LUẬT MA HA TĂNG KỲ
GIỚI NI TÁT KỲ
NÓI RÕ PHẦN BA (NGUYÊN VĂN GỌI PHẦN BỐN) CỦA BA MƯƠI PHÁP NI-TÁT-KÌ BA-DẠ-ĐỀ.
29. GIỚI: RỜI Y QUÁ THỜI HẠN.
Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, bấy giờ vào mùa hạ an cư, các Tỉ-kheo sống tại A Lan Nhãõ, đến giờ khất thực, bèn khoác y đi vào thôn xóm khất thực. Sau đó, các mục đồng chăn bò, chăn dê, hoặc những người đi lấy củi bèn cầm chìa khóa tới mở cửa phòng các Tỉ-kheo lấy trộm y vật. Khi ấy các Tỉ-kheo vì sợ lấy trộm, nên cầm hết y vật vào xóm làng. Phật biết mà vẫn hỏi: “Đó là những Tỉ-kheo nào mà chuyển vận đồ đạc đến đây vậy?”.
Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn! Đó là các Tỉ-kheo an cư tại A Lan Nhã, sau khi đi khất thực, có người cầm chìa khóa đến mở cửa phòng lấy trộm hết các y vật, cho nên mới mang lổn ngổn tới đây”.
Phật nói: “Từ nay về sau, vào những lúc đáng lo ngại, Ta cho phép được đemi một trong 3 y gởi trong xóm làng”.
Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn nơi thành Xá Vệ, lúc ấy tại nước Sa Kỳ, ngay trong mùa hạ an cư, có sự tranh cãi xảy ra trong Tăng chúng, Phật bèn sai Ưu Ba Ly đến nước Sa Kỳ như pháp dập tắt sự tranh chấp đang xảy ra giữa chúng Tăng. Nhưng trưởng lão Ưu Ba Ly không đi. Phật hỏi Ưu Ba Ly: “Vì sao ông không đi?”
—Bạch Thế Tôn! Y Tăng-già-lê của con nặng nề, nếu gặp mưa nữa thì không thể mang nổi, mà nay đã nửa mùa an cư, nếu để y lại, thì phạm Ni-Tát-kì.
—Ông đi về mất hết mấy ngày?
—Bạch Thế Tôn! Đi 2 ngày, ở lại 2 ngày, trở về 2 ngày, tổng cộng mất hết 6 hôm kể cả đi về.
—Từ nay về sau các Tỉ-kheo được để y lại trong vòng 6 hôm.
Ưu Ba Ly đến đó rồi, thấy sự đấu tranh khó mà giải quyết nhanh được, bèn trở về, đảnh lễ chân Phật, đứng hầu một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi: “Ưu Ba Ly, vì sao ông đi về nhanh vậy? Sự đấu tranh đã dập tắt xong chưa?”
—Dạ chưa dập tắt, bạch Thế Tôn.
—Vì sao vậy?
—Sự tranh chấp khó dập tắt, không thể giải quyết nhanh được, lại sợ quá ngày, mất y (y phạm qui định), phạm Ni-Tát-kì, cho nên con phải trở về.
—Từ nay Ta cho phép được sống cách ly với y trong một tháng, nhưng Tăng phải làm Yết-ma cho phép được sống cách ly với y một tháng mà không vi phạm. Người làm Yết-ma nên nói như sau:
“Xin Đại đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Ưu Ba Ly nay đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, nay Tăng cho Ưu Ba Ly đến trước Tăng xin phép Yết-ma một tháng không mất y. Các Đại-đức nào bằng lòng cho Ưu Ba Ly đến trước Tăng xin phép Yết-ma một tháng không mất y thì im lặng. Ai không bằng lòng hãy nói. Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành.
Thế rồi, đương sự phải đến trước Tăng xin, nói như sau:
“Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Tôi là Tỉ-kheo Ưu Ba Ly muốn đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp, mong Đại-đức Tăng cho tôi pháp Yết-ma một tháng không mất y”.
Xin như vậy đến lần thứ 2, thứ 3, rồi người làm Yết-ma nên nói:
“Xin Đại-đức Tăng lắng nghe! Trưởng lão Ưu Ba Ly muốn đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp, đã đến trước Tăng xin pháp Yết-ma một tháng không mất y. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay cho Ưu Ba Ly pháp Yết-ma một tháng không mất y. Đây là lời tác bạch. Xin Đại-đức Tăng lắng nghe. Trưởng lão Ưu Ba Ly muốn đến nước Sa Kỳ vì Tăng dập tắt sự tranh chấp, đã đến trước Tăng xin pháp Yết-ma một tháng không mất y. Các Đại-đức nào bằng lòng cho Ưu Ba Ly pháp Yết-ma một tháng không mất y thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là lần Yết-ma thứ nhất, (lần thứ 2, thứ 3 cũng nói như vậy).
Tăng đã bằng lòng cho Ưu Ba Ly một tháng không mất y xong. Vì Tăng đã im lặng. Việc ấy cứ như thế mà thi hành”.
