TỨ PHẦN LUẬT

DIỆT TRÁNH

1. BẢY DIỆT TRÁNH

1. Hiện tiền tì-ni

Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Ca-lưu-đà-di cùng nhóm sáu tỳ-kheo đến tắm trong sông A-di-la-bạt-đề. Ca-lưu-đà-di tắm xong, lên bờ khoác y của nhóm sáu tỳ-kheo mà không xem, tưởng là của mình. Khoác xong rồi đi. Nhóm sáu tỳ-kheo tắm xong lên bờ, không thấy y của mình lại thấy y của Ca-lưu-đà-di, liền nói: «Ca-lưu-đà-di ăn trộm y của ta.» Khi ấy người không hiện tiền mà tác yết-ma diệt tẫn.

Ca-lưu-đà-di nghe chuyện, có sự nghi, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn hỏi:

«Ngươi lấy y với tâm gì?»

Ca-lưu thưa:

«Con nghĩ là y của con nên lấy. Chứ không có ý nghĩ ăn trộm.»

Đức Phật dạy:

«Như vậy thì không phạm tội. Nhưng không nên không xem y mà mặc. Cũng không nên khi người vắng mặt mà tác yết-ma như yết-ma ha trách, yết-ma tẫn, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, yết-ma cử tội, yết-ma diệt tẫn. Nếu tác yết-ma, không thành lại mắc tội đột-kiết-la. Từ nay về sau Ta vì các Tỳ-kheo kết hiện tiền tỳ-ni diệt tránh. Nên nói hiện tiền tỳ-ni như vậy.

2. Ức niệm tỳ-ni

Khi đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, thì bấy giờ Đạp-bà-ma-la Tử không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá mà các tỳ-kheo đều nói là phạm trọng tội nên hỏi: «Thầy có nhớ là phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?» Vị ấy không nhớ phạm ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá nên trả lời: «Tôi không nhớ phạm trọng tội như vậy.» Rồi liền nói các tỳ-kheo rằng: «Các Trưởng lão, đừng cật vấn tôi mãi.» Các tỳ-kheo cứ cật vấn mãi không thôi. Vị ấy nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau cho phép vì tác pháp ức niệm tỳ-ni cho Đạp-bà-ma-la Tử bằng pháp bạch tứ yết-ma.»

Pháp thức như sau: Đạp-bà-ma-la Tử nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, Đạp-bà-ma-la Tử, không phạm trọng tội. Các tỳ-kheo nói tôi phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi tôi, ‹Thầy nhớ có phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Tôi không nhớ có phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá nên trả lời, ‹Tôi không nhớ phạm trọng tội như vậy. Các trưởng lão không nên luôn luôn nạn vấn tôi.› Nhưng các tỳ-kheo cứ nạn vấn tôi mãi. Nay tôi không ức niệm, đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Cúi xin Tăng cho tôi ức niệm tỳ-ni. Từ mẫn cố.»

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử này không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi, ‹Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di cho đến thâu-lan-giá không?› Tỳ-kheo này không nhớ phạm trọng tội nên trả lời, ‹Tôi không nhớ có phạm trọng tội. Các trưởng lão chớ có cật vấn tôi.› Nhưng các tỳ-kheo cố nạn vấn không chịu thôi. Tỳ-kheo này không ức niệm có phạm tội, nay đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho tỳ-kheo này ức niệm tỳ-ni. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử này không phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi, ‹Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di cho đến thâu-lan-giá không?› Tỳ-kheo này không nhớ phạm trọng tội nên trả lời, ‹Tôi không nhớ có phạm trọng tội. Các Trưởng lão chớ có cật vấn tôi.› Nhưng các tỳ-kheo cố nạn vấn không chịu thôi. Tỳ-kheo này không ức niệm có phạm tội, nay đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Đạp-bà-ma-la Tử pháp ức niệm tỳ-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.»

Lần thứ hai, lần thứ ba, cũng nói như vậy.

«Tăng đã chấp thuận trao cho Đạp-bà-ma-la Tử yết-ma ức niệm rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

«Từ nay về sau, cho các tỳ-kheo kết ức niệm tỳ-ni để diệt tránh. Nên thuyết ức niệm tỳ-ni như vậy.»

3. Bất si tì-ni

Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có tỳ-kheo tên là Nan-đề, điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực; tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Khi tâm được bình phục trở lại, các tỳ-kheo nói vị ấy phạm trong tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề: «Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?» Vị ấy liền trả lời: «Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, vào ra, không thuận oai nghi. Chẳng phải tôi cố làm như vậy, mà là do điên cuồng. Các Trưởng lão đừng nên gạn hỏi việc ấy mãi.» Nhưng các tỳ-kheo cố ý gạn hỏi mãi không chịu thôi. Tỳ-kheo kia khởi ý nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép, Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni bằng pháp bạch tứ yết-ma theo diễn tiến như sau: Tỳ-kheo Nan-đề nên đến trong Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi, tỳ-kheo Nan-đề, điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Sau đó bình phục lại. Các tỳ-kheo hỏi tôi, ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Tôi trả lời, ‹Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, khi ấy nhiều lần phạm các tội, tới lui, ra vào, không thuận oai nghi. Chẳng phải tôi cố ý làm mà là do tâm điên cuồng vậy. Các trưởng lão đừng nên gạn hỏi tôi mãi.› Nhưng các tỳ-kheo cứ gạn hỏi tôi không chịu thôi. Nay tôi hết si, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Cúi xin Tăng cho tôi bất si tỳ-ni. Từ mẫn cố.»

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng xin như vậy. Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề đây điên cuồng tâm loạn, phạm các tội nhiều, nói năng lung tung, ra vào tới lui không thuận với oai nghi, sau đó phục hồi lại. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề, ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Vị ấy liền trả lời, ‹Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, nói năng không chừng mực; ra vào, tới lui, không thuận oai nghi. Đây là do điên cuồng chứ chẳng phải tôi cố ý làm. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi mãi.› Nhưng các tỳ-kheo cố ý cật vấn mãi không thôi. Tỳ-kheo này nay không còn si cuồng, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Nan-đề đây điên cuồng tâm loạn, phạm các tội nhiều, nói năng lung tung, ra vào tới lui không thuận với oai nghi, sau đó phục hồi lại. Các tỳ-kheo hỏi Nan-đề, ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, thâu-lan-giá không?› Vị ấy liền trả lời, ‹Trước đây tôi điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, nói năng không chừng mực; ra vào, tới lui, không thuận oai nghi. Đây là do điên cuồng chứ chẳng phải tôi cố ý làm. Các Trưởng lão đừng cật vấn tôi mãi.› Nhưng các tỳ-kheo cố ý cật vấn mãi không thôi. Tỳ-kheo này nay không còn si cuồng, đến trước Tăng xin bất si tỳ-ni. Nay Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.»

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.

«Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo Nan-đề bất si tỳ-ni rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy»

Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo kết bất si tỳ-ni để diệt tránh. Nên nói bất si tỳ-ni như vậy.

4. Tự ngôn trị

Thế Tôn ở tại thành Chiêm-bà, bên ao Già-cừ. Bấy giờ đức Thế Tôn bố-tát vào ngày mười lăm có trăng. Chúng Tăng ngồi vây quanh Ngài chỗ đất trống. Đầu đêm đã qua, tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Đầu đêm đã qua, cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.»

Đức Thế Tôn im lặng. Tôn giả A-nan liền trở về lại chỗ ngồi. Giữa đêm, sau đêm đã qua, tướng bình minh đã xuất hiện, tôn giả A-nan lại từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Kính bạch đức Thế Tôn, giữa đêm, sau đêm đã qua, tướng bình minh đã xuất hiện, chúng Tăng ngồi đã lâu, cúi xin Thế Tôn thuyết giới.»

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

«Trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.»

Tôn giả A-nan im lặng, trở về lại chỗ ngồi. Khi ấy trưởng lão Mục-liên nghĩ: ‹Trong chúng có vị nào không thanh tịnh nên đức Như Lai mới nói, trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.›

Bấy giờ trưởng lão Mục-liên tự suy nghĩ, quán sát trong chúng bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấy tỳ-kheo không thanh tịnh kia ngồi cách Phật không xa. Vị ấy phi sa-môn tự nói là sa-môn, phi tịnh hạnh tự nói là tịnh hạnh, là kẻ phá giới làm các điều ác, bất tịnh, không có bạch pháp, tà kiến, che dấu các ác đã phạm, như cái cây bộng ruột, tuy bên ngoài có nhánh lá mà bên trong trống không, không chắc thật. Mục-liên thấy rồi, liền nghĩ: ‹Đức Thế Tôn thấy tỳ-kheo này nên mới nói, ‘Trong chúng không thanh tịnh. Muốn Như Lai yết-ma thuyết giới trong một chúng không thanh tịnh, là điều không thể có.’› Khi ấy trưởng lão Mục-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ tỳ-kheo kia nói:

«Tại sao thầy không chịu đứng dậy? Thế Tôn đã biết thầy, đã thấy thầy. Thầy nên đứng dậy, đi ra khỏi chỗ này! Thầy không nên ngồi nơi đây.»

