LUẬT MA HA TĂNG KỲ
GIỚI PHÁP CỦA TỈ-KHEO-NI
NÓI RÕ PHẦN ĐẦU CỦA TÁM BA-LA-DI.
1. GIỚI: DÂM DỤC.
Đức Thế Tôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác từ lúc ban đầu phát tâm tu đạo nay đã thành tựu, đang an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, nơi thành Ca-duy-la-vệ, được chư Thiên, người đời tôn kính cúng dường, như trên đã nói rõ. Lúc ấy, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di cùng với năm trăm cô gái dòng họ Thích như: Xiển-đà-di, Xiển-đà-ba-la, Đà-bà-xiển-đà, mẹ Xiển-đà v.v… , đi đến chỗ Phật, cúi đầu, đảnh lễ đứng hầu một bên. Thế rồi, Đại Ái Đạo bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Phật ra đời khó gặp, được nghe pháp cũng khó, nay gặp đức Như Lai xuất hiện trên đời, diễn thuyết diệu pháp cam lồ, khiến cho các chúng sinh chứng được đạo quả tịch diệt”. Như trong Kinh Đại Ái Đạo xuất gia đã nói rõ. Thế rồi, Phật dạy: “Từ nay về sau, Tỉ-kheo ni Đại Ái Đạo là bậc Thượng tọa của Ni Tăng, phải tuân thủ như thế”.
Lúc ấy, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã chế định bốn trọng giới cho các Tỉ-kheo, vậy chúng con có được phép nghe hay không?”
Phật dạy: “Được! Này Cù-đàm-di, nếu một thiện nữ có lòng tin, muốn được 5 việc lợi ích, cần phải thọ trì hết giới bổn này. Năm việc lợi ích đó là:
1. Nếu một thiện nữ có lòng tin muốn xây dựng Phật pháp, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.
2. Nếu muốn cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.
3. Nếu muốn không còn nghi ngờ, phải thưa hỏi người khác, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.
4. Nếu muốn làm chỗ nương tựa cho các Tỉ-kheo-ni do phạm tội mà đâm ra sợ hãi, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.
5. Nếu muốn du hóa 4 phương mà không gặp trở ngại, phải giữ gìn trọn vẹn giới bổn này.
Đó gọi là người thiện nữ có lòng tin vững chải được 5 điều lợi ích khi giữ gìn giới bổn này. Ngoài ra, như ở phần đầu trong 5 nhân duyên của Tỉ-kheo trên kia đã nói rõ:
—Nếu Tỉ-kheo-ni không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng mà thọ (hành) dâm, thậm chí hành dâm với loài súc sinh, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Ni chúng.
GIẢI THÍCH:
Tỉ-kheo-ni: Là người nữ đủ 20 tuổi chứ không phải không đủ, đã thọ Cụ-túc một cách hoàn hảo giữa hai bộ Tăng, đúng pháp chứ không phải không đúng pháp, hòa hợp chứ không phải hòa hợp, một lần bạch, ba lần yết-ma, không có ai cản trở. Đó gọi là Tỉ-kheo-ni.
Không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng: Như ở phần Tỉ-kheo ở trên đã nói rõ.
Thọ: Thụ hưởng với lòng dục.
Dâm: phi phạm hạnh. Nếu Tỉ-kheo-ni cùng với người nam, bất năng nam, phi nhân nam, súc sinh giống đực đang thức hoặc ngủ, hoặc thây chết hành dâm tại ba chỗ là miệng, đường tiểu tiện hay đường đại tiện, mà trong mỗi trường hợp đều thọ lạc, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung với Ni chúng.
Ba-la-di: Đối với Pháp trí bị thoái hóa, đọa lạc, không được đạo quả, đó gọi là Ba-la-di. Cũng thế, cho đến đối với Tận trí, Vô sinh trí mà thoái hóa, đọa lạc, không được đạo quả, đó gọi là Ba-la-di.
Ba-la-di còn có nghĩa là: Đối với Niết-bàn bị thoái hóa, đọa lạc, không được đạo quả, đó gọi là Ba-la-di.
Ba-la-di còn có nghĩa là: Đối với phạm hạnh bị thoái hóa, đọa lạc, đó gọi là Ba-la-di.
