LUẬT MA HA TĂNG KỲ

GIỚI BA-DẠ-ĐỀ

NÓI RÕ PHẦN THỨ 6 CỦA 92 PHÁP ĐƠN ĐỀ.

50. GIỚI: CẤT GIỮ BẢO VẬT.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ vào ngày mười lăm trăng tròn, vua A Xà Thế, con bà Vi Đề Hi tắm rửa xong, thoa dầu vào thân, mặc áo mới, cùng quần thần hội họp tại cung điện, vua nói với một Đại thần:

—Hôm nay là ngày trăng tròn, chúng ta nên đến chỗ Sa môn hay Bà la môn nào để trưởng dưỡng thiện căn?

Vị Đại thần nói:

—Phất lan ca diếp đang ở trong thành Vương Xá là bậc đại Sa môn, lại có đồ chúng đông đảo, đại vương nên đến với ông ta, sẽ được trưởng dưỡng thiện căn.

Vua im lặng không nói. Lại có một đại thần nói: “Tát già ni kiền tử đang ở trong thành Vương Xá là bậc đại Sa môn, nên đến với ông ta sẽ được trưởng dưỡng thiện căn”. Như vậy, mỗi vị đại thần, vốn là đệ tử của ngoại đạo, ông nào cũng ca tụng Thầy mình, đều bảo nên đến vị ấy sẽ được trưởng dưỡng thiện căn. Bấy giờ, Kỳ cựu Đồng tử đang cầm lọng đứng hầu vua A Xà Thế, vua nói với Đồng tử: “Mọi người đều nói, vì sao ông im lặng không nói? Hôm nay trăng tròn nên đến nơi nào để được trưởng dưỡng thiện căn?”. Đồng tử tâu với vua: “Đức Thế Tôn hiện giờ đang ở trong vườn Am bà la của hạ thần cùng với 1.250 Tỉ kheo, nếu đến đó thì có thể trưởng dưỡng thiện căn”. Vua liền chuẩn thuận lời đề nghị ấy, rồi nói với Kỳ cựu Đồng tử: “Ngươi hãy tức tốc trang bị năm trăm voi cái, cứ trên mỗi thớt voi chở một phu nhân”.

Khi ấy, Kỳ cựu Đồng tử bèn theo lời vua mà trang bị, trang bị xong liền đến tâu vua: “Tâu đại vương, hạ thần trang bị xong rồi, Đại vương hãy làm những gì mình cần”.

Thế rồi, vua A Xà Thế cùng với năm trăm phu nhân, được quân lính cầm đèn đuốc sáng choang, nhiễu hành trước sau, ra khỏi thành Vương Xá vào lúc nửa đêm, đi đến trước cổng vườn Am bà la. Lúc ấy các Tỉ kheo đang ngồi thiền. Vua cảm thấy hoảng sợ, quay lại nói với Đồng tử: “Ngươi bảo có 1.250 Tỉ kheo đang ở trong vườn của ngươi, đại chúng đông đảo như vậy mà sao im phăng phắc chẳng có tiếng động gì hết chẳng phải ngươi định lừa dối Ta sao?”.

Đồng tử đáp: “Thật đấy, hạ thần không dối vua đâu, cứ đi thẳng tới”. Rồi Đồng tử chỉ dẫn, nói: “Trong ngôi nhà lớn chỗ có đèn đốt sáng, Thế Tôn đang ngồi chính giữa uy đức đáng tôn trọng đặc biệt, cao cả không gì hơn, giống như trâu chúa ở giữa đàn trâu, như vua sư tử ở giữa muông thú, như vua voi trắng sáu ngà tại Tuyết Sơn đang ở giữa bầy voi, cũng như sông Hằng sâu thẳm, trong trẻo, im lặng không có tiếng động; đại chúng im lặng cũng như vậy. Lại giống như biển lớn vô lượng nước đều đổ về đó. Đại chúng của đức Thế Tôn có công đức vô lượng cũng như thế”.

