TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

44. NGỒI VỚI NGƯỜI NỮ Ở CHỖ KHUẤT

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tôn giả Ca-lưu-đà-di, khi còn là người thế tục, có quen thân với người vợ của ông bạn bạch y. Bà ấy tên là Trai, có nhan sắc xinh đẹp. Ca-lưu-đà-di cũng có tướng mạo đẹp đẽ. Ca-lưu-đà-di để ý Trai ưu-bà-tư. Trai ưu-bà-tư cũng để ý Ca-lưu-đà-di.

Đến giờ khất thực, Ca-lưu-đà-di khoác y, bưng bát, đến nhà của Trai ưu-bà-tư, tự nghĩ rằng, «Đức Thế tôn cấm trong nhà có ăn có vật báu không được ngồi và được ngồi chỗ nào duỗi cánh tay ra đụng cửa.» Nên ông ngồi phía sau cánh cửa.

Khi Ca-lưu-đà-di cùng với Trai ưu-bà-tư đang nói chuyện, thì có tỳ-kheo khất thực đến, nghe có tiếng Ca-lưu-đà-di đang nói, mà không thấy Ca-lưu-đà-di ở chỗ nào, bèn hiềm trách Ca-lưu-đà-di:

«Tại sao, trong nhà có ăn có của báu mà lại ngồi chỗ khuất khiến cho chúng tôi không biết đang làm gì?»

Khất thực tỳ-kheo ra khỏi thành Xá-vệ, trở về đến trong Tăng-già-lam, đem nhơn duyên này kể lại cho các tỳ-kheo nghe. Trong số đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Ca-lưu-đà-di rằng:

«Tại sao, trong nhà đang ăn có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo. Biết mà Ngài vẫn hỏi Ca-lưu-đà-di:

«Có thật, trong nhà đang ăn có vật báu, mà ông ngồi chỗ khuất hay không?»

Ca-lưu-đà-di thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, có đúng như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách Ca-lưu-đà-di:

«Việc ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, trong phòng ăn có vật báu, lại ngồi chỗ khuất?»

Quở trách Ca-lưu-đà-di rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, trong nhà ăn có vật báu mà ngồi nơi khuất, ba-dật-đề.

B. GIỚI TƯỚNG

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Thức ăn: nữ là thức ăn của nam, nam là thức ăn của nữ.

Vật báu: Xà cừ, mã não, chơn châu, hổ phách, kim ngân.

Chỗ khuất: hoặc cây, tường, vách, rào dậu, hoặc y, các vật khác che ngăn.

Tỳ-kheo vào trong phòng ăn có vật báu, ngồi nơi chỗ khuất, duỗi tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy. Tỳ-kheo nào trong phòng ăn có vật báu, mà ngồi nơi chỗ khuất, ba-dật-đề. Đui mà không điếc, đột-kiết-la. Điếc mà không đui, đứng mà không ngồi, đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nếu nơi nhà có ăn có vật báu mà ngồi chỗ duỗi cánh tay đụng cửa, khiến tỳ-kheo khất thực thấy; hoặc có hai tỳ-kheo làm bạn; hoặc có người quen biết gần bên; hoặc cùng một chỗ với người khách mà không đui không điếc; hoặc đi ngang qua chứ không đứng lại; hoặc bất ngờ bị bệnh té xỉu hay bị thế lực bắt; hoặc bị trói nhốt; hoặc mạng nạn; phạm hạnh nạn; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.