Khi ấy Mục-liên nắm tay tỳ-kheo kia kéo ra ngoài cửa, rồi trở vô bạch Phật:

«Trong chúng đã thanh tịnh rồi. Cúi xin đức Thế Tôn thuyết giới.»

Đức Phật bảo:

«Này Mục-liên, không nên làm như vậy. Vào lúc khác cũng không nên làm như vậy. Này Mục-liên, phải khiến cho người kia phục tội, sau đó mới kết tội. Người kia không phục tội mà kết tội thì không nên. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kết tự ngôn trị để diệt tránh. Nên nói tự ngôn trị như vậy.»

Khi đức Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ, thì bấy giờ các tỳ-kheo ở Xá-vệ tranh cãi nhau, chúng Tăng tìm kiếm tội như pháp như tỳ-ni, như lời Phật dạy.

5. Đa nhân ngữ

Bấy giờ Thế Tôn ở tại Xá-vệ. Các tỳ-kheo ở Xá-vệ tranh cãi nhau. Chúng Tăng truy cứu tội như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Khi ấy, Phật nói với các tỳ-kheo:

«Nên tìm kiếm tội bởi nhiều người; căn cứ theo lời của đa số biết pháp để nói. Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kết pháp diệt tránh đa nhân ngữ. Nên nói như vậy, dùng đa nhân ngữ.

6. Tội xứ sở

Khi đức Thế Tôn ở tại Thích-sí-sấu. Tỳ-kheo tên là Tượng Lực, ưa luận nghị cùng ngoại đạo. Khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Chúng, cố ý nói dối. Bấy giờ, các ngoại đạo đều cùng nhau cơ hiềm rằng: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, chỉ làm việc vọng ngữ, mà tự nói mình biết chánh pháp. Khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Khi ở trong chúng bị hỏi, thì trước sau nói nghịch nhau, cố ý vọng ngữ. Như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tượng Lực Thích tử rằng: ‹Sao cùng ngoại đạo luận nghị, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau?› Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, đem nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo khiển trách Tượng Lực Thích tử:

«Ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Sao cùng ngoại đạo luận nghị, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối?»

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện khiển trách Tượng Lực rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Nên trao cho tỳ-kheo kia tác tội xứ sở, bằng pháp bạch tứ yết-ma.»

Pháp thức như sau: Tập Tăng. Tập Tăng rồi tác cử. Tác cử rồi tác ức niệm. Tác ức niệm rồi kết tội. Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tượng Lực Thích tử này ưa luận nghị cùng ngoại đạo, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở, nói rằng: ‹Này Tượng Lực, không lợi và không hay gì cho ông, khi lý luận bị kẹt ông dùng cách nói, trước sau nghịch nhau. Trong chúng khi được hỏi đến ông cũng dùng cách nói trước sau trái nghịch nhau, cố ý nói vọng.› Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tượng Lực Thích tử này ưa luận nghị cùng ngoại đạo, khi bị hỏi gắt, thì lời trước mâu thuẫn lời sau. Ở trong Tăng khi được hỏi, cũng như vậy, lời trước mâu thuẫn lời sau, cố ý nói dối. Nay Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở, nói rằng: ‹Này Tượng Lực, không lợi và không hay gì cho ông, khi lý luận bị kẹt ông dùng cách nói, trước sau nghịch nhau. Trong chúng khi được hỏi đến ông cũng dùng cách nói trước sau trái nghịch nhau, cố ý nói vọng.› Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.»

Lần thứ hai lần thứ ba cũng nói như vậy.

«Tăng đã chấp thuận trao cho Tượng Lực Thích tử yết-ma tác tội xứ sở rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Từ nay về sau vì các tỳ-kheo kết làm pháp diệt tránh bằng tội xứ sở. Nên nói như vậy, kết tội xứ sở.

7. Như thảo phú địa

Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ tỳ-kheo nước Xá-vệ cùng nhau tranh cãi. Các tỳ-kheo phần đông phạm giới, chẳng phải pháp sa-môn, ai cũng làm, ai cũng nói, ra vào không chừng mực. Sau đó các tỳ-kheo tự nghĩ: ‹Chúng ta phần đông phạm các giới, chẳng phải pháp sa-môn, ai cũng làm ai cũng nói, ra vào không giới hạn. Nếu chúng ta không tự mình khéo hỏi việc này, hoặc giả tránh sự này càng sâu thêm, càng nặng thêm. Trải qua năm tháng mà không thể như pháp như luật, như lời Phật dạy để diệt trừ tránh sự được, khiến cho Tăng không được an lạc.› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nên diệt tránh sự này bằng cách như cỏ che đất.

«Từ nay về sau, vì các tỳ-kheo kết pháp diệt tránh như cỏ che đất. Nên nói như vậy, như cỏ che đất.»

2. BỐN TRÁNH SỰ

Thế Tôn ở Câu-thiểm-di. Các tỳ-kheo Câu-thiểm-di tranh cãi nhau. Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Xiển-đà tỳ-kheo bỏ tỳ-kheo, tán trợ cho tỳ-kheo-ni, về phía với tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách các tỳ-kheo rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện khiển trách các tỳ-kheo:

«Các ông làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Này các tỳ-kheo Câu-thiểm-di, sao tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo. Tỳ-kheo-ni tranh cãi với tỳ-kheo-ni. Xiển-đà tỳ-kheo bỏ tỳ-kheo, tán trợ cho tỳ-kheo-ni, về phía với tỳ-kheo-ni?»

Dùng vô số phương tiện để khiển trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Có bốn tranh chấp: ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh và sự tránh.

Thế nào là ngôn tránh?

Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi nhau, đưa đến mười tám tránh sự: pháp, phi pháp, tỳ-ni, phi tỳ-ni, cho đến thuyết, bất thuyết. Nếu do tướng trạng như vậy, tranh cãi nhau về ngôn ngữ, dẫn đến chỗ hai bên tranh chấp nhau, đó gọi là ngôn tránh.

Thế nào gọi là mích tránh?

Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tìm tội nhau, dùng ba việc kiến-văn-nghi để cử, phá giới, phá kiến, phá oai nghi, cùng nhau tìm tội như vậy, không vọng cầu phe cánh thế lực, an ủi ý người, hoặc cử tác ức niệm hoặc an việc này không an việc này, không si không thoát, đó gọi là mích tránh.

Thế nào gọi là phạm tránh?

Phạm bảy loại tội ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, cho đến ác thuyết, đó gọi là phạm tránh.

Thế nào gọi là sự tránh?

Việc cần làm trong ngôn tránh, việc cần làm trong mích tránh, việc cần làm trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh.

Gốc rễ của ngôn tránh là gì?

Tham, nhuế, si là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Sáu tránh là gốc rễ. Mười tám sự phá Tăng là gốc rễ. Đó gọi là căn của ngôn tránh.

Gốc rễ của mích tránh là gì?

Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng làm là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Ba cử sự là gốc rễ. Đó gọi là căn của mích tránh.

Gốc rễ của phạm tránh là gì?

Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Tăng là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Ba cử sự là gốc rễ. Chỗ khởi của sáu phạm là gốc rễ. Đó gọi là căn của phạm tránh.

Gốc rễ của sự tránh là gì?

Tham, nhuế, si, là gốc rễ. Không tham, không nhuế, không si là gốc rễ. Tăng làm là gốc rễ. Giới là gốc rễ. Nhơn là gốc rễ. Đó là căn của sự tránh.

Ngôn tránh là thiện, bất thiện, vô ký? Ngôn tránh hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký.

Tại sao gọi ngôn tránh là thiện?

Tỳ-kheo cùng với tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm thiện, nói pháp hay phi pháp,cho đến thuyết hay bất thuyết. Cùng nhau tranh cãi như vậy, cả hai đều tranh cãi nhau với thiện tâm, cho nên gọi ngôn tránh là thiện.

Tại sao gọi ngôn tránh là bất thiện?

Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm bất thiện, nói pháp hay phi pháp,cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh cãi lời lẽ với nhau dẫn đến xung đột. Đó là ngôn tránh là bất thiện.

Tại sao gọi ngôn tránh là vô ký?

Tỳ-kheo tranh cãi nhau với tâm vô ký, dẫn mười tám việc, pháp hay phi pháp,cho đến thuyết hay bất thuyết. Tranh cãi lời lẽ với nhau về những sự viêc như vậy, đó là ngôn tránh là vô ký.

Mích tránh là thiện, bất thiện, vô ký? Mích tránh hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký.

Tại sao gọi mích tránh sự thiện?

