KINH TRUNG A-HÀM

161. KINH PHẠM-MA

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Vi-đề-hi, cùng với đại chúng Tỳ-kheo.

Bấy giờ ở Di-tát-la có Bà-la-môn tên là Phạm-ma giàu có, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Di-tát-la này, cho đến nước, cỏ, cây, đều là đặc tặng, là ân tứ của A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, vua nước Ma-kiệt-đà. Bà-la-môn Phạm-ma có một Ma-nạp tên là Ưu-đa-la được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không bị, học rộng, thông suốt, tụng đọc hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí truyện, và thứ năm là cú thuyết. Bà-la-môn Phạm-ma nghe có Sa-môn Cù-đàm, con dòng tộc Thích, đã từ giả dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đang trú tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng Đại Tỳ-kheo. Sa-môn Cù-đàm ấy có danh tiếng lớn lao, muời phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ.’

Lại nghe rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Nếu ai thành tựu tướng của Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thực không sai lầm. Đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân, chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’

Bà-la-môn Phạm-ma nghe vậy, liền bảo:

“Này Ưu-đa-la, ta nghe như thế này: 'Sa-môn Cù-đàm, con dòng tộc Thích, đã từ giã dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đang trú tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng Đại Tỳ-kheo. Sa-môn Cù-đàm ấy có danh tiếng lớn lao, muời phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ.’ Lại nghe rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Nếu ai thành tựu tướng của Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thực không sai lầm. Đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân, chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’ Ngươi có biết như vậy chăng?”

Ưu-đà-la đáp:

“Thưa Tôn sư, con thọ trì các kinh, có biết về ba hai tướng của bậc Đại nhân, và biết rằng, nếu ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, cư sĩ báu, và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục nổi địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.”

Nghe vậy, Bà-la-môn Phạm-ma bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, xem Sa-môn Cù-đàm có đúng như thế, hay không đúng như thế, quả thực có ba mươi hai tướng của Đại nhân chăng?”

Ma-nạp Ưu-đa-la nghe bảo như vậy, liền cúi đầu đảnh lễ sát chân Bà-la-môn Phạm-ma, đi quanh ba vòng, rồi lui ra, đi đến chỗ Đức Phật. Chào hỏi xong, ông ngồi qua một bên, quan sát ba mươi hai tướng trên thân Đức Thế Tôn. Ma-nạp ấy thấy trên thân Ngài có ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng, đó là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.

Bấy giờ Đức Thế Tôn thầm nghĩ: "Ưu-đa-la này với ba mươi hai tướng của Ta, chỉ thấy được ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng là mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài; nay Ta nên trừ mối nghi ngờ ấy." Nghĩ vậy, Đức Thế Tôn liền như vậy mà hiện thần thông. Sau khi Thế Tôn bằng như vậy mà hiện thần thông, Ma-nạp Ưu-đa-la thấy được tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài trên thân Đức Thế Tôn. Tướng lưỡi rộng dài là khi le ra, lưỡi phủ khắp cả mặt.

Khi đã trông thấy, Ưu-đa-la Ma-nạp nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, chắc chắn có hai trường hợp chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục nổi địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến biển cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hoá, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’

Ma-nạp Ưu-đa-la lại nghĩ: “Ta nên quán sát kỹ về oai nghi, lễ tiết và nơi Cù-đàm du hành.” Nghĩ vậy, Ma-nạp Ưu-đa-la lẽo đẽo theo Đức Phật, trong bốn tháng hạ, quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành. Qua bốn tháng hạ, Ma-nạp Ưu-đa-la cảm thấy sung sướng khi đã quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành, liền thưa:

“Thưa Cù-đàm, con nay có việc muốn trở về, xin từ giã Cù-đàm.”

Thế Tôn bảo:

“Này Ưu-đa-la, ngươi cứ đi, tùy ý.”

Ma-nạp Ưu-đa-la nghe Đức Thế Tôn nói như vậy, khéo thọ trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ Bà-la-môn Phạm-ma, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn Phạm-ma hỏi:

“Này Ưu-đa-la, có quả như lời đồn, Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe, đúng như vậy hay không đúng như vậy? Quả Cù-đàm có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân chăng?”

Ma-nạp Ưu-đa-la đáp:

“Đúng như vậy, thưa Tôn sư. Quả như lời đồn, Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe. Sa-môn Cù-đàm quả thực như vậy, chứ không phải không thực như vậy, thực có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân.

