LUẬT MA HA TĂNG KỲ
GIỚI PHÁP CỦA TỈ-KHEO-NI
KẾT THÚC GIỚI TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA.
21–29. GIỚI: TRANH MUA ĐỒ VỚI NGƯỜI KHÁC.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ có người chở củi đi ngang qua trước cửa tiệm của một thương khách, ông này bèn hỏi:
—Số củi này ông đòi bao nhiêu vậy?
—Một yết-lợi-sa-bàn.
—Ông chở số củi này đem đổ tại nhà tôi rồi trở lại đây tôi sẽ trả tiền cho ông.
Người bán củi bèn chở xe đi ngang qua trước tinh xá của Tỉ-kheo-ni, Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà thấy thế, hỏi:
—Này lão trượng, củi của ông đã có ai mua chưa?
—Đã có rồi.
—Bao nhiêu?
—Một yết-lợi-sa-bàn.
—Tôi đưa cho ông hai yết-lợi-sa-bàn.
Người chủ vì tham lợi nên bán cho cô. Khi chở củi xong bèn trở về ngang qua trước cửa hàng, người chủ tiệm nói với ông:
—Ông hãy cầm số tiền này đi.
—Tôi đã bán cho người khác rồi.
—Bán được bao nhiêu?
—Được hai yết-lợi-sa-bàn.
—Ai lấy vậy?
—Tỉ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà.
Người khách buôn kia nghe thế bèn chê trách rằng: “Vị Sa-môn ni này vì sao lắm tiền như thế?”
Các Tỉ-kheo-ni nghe thế bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Thâu-lan-nan-đà đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:
—Có thật ngươi biết củi của người ta đã mua rồi mà tăng giá để giành mua hay không?
—Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!
—Đó là việc xấu. Vì sao ngươi biết vật của người ta đã mua rồi mà còn giành mua. Đó là việc phi pháp, phi luật, trái lời Ta dạy, không thể dùng việc đó để nuôi lớn thiện pháp được.
Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
—Nếu Tỉ-kheo-ni biết vật người khác đã mua rồi mà giành mua của họ thì phạm tội Ni-tát-kì-ba-dạ-đề.
GIẢI THÍCH:
Biết: Hoặc tự biết hoặc nhờ nghe người khác mà biết.
Mua được: Như người khách buôn ở cửa hàng nói trên. Nếu Tỉ-kheo-ni muốn mua vật gì mà biết người khác đã mua thì không được giành mua mà nên đợi họ không lấy nữa rồi mới lấy. Đồng thời nên hỏi người ấy: “Ông muốn mua cho được chăng?” Nếu đáp: “Muốn mua cho được”, tức là họ quyết tâm mua vật đó, vậy ta không nên lấy. Nếu họ nói: “Tôi không lấy nữa”, thì mình lấy không có tội.
Nếu Tỉ-kheo tranh giành nhau mua y bát thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu ở giữa Tăng trả thêm để lấy—trừ Hòa thượng, A-xà-lê—thì không có tội.
Nếu Tỉ-kheo-ni tranh giành mua đồ với kẻ khác thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên nói (như trên)
Kệ tóm tắt:
“Bát thừa, năm chỗ vá,
Bảy ngày, giận đoạt y.
Mua vàng, xin chỉ sợi,
Thuê thợ dệt, thí gấp.
Tranh mua, lấy của Tăng
Kết thúc phần thứ ba”.
Từ lấy y của Tỉ-kheo-ni giặt, nhuộm, y thuần màu đen, ba phần trắng, Kiều-xá-da, dùng tọa cụ sáu năm, ba do tuần, chải lông dê, áo tắm mưa, ở a-luyện-nhã, mười một việc này nên để ra ngoài không nói đến. Lại còn mười một việc khác nên tìm ở phần cuối. Trong phần đầu nêu ra việc lấy y của Tỉ-kheo-ni được bổ sung ở chỗ cầm vàng bạc. Giặt y cũ dùng vấn đề mua bán để bổ sung. Trong phần cuối nêu ra áo tắm mưa dùng việc bán vàng để bổ sung; ở a-luyện-nhã dùng việc tranh mua để bổ sung. Phần một, phần hai của Ni-tát-kì được kể đến không thiếu. Đến đây đức Thế Tôn đã nói xong 30 việc của Tỉ-kheo-ni.