TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
38. THỨC ĂN CÁCH ĐÊM
A. DUYÊN KHỞI
Một thời đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, tôn giả Ca-la cũng đang tọa thiền tư duy ở trong đó. Hằng ngày, đến giờ Tôn giả khoác y, bưng bát, vào thành La-duyệt, khất thực.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt khất thực dễ dàng, nên Ca-la khởi ý nghĩ: «Phiền gì hằng ngày ta phải vào thành khất thực cho vất vả. Ta hãy ăn những thức ăn được trước; thức ăn đang được thì mang về.» Sau đó, làm theo như điều suy nghĩ. Tôn giả liền thực hiện theo ý nghĩ ấy.
Bấy giờ các tỳ-kheo không thấy Ca-la vào giờ tiểu thực, và đại thực, nên các cùng nhau bàn tán, «Chúng ta không thấy Ca-la vào tiểu thực, và đại thực. Phải chăng thầy ấy đã qua đời, hay đi xa, hoặc thôi tu, hay bị giặc giết, bị ác thú hại, cũng có thể bị nước cuốn trôi lắm!»
Sau đó một thời gian lại thấy Ca-la xuất hiện. Các tỳ-kheo hỏi:
«Mấy hôm nay thầy đi đâu mà vào giờ tiểu thực, và đại thực không thấy thầy? Chúng tôi tưởng thầy đã qua đời hay đi xa, hoặc bị ác thú hại, hay là thôi tu, hoặc bị ác thú hại.»
Bấy giờ, Ca-la đem sự việc trên kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó, có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-la: «Sao lại chứa cất thức ăn cách đêm mà ăn?»
Lúc bấy giờ các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà ngài vẫn hỏi Ca-la:
«Thật sự ông có cất thức ăn cách đêm để ăn hay chăng?»
Ca-la thưa:
«Thật như vậy.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-la:
«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Ca-la, sao ông lại cất đồ ăn cách đêm mà ăn? Ý nghĩ của ông tuy là thiểu dục tri túc, nhưng chúng sanh đời sau sẽ bắt chước làm theo.»
Đức Thế tôn quở trách Ca-la rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, ăn thức ăn cách đêm, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Thức ăn cách đêm: nhận được hôm nay để đến ngày mai. Tất cả sa-môn Thích tử, đã thọ đại giới, mà ăn thức ăn như vậy, đều không thanh tịnh.
Thức ăn có hai loại: Thức ăn chánh và thức ăn phi chánh. Thức ăn phi chánh là thức ăn bằng củ, cho đến thức ăn được nghiền vụn. Thức ăn chính là thịt, cá, cơm khô, lương khô và cơm.
Tỳ-kheo ăn thức ăn cách đêm, mỗi miếng phạm một ba-dật-đề. Thức ăn phi thời, quá phi thời ăn, ba-dật-đề. Nhận thuốc bảy ngày, quá bảy ngày dùng, ba-dật-đề. Thuốc dùng suốt đời, không có lý do bệnh mà dùng, đột-kiết-la.
Cách đêm khởi ý tưởng cách đêm, ba-dật-đề. Cách đêm mà nghi, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà tưởng là cách đêm, đột-kiết-la. Chẳng phải cách đêm mà nghi, đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Không phạm: thức ăn nhận được dư cách đêm, còn dư đem cho cha mẹ. Hay cho người làm tháp, người làm phòng xá, tính giá công bằng thức ăn; sau đó, tỳ-kheo khất thực nơi người làm ấy mà được lại thức ăn. Nơi bát có lỗ nứt, thức ăn nhét vào, khi rửa cạy sợ bể thì nên cẩn thận như pháp mà rửa, nếu nó không ra thì không phạm. Nếu ban đêm nhận sữa, dầu, bơ, mỡ dùng để nhểu vào lỗ mũi; nếu khi nhểu vào sữa dầu chảy ra lại nên bỏ. Tất cả không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.