TỨ PHẦN LUẬT
TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA
15. TÁN TRỢ ÁC HÀNH
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, hai tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di bị Tăng quở trách can gián rồi, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà bảo họ rằng: «Hai cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp quở trách can gián rồi, tại sao các cô bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn.
Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách lục quần và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà:
«Tăng đã vì tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di tác pháp quở trách can gián, tại sao các cô lại bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo:
Cho phép Tăng tỳ-kheo-ni trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma. Nên can gián như vầy: Trong ni chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tac bạch:
«Đại tỷ tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián quở trách mà họ lại bảo rằng: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách, cho bỏ việc này, nói: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’› Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu, tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc. Đây là lời tác bạch.
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di phép can gián mà họ lại bảo: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách cho bỏ việc này, bảo: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’ Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp có Tăng ích, sống an lạc.›
«Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà tác pháp quở trách can gián cho bỏ việc này thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» (yết-ma lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã chấp thuận quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà khiến cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Tăng đã vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà tác pháp can gián quở trách bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy:
«Nếu có tỳ-kheo-ni nào như vậy, Tăng cũng sẽ tác pháp quở trách cho bỏ việc ấy bằng bạch tứ yết-ma như vậy.
«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, khi Tăng tỳ-kheo-ni vì họ tác pháp quở trách, mà tỳ-kheo-ni khác dạy họ như vầy: ‹Các cô đừng sống riêng, nên sống chung với nhau. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni khác không sống riêng; cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni khác rằng: ‘Các cô đừng sống riêng. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni sống với nhau làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.’ Nay chỉ có hai tỳ-kheo-ni này, cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau, chớ không có cô nào nữa. Nếu các tỳ-kheo-ni này sống riêng thì ở trong Phật pháp mới tăng ích, sống an lạc.› Khi các tỳ-kheo-ni này can gián tỳ-kheo-ni kia, kiên trì không bỏ, thì các tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián, khiến cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tăng: cũng như trên.
Khi Tỳ-kheo-ni nào bị Tăng tác pháp quở trách, các tỳ-kheo-ni khác bảo: «Các cô đừng ở riêng, nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Các cô đừng ở riêng nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.› Nay, chỉ có hai tỳ-kheo-ni này chớ không có cô nào nữa. Các cô cùng nhau gần gũi, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Nếu tỳ-kheo-ni này ở riêng thì có tăng ích, sống an lạc trong Phật pháp. Nay, các cô nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo thì tốt, bằng không nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: «Đại tỷ! Tôi đã tác bạch rồi. Còn có các yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này.»
Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma lần đầu. Tác pháp yết-ma lần đầu nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác pháp yết-ma lần đầu rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, thì tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong, nên nói: «Này cô! Tôi đã tác bạch yết-ma lần thứ hai rồi, chỉ còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng quở trách mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, tác bạch yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, dạy rằng: «Các cô đừng ở riêng. Tôi cũng thấy tỳ-kheo-ni khác cùng ở chung, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, cùng che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy, khi Tăng trao pháp can gián. Có tỳ-kheo bảo: «Đừng bỏ!» Lúc quở trách, phạm thâu-lan-giá; lúc chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni bảo: «Đừng bỏ!» Khi quở trách, phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ; hoặc tác pháp quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp phi luật, phi Phật dạy bảo mà quở trách; tất cả không thành quở trách. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.