TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
ĐIỀU 176
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni mặc y uốn éo thân hình đi, vì làm đẹp. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, phạm vào phạm hạnh. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Vì muốn làm đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình như bọn dâm nữ, tặc nữ vậy!»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô vì muốn làm đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình, giống như bọn dâm nữ, tặc nữ vậy?»
Tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Các cô làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao tỳ-kheo-ni, mà vì muốn làm đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình?»
Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni nầy là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới nầy. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, vì muốn làm đẹp mà vừa đi vừa uốn éo thân hình, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo-ni nào, vì muốn làm duyên đẹp, vừa đi, vừa uốn éo thân hình, ba-dật-đề.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Vì mắc phải chứng bệnh nào đó, hoặc vì bị người đánh phải tránh né, hoặc bị voi dữ xông đến, hoặc gặp giặc, hoặc gặp thú dữ, hoặc bị gai gốc phải lấy tay đỡ; hoặc lội qua nước sông, hay mương rãnh, vũng bùn; hoặc muốn cho y được tề chỉnh, khỏi bị cao thấp so le như vòi con voi hay lá cây đa-la; hoặc xếp thành lằn nhỏ nhăn nhó nên phải xoay mình ngó bên tả bên hữu. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.