Trong đây, tỳ-kheo với tâm thiện cùng nhau tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi; bên trong có năm pháp khiến người ấy được xuất tội, trở thành không phạm, thanh tịnh không cấu uế, không khiến cho người ấy có tiếng xấu lan đi. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội, cùng nhau thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn; nhưng an ủi tâm người kia, khi tác cử, tác ức niệm, yên việc này, không yên việc này, không si mê, khiến cho thoát khỏi tội. Đó gọi là thiện mích tránh sự.

Tại sao gọi mích tránh sự không thiện?

Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo bằng tâm bất thiện tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi; bên trong không có năm pháp, không muốn khiến người này được xuất tội, mà muốn cho người này phạm tội, cấu uế không thanh tịnh, muốn khiến cho người này có tiếng tăm bất thiện lan tràn. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội; cùng thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn, không làm cho người kia an tâm, khi bị tác cử, khi bị tác ức niệm, an việc này không an việc này, si mê không thoát tội. Đó gọi là mích tránh sự bất thiện.

Thế nào gọi là mích tránh sự vô ký?

Tỳ-kheo cùng tỳ-kheo với tâm vô ký tìm kiếm tội về phá giới, phá kiến, phá oai nghi, căn cứ trên ba cử sự thấy-nghe-nghi. Bằng tướng trạng như vậy mà tìm kiếm tội, cùng nhau thảo luận, không vọng cầu thế lực trợ bạn; nhưng an ủi tâm người kia, khi tác cử, tác ức niệm, yên việc này, không yên việc này, không si mê, khiến cho thoát khỏi tội. Đó gọi là thiện mích tránh sự. Đó gọi là mích tránh sự vô ký.

Phạm tránh là thiện, là bất thiện, là vô ký? Phạm tránh hoặc bất thiện hoặc vô ký.

Tại sao gọi phạm tránh là bất thiện?

Sự phạm tội cố ý của phàm phu, hoặc học nhơn. Đó gọi là phạm tránh là bất thiện.

Tại sao gọi phạm tránh là vô ký? Sự phạm tội không cố ý của phàm phu hoặc học nhơn; sự phạm không cố ý của bậc vô trước. Đó gọi là phạm tránh vô ký.

Sự tránh là thiện, là bất thiện, là vô ký? Sự tránh hoặc thiện hoặc bất thiện hoặc vô ký.

Tại sao gọi sự tránh là thiện?

Tỳ-kheo với thiện tâm mà tác sự trong ngôn tránh, tác sự trong mích tránh, tác sự trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh thiện.

Tại sao gọi sự tránh là bất thiện? Với tâm bất thiện mà tác sự trong ngôn tránh, tác sự trong mích tránh, tác sự trong phạm tránh. Đó gọi là sự tránh không thiện. Vô ký cũng như vậy. Nếu bằng tâm vô ký mà làm tức là sự tránh vô ký.

Ngôn, ngôn tránh, ngôn tránh và ngôn, ngôn tránh và tránh ngôn.

Hoặc có ngôn tức là ngôn tránh, hoặc có ngôn chẳng phải ngôn tránh, hoặc có ngôn tránh tức là ngôn, hoặc có ngôn tức là tránh, hoặc có ngôn chẳng phải tránh, hoặc có tránh tức là ngôn, hoặc có tránh chẳng phải ngôn.

Thế nào là có trường hợp ngôn tức là ngôn tránh?

Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp,cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là có ngôn tức là ngôn tránh.

Thế nào là có trường hợp ngôn chẳng phải ngôn tránh?

Cha cãi với con, con cãi với cha; con cãi với mẹ, mẹ cãi với con; anh cãi với em, em cãi với anh; chị cãi với em, em cãi với chị, hoặc những người khác cãi nhau. Đó gọi là có ngôn chẳng phải ngôn tránh.

Thế nào là ngôn tránh tức là ngôn?

Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp,cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là ngôn tránh tức là ngôn.

Thế nào là ngôn tức tránh?

Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp,cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là ngôn tức là tránh.

Thế nào là ngôn không tránh?

Cha cãi với con, con cãi với cha; con cãi với mẹ, mẹ cãi với con; anh cãi với em, em cãi với anh; chị cãi với em, em cãi với chị, hoặc những người khác cãi nhau. Đó gọi là ngôn mà không tránh.

Thế nào là tránh tức là ngôn?

Tỳ-kheo tranh cãi với tỳ-kheo, liên hệ mười tám sự: pháp hay phi pháp,cho đến thuyết hay bất thuyết. Bằng tướng trạng như vậy, tranh chấp lời lẽ với nhau, dẫn đến xung đột, hai bên không hòa. Đó gọi là tránh, tức là ngôn.

Thế nào là tránh mà chẳng phải ngôn?

Trừ ngôn tránh, các tránh sự khác như mích tránh, phạm tránh, sự tránh thì gọi là tránh mà chẳng phải ngôn.

Mích và mích tránh, mích tránh và mích, mích tránh và tránh mích.

(Bốn vế này giải thích chéo như bốn vế ngôn tránh trên không khác, nên không chép ra. Tức nói rằng: mích tức là mích tránh. Phạm tránh, sự tránh, cũng giải chéo như vậy)

3. TRÁNH SỰ DIỆT

1. Nguyên tắc hiện tiền

Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, hay để tẫn xuất, nhưng là phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy, mà vị kia lại nói nói: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, hãy nên chấp hành.› Tránh sự được diệt như vậy là phi pháp diệt tránh, phi pháp tương tợ hiện tiền tỳ-ni.

Một tỳ-kheo trước mặt hai tỳ-kheo, trước ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy.

Hai tỳ-kheo trước một tỳ-kheo trước hai tỳ-kheo, trước ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy.

Ba tỳ-kheo trước một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, trước Tăng cũng như vậy.

Hoặc Tăng vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng phải như vậy.

Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận› Nếu làm như vậy mà tránh sự được diệt, đó là như pháp diệt tránh hiện tiền tỳ-ni.

Trong đây, thế nào gọi là hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, và người.

Thế nào là pháp hiện tiền? Đó là pháp được thọ trì để diệt tránh.

Thế nào là tỳ-ni hiện tiền? Đó là tỳ-ni được thọ trì để diệt tránh.

Thế nào là người hiện tiền? Đó là người được trao đổi bằng nói năng, luận nghị.

Nếu tránh sự diệt rồi, tỳ-kheo nào khơi lên lại, phạm ba-dật-đề.

Nếu tỳ-kheo mới đến sau, hay mới thọ giới, gọi đó là sơ tránh, nếu phát khởi trở lại, phạm ba-dật-đề.

Một tỳ-kheo vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy. Hai tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy. Ba tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, vì hai tỳ-kheo, vì ba tỳ-kheo, vì Tăng cũng như vậy.

Tăng vì một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.› Nếu làm như vậy mà tránh sự được diệt, đó là như pháp diệt tránh hiện tiền tỳ-ni.

Thế nào gọi là hiện tiền? Đó là pháp, người, Tăng và giới.

Thế nào là pháp hiện tiền? Đó là pháp được thọ trì để diệt tránh.

Thế nào là tỳ-ni hiện tiền? Đó là tỳ-ni được thọ trì để diệt tránh.

Thế nào là người hiện tiền? Đó là người được trao đổi bằng nói năng, luận nghị.

Thế nào là Tăng hiện tiền? Đồng một yết-ma, hoà hợp tụ hội một chỗ, người không đến thì chúc thọ, người có mặt đủ tư cách ngăn mà không ngăn.

Thế nào là giới hiện tiền? Yết-ma tại trong cương giới được qui định.

Nếu tránh sự đã được chấm dứt, vị nào khơi lên lại phạm ba-dật-đề. Nếu tỳ-kheo mới đến sau hay mới thọ giới, gọi đó là sơ tránh, mà phát khởi lên lại, thì phạm ba-dật-đề. Vị nào dữ dục rồi sau hối hận, phạm ba-dật-đề.

Tăng vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy.

2. Diệt ngôn tránh

i. Hiện tiền luật

1. Bấy giờ tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch:

«Kính bạch đức Thế Tôn, có bao nhiêu pháp để diệt ngôn tránh?»

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

«Ngôn tránh được diệt bằng hai pháp. Diệt bằng hiện tiền tỳ-ni, dùng đa nhơn ngữ.»

Tôn giả A-nan lại hỏi:

«Có trường hợp nào ngôn tránh được diệt bằng một pháp là hiện tiền tỳ-ni, mà không dùng đa nhơn ngữ hay không?»

Đức Phật bảo A-nan:

«Có.»

A-nan hỏi:

«Đó là trường hợp nào?»

Đức Phật dạy:

«Nếu một tỳ-kheo trước mặt một tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.› Như vậy tránh sự được diệt. Này A-nan, đó gọi là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, không dùng đa nhơn ngữ.»

Hiện tiền: nghĩa như trên.

Một tỳ-kheo vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy.

