TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
ĐIỀU 124
A. DUYÊN KHỞI
1. TRUYỀN THỌ CỤ TÚC
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ các tỳ-kheo-ni nghe đức Thế tôn chế giới: đồng nữ 18 tuổi cho hai năm học giới, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi, trao giới cụ túc. Các tỳ-kheo-ni độ người mù lòa, chân đi khập khiểng, điếc, câm, ngọng, và các bệnh khác, khiến Tăng bị chê bại khi dễ.
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách các tỳ-kheo-ni rằng: «Đức Thế tôn chế giới cho phép đồng nữ 18 tuổi, cho hai năm học giới, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi, trao cho giới cụ túc. Tại sao các cô lại độ người mù lòa, và có các bệnh khác, khiến Tăng bị chê bại khi dễ? »
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni:
«Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Tỳ-kheo-ni đối với đồng nữ 18 tuổi, nên cho hai năm học giới, (cho sáu pháp ), đủ 20 tuổi, trao giới cụ túc. Tại sao các cô lại độ người mù lòa và người có các bệnh khác?»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, Ta chế lập giới cụ túc bằng pháp bạch tứ yết-ma cho tỳ-kheo-ni.»
2. GIÁO THỌ GIÀ NẠN
Nên trao cho như vầy: để người thọ giới đứng chỗ mắt thấy mà tai không nghe. Trong giới sư nên tác bạch sai vị giáo thọ sư. Nên tác bạch như vầy:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người kia tên là…, theo Hòa thượng ni tên là…, cầu thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tỳ-kheo-ni tên là… làm Giáo thọ sư. Đây là lời tác bạch.»
Vị giáo thọ sư đến chỗ người xin thọ giới nói:
«Này cô, đây là an-đà-hội, đây là uất-đa-la-tăng, đây là tăng-già-lê, đây là tăng-kỳ-chi, đây là phú kiên y, đây là bát. Y bát này là của cô phải không? Cô hãy lắng nghe. Đây là lúc cần nói thật với lòng chơn thành. Nay tôi hỏi cô, thật thì cô nói thật, không thật thì cô nói không thật:
«Tên chữ của cô là gì?»
«Hòa thượng của cô hiệu gì?»
«Cô đủ 20 tuổi chưa?»
«Y bát có đủ không?»
«Cha mẹ có cho phép cô tu không?»
«Phu chủ có cho phép cô tu không?»
«Cô có mắc nợ không?»
«Cô có phải là tôi tớ không?»
«Cô là người nữ phải không?»
«Người nữ có những bệnh như hủi, ung thư, hủi trắng, khô da, điên cuồng, hai hình, hai đường hiệp lại, tiểu tiện thường rỉ chảy, đại tiểu tiện đàm dãi chảy mãi. Cô có các bệnh như trên không?»
Nếu người xin thọ giới trả lời là «không» thì nên bảo rằng:
«Như những việc tôi vừa hỏi cô, giữa chúng Tăng cũng sẽ hỏi như vậy. Cô đã trả lời với tôi như thế nào thì giữa chúng cô cũng trả lời như vậy.»
Vị giáo thọ sư hỏi rồi, với oai nghi như thường lệ, trở lại trong chúng, đứng chỗ ngang tầm cánh tay đưa ra đụng, thưa:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ tên là…, theo Hòa thượng ni tên là…, xin thọ giới cụ túc. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi đã giáo thọ rồi, cho phép kêu người ấy vào. Đây là lời tác bạch.»
Vị giáo thọ bảo:
«Cô hãy vào!»
3. BẢN BỘ YẾT-MA
Vào rồi, vị giáo thọ nên cầm y bát cho, bảo kỉnh lễ sát chân ni Tăng; rồi bảo quỳ gối trước mặt giới sư, chắp tay. Vị giáo thọ dạy bạch như sau:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Con tên là…, theo Hòa thượng ni tên là…, cầu thọ giới cụ túc. Con tên là… nay đến giữa Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Chúng Tăng dũ lòng thương cứu vớt con.»
Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy. Giới sư tác bạch:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ này tên là…, theo Hòa thượng ni tên là…, cầu thọ giới cụ túc. Nay người nữ này đến giữa Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là…, làm Hòa thượng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi hỏi các nạn sự. Đây là lời tác bạch.»
Vị giới sư nói:
«Cô hãy lắng nghe! Nay là lúc phải chơn thành. Tôi hỏi cô, thật thì cô nói thật. Không thật thì cô nói không thật:
«Tên chữ của cô là gì?»
«Hòa thượng của cô hiệu gì?»
«Cô đủ 20 tuổi chưa?»
«Y bát của cô có đủ không?»
«Cha mẹ cô có cho phép cô tu không?»
«Phu chủ cô có cho phép cô tu không?»
«Cô có mắc nợ ai không?»
«Cô có phải là tôi tớ không?»
«Cô là người nữ phải không?»
«Người nữ có những bệnh như hủi, ung thư, hủi trắng, khô da, điên cuồng, hai hình, hai đường hiệp lại, tiểu tiện thường rỉ chảy, đại tiểu tiện đàm dãi chảy mãi. Cô có các bệnh như trên không?»
Người thọ giới đáp:
«Không.»
Giới sư tác bạch:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ này tên là…, theo Hòa thượng ni tên là…, cầu thọ giới cụ túc. Nay người nữ tên là… này đến giữa chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ- kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Người nữ tên là… tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, 20 tuổi, y bát đầy đủ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho người nữ tên là… giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng, Đây là lời tác bạch.
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Người nữ tên là… theo Hòa thượng ni tên là… cầu thọ giới cụ túc. Nay người nữ tên là… này theo chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Người nữ tên là… tự nói thanh tịnh, không có các nạn sự, 20 tuổi, y bát đầy đủ. Nay Tăng trao cho người nữ tên là… giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Các đại tỉ nào chấp thuận Tăng trao cho người nữ tên là… giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã chấp thuận Tăng trao cho người nữ tên là… giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng rồi. Tăng đã chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
4. CHÁNH PHÁP YẾT-MA
Các tỳ-kheo-ni Tăng nên dẫn người thọ giới đến giữa Tăng tỳ-kheo, trống vai bên hữu, kính lễ sát chân Tăng, rồi đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay, thưa:
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Con tên là… theo Hòa thượng ni tên là… cầu thọ giới cụ túc. Nay con tên là… đến giữa chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Xin Chúng Tăng dũ lòng thương cứu vớt con.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
Giới sư nên hỏi:
«Tên chữ của ngươi là gì?»
«Hòa thượng của ngươi hiệu gì?»…
Cho đến câu: «Đàm dãi thường chảy ra…» như trước. Rồi hỏi tiếp:
«Ngươi đã học giới thanh tịnh chưa?»
Nếu cô ấy nói: «Học giới đã thanh tịnh,» thì lại hỏi các tỳ-kheo-ni:
«Người này đã học giới thanh tịnh chưa?»
Nếu các cô ni nói:
«Học giới thanh tịnh.»
Giới sư nên tác bạch:
«Đại đức Tăng, xin lắng nghe! Người nầy tên là… theo Hòa thượng ni tên là… cầu thọ giới cụ túc. Nay người nầy tên là… đến giữa chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Người nầy tên là… đã học giới thanh tịnh. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho người nữ tên là… giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Đây là lời tác bạch.
«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Người này tên là… theo Hòa thượng ni tên là… cầu thọ giới cụ túc. Nay, người nầy tên là… theo chúng Tăng xin thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Người này tên là… đã học giới thanh tịnh. Nay, Tăng trao cho người có tên… nầy giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng. Các trưởng lão nào chấp thuận, Tăng trao cho cô có tên… giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên là… làm Hòa thượng thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (Lần thứ hai, lần thứ ba cũng bạch như vậy).