“Sa-môn Cù-đàm có lòng bàn chân bằng phẳng, đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thưa Tôn sư, lòng bàn chân của Sa-môn Cù-đàm có hình bánh xe. Bánh xe có một ngàn tăm và đầy đủ các bộ phận. Đó là tướng của Đại nhan Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, ngón chân của Sa-môn Cù-đàm thon dài. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, mu bàn chân của Sa-môn Cù-đàm thì ngay ngắn. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, ở phía sau hai bên mắt cá của gót chân Sa-môn Cù-đàm thì đầy đặn, bằng phẳng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, hai mắt cá nơi bàn chân của Sa-môn Cù-đàm thì nhỏ. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, lông ở thân thể Sa-môn Cù-đàm mọc hướng lên. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, bàn tay và bàn chân của Sa-môn Cù-đàm có màng lưới như nhạn chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, tay chân của Sa-môn Cù-đàm rất đẹp, mềm mại xòe ra như hoa đâu-la. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, da thịt của Sa-môn Cù-đàm mịm màng, bụi nước không dính được. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, mỗi một lỗ chân lông ở trên thân của Sa-môn Cù-đàm mọc một sợi lông màu xanh lóng lánh, xoáy ốc về phía bên phải. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, đùi của Sa-môn Cù-đàm như đùi của nai chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

Lại nữa, mã âm tàng của Sa-môn Cù-đàm giống như ngựa chúa tốt. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân hình của Sa-môn Cù-đàm cân xứng, đẹp đẽ cũng giống như cây ni-câu-loại, trên dưới hoàn toàn tương xứng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân hình Sa-môn Cù-đàm không gù, không còng. Thân không còng nghĩa là đứng thẳng mà duỗi tay, thì sờ tận đầu gối. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm màu vàng, giống như màu vàng tía. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm có bảy chỗ đầy đặn. Bảy chỗ đầy đặn là hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm phần trên lớn giống như thân sư tử. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, quai hàm của Sa-môn Cù-đàm như của sư tử. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, xương sống và lưng của Sa-môn Cù-đàm thẳng bằng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, trên hai vai của Sa-môn Cù-đàm liên tiếp qua cổ đầy đặn, bằng phẳng. Đó là tướng của đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có bốn mươi cái răng, trắng đều đặn, răng không khuyết hở, răng trắng trong, có mùi vị bậc nhất. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, tiếng nói của Sa-môn Cù-đàm đáng ưa như tiếng trời Phạm thiên, âm thanh như tiếng chim ca-lăng-tần-già. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có lưỡi rộng dài. Lưỡi rộng dài là lưỡi khi le ra trùm khắp cả mặt. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, khóe mắt của Sa-môn Cù-đàm đầy như của trâu chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, mắt của Sa-môn Cù-đàm màu xanh lóng lánh. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, đỉnh đầu của Sa-môn Cù-đàm có nhục kế, tròn, cân đối, xoáy tròn về hướng phải như vỏ ốc. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Lại nữa, giữa hai hàng lông mày của Sa-môn Cù-đàm có sợi lông trắng trong, mọc xoáy về hướng phải. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm đã thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân như vậy. Nếu ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được quân địch, chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang khắp mười phương đều nghe.

“Lại nữa, thưa Tôn sư, con thấy Sa-môn Cù-đàm lúc đang khoác y, lúc đã khoác y; lúc đang quấn y, lúc đã quấn y; lúc ra khỏi phòng, đã ra khỏi phòng; lúc ra khỏi vườn, đã ra khỏi; đang trên đường đi đến thôn xóm, lúc đã vào thôn xóm; đứng ở đường hẻm, đang vào nhà, đã vào; đang sửa giường, đã sửa giường; đang ngồi, đã ngồi; đang rửa tay, đã rửa tay; đang nhận đồ ăn, thức uống, đã nhận; đang ăn, đã ăn; sau khi rửa tay, chú nguyện xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đang ra khỏi, đã ra khỏi nhà; đến đường hẻm, đang ra khỏi thôn xóm, đã ra khỏi; lúc đang vào vườn, đã vào; đang vào phòng, đã vào.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm khoác y ngay ngắn, không cao không thấp, áo không bó sát thân, gió không thể thổi tung khiến y tuột khỏi thân.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm quấn y ngay ngắn, không cao không thấp, y không bó sát thân, gió không thể thổi tung khiến y tuột khỏi thân.