Hai tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Ba tỳ-kheo vì một tỳ-kheo, hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy. Tăng vì một Tỳ-kheo nói những lời hay đẹp để giáo giới, như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Vị kia nói như vầy: ‹Đây là pháp, là tỳ-ni, là lời Phật dạy, thầy nên thọ trì, nên chấp nhận.› Này A-nan, tránh sự này nhờ vậy mà được chấm dứt. Đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp là hiện tiền tỳ-ni, chứ không dùng đa nhơn ngữ.

Hiện tiền: nghĩa như trên.

Tăng vì hai tỳ-kheo, ba tỳ-kheo, Tăng cũng như vậy.

Đức Phật lại bảo A-nan:

«Vị tỳ-kheo tranh cãi kia, không thể chấp nhận Tăng tác pháp như vậy để diệt tránh, nghe trú xứ nọ có chúng Tăng giỏi, Thượng tọa giỏi, là người trí tuệ. Vị tỳ-kheo tranh cãi kia do sự tranh cãi này nên đến nơi trú xứ kia. Hoặc giả trên đường đi gặp được người có thể chấm dứt sự tranh cãi như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp hiện tiền tỳ-ni, chứ không dùng đa nhơn ngữ. Chữ hiện tiền ở đây cùng có nghĩa như trên.»

2. Tỳ-kheo tranh cãi kia trên đường đi không gặp được vị có thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt sự tranh cãi thì vị tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến nơi chúng Tăng đó, trước Thượng tọa có trí tuệ, thưa như vầy: «Tránh sự này của tôi khởi lên như vầy, do bởi nguyên nhân thật sự là như vậy. Tăng tác pháp như vậy để diệt. Tôi không thể chấp nhận, cho nên đến Trưởng lão. Lành thay! Trưởng lão vì tôi như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này. Nếu Trưởng lão có thể vì chúng tôi chấm dứt sự tranh cãi này như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, chúng tôi sẽ đối trước Trưởng lão xả bỏ tránh sự này. Nếu Trưởng lão không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự này, chúng tôi sẽ tự tại tranh chấp, khiến cho tội trạng càng sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự này, các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.» Tỳ-kheo tranh cãi kia nên ở trước Tăng xả bỏ việc tranh cãi như vậy. Tăng nên nói với vị tỳ-kheo tranh cãi kia rằng:

«Này Trưởng lão, tránh sự nếu khởi lên như vậy, do nguyên nhân thật sự là như vậy mà khởi lên, và chúng Tăng ở kia đã chấm dứt việc tranh cãi như vây. Nếu có thể nói như thật, thì chúng tôi sẽ tự lượng có thể chấm dứt tránh sự này hay không. Nếu tránh sự này của Trưởng lão khởi lên như vậy, nguyên do sự thật như vậy mà khởi lên, Chúng Tăng kia đã diệt tránh như vậy, mà không được thuyết minh như thật, thì, này Trưởng lão, tránh sự này càng ngày càng sâu nặng, phi pháp, phi tỳ-ni, phi lời Phật dạy. Tránh sự này không được chấm dứt, các tỳ-kheo sẽ không sống được an lạc.

«Tăng nên thụ lý tránh sự như vậy. Thụ lý rồi nên quyết đoán. Nếu tỳ-kheo tranh cãi kia là hạ tọa thì nên nói: ‹Thầy ra ngoài một chút để chúng tôi cùng nhau bình đoán việc này cho được như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy.› Nếu tỳ-kheo tranh cãi ấy là bậc Thương tọa thì Tăng nên tự tránh đến chỗ khác để cùng nhau bình đoán việc này cho như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy. Chúng Tăng nên suy nghĩ như vầy, ‹Nếu chúng ta ở trong Tăng bình đoán việc này, thì sợ sẽ có các việc khác xảy ra, khiến cho hai bên lời thiện lời ác không thôi. Chúng ta hãy cùng với các vị có trí tuệ tập hợp riêng một chỗ để cùng nhau bình đoán việc này.›»

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

Bấy giờ, Tăng nên tác bạch bình đoán việc này như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng tập hợp các vị có trí tuệ cùng nhau bình đoán riêng việc này. Đây là lời tác bạch.»

«Nên tác bạch như vậy rồi cùng nhau bình đoán.»

Tỳ-kheo có mười pháp nên sai để bình đoán riêng việc này. Mười pháp là: 1. Trì giới đầy đủ, 2. Đa văn, 3. Tụng hai bộ tỳ-ni thuộc lòng, 4. Lý giải rộng nghĩa của Luật, 5. Khéo léo xử dụng ngôn từ, biện luận rành mạch, đủ khả năng vấn đáp khiến cho vị kia hoan hỷ, 6. Nếu tránh sự khởi lên phải có khả năng chấm dứt, 7. Không thiên vị, 8. Không giận hờn, 9. Không khiếp sợ, 10. Không si mê. Có mười pháp như vậy thì nên sai cùng nhau họp riêng để bình đoán sự. Trong số tỳ-kheo đoán sự, có vị nào không tụng giới được, không biết tỳ-ni của giới, cho nên không nói theo chánh nghĩa, mà nói lời phi pháp, thì Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo này đi ra. Văn bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo kia tên là… không tụng giới được, không biết tỳ-ni của giới, bỏ nghĩa chánh, nói lời phi pháp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến Tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.»

Tác bạch như vậy rồi khiến người ấy ra. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

Trong số tỳ-kheo đang ngồi đoán sự kia có vị tụng giới, nhưng không tụng tỳ-ni của giới, cho nên bỏ chánh nghĩa, chỉ nói được một ít văn. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan, Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo đoán sự này đi xa. Văn bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là… tụng giới, nhưng không tụng tỳ-ni của giới, cho nên bỏ chánh nghĩa, chỉ nói được một ít văn. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.»

Tác bạch như vậy rồi khiến vị ấy ra. Nếu trong số tỳ-kheo đoán sự có vị pháp sư ngồi dự. Vị kia bỏ chánh nghĩa, dùng sức mạnh của ngôn từ để nói lấn áp. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

Tăng nên tác bạch khiến tỳ-kheo này đi ra. Văn bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo pháp sư này tên là… bỏ chánh nghĩa, dùng sức mạnh của ngôn từ để nói lấn áp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng khiến tỳ-kheo này ra. Đây là lời tác bạch.»

Nên bạch như vậy rồi khiến vị ấy đi ra.

Nếu trong các tỳ-kheo đang ngồi đoán sự, có vị tụng giới, tụng tỳ-ni, thuận chánh nghĩa, nói đúng như pháp. Đức Phật bảo A-nan, Tăng nên như pháp như tỳ-ni, như lời Phật dạy tán trợ tỳ-kheo này. Nếu tránh sự kia được Tăng ở kia diệt không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy, thì nay Tăng ở đây nên diệt tránh sự ấy như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật. Nếu chúng Tăng ở kia đã như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy diệt tránh sự ấy rồi, thì nay Tăng ở đây cũng hãy chuẩn nhận việc này. Tức thời, Tăng ở đây nên nói với tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: ‹Nếu Tăng ở kia đã như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này rồi, thì ở đây chúng tôi cũng nhẫn khả sự việc này là diệt tránh như pháp. Bây giờ chúng tôi cũng sẽ tác pháp diệt tránh y như vậy thôi.›

Nếu làm như vậy mà chấm dứt được việc tranh cãi, thì này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, tức hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhơn ngữ.

Nghĩa hiện tiền: pháp cho đến giới, cũng như trên.

Nếu tránh sự như pháp diệt rồi, sau đó vị nào khơi động lại, phạm ba-dật-đề, như trên.

3. Tỳ-kheo tranh cãi kia không thuận tòng Tăng thứ hai tác pháp như vậy để diệt tránh. Nghe trú xứ nọ có số đông tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di. Tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến chỗ tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di. Tỳ-kheo kia đang trên đường đi mà có thể chấm dứt tránh sự, thì này A-nan, đó gọi là ngôn tránh được diệt bằng một pháp hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhơn ngữ.

Trong đây nói hiện tiền tỳ-ni. Thế nào là hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, người, Tăng, và giới. Nghĩa cũng như trên.

Như pháp chấm dứt việc tranh cãi rồi, sau đó ai phát khởi lên lại phạm ba-dật-đề, cũng như trên.

Trường hợp nếu tỳ-kheo tranh cãi kia, giữa đường không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt tránh sự, thì tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến chỗ số đông tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di kia nói như vầy: «Thưa Trưỡng lão, việc tranh cãi này của tôi do nguyên nhân như vậy, phát khởi như vậy. Sự thật, nhân bởi đó mà phát khởi. Tăng tác pháp như vậy để diệt tránh. Tăng thứ hai cũng tác pháp như vậy để diệt tránh. Tôi không thuận tòng, nên đến Trưởng lão. Lành thay, Trưởng lão có thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt việc tranh cãi này. Tôi sẽ đối trước Trưởng lão bỏ việc tranh cãi này. Nếu Trưởng lão không thể như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt việc tranh cãi này thì chúng tôi vẫn tiếp tục tranh cãi, khiến cho tội lỗi càng sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để diệt tránh sự này, thì các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.»

