LUẬT MA HA TĂNG KỲ
GIỚI PHÁP CỦA TỈ-KHEO-NI
NÓI RÕ PHẦN ĐẦU CỦA 141 BA-DẠ-ĐỀ
112. GIỚI: KHÔNG BỆNH MÀ ĐỘI DÙ.
Khi Phật an trú tại Tì-xá-li, bấy giờ Tỉ-kheo-ni Bạt-đà-la-già-tì-lê đội dù, mang giày đi đến nhà bà con, bị người đời chê bai rằng: “Vì sao Samôn ni mà giống như người thế tục, còn đa dục đến như thế?”.
Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Tỉ-kheo-ni ấy đến. Khi cô tới rồi, Phật liền hỏi:
—Ngươi có việc đó thật không?
—Có thật như vậy, bạch Thế Tôn!
Từ nay về sau, Ta không cho phép cầm dù, mang giày.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ có những cô gái của họ Thích họ Ma-la, trước kia vốn là nhạc sĩ, nay đã xuất gia, đi đường gặp lúc trời nóng bức rất là cực nhọc. Các Tỉ-kheo-ni bèn nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo đem việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy: “Từ nay về sau, Ta cho phép khi bệnh (được đội dù)”.
Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
—Nếu Tỉ-kheo-ni không bệnh mà cầm dù, mang giày thì phạm tội Ba-dạ-đề.
GIẢI THÍCH:
Bệnh: Nếu bị già yếu, bệnh hoạn, khiêng chân mà mang giày thì Thế Tôn nói là không có tội.
Ô dù: Như ô dù làm bằng vỏ cây, bằng đa-lê, bằng tre, bằng ma-lâu, bằng lá cây, bằng vải, đại loại các thứ dù tương tự như thế.
Giày: Loại giày một lớp, hai lớp.
Cầm: Nếu sử dụng thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Ba-dạ-đề: Như trên đã nói. Nếu cầm dù mà không mang giày thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu mang giày mà không cầm dù cũng phạm tội Việt tì-ni. Nếu dùng cả hai thì phạm tội Ba-dạ-đề. Nếu không dùng cả hai thì không có tội.
Nếu Tỉ-kheo cầm dù đẹp đẽ, mang giày hai lớp thì phạm tội Việt tì-ni. Thế nên đức Thế Tôn nói (như trên).