Bấy giờ, vua A Xà Thế xuống xe mặc thường phục đi bộ, dẫn đầu đoàn người tiến đến chỗ Phật, nhiễu quanh Phật và đại chúng ba vòng, rồi đứng lại, nói với Đồng tử: “Thế Tôn cùng đại chúng công đức thành tựu vắng lặng thanh tịnh, mong sao con của ta là Ưu đà di bạt đà cũng thành tựu công đức như vậy”. Phật nói: “Đại vương, tùy theo sự cầu nguyện của đại vương đều sẽ đạt được”. Thế rồi, nhà vua trải tòa, mời Phật an tọa. Phật dạy: “Đại vương tự ngồi, Như Lai đã có chỗ ngồi”. Bấy giờ, vua cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đứng qua một bên, bạch với Phật:

—Bạch Thế Tôn, con có điều muốn hỏi, kính mong Phật cho phép.

—Như Lai cho phép đại vương cứ hỏi, rồi Như Lai sẽ trả lời cho đại vương.

—Bạch Thế Tôn, trong đây các loại thợ xuất gia theo giáo pháp của Phật có thể chứng quả Sa môn ngay trong đời này không? (Như trong kinh Sa môn Quả đã trình bày).

Lúc ấy, vì thuyết pháp quá lâu, các vị phu nhân đeo chuỗi anh lạc nặng, nên ai nấy đều cởi ra để trước chỗ ngồi. Vua A Xà Thế vì mang tội giết cha, nên trong lòng thường nơm nớp hoảng sợ, khi nghe trong thành có tiếng trống, tiếng tù và, tiếng voi, tiếng ngựa, vua sợ hãi dữ dội, liền nói với các phu nhân: “Hãy trở về trong thành, hãy trở về trong thành”.

Các phu nhân vì đi về quá gấp nên quên lấy chuỗi anh lạc. Đến sáng sớm hôm sau, phu nhân của vua định đeo chuỗi anh lạc, nhưng tìm không có. Người mặc áo cho bà nói: “Ngày hôm qua vì hoảng hốt khi trở về e rằng để quên tại tinh xá”. Cũng thế, các phu nhân đều nói mình để quên anh lạc, nhưng họ sợ rằng nếu tâu với vua thì sẽ bị vua quở trách. Bấy giờ có một thanh y (con hầu) tâu với vua: “Các phu nhân hôm qua trở về gấp, nhiều người bỏ quên chuỗi anh lạc”. Lúc ấy, có Bà la môn ngoại đạo là quân sư của vua, đang ngồi với vua, liền tâu rằng: “Nếu để quên tại đó thì các Sa môn đã đem giấu hết rồi, giả sử có sai người đến tìm cũng chẳng được gì!”.

Khi ấy, vua sai một người đáng tin, thử đến đó tìm xem (thì khi ông này đến nơi) thấy đại chúng của Phật còn ngồi y nhiên tại đó, và thấy những chuỗi anh lạc của các phu nhân vẫn còn tại chỗ cũ, bị ánh sáng mặt trời chiếu sáng rực rỡ, bèn thu lấy mang về, rồi tâu đầy đủ lên vua. Vua rất đỗi vui mừng, nói: “Các Sa môn của Phật đúng là phước điền tốt lành, không tham, không ham muốn, đặc biệt đáng tin cậy, không ai hơn được hội chúng này, mong rằng họ thường ở trong nước ta, để ta được cúng dường suốt đời”. Rồi vua nói với các phu nhân: “Anh lạc của các Khanh đây, mỗi người hãy lại lấy, không được làm hỗn loạn, giành lấy cái tốt”.

Các Tỉ kheo nghe vị ngoại đạo quân sư của vua nói như thế, liền đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật bèn nói với các Tỉ kheo: “Châu báu vẫn còn nguyên vẹn không ai lấy, mà còn bị người ta hủy báng, huống gì bị lấy mất. Từ nay về sau Ta không cho phép cầm lấy châu báu”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại Tì xá li, nói rộng như trên. Bấy giờ, đồng tử Lê xa mang các thứ châu báu bên lưng, có giá trị hàng ngàn vạn, cưỡi xe bốn ngựa ra khỏi thành du ngoạn. Vì châu báu mang nặng nên bị tuột rơi xuống đất mà không hay. Lúc ấy, có một Tỉ kheo đi theo sau, vừa đến đó thì thấy châu báu rơi xuống đất, liền gọi: “Đồng tử, Đồng tử, lấy lại châu báu của ông”. Nhưng vì tiếng xe nên Đồng tử không nghe. Thầy sợ người đi sau nhặt lấy, nên đứng bên đường coi chừng. Đồng tử đi một lát liền biết bị mất cái đai lưng, bèn quay xe trở lại, từ xa trông thấy Tỉ kheo, liền hỏi: “Ông đi sau có thấy cái đai lưng không?”.