«Chúng Tăng đã chấp thuận cho cô có tên là… thọ giới cụ túc, tỳ-kheo-ni tên… làm Hòa thượng rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»
5. THUYẾT BA-LA-DI-PHÁP
«Này Thiện nữ, hãy lắng nghe! Tám pháp ba-la-di sau đây do đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác nói ra. Người nào phạm, chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích:
1/ Không được hành bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục. Nếu tỳ-kheo-ni có ý thích hành bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sanh, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
2/ Không được trộm cắp, cho đến một lá cây, cọng cỏ. Nếu tỳ-kheo-ni ăn trộm của người năm tiền, hoặc hơn năm tiền, tự mình lấy hay dạy người lấy; tự mình bẻ hay dạy người bẻ; tự mình chặt hay dạy người chặt; tự mình phá hay dạy người phá; hoặc đốt; hoặc chôn; hoặc làm hoại sắc, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
3/ Không được cố ý đoạn mạng chúng sanh, cho đến loài kiến. Nếu tỳ-kheo-ni, tự tay mình cố ý đoạn mạng người, hoặc cầm dao trao cho người, hoặc bảo nên chết, khuyến khích chết, hoặc cho người uống thuốc độc, hoặc làm cho đọa thai, hoặc nguyền rủa độc chú cho chết, hoặc mình tự làm hay dạy người làm, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
4/ Không được nói dối, cho đến nói giỡn. Nếu tỳ-kheo-ni không chơn thật, chẳng phải là mình có mà tự xưng là tôi được pháp thượng nhơn, tôi đắc thiền, đắc giải thoát, được tam-muội chánh thọ, đắc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán; nói, ‹có Trời đến, rồng đến, quỷ thần đến cúng dường tôi,› thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
5/ Không được thân chạm nhau, cho đến cùng với súc sanh, Nếu tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô cùng nam tử có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm nhau, từ nách trở xuống, từ gối trở lên, hoặc nắm, hoặc sờ, hoặc kéo, hoặc đẩy, vuốt ngược, vuốt xuôi, nâng lên, để xuống, hoặc nắm, hoặc nắn bóp, thì người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
6/ Không được phạm tám sự, cho đến cùng với súc sanh. Nếu tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô bằng lòng cho người nam có tâm nhiễm ô nắm tay, nắm y, vào chỗ vắng, chỗ vắng cùng đứng, cùng nói chuyện, cùng đi, thân gần gũi nhau, cùng hẹn nhau; phạm tám sự này, người này chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Vì phạm tám sự. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
7/ Không được che dấu tội của người, cho đến tội đột-kiết-la, ác thuyết. Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni khác phạm tội ba-la-di, mà không tự cử tội, không bạch với Tăng, không báo với nhiều người. Thời gian sau, tỳ-kheo-ni này thôi tu, hay bị diệt tẫn, hoặc bị ngăn không cho dự Tăng sự, hoặc theo ngoại đạo, khi ấy mới nói, ‹Trước đây tôi biết việc như vậy như vậy,› thì người nói chẳng phải là tỳ-kheo-ni, chẳng phải người nữ dòng họ Thích. Vì che dấu trọng tội. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
8/ Không được tùy thuận tỳ-kheo bị cử tội, cho đến người giữ vườn và sa-di. Nếu tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo kia bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà tỳ-kheo ấy không phục tùng, không sám hối. Tăng chưa tác pháp cho tỳ-kheo ấy sống chung, mà tùy thuận với tỳ-kheo ấy; tỳ-kheo-ni khác nên can gián tỳ-kheo-ni nầy rằng: ‹Nầy cô, cô có biết chăng? Tăng đã cử tội tỳ-kheo này như pháp, như luật, như lời Phật dạy mà tỳ-kheo ấy không phục tùng, không sám hối. Tăng chưa tác pháp cho tỳ-kheo ấy sống chung, cô đừng tùy thuận.› Khi tỳ-kheo-ni khác can gián mà tỳ-kheo-ni này kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần, cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ thì tỳ-kheo-ni này không phải là tỳ-kheo-ni, không phải người nữ dòng họ Thích. Vì tùy thuận theo người bị cử. Trong đây trọn đời không được làm. Ngươi có thể giữ được không?»
