TỨ PHẦN LUẬT

NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ

22. ĐỔI BÁT MỚI

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại Xá-vệ. Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử bát bị vỡ, nên vào thành Xá-vệ nói với một cư sĩ rằng:

«Ông biết cho. Bát tôi bị vỡ. Ông hãy giúp tôi.»

Bấy giờ, có cư sĩ nọ liền vào trong chợ mua cái bát cúng cho. Bạt-nan-đà lại đến nhà cư sĩ khác cũng nói rằng:

«Bát tôi bị vỡ. Ông hãy giúp tôi.»

Các cư sĩ kia cũng liền đến chợ mua bát cúng dường.

Bạt-nan-đà bị vỡ một cái bát mà cầu tìm nhiều bát để chứa cất. Sau đó, một thời gian các cư sĩ có cơ hội gặp nhau. Có một cư sĩ nói với các cư sĩ khác rằng:

«Tôi được phước vô lượng.»

Các cư sĩ hỏi:

«Nhờ việc gì mà bạn được phước vô lượng?»

Đáp rằng:

«Tôn giả Bạt-nan-đà bị vỡ cái bát. Tôi mua cái bát cúng cho, nên được phước vô lượng.»

Các cư sĩ mỗi người đều tự nói:

«Chúng tôi cũng được phước vô lượng.»

Các cư sĩ khác hỏi rằng:

«Do nhơn duyên gì quý vị đều được phước vô lượng?»

Các cư sĩ trả lời rằng:

«Bạt-nan-đà bị bể cái bát, chúng tôi cũng đến chợ mua bát cúng cho Bạt-nan-đà.»

Các cư sĩ cơ hiềm nói:

«Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, mong cầu không nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng rằng, ‹Ta biết chánh pháp.› Như vậy thì có chánh pháp gì? Bị vỡ một cái bát mà tìm cầu nhiều bát để chứa cất. Đàn-việt tuy cúng dường không nhàm chán mà người thọ nhận phải biết đủ chứ!»

Trong số các Tỳ-kheo nghe đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Bạt-nan-đà Thích tử rằng: «Sao thầy bị vỡ một cái bát lại tìm cầu nhiều bát để chứa cất?» Các Tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.

Đức Thế tôn tập hợp các tỳ-kheo, quở trách Bạt-nan-đà Thích tử:

«Việc làm của ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao lại bể một cái bát mà tìm cầu nhiều bát để chứa cất?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo:

«Bạt-nan-đà này là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, chứa bát trám dưới năm chỗ không chảy rỉ, mà tìm xin bát mới, vì muốn đẹp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

Tỳ-kheo kia nên đến trong Tăng để xả, lần lượt cho đến lấy cái bát tối hạ trao cho, khiến thọ trì cho đến khi vỡ; đó là điều hợp thức.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Năm chỗ trám: khoảng cách giữa hai chỗ trám bằng hai ngón tay.

Tỳ-kheo nào bát bị bể dưới năm chỗ trám mà không chảy rỉ, lại tìm cầu bát mới, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Nếu trám đủ năm chỗ mà không rỉ chảy lại tìm cầu bát mới, đột-kiết-la.

Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng trong trú xứ đó. Nên đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, hướng đến Thượng tọa kính lễ, quỳ gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, bát đã bị bể, dưới năm chỗ trám chưa rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»

Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, bát đã bị bể dưới năm chỗ trám chưa rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên… này. Đây là lời tác bạch.»

Tác bạch rồi, sau đó mới nhận sám. Khi nhận sám nên nói với người kia rằng:

«Hãy tự trách tâm mình!»

Tỳ-kheo kia thưa:

«Xin vâng.»

Bát của vị tỳ-kheo này nếu là loại bát quý giá tốt thì nên cất lại, và lấy cái bát kém nhất trao cho vị ấy, bằng bạch nhị yết-ma, nên trao như vầy: Trong Tăng sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, bát đã bị bể dưới năm chỗ trám không rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao bát cho tỳ-kheo có tên này. Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, bát đã bị bể dưới năm chỗ trám không rỉ chảy, lại xin bát mới, phạm xả đọa, đã xả cho Tăng. Nay Tăng trao bát lại cho tỳ-kheo có tên… này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trao bát lại cho tỳ-kheo có tên là… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý, xin hãy nói.»