Tỉ kheo đáp: “Tôi thấy có chiếc đai lưng, vừa rồi từ xa gọi ông, nhưng ông không nghe”.

Đồng tử lại hỏi: “Ở tại chỗ nào?”Thầy đáp: “Tại chỗ kia kìa”. Đồng tử liền đi đến lấy chiếc đai, buộc vào lưng xong, bèn nắm Tỉ kheo đánh vào tay chân một trận nhừ tử, lại mắng chửi đủ thứ, nói: “Nếu ta không trở lại thì ngươi đã lấy chiếc đai lưng rồi”.

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật nói: “Không lấy mà còn sinh ra tai họa như thế, huống gì lấy”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Tì xá li, nói rộng như trên. Bấy giờ, có Tỉ kheo đi tới sông Tô, cởi áo xuống tắm, lúc ấy có đồng tử Lê xa cũng đến tắm sông bèn cởi vòng đeo tai để một chỗ, rồi lấy áo tủ lên, xuống nước tắm. Khi tắm xong, anh ta lên bờ, mặc áo vào, rồi ra đi mà quên vòng đeo tai. Tỉ kheo lên sau, thấy chiếc vòng đeo tai, liền từ xa gọi: “Đồng tử, đồng tử, vòng tai của ông còn để trên bờ”. Nhưng đồng tử vì đi nhanh nên không nghe thầy gọi, cứ từ từ đi một đỗi xa, bèn trực nhớ lỗ tai không có vòng, liền trở lại tìm, từ xa hỏi Tỉ kheo: “Có thấy vòng tai của tôi không?”.

Tỉ kheo đáp: “Vòng tai của ông còn để trên bờ, vừa rồi tôi trông thấy bèn từ xa gọi ông, nhưng ông đi nhanh nên không nghe tiếng gọi”.

Đồng tử hỏi: “Hiện giờ ở chỗ nào?”. Thầy đáp: “Tại chỗ kia kìa”. Đồng tử liền đến lấy vòng tai, đeo vào xong, bèn nắm Tỉ kheo đánh đấm túi bụi, và mắng: “Như vậy, như vậy đó, nếu ta không trở lại thì ngươi sẽ lấy vòng tai của ta đi mất”.

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc đó đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ kheo: “Không lấy bảo vật mà còn sinh ra tai họa như thế, huống gì lấy”.

Lại nữa, khi Phật an trú tại vườn cây Ni câu luật thuộc dòng họ Thích, nước Ca duy la vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có con nhà họ Thích cúng dường cơm cho các Tỉ kheo, cùng thân quyến dọn cơm, nhưng vì đeo vòng vàng nặng nề, dọn cơm không tiện, nên cởi vòng xuyến để bên cạnh chân Tỉ kheo, nói như sau: “Vòng vàng này con để bên cạnh chân thầy”. Tỉ kheo ăn xong bèn đứng dậy bỏ đi, sau đó, có người trông thấy liền cầm lấy vòng xuyến rồi đi. Người con dòng họ Thích ấy khi đãi cơm xong, liền trở về, quên lấy vòng xuyến. Khi về đến nhà mới hay là không có chiếc vòng, ông bèn trở lại chỗ cũ tìm mà không thấy, liền đi tìm thầy Tỉ kheo mà mình đã gởi, nói:

—Thầy trả lại chiếc vòng mà trước kia tôi đã gởi.

—Tôi nhớ chiếc vòng ông đã gởi còn ở chỗ cũ mà, tôi đâu có lấy.

—Tôi gởi không đúng chỗ nên bị mất chiếc vòng.

