TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 117

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có nhóm sáu tỳ-kheo-ni tụng các loại tạp chú thuật, như chú chi tiết, chú Sát-lợi, chú quỷ, chú kiết hung; hoặc học tập cách bói quay bánh xe hươu; hoặc học tập để hiểu biết âm thanh.

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô học tập tụng các loại chú như chi tiết, cho đến hiểu rõ các âm thanh?»

Quở trách rồi, chư ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:

«Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tại sao các cô tập tụng các loại chú thuật, cho đến hiểu biết âm thanh?» Quở trách xong, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, tập tụng chú thuật của thế tục, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Chú thuật của thế tục: như chú chi tiết, cho đến tìm hiểu, giải thích âm thanh…

Tỳ-kheo-ni nào, tập tụng chú thuật của thế tục… cho đến âm thanh, hoặc khẩu thọ, hoặc chấp văn tụng; nói rõ ràng, ba-dật-đề. Nói không rõ ràng, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc tụng chú để trị bệnh trùng trong ruột; hoặc tụng chú để trị ăn ban đêm không tiêu; hoặc học sách vở, hoặc tụng chú thế tục hàng phục ngoại đạo; hoặc tụng chú để trị độc; hoặc dùng để hộ thân; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.