LUẬT MA HA TĂNG KỲ
GIỚI NI TÁT KỲ
NÓI RÕ PHẦN BA (NGUYÊN VĂN GỌI PHẦN BỐN) CỦA BA MƯƠI PHÁP NI-TÁT-KÌ BA-DẠ-ĐỀ.
27. GIỚI: QUỴT TIỀN CỦA THỢ DỆT.
Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn trong thành Xá Vệ, bấy giờ Tỳ Xá Khư lộc mẫu cứ mỗi ngày mời chúng Tăng về nhà thọ trai. Bấy giờ, có Tỉ-kheo tới phiên mình đến nhà ấy thọ trai, trông thấy Tỳ Xá Khư lộc mẫu cầm cuộn chỉ đưa thợ dệt, nói: “Ông dệt thành vải giúp tôi. Tôi muốn cúng dường Tôn-giả Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà. Những vị này khó tính, ông gắng dệt cho thật đẹp”.
Tỉ-kheo ấy thọ trai xong, trở về tinh xá, nói với Nan Đà: “Trưởng lão, tôi muốn báo cho Thầy một tin vui”.
—Có việc gì vui thế?
—Tôi nghe Tỳ Xá Khư lộc mẫu định cúng dường y cho Thầy.
—Y đó không phải cúng dường cho tôi. Vì sao? Vì Ưu Bà Di này sắp cúng dường cho các bậc hiền thánh.
—Không phải vậy, chính mắt tôi trông thấy Tỳ Xá Khư lộc mẫu cầm cuộn chỉ sợi đưa thợ dệt, nói: “Tôi đưa ông cuộn chỉ sợi này, ông hãy dệt thành vải cho đẹp giúp tôi. Tôi muốn cúng dường cho Nan Đà, vì Thầy ấy khó tính”.
—Thầy có biết nhà thợ dệt ở đâu không?
—Biết.
—Nhà ấy ở vùng nào? Tại hẻm nào? Cửa hướng về phương nào? Chỉ cho tôi rõ các tiêu tướng (dấu hiệu).
Khi đã hỏi kỹ, biết rõ chỗ rồi, sáng hôm sau Nan Đà khoác y, đi đến nhà ấy, trông thấy thợ dệt đang căng đường kinh (đường chỉ dọc) để dệt liền hỏi:
—Lão trượng, căng đường kinh dệt vải cho ai vậy?
—Tôi sắp dệt vải cho Lộc mẫu Tỳ Xá Khư.
—Ông có biết Tỳ Xá Khư thuê dệt cho ai không?
—Tôi biết. Bà thuê dệt cho Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà.
—Ông biết Nan Đà không?
—Tôi không biết.
—Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà chính là chúng tôi đấy. Ông hãy dệt cho đẹp, dài, rộng, mịn, dày.
—Số lượng sợi có giới hạn nhất định, tôi có thể dệt không có đường vĩ (đường chỉ ngang) được sao?
—Ông cứ theo lời tôi dệt cho đẹp, nhà ấy giàu có, sẽ tự đưa thêm vải sợi cho ông.
—Nhà ấy đưa thêm cho tôi vải sợi, thế còn tiền dệt thì ai đưa cho tôi?
—Ông cứ dệt cho đẹp, còn tiền dệt tôi sẽ đưa cho ông.
—Nếu Tôn-giả trả tiền dệt cho tôi, bà ấy đưa thêm vải sợi, thì tôi sẽ dệt như lời dặn.
Thế rồi, thợ dệt cứ theo lời dặn, dệt thật đẹp, khi sợi hết thì đến đòi, làm như vậy đến 3 lần. Tỳ Xá Khư lộc mẫu suy nghĩ: “Người này chỉ đến đòi vải sợi, không đòi tiền dệt, vì sao Ta không đưa cho đủ vải sợi?”
Khi dệt xong tấm vải rộng, dài, dày, đẹp, ông bèn đem đến đưa Lộc mẫu. Lộc mẫu nhận rồi, thầm nhủ: Tấm vải này rất đẹp, không nên cúng cho Thầy ấy (Nan Đà), vì đây là vật cúng dường có giá trị. Thế nhưng, trước đã hứa cúng cho Thầy rồi. Nghĩ vậy, bà bèn đưa cho Nan Đà.
