TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 70

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Ba-già-bà ở trên giảng đường Cao các, bên sông Di hầu, tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, tại một vùng đất nọ có khu vườn trồng tỏi. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà đi ngang qua vườn tỏi không xa. Người chủ vườn hỏi:

«A-di, cần tỏi không?»

Cô nói:

«Cần.»

Người chủ vườn liền đem tỏi cho cô. Nhận được tỏi, về sau thường xuyên, cô ni cũng lại đi cách vườn tỏi không xa. Mỗi lần thấy người chủ vườn đều hỏi:

«A-di lại cần tỏi nữa phải không?»

Cô nói:

«Cần. Có tỏi tôi ăn được cơm.»

Chủ vườn đem tỏi cúng dường và ra lệnh cho người giữ vườn rằng, «Từ nay, hằng ngày cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi vị năm củ tỏi.»

Sau đó người chủ vườn để người giữ vườn ở nhà, còn mình thì đem tỏi vào Tỳ-xá-ly bán.

Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà về đến trong Tăng-già-lam nói với các tỳ-kheo-ni rằng:

«Các cô biết không, nơi vườn tỏi tại chỗ nọ có đàn-việt tên nọ hằng ngày cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi người năm củ tỏi. Các cô có thể đến đó nhận.»

Bấy giờ, Thâu-la-nan-đà dẫn sa-di-ni, thức-xoa-ma-na, đến nơi vườn tỏi, hỏi người giữ vườn:

«Chủ vườn ở đâu?»

Người giữ vườn trả lời:

«Chủ vườn chở tỏi vào Tỳ-xá-ly để bán. Các cô hỏi có chuyện gì?»

Thâu-la-nan-đà nói:

«Chủ vườn hứa cung cấp cho tỳ-kheo-ni hằng ngày mỗi vị năm củ tỏi. Nay chúng tôi đến nhận.»

Người giữ vườn nói:

«Chờ chủ vườn về chứ tôi không dám tự quyền. Tôi chỉ coi ngó mà thôi.»

Tỳ-kheo-ni nói:

«Chủ vườn thì cúng mà tôi tớ không chịu đưa.»

Thâu-la-nan-đà liền bảo sa-di-ni nhổ tỏi, kiểm số và phân phối: đây là phần của Thượng tọa, đây là phần của thứ tọa, đây là phần của Hòa thượng A-xà-lê, đây là phần của đồng Hòa thượng đồng A-xà-lê, đây là phần của bà con quen biết, đây là phần ăn ngày nay, đây là phần ăn ngày mai, đây là phần ngày mốt. Tức thời, vườn tỏi bị nhổ sạch. Chủ vườn khi về thấy vườn tỏi hết, hỏi người giữ vườn:

«Tỏi đâu hết?»

Người giữ vườn báo cáo:

«Trước đây do chủ sùng đạo nên hằng ngày cung cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi người năm củ tỏi. Vừa rồi có sa-di-ni, thức-xoa-ma-na đến hỏi tôi: ‹Hôm nay chủ vườn có ở nhà không?› Tôi nói, ‹Chủ vườn vào Tỳ-xá-ly bán tỏi. Các cô hỏi có việc gì?› Các cô ni nói: ‹Chủ vườn hứa hằng ngày cấp cho tỳ-kheo-ni mỗi vị năm củ tỏi, nay chúng tôi đến nhận.› Tôi nói: ‹Chờ chủ về. Tôi chỉ biết coi ngó thôi chứ không trọn quyền.› Tỳ-kheo-ni nói: ‹Chủ vườn cho, đầy tớ không chịu đưa.› Các cô nói như vậy rồi bảo sa-di-ni nhổ tỏi, đếm và phân phối: Đây là phần của Thượng tọa, đây là phần của thứ tọa, Đây là phần của Hòa thượng, đây là phần của A-xà-lê, đây là phần của đồng Hòa thượng, đây là phần của đồng A-xà-lê, đây là phần của bà con quen biết, đây là phần ăn ngày nay, đây là phần ăn ngày mai, đây là phần ăn ngày mốt. Tất cả đều có phần ăn, cho nên vườn tỏi bị nhổ hết.»

Người chủ vườn liền cơ hiềm, nói:

«Tỳ-kheo-ni này không có tàm quý. Thọ nhận không nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Dầu đàn-việt có cho, còn phải biết đủ, huống là không có chủ ở nhà, mà nhổ hết tỏi của người ta!»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Sao các cô nhổ hết tỏi của người ta ăn và mang đi hết không để lại một củ nào?»

Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà:

«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Không có chủ, sao lại nhổ hết tỏi của người ta?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi kể cho các tỳ-kheo nghe:

«Xưa kia, có một bà-la-môn 120 tuổi, hình thể ốm gầy. Vợ của người bà-la-môn này xinh đẹp không ai sánh kịp, sanh nhiều con trai con gái. Người bà-la-môn này luyến ái vợ và các con, không bao giờ muốn xả ly. Do sự luyến ái cao độ này nên khi mạng chung sanh trong loài chim nhạn, lông trên mình đều toàn bằng vàng. Do nhơn duyên tu phước đời trước nên tự biết túc mạng của mình, bèn suy nghĩ: «Bằng mọi phương tiện ta phải giúp đỡ sự sống cho những đứa con của ta, để chúng nó khỏi nghèo khổ.» Hằng ngày con chim nhạn bay đến nhà cũ của mình, cho rơi xuống một chiếc lông bằng vàng rồi bay đi, những đứa con lượm được lông chim bằng vàng lại suy nghĩ: «Do nhân duyên nào mà con nhạn chúa này hằng ngày bay đến làm rơi xuống một cái lông bằng vàng cho ta rồi bay đi? Chúng ta hãy chờ khi nó đến, rình bắt, nhổ hết lông vàng của nó.» Rồi chúng bắt và lấy lông vàng. Nhổ lấy rồi, nó mọc lại bằng lông trắng. Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Người Bà-la -môn thuở ấy, sau khi chết đầu thai thành con nhạn, đâu phải ai khác, mà là người chủ vườn. Người vợ xinh đẹp của ông ta sanh nhiều con tức là Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà. Con trai con gái của vợ chồng người bà-la-môn chính là thức-xoa-ma-na, sa-di-ni… ấy vậy. Do bởi tham ái nên khiến cho lông chim bằng vàng hết, lông trắng sanh. Nay lại do tham ái nên nhổ hết tỏi, phải bần cùng.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câuchánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào ăn tỏi, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.

Tỳ-kheo-ni nào, ăn tỏi sống, tỏi chín, tỏi vụn, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc mắc chứng bệnh thế nào đó phải dùng bánh gói tỏi mà ăn để chữa; hoặc các thứ thuốc khác trị không hết phải dùng tỏi để trị; hay dùng tỏi để trị bệnh ghẻ nhọt; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.