LUẬT MA HA TĂNG KỲ

GIỚI BA-DẠ-ĐỀ

NÓI RÕ PHẦN THỨ NĂM CỦA CHÍN MƯƠI HAI PHÁP ĐƠN ĐỀ

34. GIỚI: KHUYÊN NGƯỜI ĂN RỒI ĂN NỮA.

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả A-Nan có 2 đệ tử tùy tùng, một người tên là Mãn Trà, một người tên là A-Tì-Kì cùng với 2 người đệ tử tùy tùng của Mục-Liên, một người tên là A-Xà-Đô, một người tên là Xá-Xá-Đô, họ thường tranh nhau xem ai đa văn hơn, ai biện tài hơn. Khi ấy, một người đệ tử tùy tùng của A-Nan có biện tài và lợi căn hơn khiến người đệ tử Mục-Liên tranh luận không lại. Do đó, ông thường theo sát người kia trong những lúc đi, đứng, nằm, ngồi để tìm chỗ sơ hở. Thế rồi, hai người cùng được một nhà kia mời thọ trai. Khi đó, người đệ tử Mục-Liên được bánh, bèn ăn một nửa, cầm một nửa ra ngoài nói với đệ tử của A-Nan như sau:

—Trưởng lão, thầy có muốn ăn bánh không?

—Ông được bánh ở đâu vậy?

—Tôi được bánh ở chỗ vừa thọ trai kia nên cầm đến đây.

Thầy ấy liền cầm lấy bánh ăn. Khi ăn xong thầy kia liền nói như sau:

—Trưởng lão, ông phạm tội rồi.

—Phạm tội gì?

—Đức Thế Tôn chế giới không cho phép Tỷ kheo ăn no, rời khỏi chỗ ngồi, không làm phép tàn thực mà ăn lại.

—Vì sao ông biết tôi không làm phép tàn thực mà cố ý khuyên tôi ăn?

—Trước đây trong khi tranh luận, vì sao ông dùng biện tài chiết phục làm nhục tôi?

Do thế, hai người tranh cãi nhau, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên, đem nhân duyên trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền nói với hai Tỷ kheo: “Ý các ông nghĩ sao? Ta vì Thanh Văn nói chín bộ Kinh: Tu-Đa-La, Kì-Dạ, Thọ Kí, Già-Đà, Ưu-Đà-Na, Như-Thị-Ngữ, Bản-Sanh, Phương-Quảng và Vị-Tằng-Hữu cho các Thanh Văn nghe, để rồi họ xúi đệ tử nghị luận tranh chấp thắng bại phải không?”.

—Thưa không phải vậy, bạch Thế Tôn.

—Nếu không phải vậy, thì Ta thuyết chín bộ Kinh này cho các Thanh Văn để họ nghe xong rồi theo đó tu hành phải không?

—Dạ đúng như vậy, bạch Thế Tôn.

Thế rồi hai Tỷ kheo hướng vào nhau sám hối trước sự chứng kiến của Thế Tôn. Phật liền dạy: “Không được ỷ mình thông Kinh điển mà khinh người khác. Ta cũng không cho phép kẻ nào biết người khác đã ăn no, không làm phép tàn thực mà xúi giục ăn nữa”.

Đoạn, Phật truyền lệnh cho các Tỷ kheo đang sống tại thành Xá Vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỷ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

“Nếu Tỷ kheo biết người kia đã ăn no, rời khỏi chỗ, không làm phép tàn thực, mà vì muốn não loạn, khuyên họ ăn nữa, thì phạm Ba dạ đề”.

Giải thích

(Một số từ ngữ đã được giải thích ở trên).

Não loạn: Xúc não nhiễu loạn người đang ở trước mình muốn cho họ không vui.

Không làm phép tàn thực: Nếu thành tựu năm điều phi pháp thì không được gọi là làm phép tàn thực. Nếu thành tựu năm điều như pháp thì mới được gọi là làm phép tàn thực. Nếu người ta gắng gượng khuyên mình ăn mà mình ăn, thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã giải thích.

Nếu Tỷ kheo thành tựu năm điều phi pháp thì suốt đời không được làm phép tàn thực để ăn. Nếu thành tựu năm điều như pháp thì cho phép suốt đời làm phép tàn thực để ăn. Còn các việc khác đã nói rộng như trên.

Nếu như người kia đã ăn no mà tưởng họ chưa no khuyên họ ăn, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu họ ăn chưa no mà tưởng đã no, khuyên họ ăn, thì phạm tội Việt tì ni.

Nếu họ ăn đã no, tưởng họ ăn đã no mà còn khuyên họ ăn nữa, thì phạm Ba dạ đề.

Nếu họ ăn chưa no, ta tưởng họ ăn chưa no nên khuyên họ ăn, thì không có tội.

Ở đây, (nếu ăn) các thứ: Cháo mới múc từ trong nồi ra viết không thành chữ, trái cây, rau… thì không phạm. Thế nên nói (như trên).