Tỳ-kheo tranh cãi kia nên đến trước số đông tỳ-kheo để xả bỏ việc tranh cãi này.

Số đông tỳ-kheo kia nên nói với tỳ-kheo tranh cãi này rằng: «Nếu Trưởng lão thuyết minh một cách như thật tránh sự này đúng như đã phát khởi, với nguyên nhân thật sự như vậy mà phát khởi, như Tăng thứ hai đã diệt tránh chấm dứt tranh cãi. Thuyết xong, xả tránh. Chúng tôi sẽ tự lượng xem có khả năng diệt tránh sự này hay không. Nếu Trưởng lão không nói đúng sự thật, thì việc tránh sự sẽ tiếp tục, khiến cho tội càng thêm sâu nặng. Không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi thì các tỳ-kheo sẽ sống không an lạc.»

«Này A-nan, số đông tỳ-kheo kia nên tác pháp như vậy để thụ lý việc tranh cãi. Thụ lý việc tranh cãi rồi quyết đoán. Nếu tỳ-kheo tranh cãi kia là hạ tọa thì nên nói với vị ấy rằng: ‹Thầy ra ngoài chờ một chút. Chúng tôi cần bình đoán sự việc.› Nếu vị ấy là Thượng tọa, thì chúng nên tự tránh đi chỗ khác để cùng nhau bình đoán việc này. Nếu Tăng ở kia không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi, và Tăng thứ hai cũng không như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy để chấm dứt việc tranh cãi này, thì số đông tỳ-kheo nên như pháp, như tỳ-ni, như lời Phật dạy chấm dứt tránh sự này. Nếu Tăng kia như pháp diệt tránh, Tăng thứ hai cũng như pháp diệt tránh, thì số đông tỳ-kheo cũng nên chấp nhận việc này, và nên nói với tỳ-kheo tranh cãi kia rằng: ‹Như Tăng thứ hai kia diệt tránh chúng tôi cũng chấp nhận.›

«Này A-nan, đó là ngôn tránh được diệt bằng một pháp, tức hiện tiền tỳ-ni, không dùng đa nhơn ngữ.»

Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, người; nghĩa cũng như trên. Như pháp chấm dứt tranh cãi rồi, sau đó vị nào phát khởi lên lại thì phạm ba-dật-đề, như trên.

Đến chỗ hai tỳ-kheo trì pháp, trì luật, trì ma-di cũng như vậy. Đến chỗ một tỳ-kheo trì pháp, cho đến trì ma-di cũng như vậy.

ii. Đa nhân ngữ

Bấy giờ tỳ-kheo nước Xá-vệ tranh cãi nhau. Chúng Tăng nơi Xá-vệ như pháp chấm dứt tranh cãi. Tỳ-kheo tranh cãi kia không chấp nhận Tăng chấm dứt tránh sự. Họ nghe trú xứ kia,như trên. Số đông tỳ-kheo, cũngnhư trên. Hai tỳ-kheo, một tỳ-kheocũng như trên.

Tỳ-kheo tranh cãi kia không chấp nhận Tăng nơi Xá-vệ chấm dứt tránh sự, cho đến một tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Phật. Đức Phật liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện khiển trách tỳ-kheo tranh cãi kia rằng:

«Các ngươi làm điều sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Các ngươi, những người ngu si, Tăng nơi Xá-vệ như pháp chấm dứt tranh cãi mà sao không chấp nhận? Cho đến một tỳ-kheo chấm dứt tranh cãi cũng không chấp nhận?»

a. Hành xá-la

1. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách rồi bảo các tỳ-kheo nên chấm dứt tranh cãi này bằng đa nhơn ngữ, bằng pháp hành xá-la. Sai người hành xá-la bằng pháp bạch nhị yết-ma. Vị nào có năm pháp sau đây không nên sai hành xá-la: có thiên vị, hay giận hờn, khiếp sợ, có si, không biết đã hành hay không hành. Có năm pháp như vậy không nên sai hành xá-la. Không thiên vị, không hay giận hờn, không hay khiếp sợ, không si, biết đã hành hay không hành. Người có năm pháp như vậy nên sai hành xá-la. Trong chúng nên sai người có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận, Tăng sai tỳ-kheo tên… hành xá-la. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai tỳ-kheo… hành xá-la. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng sai tỳ-kheo tên… hành xá-la, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

«Tăng đã chấp thuận sai tỳ-kheo… hành xá-la rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

2. Có ba cách hành xá-la, một là công khai, hai là kín, ba là rỉ tai.

a. Thế nào gọi là bỏ phiếu công khai?

Các tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: ‹Trong chúng, tỳ-kheo phi pháp nhiều, song Hòa thượng A-xà-lê của họ đều là như pháp.› Nên cần công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong chúng, phần nhiều là người phi pháp mà Thượng tọa là người trí, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di đều là những người nói như pháp.› Nên cần công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Không biết trong tránh sự này là người nói như pháp nhiều, hay người nói phi pháp nhiều. Song Hòa thượng A-xà-lê của họ đều là như pháp.› Tỳ-kheo kia nên công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Không biết trong tránh sự này là người nói như pháp nhiều, hay người nói phi pháp nhiều. Song bậc Thượng tọa là người có trí, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di đều như pháp nói.› Tỳ-kheo kia nên công khai hành xá-la. Các tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong tránh sự, này người nói đúng pháp nhiều.› Nên công hai hành xá-la.

Thể thức thực hành như sau: nên làm hai loại xá-la, một loại chẻ hai, một loại để nguyên. Làm xá-la rồi nên tác bạch: ‹Vị nào nói như thế này, thì rút thẻ nguyên. Vị nào nói như thế kia, thì rút thẻ chẻ.› Hành xá-la xong, đến chỗ khác để kiểm. Nếu tỳ-kheo như pháp ngữ nhiều thì vị chủ trì công bố kết quả để chấm dứt việc tranh cãi. Nếu số tỳ-kheo như pháp ít thì vị ấy nên tác lễ rồi đứng dậy ra đi. Sau đó sai người tin cậy đến trong Tăng của trú xứ tỳ-kheo bạch: ‹Trú xứ kia tỳ-kheo phi pháp nhiều. Lành thay, Trưởng lão hãy đến đó. Nếu tỳ-kheo như pháp ngữ nhiều, tránh sự kia được chấm dứt, được nhiều công đức.› Tỳ-kheo này nghe vậy, nên đến. Nếu không đến, sẽ như pháp trị.

«Này A-nan, nếu tác pháp như vậy mà tránh sự được chấm dứt thì gọi là ngôn tránh được diệt bằng hai pháp để diệt: hiện tiền tỳ-ni, dùng đa nhơn ngữ.»

Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni, người, giới, Tăng. Nghĩa như trên. Trong đây, Thế nào là dụng đa nhơn ngữ? Căn cứ lời nói nhiều người, là những người trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di.

Nếu tránh sự đã được diệt như pháp rồi, sau đó vị nào phát khởi lại, phạm ba-dật-đề,như trên.

b. Thế nào gọi là hành xá-la kín?

Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Trong tránh sự này, tỳ-kheo như pháp nhiều mà Hòa thượng A-xà-lê của họ không như pháp. Nếu chúng ta công khai hành xá-la, sợ các tỳ-kheo tùy theo Hòa thượng A-xà-lê rút xá-la.› Tỳ-kheo kia hành xá-la kín. Có vị nghĩ: ‹Trong tránh sự này, tỳ-kheo như pháp nhiều. Nhưng trong chúng kia có Thượng tọa tiêu biểu cho người trí, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di mà lại trụ phi pháp. Nếu chúng ta công khai hành xá-la, thì các tỳ-kheo tùy thuận theo vị Thượng tọa trong chúng, người tiêu biểu về trí mà trụ phi pháp kia rút xá-la.› Cho nên tỳ-kheo nên hành xá-la kín. Hai vế không biết cũng như trên. Nên hành xá-la như vậy.

Từ hai cách,cho đến như pháp diệt tránh rồi, vị nào phát khởi trở lại mắc ba-dật-đề,như trên, trong mục công khai hành xá-la.

c. Thế nào là hành xá-la rỉ tai?

Tỳ-kheo kia nghĩ, như pháp tỳ-kheo nhiều, nhưng Hòa thượng A-xà-lê của họ lại nói phi pháp, vị kia nên rỉ tai hành xá-la. Vị tỳ-kheo kia khởi ý nghĩ, việc tranh cãi này tỳ-kheo như pháp nhiều mà vị Thượng tọa trong chúng người tiêu biểu về trí, lại trụ nơi phi pháp, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di nên tỳ-kheo kia rỉ tai hành xá-la. Hai vế không biết cũng như trên.

