TỨ PHẦN LUẬT
NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ
19. KINH DOANH TÀI BẢO
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại La-duyệt-kỳ.
Bấy giờ, Bạt-nan-đà đến hiệu buôn, dùng tiền đổi tiền, rồi mang đi. Các cư sĩ thấy vậy đều cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử dùng tiền đổi tiền, rành nghề mua bán.»
Trong số các tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục, tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý hiềm trách Bạt-nan-đà rằng: «Sao lại đem tiền đổi tiền, rồi mang đi?»
Chư tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà rằng:
«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại dùng tiền để đổi tiền?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, kinh doanh tiền tài bảo vật, dưới mọi hình thức, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Kinh doanh dưới mọi hình thức: Dùng vàng thành đổi vàng thành; đổi vàng chưa thành đổi vàng đã thành; vàng chưa thành đổi bạc thành; bạc chưa thành, đổi bạc đã thành; chưa thành; bạc nửa nửa chưa thành đổi lấy tiền. Dùng vàng chưa thành đổi vàng thành; đổi vàng chưa thành, đổi vàng đã thành chưa thành; đổi bạc thành, đổi bạc chưa thành; đổi bạc đã thành và chưa thành, đổi tiền. Dùng vàng đã thành chưa thành đổi vàng thành; đổi vàng chưa thành, đổi vàng đã thành chưa thành; đổi bạc thành, đổi bạc chưa thành; đổi bạc đã thành và chưa thành, đổi tiền. Dùng bạc đã thành, đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng bạc chưa thành đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng bạc chưa thành đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng bạc đã thành chưa thành đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy. Dùng tiền đổi vàng, cho đến đổi tiền cũng như vậy.
Tiền: có tám loại: tiền vàng, tiền bạc, tiền thiếc, tiền đồng, tiền bạch lạp, tiền chì thiếc, tiền cây, tiền hồ giao.
Nếu tỳ-kheo nào, kinh doanh các loại bảo vật dưới mọi hình thức, dùng vàng thành đổi vàng thành, cho đến đổi tiền, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Vật nầy phải xả.
Phương thức xả: Nếu người giữ vườn, hoặc ưu-bà-tắc có lòng tin, nên nói với họ rằng: «Vật nầy không thích hợp với tôi. Ông biết cho!» Nếu người kia nhận rồi hoàn lại cho tỳ-kheo thì tỳ-kheo nên vì thí chủ mà thọ, rồi bảo tịnh nhơn cất. Sau đó, nếu cần tịnh y, bát, tọa cụ, ống đựng kim thì đem đổi để thọ trì. Nếu người kia nhận rồi, trao cho tỳ-kheo y bát tịnh, tọa cụ, ống đựng kim, thì nên thọ trì. Nếu người kia nhận rồi mà không trả lại cho tỳ-kheo thì nên nhờ các tỳ-kheo khác nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Người nên hoàn vật ấy lại cho tỳ-kheo kia.» Nếu tỳ-kheo khác nói mà họ vẫn không trả thì mình tự đến nói: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Nay người nên trao cho Tăng, cho tháp, cho Hòa thượng, cho đồng Hòa thượng, cho A-xà-lê, cho đồng A-xà-lê, cho cựu tri thức thân, hoặc hoàn lại cho người chủ cũ.» Tại sao vậy? Vì không muốn mất phẩm vật của thí chủ. Nếu tỳ-kheo không nói với người kia rằng: «Hãy xem cái này! Hãy nhận biết cái này!» phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nếu nói với người: «Hãy biết cái này! Hãy nhìn cái này!» Hoặc có nói với người giữ vườn, hay nói ưu-bà-tắc tín tâm rằng: «Vật nầy không thích hợp với tôi. Ông biết cho!» Nếu người kia nhận rồi hoàn lại cho tỳ-kheo thì tỳ-kheo nên vì thí chủ mà thọ, rồi bảo tịnh nhơn cất. Sau đó, nếu cần tịnh y, bát, tọa cụ, ống đựng kim thì đem đổi để thọ trì. Nếu người kia nhận rồi, trao cho tỳ-kheo y bát tịnh, tọa cụ, ống đựng kim, thì nên thọ trì. Nếu người kia nhận rồi mà không trả lại cho tỳ-kheo thì nên nhờ các tỳ-kheo khác nói với họ rằng: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Người nên hoàn vật ấy lại cho tỳ-kheo kia.» Nếu tỳ-kheo khác nói mà họ vẫn không trả thì mình tự đến nói: «Đức Phật dạy, vì muốn tịnh nên trao cho người. Nay người nên trao cho Tăng, cho Tháp, cho Hòa thượng, cho đồng Hòa thượng, cho A-xà-lê, cho đồng A-xà-lê, cho cựu tri thức thân, hoặc hoàn lại cho người chủ cũ.» Tại sao vậy? Vì không muốn mất phẩm vật của thí chủ. Nếu dùng tiền đổi dụng cụ anh lạc vì Phật, Pháp, Tăng; hoặc dùng đồ anh lạc đổi tiền vì Phật, Pháp, Tăng, thì không phạm.
Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.