“Thưa Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm mỗi khi đắp y mới, tùy thuận Thánh nhân, dùng dao cắt ra từng miếng rồi may lại, nhuộm thành hoại sắc, cũng như y hoại sắc của bậc Thánh đã nhuộm. Vị ấy đắp y không phải vì của cải, không phải vì cống cao, không phải để trang sức, không phải để cho oai vệ, mà chỉ để ngăn chặn muỗi mòng và tránh sự ma sát của gió và nắng, và vì sự hổ thẹn, nên phải che kín thân thể.

“Thưa Tôn sư, khi ra khỏi phòng, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, cũng không ngước lên, ra khỏi phòng thân không bao giờ cúi thấp.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc muốn đi, trước hết bước chân bên phải, dở chân lên, để chân xuống một cách chững chạc, đi không gây thành tiếng động, không đi quàng xiên; lúc đi, hai gót chân không bao giờ chạm nhau. Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc đi không bị bụi dính vào. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.

“Thưa Tôn sư, lúc ra khỏi vườn, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, không ngước lên, lúc ra khỏi vườn, thân không bao giờ cúi thấp. Đi đến xóm làng, thân luôn luôn quay về lối phải, quán sát như cái nhìn của một con voi chúa nhìn khắp nơi, không hãi, không sợ, cũng không khiếp đảm, xem khắp các phương. Vì sao? Vì là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Thưa Tôn sư, lúc vào thôn xóm, thân không cúi xuống, không ngước lên, lúc vào thôn xóm, Sa môn Cù-đàm không bao giờ cúi thấp.

“ Lúc ở đường hẻm Sa-môn Cù-đàm không cúi xuống mà nhìn cũng không ngước lên mà trông, chỉ nhìn ngay thẳng, trong đó không có gì ngăn ngại đối với sự thấy và biết.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm có các căn thường định. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.

“Thưa Tôn sư, lúc vào nhà, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, không ngước lên; lúc vào nhà thân không bao giờ cúi thấp.

“Thưa ôn sư, Sa-môn Cù-đàm xoay mình lại thì xoay theo hướng phải, ngồi trên giường kê ngay ngắn; không ngồi lên giường một cách nặng nề, cũng không chống tay dưới trôn mà ngồi; khi đã ngồi, không thấy táy máy, không bức rức, cũng không ham thích; lúc thọ nhận nước rửa, không cao, không thấp, không nhiều, không ít; thọ nhận đồ ăn thức uống, cũng không cao, không thấp, không nhiều, không ít.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm thọ thực ngang bình bát; canh và cơm bằng nhau.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm bốc thức ăn chỉnh tề, từ từ bỏ vào miệng, khi thức ăn chưa đến thì không há miệng ra mà đợi sẵn, khi thức ăn đã vào miệng thì nhai ba lần mới nuốt, không có miếng cơm hay canh nào mà không nghiền nát, thức ăn còn lại trong miệng thì nuốt xuống hết rồi mới bốc nắm khác.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm do ba việc thanh tịnh mà ăn, cảm giác được vị lúc ăn, nhưng không nhiễm trước vào vị. Vị ấy không phải ăn vì của cải, không vì cống cao, không vì trang sức, không vì oai vệ, mà chỉ muốn bảo tồn thân thể sống lâu, không tai hoạn, để ngăn chận bệnh cũ, không sanh bệnh mới, duy trì sự sống không tai hoạn, sức khỏe, an lạc. Ăn xong, vị ấy dùng nước rửa tay, không cao, không thấp, không nhiều, không ít; dùng nước rửa bát, không cao, không thấp, không nhiều, không ít. Sau khi rửa tay sạch, thì bát cũng sạch; rửa bát sạch thì tay cũng sạch; lau tay rồi lau bát; lau bát rồi lau tay. Khi đã rửa và lau bát xong, để đặt xuống một bên, không gần, không xa, không nhìn hoài vào bát, cũng không lơ là bát. Sa-môn Cù-đàm không chê thức ăn này, cũng không khen thức ăn kia, chỉ im lặng. Ăn xong, thuyết pháp cho các cư sĩ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, vị ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc ra khỏi nhà, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc ra khỏi nhà, thân không bao giờ cúi xuống. Lúc ở tại đường cái, ngõ hẻm, không cúi nhìn xuống, cũng không ngước lên, chỉ nhìn thẳng đằng trước, trong đó không có gì ngăn ngại đối với sự biết và sự thấy.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm có các căn thường định. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc ra khỏi thôn, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc ra khỏi thôn, thân không bao giờ cúi xuống.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc đi vào vườn, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc đi vào vườn thân không bao giờ cúi xuống.