Nên làm hai loại xá-la một loại chẻ, một loại nguyên, tuyên bố. ‹Vị nào nói như vầy thì rút thẻ nguyên. Vị nào nói như vầy thì rút thẻ chẻ.› Khi hành xá-la nên bố trí ngồi cách khoảng, có thể một người đi chen vào giữa che khuất người kia để rỉ tai, nói: ‹Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê đồng A-xà-lê, thân hậu tri thức của thầy đã rút xá-la… Lành thay, thầy cũng nên rút xá-la… Từ mẫn cố! Nếu như pháp tỳ-kheo nhiều, tránh sự được chấm dứt thì được công đức nhiều.› Hành xá-la rồi, qua một bên để kiểm. Từ đây cho đến như pháp diệt tránh rồi, vị nào phát khởi lại, phạm ba-dật-đề, như trên.

b. Xá-la phi pháp

Có mười cách rút xá-la không như pháp: 1. Không hiểu rõ mà bốc xá-la, 2. Không theo đồng bạn tốt mà bốc xá-la, 3. Muốn khiến cho người phi pháp nhiều mà bốc xá-la, 4. Biết tỳ-kheo phi pháp nhiều mà bốc xá-la, 4. Muốn khiến chúng Tăng bị phá vỡ nên bốc xá-la, 6. Biết chúng Tăng sẽ bị phá vỡ mà bốc xá-la, 7. Phi pháp bốc xá-la, 8. Biệt chúng bốc xá-la, 9. Do một vi phạm nhỏ mà bốc xá-la, 10. Không đứng theo sở kiến mà bốc xá-la.

Thế nào là không hiểu rõ mà rút xá-la?

Đối với tránh sự này không nắm vững, không hiểu rõ, không biết là pháp hay phi pháp, cho đến thuyết hay phi thuyết. Như vậy là không hiểu rõ mà rút xá-la.

Thế nào là không cùng bạn lành mà rút xá-la?

Không đồng bạn với tỳ-kheo đa văn, trì pháp, trì tỳ-ni, trì ma-di, pháp hay phi pháp cho đến thuyết hay phi thuyết. Như vậy là không cùng với bạn lành rút xá-la.

Thế nào là khiến cho tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la?

Tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong tránh sự này có nhiều tỳ-kheo như pháp. Nay ta nên rút xá-la theo phi pháp, khiến cho tỳ-kheo phi pháp nhiều.› Như vậy gọi là khiến tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la.

Thế nào gọi là biết nhiều tỳ-kheo phi pháp mà rút xá-la?

Tỳ-kheo kia nghĩ: ‹Trong tránh sự này tỳ-kheo phi pháp nhiều. Đồng bạn với phi pháp rút xá-la.› Như vậy gọi là biết tỳ-kheo phi pháp nhiều mà rút xá-la.

Thế nào gọi là muốn khiến Tăng phá vỡ rút xá-la?

Vị kia khởi ý nghĩ: ‹Tránh sự này tỳ-kheo như pháp nhiều, nay ta rút xá-la theo phe phi pháp khiến cho chúng Tăng bị phá vỡ.› Như vậy là muốn khiến chúng Tăng phá vỡ mà rút xá-la.

Thế nào gọi là biết Tăng phá vỡ mà rút xá-la?

Tỳ-kheo kia biết tỳ-kheo phi pháp nhiều, vì bạn bè phi pháp mà rút xá-la, như vậy gọi là biết Tăng sẽ bị phá mà rút xá-la.

Thế nào gọi là phi pháp rút xá-la?

Bạch nhị, bạch tứ yết-ma mà bạch khác, yết-ma khác. Như vậy gọi là phi pháp rút xá-la.

Thế nào gọi là biệt chúng rút xá-la?

Đồng một cương giới, khi yết-ma không tập hợp hết, người đáng chúc thọ không chúc thọ, người hiện tiền đáng ngăn, ngăn. Như vậy gọi là biệt chúng rút xá-la.

Thế nào gọi là do một vi phạm nhỏ mà rút xá-la?

Hoặc nghĩ phạm tội, hoặc không cố phạm, hoặc phát tâm làm như vậy mà rút xá-la. Như thế gọi là do một vi phạm nhỏ mà rút xá-la.

Thế nào là không đúng như sở kiến mà rút xá-la?

Kiến giải khác, nhẫn khả khác mà rút xá-la. Như vậy là không đúng như sở kiến mà rút xá-la.

Đó gọi là mười cách phi pháp rút xá-la. Lại có mười cách như pháp rút xá-la. (Ở đây tức là ngược lại mười điều không như pháp rút xá-la trên).

c. Bình đoán sự

Có năm loại bình đoán nhơn: có người thân không làm mà khẩu làm, có người khẩu không làm mà thân làm, có người thân không làm khẩu không làm, có người thân làm khẩu làm, có người không ái không nhuế không bố không si.

Thế nào là người thân không làm mà khẩu làm? Nghĩa là người thân không hiện tướng mà miệng có nói năng dạy dỗ, đó là người thân không làm mà miệng làm.

Thế nào là người miệng không làm mà thân làm?

Là người thân hiện tướng mà miệng không nói năng dạy dỗ, đó là người miệng không làm mà thân làm.

Thế nào là người thân không làm, khẩu không làm?

Là người thân không hiện tướng, miệng không nói năng dạy dỗ, đó là người thân không làm, miệng không làm.

Thế nào là người miệng làm thân làm?

Là người thân hiện tướng, miệng nói năng dạy dỗ, đó là người thân làm miệng làm.

Trong số này, người không ái, không nhuế, không bố, không si, là người bậc nhất hết sức tôn quý. Sữa cho ra lạc, lạc cho ra tô, tô cho ra đề hồ là tối thắng, không có thứ gì so sánh được. Cũng như vậy, người không ái, không nhuế, không bố, không si là rất tôn quý thù thắng không ai so sánh được. Đây là năm hạng người bình đoán.

3. Diệt mích tránh

1. Bấy giờ, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Bạch đức Thế Tôn, mích tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?»

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

«Mích tránh được diệt bằng bốn pháp. Đó là, hiện tiền tỳ-ni, ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni và tội xứ sở.»

2. Tôn giả A-nan lại hỏi:

«Có trường hợp nào mích tránh được diệt không phải bằng hai pháp tức bất si tỳ-ni và tội xứ sở tỳ-ni hay không?»

Đức Phật trả lời:

«Có.»

Tôn giả A-nan lại hỏi:

«Đó là trường hợp nào?»

Đức Phật dạy:

«Này A-nan, tỳ-kheo không phạm tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, mà các tỳ-kheo nói: ‹Thầy có nhớ phạm ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá hay không?› Vị ấy không nhớ nên trả lời, ‹Tôi không nhớ phạm ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi mãi.› Tỳ-kheo kia cố gạn hỏi không thôi. Này, A-nan Tăng nên trao cho tỳ-kheo này ức niệm tỳ-ni, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên.»

Có ba trường hợp phi pháp trao ức niệm tỳ-ni. Nếu tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Tỳ-kheo kia nói: ‹Thầy nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá hay không?› Tội phạm trả lời: ‹Tôi không nhớ phạm. Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi.› Nhưng tỳ-kheo cố gạn hỏi không thôi. Phạm nhơn đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho tác pháp ức niệm tỳ-ni tức là phi pháp.

Tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo cũng nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá không?› Phạm nhơn trả lời: ‹Tôi không nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Tôi nhớ phạm tội nhỏ, sẽ như pháp sám hối. Các trưởng lão đừng gạn hỏi tôi mãi.› Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi không thôi. Tỳ-kheo kia đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho ức niệm tỳ-ni là phi pháp.

Nếu tỳ-kheo phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo cũng nói phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội không?› Người ấy nói: ‹Tôi không nhớ phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Tôi nhớ phạm tiểu tội, đã như pháp sám hối, các Trưởng lão đừng đến gạn hỏi tôi mãi.› Các tỳ-kheo cố nạn hỏi không thôi. Người ấy đến Tăng xin ức niệm tỳ-ni. Nếu Tăng cho ức niệm tỳ-ni, tức là phi pháp.

Đó là ba loại trao ức niệm tỳ-ni phi pháp. Có ba loại trao ức niệm tỳ-ni như pháp (tức ngược lại ba vế trên).

Có năm trường hợp không như pháp trao ức niệm tỳ-ni: không hiện tiền, không tự ngôn, không thanh tịnh, phi pháp, biệt chúng. Đó là năm phi pháp trao ức niệm tỳ-ni.

Có năm cách như pháp trao ức niệm tỳ-ni: hiện tiền, tự ngôn, thanh tịnh, pháp, hòa hợp. Đó là năm như pháp trao ức niệm tỳ-ni.

Này, A-nan, nếu việc tranh cãi được chấm dứt như vậy, tức là mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, ức niệm tỳ-ni, không bằng bất si tỳ-ni và tội xứ sở.

Trong đây, cái gì hiện tiền? Đó là pháp, tỳ-ni, người, Tăng, và giới. Nghĩa cũng như trên.

