KINH TRUNG A-HÀM

163. KINH PHÂN BIỆT LỤC XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi, phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh. Đó là phân biệt sáu xứ. Các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ!”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, chúng con xin vâng lời.”

Đức Phật, bảo rằng:

“Này các Tỳ-kheo, sáu xứ, nên biết, là bên trong vậy; sáu xúc xứ nên biết là bên trong; mười tám ý hành nên biết là bên trong; ba mươi sáu đao kiếm nên biết là bên trong. Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này, vô lượng thuyết pháp, nên biết, là bên trong. Có ba niệm trụ, là những điều mà bậc Thánh tu tập; sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng, đó là bậc Vô thượng Điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương.’ Như vậy là phân biệt lục xứ.

“Nói rằng, ‘sáu xứ nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế? Đó là:xứ là mắt; xứ là tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nói rằng ‘sáu xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Sáu xúc xứ nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là xúc con mắt thì thấy sắc, xúc lỗ tai thì nghe tiếng, xúc của mũi thì ngửi mùi, xúc của lưỡi thì nếm vị, xúc của thân thì cảm giác, xúc bởi ý thì biết pháp. Nói rằng ‘sáu xúc xứ nên biết bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Mười tám ý hành nên biết là bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là Tỳ-kheo mắt đã thấy sắc rồi phân biệt sắc mà an trụ nơi hỷ, phân biệt các sắc mà an trụ nơi ưu, phân biệt các sắc mà an trụ nơi xả. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý đã biết pháp rồi, phân biệt pháp mà an trụ nơi hỷ, phân biệt pháp mà an trụ nơi ưu, phân biệt pháp mà an trụ nơi xả. Đó gọi là phân biệt sáu hỷ, phân biệt sáu ưu, phân biệt sáu xả. Tổng thuyết là mười tám ý hành. Nói rằng ‘mười tám ý hành nên biết là bên trong’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Ba mươi sáu loại đao kiếm nên biết bên trong’, do nhơn gì mà nói như vậy? Có sáu hỷ y trên đắm trước, có sáu hỷ y trên vô dục; có sáu ưu y trên đắm trước, có sáu ưu y trên vô dục; có sáu xả y trên đắm trước, có sáu xả y trên vô dục.

“Thế nào là sáu hỷ y trên đắm trước? Thế nào là sáu hỷ y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh hỷ, nên biết, có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là hỷ y đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.

“Thế nào là hỷ y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh hỷ, nên biết có hai loại, hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào hỷ y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, ý niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục; cái chưa được thì muốn được, đã được thì truy ức, rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên đắm trước.

“Thế nào gọi là hỷ y trên vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi phát sanh hỷ. Hỷ như vậy gọi là hỷ y trên vô dục.

“Thế nào là sáu ưu y trên đắm trước? Thế nào là sáu ưu y trên vô dục? Mắt thấy sắc rồi phát sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Sắc được biết bởi mắt, khả hỷ, ý niệm, sắc ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên đắm trước.

“Thế nào là ưu y trên vô dục? Biết sắc là pháp vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là pháp vô thường, khổ, pháp hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú nơi xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập giải thoát tối thượng ấy mà lo sợ, sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi sanh ưu, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là ưu y trên đắm trước? Pháp được biết bởi ý, khả hỷ, niệm, pháp ái, lạc tương ưng với dục, cái chưa được mà không được, cái đã được nhưng trong quá khứ bị phân tán, hoại diệt, biến dịch nên sanh ưu. Ưu ấy gọi là ưu y trên đắm trước.

“Thế nào là ưu do vô dục? Biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả pháp trước kia và bây giờ đều vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi nghĩ rằng ‘Ta lúc nào thì thành tựu, an trú vào xứ mà các bậc Thánh đã thành tựu, an trú?’ Do ước nguyện chứng nhập tối thượng giải thoát ấy mà lo sợ, sầu khổ nên phát sanh ưu. Ưu như vậy gọi là ưu y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đắm trước? Thế nào là xả y trên vô dục? Mắt thấy sắc phát sanh xả, nên biết có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đắm trước? Mắt thấy sắc rồi phát sanh xả. Phàm phu ngu si hoàn toàn không đa văn, không trí tuệ, đối với sắc có xả nhưng không xuất ly sắc. Đó là xả y trên đắm trước.

