KINH TRUNG A-HÀM

22. KINH THÀNH TỰU GIỚI

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Lúc đó Tôn giả Ô-đà-di cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Ô-đà-di nói rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời ý sanh khác, mà ra vào định tưởng tri diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Lúc đó Tôn giả Xá-lợi-phất liền suy nghĩ như thế này: “Thầy Tỳ-kheo này cho đến ba lần bác lời ta nói, và cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói. Vậy ta hãy đi đến Đức Thế Tôn”.

Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất ra đi chẳng bao lâu, Tôn giả Ô-đà-di cũng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên.

Nơi đây, Tôn giả Xá-lợi-phất lại nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di lại thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất ba lần lặp lại, nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời Ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tướng tri diệt; tất có trường hợp này”.

Tôn giả Ô-đà-di cũng ba lần lặp lại, thưa rằng:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu Tỳ-kheo sanh lên các cõi trời Ý sanh khác, mà ra vào định tưởng thọ diệt; hoàn toàn không có trường hợp ấy”.

Tôn giả Xá-lợi-phất suy nghĩ thế này: “Thầy Tỳ-kheo này ở trưóc Đức Thế Tôn, lặp lại ba lần bác lời ta nói, cũng không có vị Tỳ-kheo nào tán thán lời ta nói; vậy ta nên im lặng”.

Lúc ấy Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Ô-đà-di, ngươi cho Ý sanh thiên là sắc chăng?”

Tôn giả Ô-đà-di bạch Đức Thế Tôn rằng:

“Quả thật như vậy, bạch Thế Tôn”.

Đức Thế Tôn liền khiển trách:

“Ngươi là người ngu si mờ tối, không có mắt, bằng vào những gì mà có thể luận bàn về A-tỳ-đàm thâm sâu?”

Bấy giờ Tôn giả Ô-đà-di sau khi bị Thế Tôn quở mắng lòng dạ u sầu, cúi đầu im lặng, không còn lời lẽ để biện luận, như có điều suy nghĩ.

Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di rồi, nói Tôn giả A-nan rằng:

“Khi một Tỳ-kheo trưởng lão là bậc Danh đức Thượng tôn mà bị người khác cật vấn, tại sao ngươi bỏ mặc, không chiếu cố? Ngươi, là người ngu si, không có lòng từ, quay lưng lại với bậc Trưởng lão Thượng tôn Danh đức”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi quở mắng Tôn giả Ô-đà-di và Tôn giả A-nan, bèn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ thì ngay trong đời hiện tại mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này. Nếu ngay trong đời hiện tại mà không chứng được cứu cánh trí, khi thân hoại mạng chung, vượt qua khỏi trời Đoàn thực, sanh lên các cõi trời ý sanh, tại các cõi ấy mà ra vào định tưởng thọ diệt; tất có trường hợp này”.

Đức Thế Tôn nói như vậy xong liền vào tịnh thất im lặng tĩnh tọa. Bấy giờ Tôn giả Bạch Tịnh đang hiện diện trong đại chúng. Tôn giả A-nan thưa với Tôn giả Bạch Tịnh rằng:

“Đó là việc làm của vị khác mà tôi bị quở mắng. Thưa Tôn giả Bạch Tịnh, vào xế chiều Thế Tôn rời khỏi tịnh thất mà đến trước chúng Tỳ-kheo, trải tòa ngồi, để cùng thảo luận vấn đề này. Tôn giả Bạch Tịnh, ngài nên trả lời việc này. Tôi rất thẹn với Đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh”.

Bấy giờ vào lúc xế chiều, Đức Thế Tôn từ thiền thất đi ra, đến trước chúng Tỳ-kheo, trải chỗ mà ngồi, rồi Ngài bảo rằng:

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Trưởng lão có mấy pháp để được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng?”

Tôn giả Bạch Tịnh thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão nếu có năm pháp sẽ được các đồng phạm hạnh khác tôn trọng, kính mến.

“Những gì là năm?

“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới. Bạch Thế Tôn, vị Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có cấm giới ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ, vị ấy học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đa văn ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có bốn tăng thượng tâm, sống an lạc trong đời hiện tại, dễ được chớ không khó. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có thiền tư ấy sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp, chứng đắc như thật trí, được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, chân chánh dứt hết khổ. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn có trí tuệ sẽ được các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng.

“Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Trưởng lão đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn đã lậu tận ấy sẽ đưọc các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng”.

Đức Thế Tôn hỏi rằng:

“Này Bạch Tịnh, nếu vị Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn không có năm pháp này, thì do nghĩa nào để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng?”

Tôn giả Bạch Tịnh thưa:

“Bạch Thế Tôn, nếu vị Tỳ-kheo trưởng lão thượng tôn không có pháp này, thì thật không còn điều nào khác hơn để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Quả thật như vậy, quả thật như vậy, nếu Tỳ-kheo Trưởng lão Thượng tôn mà không có năm pháp này, thì thật không còn điều kiện nào khác hơn để cho các đồng phạm hạnh kính mến tôn trọng. Chỉ còn lấy sự già nua, tóc bạc, răng rụng, sức khỏe ngày càng suy tàn, thân còm chân vẹo, cơ thể nặng nề, hơi thở đưa lên, chống gậy mà đi, thịt teo, da nhăn, xù xì như cây gai, các căn rời rụng, nhan sắc xấu xí. Vị ấy nhân những điều này được các đồng phạm hạnh kính mến, tôn trọng.

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có đủ năm pháp này, các ngươi phải kính mến tôn trọng. Vì sao thế?

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tu tập các giới cấm, thủ hộ biệt giải thoát luật nghi, lại còn khéo thâu nhiếp các oai nghi lễ tiết, thấy những tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh tâm lo sợ, thọ trì học giới.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy kiến thức rộng rãi; những pháp nào mà khoảng đầu hoàn hảo, khoảng giữa hoàn hảo, khoảng cuối cùng hoàn hảo, có nghĩa lý, có văn từ, hiển hiện phạm hạnh, thanh tịnh trọn đủ; học rộng nghe nhiều các pháp như vậy, học tập nhuần nhuyễn cả ngàn lần, tâm ý tư duy quán sát, thấy rõ ràng và hiểu thấu sâu xa.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất có bốn tăng thượng tâm, sống an lạc trong đời hiện tại, dễ được chớ không khó.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng khởi và suy tàn của các pháp, chứng đắc như thật trí, được sự sáng suốt của Thánh tuệ, phân biệt rõ ràng, chân chánh dứt hết khổ.

“Lại nữa, này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã dứt sạch các lậu, không còn kết sử, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ, ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.

“Này Bạch Tịnh, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu năm pháp này, các ngươi nên kính mến tôn trọng”.

Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Bạch Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.