LUẬT MA HA TĂNG KỲ

GIỚI BA-DẠ-ĐỀ

NÓI RÕ PHẦN THỨ 6 CỦA 92 PHÁP ĐƠN ĐỀ.

44. GIỚI: GỞI DỤC RỒI PHỦ NHẬN

Khi Phật an trú tại thành Xá Vệ nói rộng như trên. Bấy giờ Tỉ kheo Tăng tập họp định làm yết ma, thì Ưu Ba Nan Đà không đến. Sứ giả liền đến, gọi: “Trưởng lão, Tăng tập họp định làm yết ma, cho tôi tới gọi trưởng lão”. Ưu Ba Nan Đà vốn hiểu giới luật liền gởi dục yết ma cho sứ giả. Sau khi gởi dục yết ma rồi, thầy Tỉ kheo nhận dục nói: “Ông đã gởi dục rồi, sau Này chớ nói Này khác”. Thế rồi, Tăng làm yết ma cử tội người đệ tử thân cận của Ưu Ba Nan Đà. Sau khi bị Tăng làm yết ma cử tội, người Này liền đến chỗ Hòa Thượng (Ưu Ba Nan Đà) nói như sau:

—Vì sao Hòa Thượng lại gởi dục trong trường hợp này?

—Có việc gì vậy?

—Chúng Tăng làm yết ma cử tội con.

—Ta đâu có biết.

Thầy nghe đệ tử nói rồi, bèn đến nói với người mình đã gởi dục: “Trưởng lão, tôi không gởi dục (trong trường hợp) không tốt như vậy, pháp yết ma đó không thành tựu. Tôi không gởi dục về pháp yết ma này”.

Khi đó, các Tỉ kheo nghe thế hổ thẹn, không vui, liền đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật bèn bảo gọi Ưu Ba Nan Đà đến. Khi thầy đến rồi, Phật nói: “… Đó là việc xấu. Vì sao ông gởi dục rồi lại nói không gởi, yết ma không thành tựu. Tôi không gởi loại dục như thế. Vì sao ông không hỏi trước mà liền gởi dục? Từ nay về sau Ta không cho phép Tỉ kheo không hỏi rõ sự việc mà gởi dục”. Thế rồi Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại thành Xá vệ phải tập hợp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

—Nếu Tỉ kheo gởi dục rồi, sau đó nổi giận không vui, nói như sau: “Tôi không gởi dục (về việc) không tốt, pháp yết ma đó không thành tựu. Tôi không gởi dục trong trường hợp này”, thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Gởi dục: Có hai trường hợp: Hỏi rồi mới gởi, không hỏi mà gởi.

Hỏi rồi mới gởi: Tức hỏi người nhận dục: “Làm việc gì vậy?”. Rồi người ấy đáp: “Làm yết ma chiết phục”, thì khi ấy gởi dục yết ma chiết phục, cho đến “yết ma cử tội”, thì gởi dục yết ma cử tội; mỗi thứ, mỗi thứ yết ma như vậy hỏi rồi mới gởi dục; đó gọi là hỏi rồi mới gởi dục.

Không hỏi mà gởi: như nói: “Tôi gởi dục yết ma”. Nói ba lần như vậy. Đó được xem là gởi dục chung cho tất cả pháp yết ma, chỉ trừ Bồ tát và Tự tứ. Như vậy gọi là không hỏi mà gởi dục.

Thế rồi, sau khi làm yết ma xong giận dữ không vui. Giận dữ không vui được gọi là chín sự khổ não và nổi giận không đúng chỗ. Sự giận dữ thứ mười thì kẻ phàm phu đang học còn mắc phải, thậm chí La hán cũng có cái không vui, rồi nói như sau: “Tôi không gởi dục (những việc) không tốt, pháp yết ma đó không thành tựu. Tôi không gởi thứ dục ấy, thì phạm Ba dạ đề.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Nếu khi Tỉ kheo Tăng tập họp định làm yết ma thì tất cả mọi người phải đến đầy đủ. Nếu có duyên sự như xông bát, nhuộm y, hoặc bệnh, hoặc bận các việc đối với tháp, với Tăng, thì khi ấy phải gởi dục. Nhưng không được gởi rồi, sau lại nói: “Theo tôi nghe người kia nói lại thì việc đó không nên làm như vậy”. Nếu trước đã gởi dục yết ma rồi thì sau đó phải tùy hỉ. Nếu ở giữa Tăng đã gởi dục rồi mà sau đó làm trái lại, thì phạm Ba dạ đề.

Nếu ở giữa nhiều người, hoặc ở trước Tỉ kheo trưởng lão, trước Hòa Thượng A xà lê gởi dục rồi mà sau đó làm trái lại, thì phạm tội Việt tì ni. Thế nên nói (như trên).