TỨ PHẦN LUẬT

NI-TÁT-KỲ BA-DẬT-ĐỀ

29. A-LAN-NHÃ GẶP NẠN LÌA Y

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo trú tại a-lan-nhã hạ an cư xong, một tháng Ca-đề sau đã đầy.

Bấy giờ, có nhiều bọn cướp cướp đoạt y bát, tọa cụ, ống đựng kim, vật dụng của tỳ-kheo và đánh đập các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo hoảng sợ nên kéo nhau đến Kỳ-hoàn tịnh xá cùng ở. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan:

«Các tỳ-kheo này tại sao kéo nhau đến cư trú ở Kỳ-hoàn tịnh xá?»

Tôn giả A-nan bạch Phật:

«Các tỳ-kheo này trú tại A-lan-nhã hạ an cư xong, một tháng Ca-đề sau đã đầy, đã bị bọn cướp cướp đoạt y bát, tọa cụ, ống đựng kim, đồ vật dụng, chúng lại đánh đập các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo hoảng sợ nên cùng nhau đến ở nơi Kỳ-hoàn tịnh xá.»

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

«Từ nay về sau, Ta cho phép các tỳ-kheo ở tại các trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ nhiều sợ sệt; an trú chỗ a-lan-nhã như vậy, tỳ-kheo muốn gởi y thì được phép gởi một trong ba y nơi nhà người.»

Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo nghe Phật cho phép tỳ-kheo ở tại các trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ, sợ sệt; an trú chỗ như vậy, muốn gởi y thì được phép gởi một trong ba y nơi nhà người. Họ liền đem y gởi nơi nhà người, dặn dò tỳ-kheo thân hữu rồi ra đi. Sau đó, tỳ-kheo thân hữu đem y ra phơi vào lúc giữa trưa. Các tỳ-kheo thấy vậy, hỏi nhau: «Đức Thế tôn chế giới cho phép tỳ-kheo chứa ba y, không được dư. Đây là y của ai?»

Tỳ-kheo kia trả lời:

«Nhóm sáu tỳ-kheo là thân hữu tri thức của tôi. Họ gởi y nơi đây, rồi đi du hành trong nhơn gian cho nên chúng tôi đem phơi nắng.»

Bấy giờ, các tỳ-kheo nghe vậy, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Thế tôn cho phép các tỳ-kheo ở tại các trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ, sợ sệt, thì một trong ba y có thể gởi nơi nhà người. Hiện tại sao các thầy đem gởi nhiều y nơi thân hữu tri thức để du hành trong nhơn gian, mà ngủ lìa y?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ, Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao sáu tỳ-kheo này, Ta cho các tỳ-kheo ở tại trú xứ a-lan-nhã có sự nghi ngờ, sợ sệt, thì tỳ-kheo ở những chỗ như vậy, được phép một trong ba y có thể gởi nơi nhà người; nay các ông đem nhiều y gởi nơi thân hữu du hành trong nhơn gian, mà ngủ lìa y?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo, rồi bảo các tỳ-kheo:

«Nhóm sáu tỳ-kheo này là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, ba tháng hạ đã xong, một tháng ca-đề sau cũng đã đầy, ở tại a-lan-nhã chỗ có sự nghi ngờ, có sợ hãi. Tỳ-kheo sống tại trú xứ như vậy, trong ba y, nếu muốn có thể gởi lại một y trong nhà người. Các tỳ-kheo có nhơn duyên được lìa y ngủ, cho đến sáu đêm; nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

A-lan-nhã: là nơi cách thôn xóm năm trăm cung. Cung của nước Giá-ma-la, dài bốn khuỷu tay, dùng loại khuỷu tay trung bình để đo.

Chỗ có nghi ngờ: là nghi có giặc cướp.

Sợ hãi: trong đó có giặc cướp khiến cho kinh sợ.

Trong nhà: trong thôn xóm.

Ba y: tăng-già-lê, uất-đa-la-tăng, an-đà-hội.

Y: có mười loại nói như trên.

Nếu tỳ-kheo có nhơn duyên lìa y ngủ, sáu đêm rồi, đến đêm thứ bảy, trước khi bình minh chưa xuất hiện phải xả ba y, hoặc tay rờ đụng y, hoặc đến chỗ đá quăng tới y. Nếu tỳ-kheo sáu đêm, đến đêm thứ bảy, trước khi bình minh chưa xuất hiện mà không xả ba y, tay không rờ đụng y, không đến chỗ đá quăng tới y, bình minh của đêm thứ bảy xuất hiện, phạm tội ngủ lìa y, tất cả đều ni-tát-kỳ. Trừ ba y, lìa các y khác, đột-kiết-la.

Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la.

Xả cho Tăng phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, lễ dưới chân thượng tọa, quỳ gối chắp tay, thưa:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo tên là…, đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng.»

Xả rồi phải sám hối. Vị nhận sám trước hết phải tác bạch như vầy:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo có tên… này. Đây là lời tác bạch.»

Tác bạch rồi, sau đó mới thọ sám. Khi thọ sám phải nói với người này rằng:

«Hãy tự trách tâm ngươi!»

Tỳ-kheo kia thưa:

«Xin vâng.»

Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo kia bằng bạch nhị yết-ma như vầy: Trong chúng nên sai một người có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là…, đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo kia. Đây là lời tác bạch.»

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là đã ngủ lìa y quá sáu đêm, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nay Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.»

«Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Nếu tỳ-kheo xả y rồi mà Tăng không trả lại cho tỳ-kheo ấy, (Tăng) phạm đột-kiết-la. Nếu có vị nào bảo «đừng trả», vị ấy phạm đột-kiết-la.

Nếu tịnh thí, hoặc sai cho người, hoặc thọ làm ba y, hoặc làm y ba-lợi-ca-la, hoặc lấy mặc mãi, tất cả đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Đã trải qua sáu đêm, đến đêm thứ bảy, trước khi bình minh chưa xuất hiện, đến chỗ để y, hoặc xả y, hoặc tay rờ đến y, hoặc đến chỗ đá quăng tới y thì không phạm. Hoặc tưởng y bị cướp, bị mất, bị cháy, bị trôi thì không xả y. Không rờ đến y, không đến chỗ đá quăng tới y vẫn không phạm. Hoặc thuyền đò không thông, đường xá bị hiểm nạn, nhiều giặc cướp, có ác thú, nước sông lớn, bị cường lực bắt, hoặc bị nhốt, bị trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không xả y, không rờ đến y, không đến chỗ đá quăng tới y, tất cả đều không phạm.

Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.