TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

ĐIỀU 77

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ, cách tịnh xá của tỳ-kheo-ni không xa có một vùng cỏ kết lũ tươi tốt, các cư sĩ thường đến đó ngồi nằm, vui chơi, ca hát, múa nhảy, hoặc có lúc than vãn. Những âm thanh này làm loạn động các tỳ-kheo-ni tọa thiền nên các tỳ-kheo-ni bực mình.

Sau khi cư sĩ đi, các cô dùng đồ bẩn như nước tiểu, phẩn, đem đổ lên trên cỏ. Sau đó, các cư sĩ trở lại nơi ấy để vui đùa thì bị làm bẩn cả người và y phục do bởi đồ bất tịnh, và vùng cỏ cũng bị chết khô dần. Do việc làm ấy, các cư sĩ đều cơ hiềm, nói: «Các tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết xấu hổ. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Vùng cỏ tươi tốt nơi chúng ta thường đến ca múa vui chơi, các cô dùng đồ bất tịnh, đại tiểu tiện đổ trên đó làm làm bẩn cả người và y phục chúng ta, và vũng cỏ cũng bị hư hoại.»

Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách các tỳ-kheo-ni: «Chỗ các cư sĩ đến vui chơi, sao các cô đem đồ bất tịnh đại tiểu tiện đổ lên trên cỏ làm cho thân và y của họ bị làm bẩn mà cỏ cũng bị khô héo, hư hoại?»

Các tỳ-kheo-ni đến bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni này:

«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại đem vật bất tịnh như đại tiểu tiện đổ trên chỗ các cư sĩ thường đến vui đùa, làm cho họ bị làm bẩn cả thân và y phục?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni này rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo-ni nào, đại tiểu tiện trên cỏ tươi, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên

Tỳ-kheo-ni đại tiểu tiện trên cỏ xanh tươi, phạm ba-dật-đề.

Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh thế nào đó; hoặc đại tiểu tiện nơi chỗ không có cỏ rồi nước chảy đến chỗ có cỏ; hoặc gió thổi, hoặc chim ngậm bay rớt trên cỏ; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.