TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
52. ĐÙA GIỠN TRONG NƯỚC
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm mười bảy tỳ-kheo đang đùa giỡn trong sông A-kỳ-la-bà-đề; từ bờ bên này, đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng hoặc nghịch dòng, hoặc lặn nơi này, trồi lên nơi kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau.
Vừa lúc đó, Vua Ba-tư-nặc cùng với Mạt-lợi phu nhân ở trên lầu cao, từ xa trông thấy nhóm mười bảy tỳ-kheo đùa giỡn trong ao kia; từ bờ bên này đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này, trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau. Thấy vậy, nhà Vua nói với Mạt-lợi phu nhân rằng:
«Khanh xem, những người mà khanh thờ kính kia kìa.»
Lúc ấy Mạt-lợi phu nhơn liền trả lời với nhà Vua rằng:
«Các tỳ-kheo đó tuổi còn nhỏ, mới xuất gia, ở trong Phật Pháp chưa bao lâu. Hoặc là lớn tuổi nhưng thiếu sự hiểu biết.»
Rồi Mạt-lợi phu nhơn vội vàng xuống lầu bảo bà-la-môn Na-lăng-ca rằng:
Người nhân danh ta, đến trong Kỳ-hoàn thăm hỏi đức Thế tôn, đi đứng được khoẻ mạnh không? Giáo hóa có nhọc nhằn không? Đem gói thạch mật nầy dâng cúng đức Thế tôn, và đem nhơn duyên nầy trình lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Người bà-la-môn kia liền nhận lời của phu nhơn, đến chỗ đức Thế tôn; thăm hỏi rồi, ngồi qua một bên, bạch đức Thế tôn rằng:
«Mạt-lợi phu nhơn sai con đến thăm hỏi đức Thế tôn, ‹Đi đứng có vững vàng không? Nếp sống được khinh an không? giáo hóa có nhọc nhằn không? Phu nhơn gởi gói đường phèn nầy dâng cúng Thế tôn.›» Và trình sự việc lên đức Thế tôn một cách đầy đủ.
Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên nầy tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm mười bảy tỳ-kheo, tại sao các ông đùa giỡn trong nước, nơi sông A-kỳ-bà-đề. Từ bờ bên nầy đến bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc nghịch dòng, hoặc lặn chỗ này trồi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tát nước qua lại với nhau?»
Đức Thế tôn quở trách nhóm mười bảy tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đùa giỡn trong nước, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Giỡn trong nước: buông lung theo ý muốn, từ bờ nầy bơi qua bờ bên kia, hoặc thuận dòng, hoặc ngược dòng, hoặc lặn chỗ này, nổi lên chỗ kia, hoặc khoa tay vẽ trên nước, hoặc tạt nước qua lại với nhau, cho đến dùng bình bát đựng nước, đùa giỡn bằng mọi cách đều phạm ba-dật-đề. Ngoài nước ra, nước trái cây, nước sữa trong, hoặc rượu đắng, nước vo gạo, đựng trong đồ để đùa giỡn thì cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Trên đường đi phải lội qua sông, từ bờ bên nầy đến bờ bên kia; hoặc kéo cây gỗ trong nước; hoặc kéo tre, kéo nứa, lên xuống dòng nước; hoặc lấy đá, lấy cát; hoặc mất vật gì lặn xuống đáy nước để tìm, lặn xuống nỗi lên; hoặc muốn học bơi, nên phải dùng tay quạt nước, tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.