“Thưa Tôn sư, sau bữa ăn trưa, Sa-môn Cù-đàm thu dọn y, bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai vào phòng tĩnh tọa. Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm vào phòng tĩnh tọa để làm lợi ích cho thế gian.

“Thưa Tôn sư, vào lúc xế, Sa-môn Cù-đàm từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, sắc diện trong sáng. Vì sao? Vì là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm từ miệng phát ra với tám thứ âm thanh, một là sâu sắc, hai là tỳ-ma-lâu-bá, ba là nhập tâm, bốn là khả ái, năm là rất đầy, sáu là sống động, bảy là rõ ràng, tám là có trí, khiến cho mọi người mến chuộng, mọi người ưa thích, mọi người ghi nhớ, sẽ được định tâm.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp tùy theo chúng; âm thanh không ra ngoài chúng, chỉ vừa ở trong chúng. Thuyết pháp cho chúng, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy trở về chỗ cũ.

“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm là như thế đó, có những cái thù thắng hơn nữa. Con muốn đến theo học Phạm hạnh với Sa-môn Cù-đàm.”

Bà-la-môn Phạm-ma đáp:

“Tùy ý ngươi.”

Rồi thì, Ma-nạp Ưu-đa-la cúi đầu đảnh lễ sát chân Bà-la-môn Phạm-ma, đi quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên và thưa:

“Bạch Thế Tôn, con nay xin theo Thế Tôn học đạo, thọ Cụ túc giới, trở thành Tỳ-kheo, để được theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn độ cho Ma-nạp Ưu-đa-la, cho theo học đạo, cho thọ Cụ túc. Sau khi độ cho Ma-nạp Ưu-đa-la, cho theo học đạo, cho thọ Cụ túc, Thế Tôn du hành tại nước Vi-đề-hi cùng đại chúng Tỳ-kheo, lần hồi đi lên Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên trong xứ ấy.

Các cư sĩ ở Di-tát-la nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm là con dòng họ Thích, từ bỏ thân tộc, xuất gia học đạo, đang du hành tại nước Vi-đề-hi cùng đại chúng Tỳ-kheo, lần hồi đi lên Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên trong xứ ấy. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; Sa-môn ấy ở đời này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn từ Người đến Trời, mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú; vị ấy thuyết pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh.’ Nếu ai chiêm ngưỡng đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mà kính trọng lễ bái, cúng dường, thừa sự thì sẽ được thiện lợi, vui thay! Chúng ta nên cùng nhau đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm và lễ bái, cúng dường.”

Rồi thì, Bà-la-môn cư sĩ ở Di-tát-la, mỗi hạng có quyến thuộc tháp tùng, từ Di-tát-la đi đến hướng bắc, đến rừng xoài Đại thiên, muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn, lễ bái, cúng dường. Khi đã đến chỗ Đức Phật, trong số Bà-la-môn cư sĩ ấy, có người cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên; có người chấp tay hướng về Đức Phật rồi ngồi sang một bên, có người từ xa nhìn dức Phật, rồi im lặng ngồi xuống. Khi các cư sĩ Bà-la-môn Di-tát-la đã ngồi xong, Đức Phật thuyết pháp cho họ, khuyến phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi Đức Phật dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Ngài ngồi im lặng.

Bà-la-môn Phạm-ma nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm con dòng họ Thích, từ bỏ tông tộc họ Thích, xuất gia học đạo, du hành tại nước Vi-đề-hi cùng chúng Đại Tỳ-kheo, lần hồi đi đến nước Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn lao, mười phương đều nghe. Sa-môn ấy là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trương Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở đời này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ Người đến Trời mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú. Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện Phạm hạnh. Nếu ai chiêm ngưỡng Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, kính trọng, lễ bái, cúng dường, thừa sự thì sẽ được thiện lợi, an vui. Vậy, ta nên đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm và lễ bái cúng dường.”

Bà-la-môn Phạm-ma bảo người đánh xe:

“Ngươi hãy sửa soạn xe. Ta muốn đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.”

Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xe xong, trở lại thưa:

“Xe đã sửa soạn xong, mong Tôn sư tự biết thời.”