«Tăng đã đồng ý trao bát lại cho tỳ-kheo có tên… này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»

Bát của tỳ-kheo kia nên đem tác bạch rồi hỏi Tăng, tác bạch như vầy:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem bát này theo thứ tự hỏi Thượng tọa. Đây là lời tác bạch.»

Bạch như vậy rồi nên đem bát trao cho Thượng tọa. Nếu Thượng tọa muốn nhận bát (mới) này thì trao cho, rồi lấy bát (cũ) của Thượng tọa trao cho vị kế. Nếu trao cho tỳ-kheo kia thì tỳ-kheo kia nên nhận. Không nên vì hộ trì chúng Tăng mà không nhận. Cũng không nên vì nhân duyên này mà thọ trì bát tối hạ; nếu thọ trì thì phạm đột-kiết-la. Nếu vị Thượng tọa thứ hai lấy chiếc bát này thì nên lấy chiếc bát của vị Thượng tọa thứ hai trao cho vị Thượng tọa thứ ba. Nếu trao cho tỳ-kheo kia thì tỳ-kheo kia nên nhận, không nên vì hộ trì chúng Tăng mà không nhận, và không nên vì nhân duyên này mà thọ trì bát xấu nhất; nếu thọ trì thì phạm đột-kiết-la.

Như vậy lần lượt cho đến vị hạ tọa. Hoặc đem bát của tỳ-kheo này trả lại cho tỳ-kheo này; hoặc đem bát vị tối hạ trao cho. Khi trao, nên bạch nhị yết-ma để trao. Trong Tăng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên, tác bạch như vầy:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đem bát của vị tối hạ này trao cho tỳ-kheo có tên… thọ trì cho đến khi vỡ. Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem cái bát của vị tối hạ này trao cho tỳ-kheo có tên… thọ trì cho đến khi vỡ. Các trưởng lão nào đồng ý Tăng trao bát cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»

«Tăng đã đồng ý trao bát cho tỳ-kheo này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»

Tỳ-kheo kia nên giữ gìn bát này không được để chỗ đá gạch có thể rơi, không được để dưới cây gậy dựng đứng và dưới con dao dựng đứng, không được để dưới vật treo, không được để giữa đường đi, không được để trên hòn đá, không được để dưới gốc cây có trái, không được để chỗ đất không bằng phẳng.

Tỳ-kheo không được dùng một tay mà nắm hai cái bát, trừ có kê ngón tay ở giữa. Không được dùng một tay cầm hai cái bát mà mở cửa, trừ phi có chú ý. Không được để trong ngưỡng cửa, dưới cánh cửa. Không được để dưới giường dây, giường cây, trừ để tạm. Không được để trung gian giữa giường dây và giường cây. Không được để đầu góc của giường cây và giường dây, trừ để tạm. Không được đứng mà quậy bát cho đến đủ để khiến bát bị vỡ. Tỳ-kheo kia không được cố tâm làm cho bát hư hoại, không được cố ý khiến cho mất hoặc cố làm cho hư hỏng. Không nên dùng làm phi bát.

Xả bát ở trong Tăng rồi, Tăng không hoàn lại, phạm đột-kiết-la. Nếu ai bảo «đừng trả», người ấy phạm đột-kiết-la.

Nếu làm tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc cố làm mất, làm hỏng, dùng làm phi bát hay dùng thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Năm chỗ trám bị rỉ chảy. Hoặc dưới năm chỗ trám mà rỉ chảy, tìm cầu bát mới. Hoặc đến xin nơi thân lý, nơi người xuất gia, vì người khác xin, người khác vì mình xin. Hoặc không xin mà được. Hoặc họ cúng cho Tăng, theo thứ tự được. Hoặc mình có phương tiện mua để chứa. Tất cả không phạm.

Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.