Ba-la-di còn có nghĩa là: Loại tội mà khi vi phạm không thể phát lồ sám hối được, đó gọi là Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni có tâm nhiễm ô muốn nhìn nam giới thì phạm tội Việt tì-ni tâm hối. Nếu dùng mắt nhìn họ, dùng tai nghe tiếng họ, thì phạm tội Việt tì-ni.
Nếu khỏa thân hướng vào nhau thì phạm tội Thâu-lan; thậm chí, nếu hai căn chạm vào nhau chỉ bằng hạt mè, thì phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni không nói mình trả giới, không nói mình không trả giới, vì giới yếu kém mà làm người thế tục, thì tùy theo mức độ phạm mà kết tội. Nếu làm ngoại đạo thì cũng như thế. Nếu người này lõa thể, người kia mặc y phục, hoặc người kia lõa thể, người này mặc y phục; hoặc cả hai cùng mặc y phục; hoặc cả hai cùng lõa thể; mà hễ hai căn chạm vào nhau chừng một hạt mè thì đều phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng, rồi mặc đồ thế tục mà phạm giới, thì tùy theo mức độ vi phạm mà kết tội.
Nếu Tỉ-kheo-ni cưỡng dâm Tỉ-kheo thì Tỉ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di. Nếu khi ấy Tỉ-kheo thọ lạc thì cũng phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo, Tỉ-kheo-ni cùng hành dâm thì cả hai đều phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni hành dâm với Sa-di thì Tỉ-kheo-ni phạm tội Ba-la-di, còn Sa-di phải bị trục xuất. Nếu Tỉ-kheo-ni hành dâm với người thế tục thì cũng như thế.
Nếu Tỉ-kheo-ni cùng với ba loài: người, phi nhân, súc sinh, hành dâm tại ba chỗ là miệng, đường tiểu tiện và đại tiện, trong ba trường hợp: đang thức, ngủ, hoặc là đã chết thì đều phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni ngủ hoặc bị cuồng trí hay nhập định mà có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết mà giai đoạn đầu, giữa và cuối thọ lạc thì phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni ngủ, bị cuồng trí hay nhập định, rồi có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết, nhưng lúc đầu không thọ lạc mà lúc giữa và cuối có thọ lạc, thì cũng phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni đang ngủ, cuồng trí hay nhập định, rồi có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết, nhưng lúc đầu, lúc giữa không thọ lạc mà cuối thọ lạc thì cũng phạm tội Ba-la-di.
Nếu Tỉ-kheo-ni đang ngủ, cuồng trí hay nhập định, rồi có người đến leo lên mình hành dâm, lúc ấy Tỉ-kheo-ni hay biết, nhưng giai đoạn đầu, giữa và cuối đều không thọ lạc, thì không có tội.
Thế nào là thọ lạc? Thế nào là không thọ lạc?
Thọ lạc: Ví như người đói mà được các thức ăn mỹ vị, người ấy lấy việc ăn làm lạc thú; lại như người đang khát mà được các thức uống ngon lành; người ấy lấy việc uống làm thú vị; người thọ dục lạc cũng như vậy.
Không thọ lạc: Ví như người ưa sạch sẽ mà phải dùng các thứ thây chết quàng vào cổ, hoặc là phải dùng thanh sắt nóng áp vào mụt nhọt bị vỡ; không thọ lạc cũng như vậy.
Nếu Tỉ-kheo-ni thọ dâm do mua được, do thuê được, do ân nghĩa mà được, do quen biết mà được, do đùa bỡn mà được, do thí nghiệm mà được, do tò mò mà được, đều phạm tội Ba-la-di. Nhưng nếu vì cuồng trí hay không biết, thì không có tội. Thế nên nói:
—Nếu Tỉ-kheo-ni không trả giới, giới yếu kém, không ra khỏi Ni chúng mà thọ dâm, thậm chí với cả súc sinh, thì Tỉ-kheo-ni ấy phạm tội Ba-la-di; không được sống chung với Ni chúng.
Ngoài ra, các giới thứ hai, thứ ba, thứ tư thì giống như trong giới của Tỉ-kheo đã nói rõ.