TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
ĐIỀU 173
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, người ở trước kẻ đến sau, người đến sau kẻ ở trước. Muốn gây phiền phức người kia, nên đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt người kia.
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao, các cô người ở trước kẻ đến sau, trước mặt tỳ-kheo-ni muốn gây phiền phức bằng cách kinh hành, đứng, ngồi, nằm?»
Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Các cô làm điều sai trái, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, các cô kẻ ở trước người đến sau, trước mặt tỳ-kheo-ni khác muốn gây phiền phức bằng cách đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm?»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, kẻ ở trước người đến sau, người đến sau kẻ ở trước, vì muốn gây phiền phức người kia, đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt người ấy, ba-dật-đề.
Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có tỳ-kheo-ni kia không biết (họ) ở trước hay không phải ở trước, (họ) đến sau hay không phải đến sau; sau mới biết, nên tác sám ba-dật-đề, hoặc nghi. Phật dạy:
«Không biết thì không phạm.»
Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, biết kẻ ở trước người đến sau, người đến sau kẻ ở trước, vì muốn gây phiền phức vị kia, bèn đi kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo-ni nào biết kẻ ở trước người đến sau, người đến sau kẻ ở trước, vì muốn gây phiền vị kia, nên kinh hành, đứng, ngồi, nằm trước mặt họ, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Trước không biết, hoặc có hỏi, hoặc cho phép kinh hành; hoặc là bậc Thượng tọa, hoặc xem nhau kinh hành, hoặc muốn kinh hành, hoặc là quen biết, hoặc người quen biết nói: «Cô cứ kinh hành. Tôi sẽ nói giùm cho cô;» hoặc bị bệnh té xuống, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói cột, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.