Rồi Phạm-ma dùng cỗ xe rất xinh đẹp, từ Di-tát-la đi đến hướng Bắc, đến rừng xoài Đại thiên để chiêm ngưỡng Thế Tôn và lễ bái, cúng dường. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đồ chúng ngồi vây quanh trước sau. Bà-la-môn Phạm-ma từ xa trông thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đồ chúng ngồi vây quanh trước sau. Thấy vậy, Phạm-ma khiếp sợ, liền rẽ qua một bên lề đường dừng lại dưới gốc cây, bảo một Ma-nạp rằng:

“Ngươi hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta thăm hỏi thế này: ‘Thưa Cù-đàm, Thánh thể có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Ngươi hãy nói như thế này: ‘Thưa Cù-đàm Tôn sư Phạm-ma của con xin kính lời thăm hỏi Ngài Thánh thể có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lục như thường chăng? Tôn sư Phạm-ma của con muốn đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm.’”

Bấy giờ Ma-nạp vâng lời, đến chỗ Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên thưa:

“Thưa Cù-đàm, Tôn sư Phạm-ma của con có lời thăm hỏi rằng: ‘Thánh thể Cù-đàm có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, có khí lực như thường chăng?’ Thưa Cù-đàm, Tôn sư Phạm-ma của con muốn đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này Ma-nạp, mong cho Bà-la-môn Phạm-ma an ổn khoái lạc, mong cho Trời và Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và các chủng loại khác, được an ổn khoái lạc. Này Ma-nạp, Bà-la-môn Phạm-ma muốn đến thì tùy ý.”

Nghe Đức Phật nói như vậy, Ma-nạp khéo thọ trì, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Phật ba vòng rồi lui ra, trở về chỗ Bà-la-môn Phạm-ma và thưa:

“Thưa Tôn sư, con đã thưa như vậy với Sa-môn Cù-đàm. Sa-môn Cù-đàm hiện đang đợi Tôn sư. Mong Tôn sư biết thời.”

Bà-la-môn Phạm-ma bèn bước xuống, đi đến chỗ Phật. Chúng kia từ xa trông thấy Phạm-ma đi đến, bèn đứng dậy tránh đường. Vì sao? Vì là người có danh đức, và nổi tiếng.

Bà-la-môn Phạm-ma nói với chúng kia rằng:

“Chư Hiền, mời các vị ngồi lại chỗ cũ. Tôi muốn đi thẳng đến thăm Sa-môn Cù-đàm.”

Rồi Phạm-ma đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên.

Lúc bấy giờ, hai căn của Phạm-ma, nhãn căn và nhĩ căn, chưa bị hủy hoại. Sau khi ngồi xuống, Phạm-ma quán sát kỹ ba mươi hai tướng nơi thân Phật. Ông thấy ba mươi tướng. Hai tướng còn ngờ; đó là mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Bà-la-môn Phạm-ma nói bài kệ để hỏi Đức Thế Tôn:

Như trước tôi từng nghe,
Đại nhân ba hai tướng.
Nay xem thân Cù-đàm,
Trong đó, thiếu hai tướng,
Mã âm tàng có chăng,
Kín nhiệm, Bậc Tôn Quý?
Tại sao nay Tối Tôn,
Không hiện lưỡi vi diệu?
Nếu có lưỡi rộng dài,
Mong tôi nay được thấy.
Nay tôi thật nghi hoặc,
Mong Điều Ngự giải trừ.

Thế Tôn nghĩ rằng: “Bà-la-môn Phạm-ma này muốn tìm ba mươi hai tướng nơi thân Ta, nay chỉ thấy được ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Nay Ta nên trừ mối nghi hoặc ấy.” Đức Thế Tôn biết thế, nên như vậy mà thị hiện như ý túc. Sau khi Thế Tôn như vậy mà thị hiện như ý túc, Bà-la-môn Phạm-ma thấy được tướng mã âm tàng và lưỡi rộng dài trên thân Đức Thế Tôn. Trong đó, tướng lưỡi rộng và lưỡi khi từ trong miệng le ra trùm khắp cả mặt. Đức Thế Tôn thâu lại như ý túc, nói cho Phạm-ma nghe bài tụng:

Trước đây ông từng nghe,
Đại nhân ba hai tướng,
Tất cả trên thân Ta,
Tròn đầy, chánh tối thượng.
Điều Ngự đoạn trừ nghi,
Bà-la-môn phát diệu tín,
Thực khó được thấy nghe,
Bậc Chánh Giác tối thượng.
Quả rất hiếm ra đời,
Bậc Chánh Giác tối thượng,
Bà-la-môn, Ta Chánh Giác,
Chánh pháp Vô thượng vương.