Sau đó Phật hỏi các Tỉ-kheo: “Đã cho Ưu Ba Ly pháp Yết-ma một tháng không mất y chưa?”.
Đáp: “Đã cho”.
Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ-kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì 10 lợi ích mà chế giới cho các Tỉ-kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:
“Khi 3 tháng hạ chưa xong, các Tỉ-kheo an cư tại A Luyện Nhã, nếu có sự kiện đáng lo sợ, nghi ngờ, thì có thể gởi một trong 3 y tại nhà dân. Tỉ-kheo có duyên sự được cách ly với y trong 6 hôm, nếu quá 6 hôm, trừ Tăng Yết-ma cho phép, thì phạm Ni-Tát-kì Ba-dạ-đề”.
Giải thích
—Ba tháng an cư: Từ 16 tháng tư đến 15 tháng 7.
—Chưa xong: Chưa hết tháng cuối mùa hạ, nghĩa là Tỉ-kheo sống tại A Luyện Nhã chưa đến tháng cuối.
—Chỗ A Luyện Nhã: Trong phạm vi đường kính 500 cung không có nhà của mục đồng, đó gọi là chỗ A Luyện Nhã.
—Điều đáng lo sợ: Hoặc bị giết, bị cướp đoạt.
—Điều nghi ngờ: Tuy không bị giết, bị cướp đoạt, nhưng trong lòng sinh nghi: “Không biết trong chốc lát nữa có kẻ nào đến giết người, lấy y không”. Nếu Tỉ-kheo thấy có điều đáng nghi ngờ lo ngại như vậy, đó gọi là nghi ngờ.
—Hoặc một trong 3 y: Hoặc y Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-hội, nhưng không được gởi y Tăng-già-lê và An-đà-hội, mà nên gởi y Uất-đa-la-tăng tại nhà dân trong thôn. Tuy vậy, không được gởi nhà thế tục (không đáng tin) mà nên gởi nhà nào đáng tin, có thể lấy lại được. Nếu gởi gia đình khả nghi mà họ suy nghĩ: “Các Tỉ-kheo không chắc gì đã trở lại”, thì nên đề phòng.
Các Tỉ-kheo nếu vì việc tháp, việc Tăng thì được lìa y trong 6 đêm.
—Sáu đêm: Thời hạn trong 6 hôm.
—Trừ Tăng Yết-ma (cho phép): Thế Tôn dạy (nếu Tăng Yết-ma thì) không có tội. Nhưng nếu Tăng Yết-ma không thành tựu, thì không thể gọi là Yết-ma. Yết-ma không thành tựu nghĩa là: Chúng không thành tựu, tác bạch không thành tựu, Yết-ma không thành tựu. Nếu bạch thành tựu, Yết-ma thành tựu, chúng Tăng thành tựu thì gọi là Tăng làm Yết-ma.
Nếu đã thọ Yết-ma giữa Tăng xong thì không nên ở lại đợi cúng dường, mà nên đi liền. Nếu trước bữa ăn làm Yết-ma thì sau bữa ăn nên đi. Nếu sau bữa ăn làm Yết-ma thì sáng sớm hôm sau nên đi. Lúc đi, không nên đi đường quanh ghé nhà đàn việt, mà nên đi đường thẳng. Nếu đường thẳng có tai nạn như tai nạn sư tử, tai nạn hổ lang, tai nạn trùng độc, tai nạn mất mạng, thì khi ấy đi bằng đường quanh không có tội.
Khi đến đó rồi không được diên trì đợi khách Tỉ-kheo cúng dường ẩm thực. Nếu đến trước bữa ăn, thì sau khi ăn xong, tập họp chư Tăng diệt trừ sự tranh chấp. Nếu đến sau bữa ăn, thì sáng sớm hôm sau liền tập họp chư Tăng diệt trừ sự tranh chấp. Nếu sau bữa ăn giải quyết xong việc, thì sáng sớm hôm sau trở về. Nếu giải quyết xong công việc trước bữa ăn, thì sau bữa ăn trở về, không được ở lại đợi khách Tỉ-kheo cúng dường. Khi trở về không nên đi đường quanh mà phải trở về bằng đường thẳng. Nếu đường thẳng có tai nạn, thì như trên đã nói.
Lúc mới đến đó không được tụng kinh, đun bát, nhuộm y. Nếu giải quyết công việc xong mà còn thì giờ thì được tụng kinh, làm các việc khác. Nếu sự việc khó giải quyết, thì trong thời gian lưu lại được tụng kinh, đun bát và nhận sự cúng dường ẩm thực của Tỉ-kheo khách, như vậy không có tội.
Khi dập tắt sự tranh chấp không được dùng ý riêng mình áp đặt người ta mà phải ra giữa chúng sai người có khả năng, có uy đức thế tục (giúp giải quyết).
Nếu ở A Luyện Nhã thì được gởi y trong nhà dân sáu hôm. Nếu quá sáu hôm thì phạm Ni-tát-kì Ba-dạ-đề. Vị Tỉ-kheo này muốn xả y thì nên thỉnh vị trì luật, như giới thứ nhất ở trên đã nói. Thế nên nói (như trên).