TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

14. TRẢI TOẠ CỤ TĂNG KHÔNG CẤT

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả muốn thỉnh chúng Tăng dùng cơm. Trong thời gian chờ đợi cho đến giờ ăn, lúc ấy có nhóm mười bảy tỳ-kheo mang tọa cụ của Tăng đem trải nơi đất trống, rồi kinh hành, chờ đến giờ ăn. Khi đến giờ, không thu dọn tọa cụ của Tăng, liền đến chỗ mời ăn, nên tọa cụ của Tăng bị gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch.

Các tỳ-kheo thọ thực xong trở về trong Tăng-già-lam, thấy tọa cụ của Tăng bị gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, ô uế không sạch, liền hỏi rằng:

«Ai đã trải tọa cụ của Tăng mà bỏ đi không thu dọn, khiến gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch?»

Chư Tăng nói:

«Nhóm mười bảy tỳ-kheo trải đó.»

Trong số các tỳ-kheo nghe đó, trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, cơ hiềm nhóm mười bảy tỳ-kheo:

«Sao các ông trải tọa cụ của Tăng mà bỏ đi không thu dọn, để gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch thế này?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rằng:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao các ông mang tọa cụ của Tăng trải mà bỏ đi không thu dọn, gió thổi, bụi đất phủ lên, trùng chim cắn phá hư hại, nhơ nhớp không sạch?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rồi bảo các tỳ-kheo:

«Đây là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, mang giường giây, giường cây, hoặc ngọa cụ, đệm ngồi của Tăng, bày nơi đất trống hoặc bảo người bày, khi bỏ đi không tự mình dọn cất, không sai người dọn cất, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Vật của chúng Tăng, dành cho Tăng, thuộc về Tăng.

—Vật của Tăng: vật đã xả cho Tăng.

—Vật dành cho Tăng: vật vì Tăng mà làm nhưng chưa xả cho Tăng.

—Vật thuộc về Tăng: vật đã nhập vào Tăng, đã xả cho Tăng.

Giường dây: có năm loại, giường nằm chân xoay, giường nằm chân thẳng, giường nằm chân cong, giường nằm ráp mộng, giường nằm không có chân.

Giường cây: cũng như vậy.

Ngọa cụ: hoặc dùng để ngồi, hoặc dùng để nằm.

Đệm: dùng để ngồi.

Nếu tỳ-kheo đem giường nằm, ghế ngồi, ngọa cụ, nệm ngồi của Tăng bày nơi đất trống, hoặc bảo người bày; khi đi, nếu ở đó có cựu trú tỳ-kheo hoặc Ma-ma-đế, hoặc người quản sự, nên nói, «Nay tôi giao cho ông. Ông coi sóc giữ gìn cho.» Nếu không có người nào thì phải dọn cất nơi chỗ vắng rồi đi. Nếu không có chỗ vắng, mà tự biết chỗ đó không bị phá hoại, được an ổn, thì lấy cái thô (xấu) phủ lên trên cái tốt rồi đi. Nếu đi rồi về lại liền thì đi. Nếu mưa gấp về gấp, tọa cụ không bị hư hoại thì nên đi. Nếu mưa vừa, vừa về lại kịp thì nên đi. Nếu mưa lâm râm đi một chút về kịp thì nên đi. Vị Tỳ-kheo kia nên tuần tự làm theo phương tiện như vậy rồi đi. Không theo phương tiện như vậy mà đi; khi bắt đầu ra khỏi cửa, ba-dật-đề. Nếu một chân trong cửa, một chân ngoài cửa, ý muốn đi mà không đi lại hối hận, tất cả đều đột-kiết-la.

Nếu hai người cùng ngồi trên giường nằm, ghế ngồi, vị hạ tọa phải thu dọn rồi đi. Hạ tọa nếu có ý nghĩ là để Thượng tọa dọn cất, nhưng cuối cùng Thượng tọa không dọn cất thì hạ tọa phạm ba-dật-đề và còn trái với oai nghi nên phạm thêm đột-kiết-la. Thượng tọa có ý nghĩ là để hạ tọa dọn cất, hạ tọa không dọn cất thì Thượng tọa phạm ba-dật-đề.

Nếu hai người đồng đi một lượt, không ai trước ai sau mà không dọn cất thì cả hai đều phạm ba-dật-đề. Ngoài ra cho đến giường giây, giường nằm, ghế ngồi, ghế dựa để tắm, hoặc lớp trong hay lớp ngoài của ngọa cụ, hoặc đồ trải đất, hoặc lấy dây buộc bằng lông hay dây gai bỏ nơi đất không thu dọn mà bỏ đi, tất cả phạm đột-kiết-la. Nếu trải ngọa cụ của Tăng nơi đất, không thu dọn mà vào phòng ngồi tư duy cũng phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.

Sự không phạm: nếu lấy giường giây, giường cây, ghế ngồi hoặc ghế dựa, ngọa cụ, nệm ngồi của Tăng, tự mình bày nơi đất, hoặc sai người bày, khi đi có nói với vị cựu trú, hoặc Ma-ma-đế, người quản sự, giữ gìn vật này thu dọn giúp. Nếu không có ai thì thu xếp nơi chỗ vắng rồi đi. Nếu không có chỗ vắng an toàn mà tự mình biết chỗ nào đó không bị quên mất, không sợ hư nát thì dùng vật thô phủ lên trên vật tế mà đi. Nếu đi rồi trở về liền, hoặc gặp mưa to gió lớn, đi gấp về gấp được, hoặc mưa vừa vừa, vừa đi vừa trở về, hoặc mưa lâm râm đi thong thả trở về kịp, theo thứ tự phương tiện rồi đi thì không phạm.

Hoặc bị thế lực trói, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, không làm theo thứ tự như vậy, thì không phạm. Hoặc hai người cùng ngồi trên một giường giây, vị hạ tọa thu dọn. Ngoài ra cho đến các loại giường không khác như giường cây, giường dây, ghế ngồi, ghế dựa, ghế ngồi tắm, hoặc lớp trong hay lớp ngoài của ngọa cụ, hoặc đồ trải đất, dây buộc lông mịn, bỏ nơi đất thu dọn mà đi. Hoặc nơi đất trống trải tọa cụ của Tăng, thu dọn rồi vào phòng tư duy thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.