KINH TRUNG A-HÀM

119. KINH THUYẾT XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ở đây có ba thuyết xứ, chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó mà nói lên một vấn đề rằng: ‘Tôi thấy, nghe, hiểu, biết’, Tỳ-kheo nói mà nói rằng: ‘Đây là điều tôi biết’.

“Những gì là ba? Tỳ-kheo nhân quá khứ mà nói một vấn đề như vầy: ‘Trong thời quá khứ có’. Tỳ-kheo nhân vị lai mà nói một vấn đề như vầy: ‘Trong thời vị lai có’. Tỳ-kheo nhân hiện tại mà nói một vấn đề như vầy: ‘Trong thời hiện tại có’.

“Đó gọi là ba thuyết xứ chứ không phải bốn hay năm. Nếu Tỳ-kheo sau khi thấy, nhân sự thấy đó mà nói một vấn đề rằng: ‘Tôi thấy, nghe, hiểu biết’. Tỳ-kheo nói một vấn đề rằng: ‘Đây là điều tôi biết’. Do điều được thuyết, khéo tập được nghĩa, do không thuyết, không khéo tập được nghĩa.

“Hiền Thánh đệ tử với hai tai nhất tâm nghe pháp. Vị ấy sau khi với hai tai nhất tâm nghe pháp, đoạn một pháp, tu một pháp, tự thân tác chứng một pháp. Vị ấy sau khi đã đoạn được một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp rồi, liền được chánh định. Hiền Thánh đệ tử sau khi đã được chánh định, liền đoạn trừ hết tất cả dâm, nộ, si. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử chứng đắc tâm giải thoát, giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Do điều được nói nên có bốn trường hợp để quan sát người, rằng Hiền giả này có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói. Nếu Hiền giả này với câu hỏi khẳng định mà không trả lời khẳng định, với câu hỏi phân biệt mà không trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà không trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà không trả lời xả trí. Như vậy, không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Nếu Hiền giả này với câu hỏi khẳng định mà trả lời khẳng định, với câu hỏi phân biệt mà trả lời phân biệt, với câu hỏi phản vấn mà trả lời phản vấn, với câu hỏi xả trí vấn mà trả lời xả trí. Như vậy, ó thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Lại nữa, do điều được nói nên lại có bốn trường hợp để quan sát người, rằng có thể cùng nói, hoặc không thể cùng nói với Hiền giả này. Nếu Hiền giả này không an trụ trên xứ phi xứ, không an trụ trên sở tri, không an trụ trên thuyết dụ, không an trụ trên đạo tích; như vậy thì không thể cùng nói, cũng không thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Nếu Hiền giả này an trụ trên xứ phi xứ, an trụ trên sở tri, an trụ trên thuyết dụ, an trụ trên đạo tích; như vậy thì có thể cùng nói, cũng có thể cùng thảo luận với Hiền giả này.

“Do điều được nói, với lời nói trầm tĩnh, xả bỏ sở kiến của mình, xả bỏ ý kết oán, xả bỏ tham dục, xả bỏ sân nhuế, xả bỏ si ám, xả bỏ kiêu mạn, xả bỏ bất ngữ, xả bỏ tật đố, không háo thắng, không ép người, không chấp chặt khuyết điểm, nói nghĩa nói pháp. Sau khi nói nghĩa nói pháp, khuyên dạy, rồi lại khuyên dạy cho bỏ, tự mình hoan hỷ, khiến người kia cùng hoan hỷ. Thuyết nghĩa như vậy, thuyết sự như vậy, là Thánh thuyết nghĩa, là Thánh thuyết sự; nghĩa là đã cứu cánh tận diệt hết lậu.”

Rồi thì, Đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:

Luận tranh và luận nghị,
Ý tạp, lòng cống cao;
Nghịch Thánh, chê Thánh đức,
Mong cầu khuyết điểm nhau,
Khai thác lỗi bất cẩn,
Khăng khăng khuất phục người,
Đối địch đều háo thắng;
Thánh không nói như vậy.
Nếu mong thành luận nghị,
Người trí biết tùy thời,
Có pháp và có nghĩa,
Chư Thánh luận như vậy.
Người trí nói như vậy.
Không cãi, không cống cao,
Ý không biết nhàm đủ,
Không kết, không oán thù;
Tùy thuận, không điên đảo;
Mỗi lời hợp chánh tri.
Khéo nói thì có thể
Trọn không lời xấu xa;
Không luận vì luận tranh,
Không tùy người thách đố;
Biết xứ và thuyết xứ,
Là điều được luận bàn.
Đây là lời Thánh nhân;
Người trí, hai mục đích,
Cho đời này bình an,
Cho đời sau khoái lạc.
Nên biết người thông đạt,
Thuyết phi đảo, phi thường.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.