Trong đây, ức niệm tỳ-ni như thế nào?

Tội ấy của tỳ-kheo không được nêu trở lại thì không được tác ức niệm. Nếu tỳ-kheo đã như pháp chấm dứt sự tranh cãi rồi, mà sau đó vị nào phát khởi lên trở lại, phạm ba-dật-đề, như trên.

3. Tôn giả A-nan lại hỏi:

«Có trường hợp nào mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, bất si tỳ-ni, mà không dùng ức niệm tỳ-ni và tội xứ sở hay không?»

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

«Có.»

Tôn giả A-nan thưa:

«Trường hợp đó là thế nào?»

Đức Phật dạy:

«Trường hợp có tỳ-kheo điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội, sau đó bình phục trở lại. Các tỳ-kheo đều nói phạm trọng tội, ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, nên hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội, ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá, hay không?› Vị đó không nhớ phạm trọng tội nên trả lời: ‹Tôi không phạm trọng tội, ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá. Khi ấy tôi bị điên cuồng tâm loạn, nhiều lần phạm các tội. Đây chẳng phải là cố ý, mà là do tôi điên cuồng vậy. Các trưởng lão đừng gạn hỏi tôi nữa.› Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi, không thôi.»

Vị ấy nghĩ: ‹Ta nên làm thế nào?› Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật.

Đức Phật dạy:

«Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo này bất si tỳ-ni, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên. Có ba phi pháp trao bất si tỳ-ni:

«Tỳ-kheo không si giả làm si, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn. Các tỳ-kheo nói, phạm trọng tội ba-la-di, tăng tàn, thâu-lan-giá. Các tỳ-kheo hỏi: ‹Thầy có nhớ phạm trọng tội ba-la-di, cho đến thâu-lan-giá hay không?› Người ấy trả lời: ‹Khi ấy tôi cuồng si, nhiều lần phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn. Chẳng phải tôi cố ý làm, mà là do cuồng si cho nên làm. Các Trưởng lão đừng gạn hỏi tôi nữa.› Các tỳ-kheo cứ gạn hỏi mãi không thôi. Tỳ-kheo đó đến Tăng xin bất si tỳ-ni. Nếu Tăng cho bất si tỳ-ni, là phi pháp. (Đây là vế đầu. Kế đến câu thứ hai cũng như trên. Chính người ấy nói, tôi nhớ nhiều lần phạm tội như người trong mộng làm vậy. Kế đến vế thứ ba cũng như trên. Chính người ấy nói, tôi nhớ nhiều lần phạm các tội, như người từ trên núi cao rớt xuống chỉ nắm được vật nhỏ, tôi cũng như vậy). Đó là ba phi pháp trao bất si tỳ-ni. Có ba như pháp trao bất si tỳ-ni (ngược lại với ba câu trên là như pháp).

Có năm phi pháp trao bất si tỳ-ni. Có năm như pháp trao bất si tỳ-ni như trên.

«Này A-nan, nếu việc tranh cãi được chấm dứt như vậy, đó là mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, bất si tỳ-ni, không dùng ức niệm tỳ-ni, tội xứ sở. Trong đây, nghĩa của hiện tiền như trên.

Thế nào gọi là bất si tỳ-ni?

Tội này của Tỳ-kheo không được nêu trở lại thì không được tác ức niệm vậy. Tỳ-kheo kia đã như pháp chấm dứt tránh sự, sau đó ai phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề,như trên.

4. Tôn giả A-nan lại hỏi:

«Có trường hợp nào mích tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, tội xứ sở, mà không dùng ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni không?»

Đức Phật dạy:

«Có.»

A-nan thưa:

«Trường hợp ấy là thế nào?»

Nếu tỳ-kheo ưa luận nghị cùng ngoại đạo, khi bị hỏi gắt thì lời nói trước mâu thuẫn lời nói sau. Khi ở trong chúng được hỏi, cũng lời nói trước mâu thuẫn lời nói sau, cố ý nói dối. Này A-nan, Tăng nên trao cho tỳ-kheo này tội xứ sở, bằng pháp bạch tứ yết-ma như trên.

Có ba phi pháp trao tội xứ sở tỳ-ni: không tác cử, không tác ức niệm, không tác tự ngôn. Đó gọi là ba.

Lại có ba: không phạm, tội phạm không thể sám, phạm tội đã sám.

Lại có (những nhóm) ba: không cử, phi pháp, biệt chúng. Không tác ức niệm, phi pháp, biệt chúng. Không tác tự ngôn, phi pháp, biệt chúng. Không phạm tội, phi pháp, biệt chúng. Phạm tội không thể sám, phi pháp, biệt chúng. Phạm tội nhưng đã sám, phi pháp, biệt chúng. Không hiện tiền, phi pháp, biệt chúng. Đó gọi là (những nhóm) ba phi pháp trao tội xứ sở.

Lại có ba như pháp trao tội xứ sở (ngược lại với việc trên, chứ không khác, nên không chép ra là như pháp vậy).

Có ba như pháp trao tội xứ sở.

Có năm phi pháp trao tội xứ sở: Không hiện tiền, không tác tự ngôn, không thanh tịnh, phi pháp biệt chúng. Đó là năm phi pháp trao tội xứ sở.

(Lại có năm vế như pháp ngược với việc trên, chứ không khác, nên không chép ra).

Nếu việc tranh cãi được chấm dứt thì đó là tránh sự được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni, tội xứ sở; không dùng ức niệm tỳ-ni, bất si tỳ-ni. Nghĩa của hiện tiền như trên.

Thế nào la tội xứ sở?

Với tội này, tỳ-kheo kia bị tác cử, bị tác ức niệm.

Tỳ-kheo kia, nếu tránh sự đã như pháp chấm dứt rồi, sau đó phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề,như trên.

4. Diệt phạm tránh

1. Tôn giả A-nan lại thưa:

«Phạm tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?

Phật dạy tôn giả A-nan:

«Phạm tránh được diệt bằng ba, hiện tiền tỳ-ni, tự ngôn trị, thảo phú địa.»

Tôn giả A-nan lại hỏi:

«Có trường hợp nào phạm tránh được diệt bằng hai pháp, hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, mà không dùng thảo phú địa hay không?»

Đức Phật dạy:

«Có.»

A-nan lại thưa:

«Trường hợp đó là thế nào?»

Đức Phật bảo tôn giả A-nan:

Tỳ-kheo phạm tội, nếu muốn đến trước một tỳ-kheo để sám hối thì nên đến chỗ một tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì nên kính lễ sát chân, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay, nói rõ tên tội, nói chủng loại của tội, như sau:

«Trưởng lão nhất tâm niệm, tôi tỳ-kheo tên… phạm… tội, nay đến Trưởng lão để sám hối, không dám che giấu. Sám hối thì an lạc, không sám hối không an lạc. Tôi nhớ nghĩ có phạm nên phát lồ, biết mà không dám che giấu. Trưởng lão nhớ cho, tôi thanh tịnh, giới thân đầy đủ, thanh tịnh bố-tát.»

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng thưa như vậy. Vị thọ sám nên nói:

«Thầy nên tự trách tâm mình, nên sanh tâm yểm ly.»

Trả lời:

«Vâng.»

«Này A-nan, nếu làm như vậy mà việc tranh cãi được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, mà không dùng như thảo phú địa.»

Trong đây, nghĩa của hiện tiền, pháp, tỳ-ni,như trên. Người hiện tiền tức là người thọ sám.

Thế nào gọi là tự mình nói tên tội, nói chủng loại tội?

Tức là sám hối vậy.

Thế nào gọi là trị?

Là ‹Hãy tự trách tâm của ngươi, sanh yểm ly.› Nếu việc tranh cãi được chấm dứt rồi, sau đó vị nào phát khởi lên lại, phạm ba-dật-đề. Trừ thọ dục rồi, ngoài ra như trên.

Nếu muốn đến hai tỳ-kheo sám hối thì nên đến chỗ hai tỳ-kheo thanh tịnh, để trống vai bên hữu. Nếu vị ấy là bậc Thượng tọa thì kính lễ sát chân rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay nói tên tội, nói chủng loại tội, tác pháp sám hối như trên.

Vị thọ sám, trước hết nên hỏi vị tỳ-kheo thứ hai rằng: ‹Nếu Trưởng lão cho phép tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo… thì tôi sẽ nhận.›

Vị thứ hai nên nói:

«Đồng ý.»

Nếu muốn đối với ba vị tỳ-kheo để sám hối cũng như vậy. Hay muốn sám hối đối với Tăng thì nên đến giữa Tăng, để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Tăng, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tôi là tỳ-kheo tên… phạm… tội, nay đến Tăng xin sám hối.»

Thưa xin như vậy ba lần. Vị thọ sám nên tác bạch rồi sau mới nhận sám của vị kia. Văn tác bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo kia tên là… phạm… tội, nay đến Tăng xin sám hối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo… Đây là lời tác bạch.»