“Thế nào là xả y trên vô dục? Biết sắc vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết tất cả sắc trước kia và bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Vị nào dốc lòng tu tập xả như thế, đó là xả y trên vô dục.

“Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; ý nhận thức pháp rồi phát sanh xả, nên biết rằng có hai loại: hoặc y trên đắm trước, hoặc y trên vô dục.

“Thế nào là xả y trên đắm trước? Ý nhận thức, phát sanh xả. Phàm phu ngu si, hoàn toàn không đa văn, không trí tuệ, đối với pháp có xả nhưng không xuất ly pháp. Đó là xả y trên đắm.

“Thế nào là xả y trên vô dục? Ý biết pháp là vô thường, biến dịch, diệt tận, vô dục, tịch diệt, tịch tĩnh; biết pháp trước kia hay bây giờ đều là vô thường, khổ, hoại diệt. Truy ức như vậy rồi an trụ nơi xả. Ai dốc lòng tu tập xả ấy, thì đó là xả y trên vô dục.

“Đó là sáu hỷ y trên đắm trước, sáu hỷ y trên vô dục; sáu ưu y trên đắm trước, sáu ưu y trên vô dục; sáu xả y trên đắm trước, sáu xả y trên vô dục. Tổng thuyết là ba mươi sáu thứ đao kiếm, nên biết, bên trong. Do nhơn đó mà nói như thế.

“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’, do nhơn gì mà nói như vậy? Đó là, đối với sáu hỷ y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu hỷ y trên đắm trước kia, thì hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Đối với sáu ưu y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu ưu y trên đám trước kia, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Đối với sáu xả y trên vô dục này, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này; còn đối với sáu xả y trên đắùm trước kia, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Có loại xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc; có loại xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc.

“Thế nào là xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc? Nếu xả đối với sắc, đối với thanh, đối với hương, đối với vị, đối với xúc, thì xả ấy có vô lượng xúc, sai biệt xúc.

“Thế nào là xả chỉ có một xúc, không sai biệt xúc? Xả hoặc y vào không vô biên xứ, hoặc y vào thức vô biên xứ, hoặc y vào vô sở hữu xứ, hoặc y vào phi tưởng phi phi tưởng xứ, xả ấy chỉ có một xúc, không sai biệt xúc.

“Đối với xả có một xúc, không sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia. Thủ vô lượng, y vô lượng, trú vô lượng, tức là đối với xả có một xúc, không sai biệt xúc, hãy thủ lấy cái này, y trên cái này, an trú nơi cái này. Đối với xả có vô lượng xúc, sai biệt xúc, hãy hủy diệt cái kia, đoạn trừ cái kia, nhổ cái kia ra. Như vậy là đoạn trừ cái kia.

“Nói rằng ‘Trong đó đoạn trừ cái kia, thành tựu cái này’ là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp, nên biết, là bên trong’, do nhơn gì mà nói như thế?

“Như Lai có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng tâm, tăng thượng tầm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, cho đến lúc bốn đệ tử lâm chung.

“Cũng như bốn người bắn giỏi, cùng kéo mạnh dây cung mà bắn một lượt, khéo học kỹ, khéo biết rõ. Cũng vậy, Thế Tôn có bốn đệ tử, có tăng thượng hành, tăng thượng tâm, tăng thượng niệm, tăng thượng tuệ, có biện tài, thành tựu biện tài bậc nhất, thọ đến một trăm tuổi. Như Lai thuyết pháp cho đệ tử ấy suốt cả một trăm năm, ngoại trừ lúc ăn lúc uống, lúc đại tiểu tiện, lúc ngủ nghỉ và lúc tụ hội; những pháp mà Như Lai thuyết kia, có văn cú, pháp cú, quán nghĩa, bằng tuệ mà quán nghĩa một cách nhanh chóng, không có hỏi lại Như Lai về pháp nữa. Vì sao? Vì pháp được Như Lai giảng thuyết không có giới hạn, không thể cùng tận.

