LUẬT MA HA TĂNG KỲ

GIỚI PHÁP CỦA TỈ-KHEO-NI

NÓI RÕ PHẦN ĐẦU CỦA 8 TÁM GIỚI ĐỀ-XÁ-NI.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, Ngài nói với Đại Ái Đạo: “Một thuở nọ, Như Lai ở tại thành Xá-vệ, nhóm sáu Tỉ-kheo-ni hễ gặp cửa hàng sữa thì xin sữa, gặp cửa hàng dầu thì xin dầu, gặp cửa hàng mật thì xin mật, gặp cửa hàng đường phèn thì xin đường phèn, gặp cửa hàng thịt thì xin thịt, gặp cửa hàng cá thì xin cá, gặp cửa hàng sửa tươi thì xin sữa tươi, gặp cửa hàng sữa đông lạnh thì xin sữa đông lạnh về ăn, nên bị người đời chỉ trích rằng: “Vì sao Sa-môn Cù-đàm ca ngợi thiểu dục, đả kích đa dục.v.v…” (như trong nhân duyên của Tỉ-kheo đã nói rõ). Tỉ-kheo-ni Cù-đàm-di cũng phải học như vậy.

Lại nữa, này Cù-đàm-di, một thuở nọ Ta đang sống ở tại tinh xá của dòng họ Thích, nơi thành Ca-duy-la-vệ, từng cho phép Tỉ-kheo có bệnh được xin thức ăn ngon”.

Thế rồi, Phật bảo Đại Ái Đạo Cù-đàm-di truyền lệnh cho các Tỉ-kheo-ni đang sống tại thành Xá-vệ phải tập họp lại tất cả, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

—Nếu Tỉ-kheo-ni không có bệnh mà vì muốn sướng thân, tự mình đến nhà bạch y xin sữa, hoặc sai người đi xin về để ăn hoặc uống, thì Tỉ-kheo-ni này phải đến Tỉ-kheo-ni khác sám hối như sau: “Thưa thánh giả, tôi phạm điều đáng trách, xin sám hối tội Ba-la-đề-đề-xá-ni này”.

GIẢI THÍCH:

Tám loại thực phẩm ngon: 1. Sữa đóng váng; 2. Dầu; 3. Mật; 4. Đường phèn; 5. Sữa tươi; 6. Sữa đông lạnh; 7. Cá; 8. Thịt.

Vì muốn sướng thân: Chỉ tự cung phụng cho thân mình.

Bệnh: Nếu bị bệnh mà dùng thì Thế Tôn nói là không có tội. Thế nào gọi là bệnh?—Như bị già yếu, hoặc lúc uống thuốc xổ, lể đầu chảy máu, đại loại các thứ bệnh như thế.

Nhà: Tức nhà của bốn chủng tánh.

Sữa đóng váng: Như sữa bò, sữa trâu, sữa dê.

Xin: Tư mình đi xin hoặc sai người đi xin.

Hoặc ăn hoặc uống: Tỉ-kheo-ni này phải đến Tỉ-kheo-ni khác sám hối như sau: “Thưa thánh giả, tôi phạm điều đáng trách, xin sám hối với thánh giả”. Vị chủ sám nên hỏi:

—Cô có thấy tội này không?

—Dạ thưa thấy.

—Cô đừng có tái phạm nhé.

—Xin cúi đầu vâng lệnh.

Ba-la-đề-đề-xá-ni: Tội này phải phát lồ, còn gọi là hối quá.

Nếu Tỉ-kheo-ni bị bệnh nhiệt cần sữa thì được phép xin; nhưng không được đến nhà không có niềm tin để xin, mà nên đến nhà có lòng tin để xin. Khi đi khất thực, thấy người bán sữa liền chào:

—Lão trượng mạnh khỏe xhứ?

—Thánh giả muốn thứ gì?

—Muốn xin thức ăn.

—Tôi không có thức ăn, chỉ có sữa thôi, nếu cô cần sữa thì tôi cho.

Gặp trường hợp như vậy thì được lấy đầy bát, đồng thời cũng được khuyên họ cúng dường cho người khác.

Nếu gặp người bán dầu cũng được làm như vậy. Nếu bị bệnh phong cũng được xin dầu, nhưng không nên đến nhà ép dầu để xin, mà nên đến nhà có niềm tin để xin. Nếu đi khất thực mà thấy người bán dầu, thì nên chào:

—Lão trượng mạnh khỏe chứ?

—Thánh giả cần thứ gì?

—Cần xin thức ăn.

—Tôi không có thức ăn mà chỉ có dầu, nếu thánh giả cần, tôi sẽ cúng dường.

Gặp trường hợp như vậy thì được lấy đầy bát không có tội. Khi ấy cũng được khuyên họ cúng cho bạn như mật, hoặc nước. Khi bị bệnh thì được xin mật; nhưng không được đến những nhà lấy mật để xin mà nên đến nhà có niềm tin để xin. Đồng thời cũng được khuyên họ cúng dường cho bạn như là đường phèn.