Bà-la-môn Phạm-ma nghe vậy liền nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thật không sai lầm: ấy là nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa, khiến dân an lạc. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp mười phương đều nghe."

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ như thế này: “Bà-la-môn Phạm-ma này không bao giờ dua nịnh, lừa dối, nếu muốn hỏi điều gì là vì muốn biết, chớ không phải để quấy rầy. Bà-la-môn ấy cũng vậy, Ta nên thuyết A-tỳ-đàm thậm thâm cho vị ấy.” Đức Thế Tôn biết như vậy, liền nói cho Bà-la-môn Phạm-ma nghe bài tụng:

Vì pháp lạc đời nay,
Và ích lợi đời sau,
Bà-la-môn hãy hỏi,
Tùy những điều đã nghĩ.
Bà-la-môn hỏi các điều,
Ta đoạn nghi cho ông.
Thế Tôn đã cho phép,
Bà-la-môn Phạm-ma hỏi.
Thế Tôn về những điều,
Tùy theo ý đã nghĩ.
Thế nào là Bà-la-môn?
Tam đạt có nghĩa gì,
Vì sao gọi Vô trước,
Đẳng Chánh Giác là gì?

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói tiếp bài kệ để giải thích:

Diệt pháp ác, bất thiện,
Vững trú nơi phạm hạnh,
Tu hạnh Bà-la-môn,
Như vậy, Bà-la-môn.
Thấu suốt về quá khứ,
Thấy lạc và ác đạo,
Dứt trừ sạch vô minh,
Biết vậy là Mâu-ni.
Khéo biết tâm thanh tịnh,
Dứt sạch dâm, nộ, si.
Thành tựu được ba minh,
Như vậy là tam đạt.
Viễn ly pháp bất thiện,
Chánh trú đệ nhất nghĩa,
Thế gian tôn kính nhất,
Như vậy là Vô trước.
Làm lợi ích Trời, Người,
Thánh nhân, dứt đấu tranh.
Biết khắp, chứng diệt tận,
Như vậy là Chánh giác.

Nghe vậy, Phạm-ma liền đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật. Bấy giờ đại chúng cùng một lúc nói lớn rằng:

"Sa-môn Cù-đàm, kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn, cư sĩ ở Di-tát-la này, thì Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về sự thọ sanh. Bà-la-môn Phạm-ma được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không bị xấu, thế mà Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm, kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn, cư sĩ ở Di-tát-la này, Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất, về sự học kinh điển, Bà-la-môn Phạm-ma học rộng, thông suốt, đọc tụng hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí truyện thứ năm và cú thuyết; thế mà Sa-môn Bà-la-môn ấy đã hết lòng cung kính, lễ bái cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm kỳ, lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn cư sĩ ở Di-tát-la này Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về tài sản, Bà-la-môn Phạm-ma rất giàu, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ. Di-tát-la này cho đến nươc, cỏ cây đều là đặc tặng, ân tứ của A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, vua nước Ma-kiệt-đà; thế mà Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn trọng, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.

“Sa-môn Cù-đàm kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có Đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn, cư sĩ ở nước Di-tát-la này, Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về tuổi thọ. Bà-la-môn Phạm-ma là vị trưởng lão, sống đến một trăm hai mươi sáu tuổi. Thế mà Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với tha tâm trí, biết tâm đại chúng đang nghĩ gì. Biết vậy, Thế Tôn bảo Bà-la-môn Phạm-ma:

“Hãy thôi, này Bà-la-môn, chỉ cần với tâm thỏa mãn là được. Hãy ngồi trở lại, Ta sẽ thuyết pháp cho.”

