TỨ PHẦN LUẬT

THỨC-XOA-CA-LA-NI

ĐIỀU 29

Một thời, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ. Bấy giờ, có cư sĩ mời chúng Tăng thọ thực vào sáng ngày mai. Trong đêm chuẩn bị các thức ăn ngon bổ, sáng sớm đến báo chư tăng giờ thọ thực.

Đến giờ, các tỳ-kheo mặc y, bưng bát đến nhà cư sĩ, an tọa nơi chỗ ngồi. Chính tay cư sĩ sớt thức ăn, cơm và canh đến chư Tăng. Khi cư sĩ sớt cơm xong, vào trong nhà bưng canh. Canh bưng đến thì có tỳ-kheo đã ăn hết cơm.

Cư sĩ hỏi:

«Cơm đâu rồi?»

Tỳ-kheo trả lời:

«Tôi ăn hết rồi.»

Cư sĩ sớt canh rồi, lại vào nhà bưng cơm. Cơm bưng ra thì canh đã ăn hết.

Cư sĩ hỏi:

«Canh đâu rồi?»

Tỳ-kheo trả lời:

«Tôi ăn hết rồi.»

Cư sĩ bèn cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử này không biết hổ thẹn. Thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Cơm đến, canh chưa đến; đã ăn hết cơm. Canh đến, cơm chưa hết đã ăn hết canh. Giống như người đói khát!»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo: «Sao các thầy nhận thức ăn, canh chưa đến cơm đã ăn hết; canh đến cơm chưa đến, canh đã ăn hết?»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế tôn một cách đầy đủ. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:

«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm ĐiỀU không nên làm. Tại sao các ông nhận cơm, canh chưa đến cơm ăn đã hết; canh đến, cơm chưa đến, canh đã ăn hết?»

Lúc bấy giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Những kẻ ngu si này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn nói giới nên nói như vầy:

Ăn cơm và canh đồng đều, thức-xoa-ca-la-ni.

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Không bằng nhau có nghĩa là cơm đến, canh chưa đến, cơm đã hết. Canh đến, cơm chưa đến, canh đã hết. Tỳ-kheo cố ý ăn cơm canh không đều nhau, phạm đột-kiết-la cần phải sám. Do bởi cố ý làm nên phạm phi oai nghi đột-kiết-la. Nếu không cố ý làm thì phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di ni. đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: hoặc mắc phải chứng bệnh như vậy; hoặc lúc cần cơm không cần canh, hay là cần canh không cần cơm. Hoặc gần quá giữa ngày, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn cần ăn mau. Thảy đều không phạm.

Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.