TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

25. MAY Y CHO TỲ-KHEO-NI

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni muốn may tăng-già-lê; vì cần may y nên đến trong Tăng-già-lam, thưa với Tôn giả Ca-lưu-đà-di:

«Thưa Đại đức, con đem vải may y này đến, muốn may tăng-già-lê. Xin Tôn giả may cho con.»

Ca-lưu-đà-di nói:

«Tôi không thể may được.»

Cô ni hỏi:

«Tại sao Đại đức không may cho con?»

Ca-lưu-đà-di nói:

«Các cô ưa đến hối thúc nên tôi không may.»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Con không đến hối. Khi nào Đại đức may xong cũng được.»

Ca-lưu-đà-di trả lời:

«Được.»

Tỳ-kheo-ni trao vải y cho Ca-lưu-đà-di rồi về.

Ca-lưu-đà-di có tay nghề cao về pháp may y, liền cắt may. Ca-lưu-đà-di vẽ hình nam nữ giao hợp may vào y. Khi cô ni đến trong Tăng-già-lam, hỏi Ca-lưu-đà-di rằng:

«Thưa Đại đức, pháp y của con may xong chưa?»

Ca-lưu nói:

«Xong rồi.»

Tỳ-kheo-ni thưa:

«Nếu xong, cho con nhận.»

Ca-lưu-đà-di xếp y lại cho cô ni, và dặn rằng:

«Này cô, y này không được tự tiện mở ra xem; cũng không được đưa cho người xem. Khi được báo giờ mới đem ra mặc, và khi đi phải đi sau tỳ-kheo-ni Tăng.

Tỳ-kheo-ni y theo lời dặn, không mở ra xem, cũng không nói cho ai biết. Một thời gian sau, khi đi nghe giáo giới, cô ni liền mặc y này và đi sau Tăng tỳ-kheo-ni. Các cư sĩ thấy tất cả đều cơ hiềm, cười chê, hoặc vỗ tay chỉ trỏ, hoặc gõ cây, hoặc huýt gió, hoặc lớn tiếng cười to, nói:

«Mọi người hãy xem y mà tỳ-kheo-ni này khoác! Mọi người hãy xem y mà Tỳ-kheo-ni này khoác!»

Khi ấy, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề thấy vậy rồi, liền bảo tỳ-kheo-ni này rằng:

«Hãy cởi chiếc y ấy và xếp lại gấp!»

Cô ni liền cởi và xếp, vắt trên vai mà đi, sau khi thọ thực xong, về lại trong Tăng-già-lam, tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề bảo tỳ-kheo-ni này rằng:

«Lấy chiếc y mà cô vừa mặc khi nãy đem cho tôi xem!»

Cô ni kia liền đem chiếc y ấy ra trình. Bà hỏi:

«Ai may y này cho cô?»

«Thưa, ngài Ca-lưu-đà-di may.»

«Sao cô không mở ra xem hay đưa cho đồng bạn coi thử may có tốt, có bền chắc hay không?»

Lúc ấy tỳ-kheo-ni mới đem lời dặn của Ca-lưu-đà-di thưa lại đầy đủ.

Khi ấy, trong chúng tỳ-kheo-ni có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di: «Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?»

Lúc bấy giờ, tỳ-kheo-ni bạch lại các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo liền đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà Phật vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di rằng:

«Thật sự ông có may y cho tỳ-kheo-ni như vậy không?»

Ca-lưu-đà-di thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, thật như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao may y cho tỳ-kheo-ni lại may như vậy?»

Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, may y cho tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề.

Thế tôn đã vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo dè dặt không dám may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến, đến bạch Phật. Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép tỳ-kheo may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến.»

Từ nay nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, may y cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Chẳng phải thân quyến, thân quyến: như trên đã nói.

Y: Có mười loại như đã giải ở trước.

Nếu tỳ-kheo kia may y cho tỳ-kheo-ni không phải thân quyến, tùy theo dao cắt rọc nhiều hay ít, phạm ba-dật-đề. Cứ một lần may, mỗi mũi kim là một phạm ba-dật-đề.

Hoặc mặc thử để xem, hoặc kéo ra ủi cho thẳng, hoặc dùng tay vuốt, hoặc kéo góc cho ngay, hoặc kết, hoặc viền, hoặc cột chỉ, hoặc nối chỉ; tất cả đều phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: may y cho tỳ-kheo-ni thân quyến; may cho Tăng, may cho tháp; hoặc mượn mặc rồi giặt, nhuộm trả lại cho chủ, thì không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.