TỨ PHẦN LUẬT

BA-DẬT-ĐỀ

47. THUỐC BỐN THÁNG

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Phật ở trong vườn Ni-câu-luật, Ca-duy-la-vệ, tại Thích-suý-sấu. Bấy giờ, Ma-ha-nam giòng họ Thích phát nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Thí chủ cung kính các Thượng tọa, nên cúng dường thứ tốt, dù họ cần hay không cần cũng cúng.

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng bảo nhau rằng, «Ma-ha-nam Thích tử này, nguyện cung cấp thuốc cho chúng Tăng, cung kính bậc Thượng tọa, cúng dường thứ tốt. Đối với chúng ta, không có lòng cung kính, nên dùng thứ xấu để cho chúng ta. Khi yêu cầu còn không cho; huống chi lúc không yêu cầu.» Rồi bảo nhau: «Chúng ta hãy đến nhà đó yêu cầu thứ khó kiếm, và loại thuốc không thể có.»

Bàn xong họ liền đến nhà của Ma-ha-nam nói rằng:

«Chúng tôi cần thứ thuốc như vậy, như vậy.»

Ma-ha-nam nói:

«Nếu trong nhà tôi có thì sẽ cúng dường. Nếu không, tôi sẽ ra chợ mua để cung cấp.»

Nhóm sáu tỳ-kheo nói rằng:

«Trong nhà ông, không thể có thứ thuốc như vậy, như vậy hay sao?»

Ma-ha-nam nói:

«Trong nhà có thì cúng liền. Nếu không, sẽ ra chợ mua để cúng.»

Khi ấy, nhóm sáu tỳ-kheo lại nói:

«Ông nguyện cúng dường thuốc cho chúng Tăng. Mà ông cung kính bậc Thượng tọa, nên ông cúng thứ tốt. Dù họ cần hay không cần ông cũng cúng. Còn đối với Hạ tọa, ông không ân cần cung kính, nên cho thứ xấu. Có yêu cầu còn không được; huống chi không yêu cầu? Trong nhà ông không có thuốc, tại sao ông lại nguyện cúng thuốc cho chúng Tăng? Ông là người có thiên vị, lại vọng ngữ nữa.»

Ma-ha-nam nói:

«Trước đây, tôi có nguyện cung cấp cho chúng Tăng thuốc mà trong nhà có. Nếu trong nhà không có, sẽ ra chợ mua cho. Tại các thầy lại nói tôi là người thiên vị và lại vọng ngữ, không có lòng chí thành? Trưởng lão hãy đi đi! Từ nay trở đi tôi không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa.»

Lúc ấy, các tỳ-kheo nghe việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Ma-ha-nam Thích tử ưa cung kính, thích bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, tại sao các thầy lại mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao Ma-ha-nam Thích tử có tín tâm, ưa bố thí, thường cung cấp thuốc cho chúng Tăng, mà các ông mạ nhục, nói ông ấy có thiên vị và vọng ngữ, khiến cho ông ta không cung cấp thuốc cho chúng Tăng nữa?»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được thỉnh cầu cúng dường thuốc bốn tháng thì có thể nhận, nếu nhận quá, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các tỳ-kheo bị bệnh có tâm e sợ không dám nhận thuốc quá, nên bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo bệnh được nhận thuốc quá bốn tháng.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thường thỉnh cung cấp thuốc cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo có tâm e sợ không dám nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc ấy, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận sự thường thỉnh cung cấp thuốc.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, Ma-ha-nam Thích tử lại nghĩ, «Nay, ta không thể vì một hay hai người mà chấm dứt sự cung cấp thuốc cho chúng Tăng. Nay, ta nên thỉnh chúng Tăng cung cấp thuốc trở lại.» Nghĩ như vậy rồi, Ma-ha-nam liền trong Tăng-già-lam thưa với các tỳ-kheo rằng:

«Nguyện xin chư Đại đức Tăng nhận lại sự cung cấp thuốc của tôi.»