Thế rồi, trong lòng ông ta không vui, liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, bạch với Phật: “Vừa rồi, con đem chiếc vòng gởi cho Tỉ kheo mỗ giáp, thầy không chịu coi chừng nên đã bị mất”. Phật bèn tùy thuận thuyết pháp cho người con họ Thích ấy, chỉ bảo những điều lợi ích, khiến ông ta hoan hỉ, rồi cáo lui. Sau khi ông đi không lâu, Phật bèn bảo gọi Tỉ kheo kia đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:

—Ông có việc đó thật chăng?

—Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.

—Nếu ông đã nhận người ta gởi thì phải coi chừng, còn nếu không nhận thì bảo là không nhận. Vì sao ông đã nhận đồ người ta gởi mà không trông coi? Từ nay về sau, nếu trong vườn có châu báu hoặc những bảo vật có giá trị thì Ta cho phép tự mình lấy cất, hoặc là sai người khác lấy cất.

Thế rồi, Phật truyền lệnh cho các Tỉ kheo đang sống tại Ca duy la vệ phải tập họp lại tất cả, vì mười lợi ích mà chế giới cho các Tỉ kheo, dù ai nghe rồi cũng phải nghe lại:

—Nếu Tỉ kheo (trông thấy) châu báu hoặc bảo vật có giá trị ở trong vườn mà tự mình lấy hoặc sai người khác lấy, trừ trường hợp đặc biệt thì phạm Ba dạ đề.

Giải thích

Trường hợp đặc biệt: Tỉ kheo thấy châu báu hoặc bảo vật có giá trị, rồi tự mình lấy, hoặc sai người khác lấy, với suy nghĩ: “Có chủ tới tìm, ta sẽ đưa”. Đó gọi là trường hợp đặc biệt.

Tỉ kheo: Như trên đã nói.

Trong vườn: Trong vườn tháp, trong vườn của chúng Tăng.

Châu báu: Vật dụng đã thành, chẳng hạn: Thiên quan, bảo cái, anh lạc, cán phất trần, guốc báu… , những bảo vật đã làm thành dụng cụ như vậy.

Bảo vật có giá trị: như tiền, vàng, bạc, chân châu, lưu ly, hà bối, san hô, hổ phách, pha lê, xích bảo, đồng, đồng đỏ, chì, thiết, bạch lạp, sắt…

Lấy: Nếu vật hợp pháp (tịnh) được tự tay cầm lấy, nếu vật không hợp pháp thì sai tịnh nhân lấy.

Ba dạ đề: Như trên đã nói.