Nếu giữ được thì trả lời: «Được.»
6. TRUYỀN PHÁP TỨ Y
«Này thiện nữ, hãy lắng nghe! Đức Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, nói pháp tứ y. Tỳ-kheo-ni nương nơi đó được xuất gia, thọ giới cụ túc, thành tỳ-kheo-ni.
1/ Nương theo y phấn tảo đặng xuất gia, thọ cụ túc giới, thành pháp tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?»
Giữ được thì nói: «Được.»
«Nếu được của lợi dư, đàn-việt thí y, loại y cắt rọc, thì được thọ.»
2/ Nương theo sự khất thực mà được xuất gia, thọ cụ túc giới, thành pháp tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?»
Giữ được thì nói: «Được.»
«Nếu được của lợi dư, hoặc Tăng sai đi thọ thực, đàn-việt đem thức ăn đến, thức ăn ngày mồng tám, ngày mười bốn, ngày mười lăm hay mồng một trong tháng, hoặc thường thực của chúng Tăng, hay đàn-việt mời thọ thực thì có thể thọ.»
3/ Nương nơi gốc cây mà ngồi, đặng xuất gia thọ cụ túc giới, thành pháp của tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?»
Giữ được thì nói: «Được.»
«Nếu được của lợi dư, phòng riêng, nhà nóc nhọn, phòng nhỏ, nhà bằng đá, hai phòng có một cửa thì nên thọ.»
4/ Nương nơi thuốc hủ lạn, mà được xuất gia thọ cụ túc giới, thành pháp tỳ-kheo-ni. Trong đây ngươi trọn đời giữ được không?»
Giữ được thì nói: «Được.»
«Nếu được của lợi dư như sữa, dầu, sữa sống, mật, đường phèn thì nên thọ.»
7. GIÁO GIỚI
«Ngươi đã thọ giới cụ túc rồi; bạch tứ yết-ma như pháp, thành tựu đúng cách, Hòa thượng như pháp, A-xà-lê như pháp, hai bộ Tăng như pháp đầy đủ. Ngươi nên khéo thọ giáo pháp, nên khuyến hóa làm việc phước, tu bổ tháp, cúng dường chúng Tăng. Hòa thượng, A-xà-lê, những gì các ngài dạy như pháp, ngươi không được chống trái. Ngươi nên học vấn tụng kinh, siêng cầu phương tiện, để ở trong pháp của Phật, chứng được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Có như vậy, công đức sơ phát tâm xuất gia của ngươi, không bị uổng phí, quả báo không đoạn tuyệt. Ngoài ra những gì chưa biết, ngươi nên hỏi Hòa thượng, A-xà-lê.»
Xong rồi, khiến người mới thọ giới đi trước, chư ni đi sau.
«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, đồng nữ 18 tuổi, cho học giới hai năm, cho sáu pháp, đủ 20 tuổi, chúng Tăng không chấp thuận mà cho thọ giới cụ túc, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tăng: cũng như trên.
Tỳ-kheo-ni nào đối với người nữ 20 tuổi, có hai năm học giới, đã cho sáu pháp, nhưng chúng Tăng không cho phép mà cho thọ giới cụ túc; yết-ma xong ba lần, Hòa thượng ni, ba-dật-đề; yết-ma hai lần xong, ba đột-kiết-la; yết-ma một lần xong, hai đột-kiết-la; bạch xong, một đột-kiết-la; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, tập chúng, chúng đủ, tất cả đều đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: đủ 20 tuổi, có hai năm học giới, (cho sáu pháp ), chúng Tăng cho phép thọ giới cụ túc thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.