Khi Tấm vải chưa thành, ngày nào Nan Đà cũng đến nhà thợ dệt, nhưng lúc được vải rồi thì Thầy rời xa nhà ấy, đi vào con hẻm khác, ví như con quạ già lánh xa chỗ có tên bắn. Thợ dệt do nhiều công việc, không thể đến đòi tiền dệt. Về sau, nhân có đại hội thợ dệt, ông bèn đến thành Xá Vệ. Lúc ấy thợ dệt suy nghĩ: “Mọi người chưa tập họp, giờ đây Ta hãy đến tinh xá Kỳ Hoàn đòi tiền dệt”. Nghĩ thế, ông bèn đến đó, hỏi các Tỉ-kheo: “Nan Đà, Ưu-ba-na-đà ở tại chỗ nào?”
Các Tỉ-kheo nói: “Trong phòng này đây”.
Ông liền vào phòng, thấy Nan Đà rồi, bèn đảnh lễ vấn an, giả vờ không biết, như chưa từng gặp nhau, bèn hỏi: “Tôn-giả nhận được vải chưa?”
Nan Đà hỏi ngược lại: “Vải nào?”
—Tôi dệt cho Lộc mẫu đấy.
—Được rồi.
—Tấm vải có vừa ý Tôn-giả không?
—Cũng tạm được.
—Thưa Thầy, Thầy hãy trả tiền dệt cho tôi.
—Trả tiền dệt gì?
—(cho đến) Ưu Bà Di đưa đủ vải sợi, và Thầy hứa trả tiền dệt cho tôi.
Nan Đà bèn nổi giận nói: “Ngươi có biết Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà không? Ta muốn móc lấy tròng mắt của ngươi. Bỗng dưng hư không mà bốc khói. Ngươi hy vọng nhận được tiền dệt của Ta chẳng khác gì muốn lột lấy 2 miếng vải che của ngoại đạo lõa thể, hoặc mong lóc lấy 500 cân thịt từ chân của con quạ già đã chết, hoặc đem bỏ một nắm cám dưới đáy sông Hằng rồi mong nhặt lại được tất cả”. Đoạn, bảo đệ tử: “Ngươi lấy Tăng-già-lê đưa Ta, Ta sẽ mặc đi tới nhà vua gọi lính đến bắt trói tên này nạp cho quan”.
Thợ dệt suy nghĩ: “Kẻ Sa môn này có thế lực lớn, lại hay ra vào cung vua, y có thể gây ra sự bất lợi lớn cho Ta. Ta lấy số tiền dệt kia để làm gì! Miễn giữ được mạng sống là tốt”. Nghĩ thế rồi, ông ta bỏ đi, ra khỏi cửa bèn chạy một mạch đến giữa hội chúng các thợ dệt. Mọi người liền trách y: “Bọn chúng tôi ai cũng bỏ cả việc nhà, đến đây để cùng lo liệu việc quan. Nay ngươi vì sao lại bỏ mọi người, đi đâu?”
Anh ta liền đáp: “Các vị hãy nghe tôi đã: Lộc mẫu đưa sợi cho tôi dệt, khi vải dệt chưa xong, ngày nào Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà cũng ghé đến. Nhưng khi nhận được vải rồi thì cũng giống như con quạ già lánh xa chỗ bị tên bắn… chung cục, tôi suy nghĩ: “Miễn giữ được mạng sống”, (nói rộng việc trên) cho nên tôi mới đến trễ như vậy”.
Mọi người liền nổi giận, nói: “Tên Tỉ-kheo này khinh thường chúng ta quá lắm, đã không trả tiền may mà trái lại còn muốn dựa thế lực của Vua định bắt trói người. Ngày nay, chúng ta hãy lập ra giao ước. Sau này không ai dệt vải cho Sa môn nữa”. Có người nói: “Chúng ta nên giao ước với nhau ở chỗ kín, đừng cho ai biết. Tôi biết kích thước y của Sa môn, dài 5 khuỷu tay, rộng 3 khuỷu tay, hoặc dài 5 khuỷu tay, rộng 2 khuỷu tay. Nếu gặp kích thước y chừng ấy thì chúng ta không nên dệt. Vị Sa môn này có thế lực, y có thể nhờ nhà vua dùng quyền lực sai khiến người ta, thậm chí có thể gây nên sự bất lợi cho nguời, vậy chớ cho ai biết”.
Đến ngày Tự-tứ, đàn việt gánh bắp chỉ đến nhà thợ dệt thuê thợ dệt dệt vải, thợ dệt hỏi: “Ông định dệt áo kích thước cỡ nào?”
Chủ nhân đáp: “Chiều dài 5 khuỷu tay, rộng 3 khuỷu tay, hoặc dài 5 khuỷu tay, rộng 2 khuỷu tay”.