Trường hợp đặc biệt: Nếu trong vườn tháp, trong vườn của chúng Tăng, Tỉ kheo thấy có châu báu hay bảo vật có giá trị mà thanh tịnh thì nên tự lấy; nếu vật không thanh tịnh thì sai tịnh nhân lấy cất, với suy nghĩ: “Nếu có chủ tìm thì sẽ trả lại”. Chỉ nghĩ như vậy chứ không có gì khác (đó gọi là trường hợp đặc biệt). Hoặc vào các dịp Phật đản sinh, dịp Phật thành đạo, dịp Chuyển pháp luân, dịp A Nan, La hầu la mở đại hội; khi ấy những người đi xem hoặc quên y phục và các vật dùng để trang điểm thân thể; hoặc Tỉ kheo quên y bát và các vật khác mà Tỉ kheo thấy thì nên lấy, lấy rồi nên hỏi xem vật đó của ai. Nếu đúng là chủ của vật thì nên trao cho họ. Nếu không ai biết thì nên đem treo trên cây trụ ở chỗ dễ trông thấy cho người ta trông thấy. Nếu có người nói: “Đó là vật của tôi”, thì nên hỏi: “Ngươi mất tại chỗ nào?”. Nếu đáp tương ưng thì nên đưa. Nếu không ai biết thì nên đình lại đến ba tháng. Nếu vật đó nhặt được ở trong vườn tháp thì nên dùng để làm tháp. Nếu nhặt được trong vườn Tăng thì nên dùng làm vật cho Tăng bốn phương. Nếu là vật quí báu như ngọc, anh lạc, vàng, bạc thì khi ấy không được phơi bày ra mà nên xướng: “Tôi được của báu”. Rồi Tỉ kheo nên xem xét kỹ lưỡng, coi thử hình dáng thế nào, rồi mới cầm lên. Nếu có người đến hỏi: “Tôi để quên vật báu thầy có thấy không?”. Tỉ kheo khi ấy nên hỏi lại: “Ông để quên tại chỗ nào? Vật báu của ông có hình dáng thế nào?”. Nếu họ nói không phù hợp, thì nên bảo: “Chùa này rộng lớn ông hãy đi tìm xem”. Nếu họ nói phù hợp, thì nên đưa vật báu ra hỏi: “Lão trượng, vật này là của ông phải không?”. Nếu đáp: “Đúng đấy”, thì Tỉ kheo không được đưa ngay trước một người ấy mà nên tập họp nhiều người, rồi bảo người ấy rằng: “Ông hãy quy y Phật, Pháp, Tăng. Nếu đức Thế Tôn không chế giới thì dù mắt ông muốn xem lại cũng chưa chắc đã được (chứ đừng nói là nhận lại được). Nếu ông ta nói: “Ngoài vật báu này của tôi còn có vật khác”, thì nên bảo: “Lão trượng, tôi chỉ được có vật này, ngoài ra không thấy những vật khác. Này Lão trượng, ngươi là kẻ gian ác! Ngươi được lại vật này đã là quá lắm rồi, vì sao còn muốn đòi vật khác đặng hủy báng người Ta? Nếu Thế Tôn không chế giới thì ngươi đâu có thể thấy lại vật này”. Nếu làm như vậy mà vẫn không xong, thì nên đem y đến chỗ Ưu bà tắc, rồi nói như sau: “Tôi vốn chỉ nhặt được có vật này, đã đem trả lại hết, mà còn bị vu khống”. Bấy giờ Ưu bà tắc nên mắng kẻ ấy: “Như thế như thế đấy (quân khốn kiếp). Ngươi được lại vật ấy đã là quá lắm rồi mà giờ đây lại còn hủy báng Tỉ kheo! Ngươi hãy theo ta, ta sẽ cùng với ngươi đối chất để giải quyết việc này”.

Nếu không có ai đến (tìm) thì chờ đến ba năm-như trên đã nói – rồi tùy theo nhặt được ở nơi nào mà đem dùng vào trong lãnh vực đó.

Nếu Tỉ kheo đi vào xóm làng mà thấy có vật rơi dưới đất thì không nên lấy. Nếu có người lấy đưa cho Tỉ kheo thì Tỉ kheo được nhận. Vì người cho tức là thí chủ, nên không có tội.

Nếu Tỉ kheo vào thôn xóm, thấy có y rơi, hoặc là y bị gió thổi bay đến, thì không được tưởng là y phấn tảo rồi nhặt lấy.

Nếu ở nơi đường vắng không có người mà thấy có y rơi thì nên lấy. Nếu thấy trên y có châu báu thì nên dùng gót chân đạp bỏ châu báu rồi cầm y mà đi. Lúc đi không nên che giấu mà nên cầm bày ra để cho người ta trông thấy. Nếu trên y bị dơ bẩn khiến người ta nhờn tởm thì được xếp lại mà cầm đi. Nếu khi nhặt không biết trong y có vật báu đến khi về tới trú xứ mới thấy thì nên giao cho tịnh nhân quản lý để họ đổi lấy tiền mua thuốc.

Khi đi ra khỏi xóm làng nếu giữa đường thấy y mà trên y có bụi dính lâu ngày thì nên lấy. Lấy rồi, không được che giấu mà phải bày ra cầm đi, nếu có chủ chạy theo, Tỉ kheo nên hỏi: “Lão trượng, vì sao chạy?”. Nếu họ đáp: “Tôi mất y”, thì nên hỏi: “Đây là y của ông phải không?”. nếu nói: “Đúng đấy”, thì nên trả lại và bảo họ: “Ông nên quy y Phật Pháp Tăng. Nếu Thế Tôn không chế giới thì giả sử ông có thấy lại y cũng không thể lấy được”.

