập ngoại đạo?»

Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, đem thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo thức ăn có thể ăn, ba-dật-đề.

Thế tôn vì tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy, thì có vị nghi không dám để dưới đất cho, không dám sai người cho, đức Phật dạy:

«Cho phép sai người cho hoặc để dưới đất cho.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, tự tay cầm thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo ăn, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Bạch y: người chưa xuất gia.

Ngoại đạo: người xuất gia ngoài Pháp của đức Phật.

Thức ăn nhai: như trước đã giải.

Tỳ-kheo-ni nào, tự đem thức ăn cho bạch y và người gia nhập ngoại đạo; người này cho, người kia nhận; (người cho) ba-dật-đề; người kia không nhận, (người cho) đột-kiết-la.

Phương tiện muốn cho mà không cho, hẹn sẽ cho rồi ăn năn không cho; tất cả đều đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc để dưới đất cho, hoặc sai người cho; hoặc cho cha mẹ, cho thợ làm tháp, hoặc bị cường lực đoạt; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.