Thợ dệt suy nghĩ: “Đó là kích thước y của Sa môn”, liền đáp: “Tôi đã dệt cho người ta, không thể dệt thêm được”. Thế rồi, người ấy đi hỏi khắp nơi, đều không ai chịu dệt”.
Bấy giờ, các nhà hào phú bèn đem vải đã dệt rồi cúng dường cho chúng Tăng. Còn các nhà nghèo vì không có vải dệt sẵn nên không lấy gì cúng dường cho Tăng. Khi ấy, chư Tăng nhận vải cúng dường ít, Phật biết mà vẫn hỏi A Nan: “Vì sao chúng Tăng nhận ít vải cúng dường như vậy?”
A Nan liền đem sự việc trên, cho đến thợ dệt sinh tâm không hoan hỉ, cùng giao ước với nhau, bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền bảo gọi Nan Đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật hỏi: “Các ông có việc đó thật chăng?”
Họ đáp: “Có thật như vậy, bạch Thế Tôn”.
Phật khiển trách: “Đó là việc xấu. Các ông không từng nghe Ta khen ngợi thiểu dục, chê trách đa dục hay sao?”.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
“Nếu cư sĩ hay vợ cư sĩ bảo thợ dệt dệt vải cho Tỉ-kheo, Tỉ-kheo này không được yêu cầu trước mà tự động đến thợ dệt khuyên: “Ông có biết không, vải ấy là dệt cho tôi đấy. Ông phải dệt cho đẹp, dài và rộng, rồi tôi sẽ trả tiền cho ông”, thì dù số tiền chỉ đáng giá một bữa ăn, Tỉ-kheo này đã giao ước trả tiền như vậy, khi nhận được vải, phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề”.
Giải thích
—Cư sĩ: Nguời chủ nhà.
—Nguời vợ: Người vợ của chủ nhà.
—Tỉ-kheo: Hoặc Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người.
—Thợ dệt: Như trên đã nói.
—Y: có 10 loại, như trên đã nói.
—Không được yêu cầu trước: Vốn không yêu cầu mà tưởng có yêu cầu, hoặc yêu cầu người khác mà tưởng yêu cầu mình, hoặc yêu cầu về việc khác mà tưởng yêu cầu về việc dệt vải.
—Tự động đến: Tức đi tới ruộng hoặc tới nhà họ.
—Khuyên: Bảo họ dệt dày, mịn, hoặc dài, rộng.
—Tiền: Các loại tiền tệ.
—Giá tiền: Những vật khác (được trị giá thành tiền)
—Thức ăn: Như gạo lứt, gạo nếp, cá, thịt.
—Trị giá: Như tiền, vật.v.v., nếu được y thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề.
Nếu Tỉ-kheo nói với thợ dệt: “Ông dệt cho tôi thật đẹp, thật chắc, thật dày..”. Khi nói như vậy thì phạm tội Việt-tì-ni. Khi thợ dệt bắt tay vào dệt chừng vài nhịp thì phạm Ba-dạ-đề. Khi họ dệt xong, nhận được vải, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề.
Nếu Tỉ-kheo thuyết pháp cho thợ dệt nghe, rồi thợ dệt dừng tay đứng lắng nghe, Tỉ-kheo nói: “Chỉ nên nghe bằng tai, không nên nghe bằng tay, tay vẫn cứ làm”. Khi nói như vậy thì phạm tội Việt-tì-ni.
Nếu Tỉ-kheo nghe ai đó định dệt vải cho mình, rồi đến đó khuyên thợ dệt mà không hứa trả giá, thì khi được vải phạm tội Việt-tì-ni. Nếu nghe rồi đến khuyên và hứa trả giá, thì khi nhận được vải, phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề. Nếu không nghe mà đến khuyên rồi tự động đưa (tiền), thì khi được vải, phạm tội Việt-tì-ni. Nếu không nghe, không đến khuyên, cũng không đưa tiền dệt, thì khi được vải không có tội.
Nếu có quả phụ cúng dường vải cho chúng Tăng, rồi Tỉ-kheo theo thứ tự nhận được vải ấy giữa chúng Tăng, khi ấy người đàn bà đó nói với Tỉ-kheo: “Nhà tôi không có người. Tôn-giả có thể đến chỗ thợ may nhờ họ may giúp vải này. Nếu Tôn-giả tự đến thợ may lo liệu thì có thể vừa nhanh mà vừa đẹp”.
Khi đó, Tỉ-kheo được quyền đi tới chỗ thợ may, nói như sau: “Lão trượng, ông biết may nhanh, biết may dày…”. Nói như thế, thì không có tội. Thế nên nói (như trên)