Nếu có bệnh mà thầy thuốc bảo nên uống nước đường phèn, thì được xin đường phèn; nhưng không được đến nhà làm đường phèn xin mà nên đến nhà có niềm tin để xin. Nếu khi đi khất thực mà thấy người cân đường phèn.v.v… , cho đến cũng được khuyên họ cúng cho bạn.

Nếu có bệnh mà thầy thuốc bảo nên uống sữa tươi, thì được xin sữa tươi. Nếu đi khất thực mà thấy nhà nuôi bò đang vắt sữa tươi, thì nên chào:

—Lão trượng mạnh khỏe chứ?

—Thánh giả có muốn thứ gì không?

—Tôi muốn xin thức ăn.

—Tôi không có thức ăn mà chỉ có sữa tươi, nếu thánh giả cần tôi sẽ cho.

Nếu như thế thì được lấy. Hoặc xin sữa đông lạnh mà họ nói không có sữa đông lạnh mà chỉ có sữa tươi, cũng được lấy.

Nếu bị bệnh mà thầy thuốc bảo nên uống sữa đông lạnh, thì được xin sữa đông lạnh.

Nếu khi đi khất thực mà thấy người đang đong sữa đông lạnh thì nên chào:

—Lão trượng mạnh khỏe chứ?

—Thánh giả có cần thứ gì không?

—Tôi muốn xin thức ăn.

—Tôi không có thức ăn mà chỉ có sữa đông lạnh.

Khi ấy mình được lấy. Đồng thời cũng được khuyên họ cúng cho bạn. Nếu đi xin sữa đông lạnh đã biến chế thành nước mà họ cho sữa đông lạnh cũng được lấy.

Nếu Tỉ-kheo-ni uống thuốc xổ, rồi thầy thuốc bảo nên uống nước cá hầm, thì được xin cá. Nếu khi đi khất thực, xin sữa đông lạnh mà gặp cá thì cũng được nhận lấy.

Nếu khi lể đầu chảy máu, rồi thầy thuốc bảo nên ăn thịt, thì được xin thịt, nhưng không được đến nhà mổ thịt để xin mà nên đến nhà có lòng tin để xin.

Khi đi khất thực, xin nước rau, nếu thí chủ nói: “Không có nước rau mà chỉ có nước thịt”, mà mình cần thì được lấy.

Nếu tự biết mình vào những lúc ấy thường phát sinh bệnh, mà lúc ấy tìm thuốc rất khó, thì được xin để dự trữ không có tội. Nhưng nếu lúc không bệnh mà xin rồi lúc có bệnh đem ăn thì phạm tội Việt tì-ni. Lúc có bệnh xin, lúc không bệnh ăn, thì không có tội. Lúc có bệnh xin, lúc có bệnh ăn cũng không có tội. Lúc không bệnh xin, lúc không bệnh ăn, thì phạm tội Ba-la-đề-đề-xá-ni.

Nếu không tùy theo bệnh mà nấu thức ăn rồi tùy theo bệnh mà ăn thì không có tội. Nếu tùy theo bệnh nấu thức ăn, không tùy theo bệnh mà ăn thì phạm tội Việt tì-ni. Nếu tùy bệnh nấu thức ăn, rồi tùy bệnh mà ăn thì không có tội. Nếu không tùy theo bệnh nấu thức ăn, không tùy theo bệnh mà ăn cũng không có tội; vì lẽ người xuất gia nhờ người khác mà sống còn. Thế nên đức Thế Tôn nói về tám thức ăn ngon: Sữa đóng váng, dầu, mật, đường phèn, sữa tươi, sữa đông lạnh, thịt và cá.

Giới Ba-la-đề-đề-xá-ni của Tỉ-kheo-ni đến đây là hết.

Về Chúng học pháp, chỉ trừ việc nhóm sáu Tỉ-kheo-ni đại tiểu tiện trên cỏ tươi và trong nước, ngoài ra các giới khác hoàn toàn giống như giới của Tỉ-kheo mà ở trước đã nói rõ.

BẢY PHÁP DIỆT TRÁNH:

1. Hiện tiền tì-ni (Khi giải quyết việc tranh chấp phải có sự hiện diện của đương sự).

2. Ức niệm tì-ni (Để can phạm nhớ lại những vi phạm của mình).

3. Bất si tì-ni (Xác định can phạm hết bệnh cuồng si).

4. Tự ngôn tì-ni (Cho can phạm đề nghị mức độ hình phạt đối với mình).

5. Mích tội tướng tì-ni (Tìm những chứng cứ về tội phạm).

6. Đa mích tì-ni (Giải quyết sự việc theo biểu quyết của đa số).

7. Bố thảo tì-ni (Hai bên hòa giải như rải cỏ trên đất để dập tắt tranh chấp).

Pháp, tùy thuận pháp như trong phần của Tỉ-kheo trên kia đã nói rõ.

Về phần khác nhau của giới bổn Tỉ-kheo-ni đến đây là hết.