Các tỳ-kheo vì cẩn thận nên sợ, không dám nhận sự cung cấp thuốc trở lại. Bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo nhận thuốc được thỉnh cầu cung cấp trở lại.»

Các tỳ-kheo tính cọng lại những ngày trước. Bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên tính lại những ngày trước. Nên tính kể từ ngày cung cấp trở lại.» Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo nhận thuốc chia phần. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận, bạch Phật, đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc chia phần.»

Từ nay trở đi nên nói giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần.

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Lúc bấy giờ, có các cư sĩ thỉnh tỳ-kheo cung cấp thuốc trọn đời. Các tỳ-kheo vì sợ nên cẩn thận không dám nhận thuốc trọn đời, bạch Phật, đức Phật dạy:

«Từ nay trở đi cho phép các tỳ-kheo được nhận thuốc trọn đời.»

Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kiết giới như vầy:

Tỳ-kheo nào, không bệnh, được nhận thuốc thỉnh cầu cúng dường bốn tháng, nếu nhận quá, ba-dật-đề. Trừ thường thỉnh, thỉnh trở lại, thỉnh chia phần, thỉnh trọn đời.

B. GIỚI TƯƠNG

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Bốn tháng: là bốn tháng mùa hạ.

Nhơn duyên: nguyện cung cấp thuốc.

Bệnh: thầy thuốc bảo uống thứ thuốc đó.

Thường thỉnh: Thí chủ thưa, «Tôi nguyện thường xuyên cúng thuốc.»

Thỉnh trở lại: chấm dứt rồi, thỉnh trở lại.

Thỉnh chia phần: thí chủ đem thuốc đến Tăng-già-lam cúng rồi phân chia.

Thỉnh trọn đời: Thí chủ thưa, «Tôi sẽ cúng thuốc trọn đời.»

Thỉnh: có bốn cách. Có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc; có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn; có giới hạn thuốc, không có giới hạn ngày; ngày không giới hạn thuốc cũng không giới hạn.

Thế nào gọi là có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc? Thí chủ có quy định thời gian mà không ấn định số thuốc. Như nói, «Tôi nguyện cúng thuốc với chừng đó ngày.» Đó gọi là thỉnh có giới hạn ngày mà không giới hạn thuốc.

Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, không giới hạn ngày? Thí chủ xin cúng một số thuốc, nhưng không giới hạn thời gian. Nói như vầy, «Tôi cúng loại thuốc như vậy.» Đó gọi là thỉnh thuốc có giới hạn mà thời gian không giới hạn.

Thế nào gọi là có giới hạn thuốc, ngày cũng có giới hạn? Thí chủ nguyện cúng một số thuốc trong thời gian đã được ấn định. Nói như vầy, «Tôi hứa cúng thuốc như vậy trong khoảng thời gian như vậy.» Đó là thuốc và thời gian được ấn định.

Thế nào gọi là không giới hạn thuốc, không giới hạn ngày. Thí chủ xin cúng thuốc, chứ không nói số thuốc bao nhiêu và thời gian bao lâu. Nói như vầy, «Tôi xin cúng thuốc cho thầy.» Đó gọi là thỉnh thuốc và thời gian không hạn định.

Trong bốn cách thỉnh trên, thời gian có hạn định, thuốc không hạn định, và thời gian có hạn định, thuốc có hạn định, tức là thọ thỉnh bốn tháng mùa hạ.

Trong bốn cách thỉnh trên, thuốc có hạn định, thời gian không hạn định. Thời gian không hạn định, thuốc cũng không hạn định, tùy theo thời gian dâng cúng mà nhận. Tỳ-kheo kia không có bệnh, nên nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng mùa hạ. Nếu nhận quá, trừ thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời, mỗi lần nuốt là phạm một ba-dật-đề.

Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: Nhận sự cung cấp thuốc trong bốn tháng; có bệnh nên nhận quá; thường thỉnh, thỉnh lại, thỉnh phân chia, thỉnh trọn đời; thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.