Nếu phòng ốc của chúng Tăng cũ kỹ, hư nát muốn sửa chữa mà khi đào đất đổ nền gặp được kho tàng châu báu, nếu như tịnh nhân không đáng tin, thì nên tâu lên vua, giả sử vua nói: “Vật này đương nhiên thuộc về Trẫm, nay trẫm bố thí cho Tỉ kheo để làm công đức”, thì nhà vua được xem là thí chủ. Nếu đã dùng một nửa, còn một nửa, mà vua nói: “Vì sao ông sử dụng vật của trẫm? Nếu đã dùng thì phải ngừng lại, còn bao nhiêu đưa cho trẫm”, thì Tỉ kheo nên đưa số còn lại cho vua. Nếu vua nói: “Vì sao ông dùng vật của trẫm? Đưa hết lại cho trẫm”, mà Tỉ kheo đã lỡ sử dụng vật đó, thì phải lấy vậy của Tăng trả lại. Nếu Tăng không có vật thì phải xin vật khác trả lại. Nếu vua nói: “Đã lỡ sử dụng thì phải ngừng lại, công đức ấy thuộc về trẫm”, thì cũng như vua dùng.

Khi sửa chữa tháp cũ được vàng bạc châu báu mà tịnh nhân không đáng tin, thì nên tâu lên vua. Nếu tịnh nhân đáng tin thì được giữ lấy, rồi cất đó trong ba năm. Sau ba năm nên đem dùng làm các việc cho tháp. Nếu nhà vua biết được, hỏi Tỉ kheo: “Ông được kho báu ở trong vườn tháp phải không?”, thì nên đáp: “Có được”. Nếu đã sử dụng thì nên đáp: “Có được mà đã dùng làm tháp”. Rồi nhà vua nói: “Đã làm thì phải ngừng lại. Công đức này thuộc về trẫm”. Nếu đã dùng một nữa, còn lại một nửa, rồi vua nói: “Đã dùng thì ngừng lại, chỗ còn đó đưa cho trẫm”, thì phải đưa số còn lại cho vua. Nếu vua nói: “Ông không biết rằng bảo vật trong đất thuộc về trẫm sao? Vì sao ông lấy dùng? Trả hết lại cho trẫm”, thì bấy giờ Tỉ kheo nên lấy vật của tháp trả lại. Nếu tháp không có vật thì phải nhân danh tháp xin vật để trả lại. Nếu vua hỏi: “Trong giới luật của Phật như thế nào?”, thì Tỉ kheo nên đáp: “Trong Phật pháp nếu được vật nơi đất của tháp thì dùng làm tháp. Nếu được vật nơi đất của Tăng thì sử dụng cho Tăng”. Nếu vua nói: “Theo Phật pháp mà sử dụng”, thì sử dụng không có tội. Nếu trên kho báu có miếng sắt dùng khắc tên họ, rồi vua hỏi: “Các đại đức thấy trên kho báu ấy có tên họ như thế phải không? “, thì Tỉ kheo nên đáp: “Có thấy như vậy, nhưng đã dùng làm tháp xong rồi. Nếu vua nói: “Đó là vật của tiền nhân trẫm, vì sao ông sử dụng? Đã sử dụng thì phải trả lại cho trẫm”. Hoặc vua nói: “Đã làm tháp hoàn thành rồi thì công đức đó thuộc về trẫm”, thì không có tội. Hoặc vua nói: “Nếu đã dùng một nửa thì nửa còn lại trả cho trẫm”, thì khi ấy Tỉ kheo nên trả số còn lại cho vua. Nếu vua nói: “Vì sao ông dùng vật của tiền nhân trẫm? Phải trả hết tất cả cho trẫm”, thì khi ấy nên trả hết lại. Nếu tháp có vật thì nên lấy trả, nếu không có vật thì đi xin về trả. Nếu vua nói: “Đây là vật của tiền nhân mà tiền nhân đã chết, nên công đức này thuộc về họ”thì không có tội.

Khi làm chùa mới, làm tháp mới mà được bảo vật thì cũng như vậy. Thế nên nói (như trên).