“Nói rằng ‘Vô lượng thuyết pháp nên biết bên trong’, là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Có ba niệm trụ, là những điều mà bậc Thánh tu tập; sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, do nhơn gì mà nói như thế?

“Như Lai thuyết pháp cho đệ tử là vì mến yêu, mưu cầu nhiều thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là lợi ích, đây là khoái lạc, đây là lợi ích khoái lạc.’ Nếu các đệ tử kia mà không cung kính, không thuận hành, không xác lập nơi trí, tâm không thực hành pháp tùy pháp, không thọ chánh pháp, làm trái lời Thế Tôn, không thể đắc định; nhưng Thế Tôn không vì thế mà buồn rầu. Thế Tôn chỉ xả mà không làm gì, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là niệm trụ thứ nhất mà bậc Thánh tu tập; sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, nói rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc.’ Nếu đệ tử kia cung kính thực hành theo chánh trí, tâm thực hành pháp và tùy pháp, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, thì Thế Tôn cũng không vì thế mà hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là niệm trụ thứ hai mà bậc Thánh tu tập; sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Lại nữa, Như Lai thuyết pháp cho đệ tử vì thương tưởng mến yêu, vì mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn và khoái lạc, phát khởi tâm từ bi, bảo rằng ‘Đây là hữu ích, đây là khoái lạc, đây là hữu ích khoái lạc.’ Nhưng có đệ tử không cung kính, cũng không thực hành, không vững chánh trí, tâm không hướng đến pháp tùy pháp hành, không thọ trì chánh pháp, trái lời Thế Tôn, không thể đắc pháp. Trái lại, có đệ tử cung kính, thực hành, vững chánh trí, tâm quy hướng đến pháp tùy pháp hành, thọ trì chánh pháp, không trái lời Thế Tôn, đắc định, Thế Tôn cũng không vì thế mà buồn rầu hay hoan hỷ. Thế Tôn chỉ xả, mà không làm gì cả, thường chánh niệm, chánh trí. Đó là niệm trụ thứ ba mà bậc Thánh tu tập; sau khi đã tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng.

“Nói rằng ‘Có ba niệm trụ, là những điều mà bậc Thánh tu tập; sau khi tu tập mới có thể giáo hóa đồ chúng’, là nhơn đó mà nói.

“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’, do nhơn gì mà nói như vậy?

“Điều ngự con người, đó là nói, điều ngự con người chỉ thú hướng một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, hoặc phương Tây, hoặc phương Bắc. Chẳng hạn như điều ngự voi, là vị điều ngự chỉ dẫn con voi đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự ngựa là vị điều ngự chỉ dẫn con ngựa đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Điều ngự bò là vị điều ngự chỉ dẫn con bò đến một phương, hoặc phương Đông, hoặc phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Trái lại, Vô thượng Điều ngự con người thú hướng đến tất cả phương. Trong đó, phương là có sắc thì quán sắc, đó là phương thứ nhất. Bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc, đó là phương thứ hai. Tịnh giải thoát, thân chứng thành tựu, an trú, đó là phương thứ ba. Vượt qua mọi sắc tưởng, diệt hữu đối tưởng, không nghĩ đến các loại tưởng sai biệt, nhập không vô biên, thành tựu và an trú không vô biên xứ, đó là phương thứ tư. Vượt qua tất cả không vô biên xứ, nhập thức vô biên, thành tựu an trú thức vô biên xứ, đó là phương thứ năm. Vượt qua tất cả thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trú vô sở hữu xứ, đó là phương thứ sáu. Vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, thành tựu an trú, đó là phương thứ bảy. Vượt qua tất cả phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng và thọ đã diệt tận, thân chứng thành tựu, an trú, do tuệ mà quán lậu tận, vĩnh viễn đoạn trừ, đó là phương thứ tám.

“Nói rằng ‘Bậc Vô Thượng điều ngự con người, là điều ngự người thú hướng tất cả phương’ là nhơn đó mà nói.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.