TỨ PHẦN LUẬT
TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA
5. ĐỘ NỮ TẶC
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trên lầu các bên sông Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, những người phụ nữ dòng Ly-xa ra ngoài dạo chơi. Trong đám đông đó có nữ tặc trà trộn cùng đi; đợi lúc vui đùa, trộm lấy của cải rồi tẩu thoát.
Bấy giờ, các phụ nữ sai người đến báo cáo với Ly-xa, «ở đây có bọn tặc nữ lấy của cải của chúng tôi đào thóat, yêu cầu vì chúng tôi tầm nã.» Các Ly-xa sai người tầm nã, nếu bắt được thì giết liền.
Bấy giờ, tặc nữ nghe tin sai người tìm được thì giết liền, nên liền bỏ Tỳ-xá-ly trốn thoát đến thành Vương-xá, vào trong Tăng-già-lam nơi ni chúng ở, thưa với các ni rằng:
«Con có lòng tin, muốn xuất gia.»
Chư ni nghe vậy, liền độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc.
Bấy giờ, các Ly-xa nghe tặc nữ trốn thoát đến thành Vương-xá, liền đến báo cáo với Bình-Sa vương nước Ma-kiệt:
«Có tặc nữ lấy của cải của phụ nữ tôi trốn thoát đến đây, yêu cầu vua vì tôi tầm nã cho.»
Bấy giờ, Bình-sa vương liền ra lệnh cho tả hữu truy nã bao vây tìm kiếm. Các quan tả hữu tâu với nhà vua:
«Có một tặc nữ đang ở trong Tăng-già-lam của ni, xuất gia học đạo.»
Khi Bình-sa vương nghe, có một tặc nữ đến đây, và tỳ-kheo-ni đã độ cho xuất gia học đạo, liền sai người tin cho Ly-xa rằng:
«Tôi nghe có một nữ tặc đang ở trong Tăng-già-lam của ni, nhưng đã xuất gia học đạo. Tôi không thể nói được.»
Bấy giờ, các Ly-xa cùng nhau cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn. Họ đều là tặc nữ. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Tại sao tặc nữ, có tội đáng chết, mọi người đều biết, mà họ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Như vậy có gì là Chánh pháp?»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cô độ tặc nữ xuất gia hành đạo?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao biết là tặc nữ mà độ cho xuất gia thọ giới cụ túc?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo ni nào, nữ gian tặc phạm tội đáng chết, mọi người đều biết, mà độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc; tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có người làm giặc trong thành rồi ra ngoài thôn. Ngoài thôn làm giặc rồi vào trong thành. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni không biết họ là giặc hay không phải giặc, tội đáng chết hay không đáng chết, người biết hay không biết. Sau mới biết họ là giặc phạm tội đáng chết, có người biết, nên nói là phạm tăng-già-bà-thi-sa, hoặc nghi. Đức Phật dạy:
«Không biết thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, đã biết là gái gian tặc, tội đáng chết nhiều người biết, mà không hỏi đại thần của vua, không hỏi dòng họ, lại độ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Giặc (cướp): trộm năm tiền hoặc trên năm tiền.
Đáng chết: tức bị xử vào tội chết.
Nhiều người biết: Vua biết, đại thần biết, nhân dân biết.
Vua: không nương vào người để có ăn.
Đại thần: Nhận địa vị quan trọng của nhà vua, giúp quản lý việc nước.
Dòng họ: Xá-di, Câu-ly-di-ninh, Bạt-kỳ, Mãn-la, Tô-ma.
Tỳ-kheo-ni kia biết tặc nữ, tội đáng chết, nhiều người biết, không hỏi đại thần của vua, họ hàng liền độ cho học đạo, ba phen yết-ma xong, Hòa-thượng ni phạm tăng-già-bà-thi-sa; hai phen yết-ma xong, phạm ba thâu-lan-giá; yết-ma lần đầu xong, phạm hai thâu-lan-giá; bạch xong, phạm một thâu-lan-giá; nếu bạch chưa xong, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, nếu có cạo tóc, hoặc cho xuất gia, cho thọ giới, tập hợp chúng Tăng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, đủ chúng cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, phạm đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nếu không biết; hoặc có tâu với vua, đại thần, họ hàng. Hoặc tội đáng chết, vua cho xuất gia. Hoặc có tội, cho xuất gia. Hoặc trong trường hợp giam cầm rồi phóng thích cho đi xuất gia. Hoặc cầu cứu khiến được thoát khỏi. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.