Bà-la-môn Phạm-ma cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Bà-la-môn, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, đúng như pháp của chư Phật, trước hết, Đức Thế Tôn thuyết pháp thuận tự, khiến người nghe hoan hỷ. Đó là thuyết về pháp thí, về giới và về sanh thiên, chỉ trích dục là tai họa, sanh tử là ô uế; tán thán vô dục là diệu đạo phẩm, là bạch tịnh. Sau khi thuyết như vậy, Thế Tôn biết Bà-la-môn ấy có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm tăng thượng, tâm nhất hướng, tâm không nghi, tâm không bị che lấp, có đủ khả năng thọ nhận Chánh pháp của Phật, Đức Thế Tôn theo như những pháp yếu mà chư Phật đã thuyết, Ngài thuyết cho Bà-la-môn nghe đầy đủ về Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Bà-la-môn Phạm-ma ngay nơi chỗ ngồi thấy bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng nhuộm dễ ăn màu; cũng vậy, Phạm-ma ngay trong chỗ ngồi thấy rõ bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bấy giờ, Phạm-ma đã thấy pháp đắc pháp, chứng pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn tôn kính một ai khác nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả vị chứng đắc. Đối với pháp của Thế Tôn, Bà-la-môn chứng đắc vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, con nay đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời; con đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”

Và rồi Bà-la-môn Phạm-ma lại chấp tay hướng về Thế Tôn và bạch tiếp:

“Bạch Thế Tôn, mong ngày mai Đức Thế Tôn và Chúng Tỳ-kheo đoái tưởng nhận lời mời của con!”

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời của Phạm-ma.

Bà-la-môn Phạm-ma biết Đức Thế Tôn đã im lặng nhận lời mời, nên cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh ba vòng và lui ra, trở về nhà.

Ngay đêm ấy, Bà-la-môn Phạm-ma cho sửa soạn các món ăn mỹ diệu ngon lành, đủ các thức nhai và nuốt. Sửa soạn xong, sáng lại cho trải giường, và đúng lúc thì xướng lên rằng: “Bạch Thế Tôn, bữa cơm được soạn xong, kính mong Đức Thánh biết thời.”

Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn mang y cầm bát đi trước, chúng Tỳ-kheo theo sau, đi đến nhà của Bà-la-môn Phạm-ma, đến nơi, Đức Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Bà-la-môn Phạm-ma thấy Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo đã ngồi xong, liền thân hành múc nước rửa, đem thức ăn ngon lành, cùng các thứ cứng và mềm, tự tay sớt vào, khiến các vị ăn no. Sau khi ăn rồi, thu dọn và lấy nước rửa xong, Bà-la-môn ngồi vào một ghế nhỏ để thọ nhận sự chú nguyện. Bà-la-môn Phạm-ma ngồi xong, Đức Thế Tôn chú nguyện rằng:

Chú hỏa, tế bậc nhất,
Thông âm, gốc các âm,
Vua, tôn quý trong người,
Biển, lớn hơn sông ngòi,
Trăng, sáng hơn các sao,
Nhưng sáng nhất: mặt trời.
Cùng tận khắp mười phương,
Trong tất cả thế gian,
Chư Thiên và Nhân loại,
Duy Phật đệ nhất tôn.

Sau khi chú nguyện cho Bà-la-môn Phạm-ma, Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến nước Di-tát-la, ở lại vài ngày, rồi mang y, cầm bát du hành nước Xá-vệ. Lần hồi đi đến nước Xá-vệ, Ngài trú tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Thắng Lâm. Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo vào Xá-vệ khất thực nghe Bà-la-môn Phạm-ma nước Di-tát-la, sau khi dùng bài kệ hỏi Đức Phật mọi việc thì liền lâm chung. Nghe vậy, sau bữa ăn trưa, các Tỳ-kheo thu dọn y bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng sang một bên, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con vào lúc sáng sớm mang y, cầm bát vào Xá-vệ khất thực, nghe rằng Bà-la-môn Phạm-ma ở nước Di-tát-la, sau khi dùng bài kệ vấn sự Đức Phật, thì liền lâm chung. Bạch Thế Tôn, như vậy Bà-la-môn ấy sẽ đến nơi nào? Sanh nơi nào? Đời sau ra sao?”

Đức Thế Tôn đáp:

“Nay các Tỳ-kheo, Bà-la-môn Phạm-ma có đại lợi ích, vào lúc tối hậu, đã biết pháp, vì pháp cho nên không làm phiền nhọc Ta. Này Tỳ-kheo, Bà-la-môn Phạm-ma đã dứt sạch năm hạ phần kết, sanh đến nơi ấy sẽ đắc Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không trở lại cõi này nữa. Bấy giờ Ta đã ghi nhận rằng Bà-la-môn Phạm-ma đắc A-na-hàm.”

Đức Phật thuyết như vậy, Bà-la-môn Phạm-ma và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.