Nên tác bạch như vậy rồi nhận sám. Vị thọ sám nên nói:

«Thầy nên tự trách tâm mình; sanh tâm yểm ly.»

Tỳ-kheo sám hối nên thưa:

«Vâng.»

«Này A-nan, nếu tác pháp như vậy mà tránh sự được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và tự ngôn trị, chứ không dùng như cỏ che đất.»

Trong đây, hiện tiền là pháp, tỳ-ni,cho đến giới,như trên.

Thế nào là tự nói tên tội, nói chúng loại tội? Tức sám hối vậy.

Thế nào là tự trị? là ‹Tự trách tâm ngươi; sanh tâm yểm ly.› Tránh sự được như pháp diệt rồi, sau đó ai phát khởi lại, thì như trên.

2. Tôn giả A-nan lại thưa:

«Bạch Đại đức, có trường hợp nào phạm tránh được diệt bằng hai pháp hiện tiền tỳ-ni và như cỏ che đất chứ không dùng tự ngôn trị hay không?»

Đức Phật dạy:

«Có.»

Tôn giả hỏi:

«Trường hợp đó thế nào?»

Đức Phật dạy:

«Trong tránh sự này, trong đó các tỳ-kheo đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Trong tránh sự này, chúng ta đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Nếu chúng ta cùng nhau tự mình truy cứu tránh sự này, sợ khiến cho tội sâu nặng, không thể như pháp như tỳ-ni như lời Phật dạy để chấm dứt, khiến các tỳ-kheo không sống an lạc.› Này A-nan, trong một chúng kia có tỳ-kheo trí tuệ có khả năng, nên từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Bạch các Trưởng lão, trong tránh sự này, chúng ta đa số phạm các tội, chẳng phải pháp sa-môn, nói năng không chừng mực, ra vào tới lui không thuận oai nghi. Nếu chúng ta cùng nhau tự mình truy cứu tránh sự này, sợ khiến cho tội sâu nặng, không thể như pháp như tỳ-ni như lời Phật dạy để chấm dứt, khiến các tỳ-kheo không sống an lạc. Nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi vì các Trưởng lão tác pháp sám hối như cỏ che đất đối với tội này.»

Chúng thứ hai cũng nói như vậy.

«Này A-nan, các tỳ-kheo kia nên tác bạch pháp sám như cỏ che đất, như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, Tăng vì việc tranh cãi này tác pháp sám hối như cỏ che đất. Đây là lời tác bạch.»

Nên tác bạch như vậy rồi, tác pháp sám hối như cỏ che đất.

«Này A-nan, trong một chúng kia có vị trí tuệ, có khả năng, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:

«Thưa các Trưởng lão, nay tôi, trong tránh sự này, nếu các Trưởng lão chấp thuận, tôi vì các Trưởng lão tác pháp sám hối như cỏ che đất đối với các tội đã phạm, trừ trọng tội, và yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y.»

Chúng thứ hai cũng nói như vậy.

«Này A-nan, nếu tránh sự do thế mà được chấm dứt tức là phạm tránh này được diệt bằng hai pháp hiện tỳ-ni và như cỏ che đất để chấm dứt, chứ không dùng tự ngôn trị.» Hiện tiền, nghĩanhư trên.

Thế nào gọi là cỏ che đất? Không nói tên tội, tên chủng loại của tội để sám hối.

Nếu việc tranh cãi được chấm dứt rồi, sau đó có ai phát khởi lên lại, cũng như trên.

5. Diệt sự tránh

Tôn giả A-nan lại thưa:

«Sự tránh được diệt bằng bao nhiêu pháp?»

Đức Phật dạy:

«Tùy theo tội phạm, bằng tất cả pháp để chấm dứt.

6. Ưu-ba-ly hỏi

1. Bấy giờ, trưởng giả Ưu-ba-ly, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, bạch Phật:

«Tác tự ngôn trị, tất cả đều như pháp hết phải không?»

Đức Phật dạy:

«Này Ưu-ba-ly, tự ngôn trị không phải tất cả đều như pháp.

«Trong đây, tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho ba-la-di để trị. Này Ưu-ba-ly, đó là tự ngôn trị phi pháp.

«Này Ưu-ba-ly, trong đây tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao cho tội tăng tàn để trị. Này Ưu-ba-ly, như vậy là trao cho tự ngôn trị phi pháp.»

Cho đến, tự nói phạm ác thuyết cũng như vậy.

«Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Tỳ-kheo kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo trao cho pháp ba-la-di để trị. Như vậy gọi là tự ngôn trị phi pháp.

«Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo không tác cử, không tác ức niệm. Tỳ-kheo kia tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo trao cho pháp tăng tàn để trị. Đó là trao tự ngôn trị phi pháp.»

Trường hợp tỳ-kheo không phạm tăng tàn, tự nói phạm ba-dật-đề, cho đến ác thuyết cũng như vậy.

Trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-dật-đề tự nói phạm ba-la-di, cho đến ác thuyết cũng như vậy.

Trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-la-đề-đề-xá-ni, tự nói phạm ba-la-di, cho đến ác thuyết cũng như vậy. Thâu-lan-giá cho đến ác thuyết cũng như vậy. Đột-kiết-la cho đến ác thuyết cũng như vậy. Ác thuyết mà tự nói phạm ba-la-di, trở lại đến ác thuyết cũng như vậy.

2. «Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo không phạm ba-la-di. Vị kia tác cử, tác ức niệm, bèn tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho pháp ba-la-di để trị. Đó là tác tự ngôn trị phi pháp.»

cho đến tự nói phạm ác tác, bảy vế xen nhau làm đầu mối cũng như trên.

«Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao tội tăng tàn để trị. Như vậy là tự ngôn trị phi pháp.»

Cho đến tự nói phạm ác thuyết cũng như vậy. Trường hợp tỳ-kheo phạm tăng tàn, tỳ-kheo kia không tác cử, không tác ức niệm, bèn tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao tội ba-la-di để trị. Như vậy là phi pháp trao tự ngôn trị. Trường hợp tỳ-kheo phạm tăng tàn. Tỳ-kheo kia không tác cử, không tác ức niệm, tự nói phạm ba-dật-đề. Các tỳ-kheo liền trao tội ba-dật-đề để trị. Tức là phi pháp tự ngôn trị.

Cho đến tự nói phạm ác thuyết xen nhau làm đầu mối cũng như vậy.

«Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Tỳ-kheo kia tác cử, tác ức niệm, bèn nói phạm tăng tàn. Các tỳ-kheo liền trao tội tăng tàn để trị.» Cho đến ác thuyết xen nhau làm thành vế cũng như vậy.

«Này Ưu-ba-ly, đó là trao tự ngôn trị phi pháp.»

3. Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Thế nào là tự ngôn như pháp trị?»

Đức Phật dạy:

«Nếu tỳ-kheo phạm ba-la-di. Vị kia không tác cử, không tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền vì vị ấy tác tội ba-la-di để trị. Như vậy là trao tự ngôn như pháp trị.»

Cho đến ác thuyết cũng như vậy.

«Này Ưu-ba-ly, trường hợp tỳ-kheo phạm ba-la-di. Tỳ-kheo kia tác cử, tác ức niệm. Vị kia tự nói phạm ba-la-di. Các tỳ-kheo liền trao cho tội ba-la-di để trị. Tức là trao tự ngôn như pháp trị.»

Cho đến ác thuyết cũng như vậy.

«Này Ưu-ba-ly, đó là trao tự ngôn như pháp trị.»

5. Bấy giờ, có tỳ-kheo nói với các tỳ-kheo rằng:

«Tôi phạm bất tịnh hạnh, muốn thôi tu.»

Tỳ-kheo kia nói:

«Nên biết đúng thời.»

Tỳ-kheo kia đi. Ưu-ba-ly kinh hành cách đó không xa nghe, đến chỗ tỳ-kheo kia hỏi:

«Các vị vừa bàn nói việc gì?»

«Vị kia nói, tôi phạm bất tịnh hạnh, muốn thôi tu.»

Ưu-ba-ly hỏi:

«Thầy phạm cùng người nào?»

«Tôi phạm cùng với vợ cũ.»

Ưu-ba-ly hỏi:

«Vợ cũ, ở chỗ nào?»

«Vợ cũ ở tại nước Ưu-thiền.»

Ưu-ba-ly hỏi:

«Thầy đến đó à?»

«Tôi không đến đó.»

Ưu-ba-ly hỏi:

«Người ấy đến đây à?»

«Người ấy không đến đây.»

Ưu-ba-ly hỏi:

«Vậy, Thầy phạm bằng cách nào?»

«Tôi phạm ở trong mộng.»

Ưu-ba-ly nói:

«Thôi, đủ rồi! Kể cả tội đột-kiết-la, Thầy cũng không phạm.»