KINH TRUNG A-HÀM
42. KINH HÀ NGHĨA
Kệ tóm tắt:
Hà nghĩa, Bất tư, Niệm, hai Tàm,
Hai Giới, hai Kỉnh và Bản tế
Hai Thực, Tận trí, thuyết Niết-bàn,
Di-hê, Tức vị Tỳ kheo thuyết
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ vào lúc xế chiều, Tôn giả A-nan rời chỗ độc cư tĩnh tọa đứng dậy, đến trước Đức Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, giữ giới có mục đích gì?”.
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-nan, giữ giới có mục đích khiến cho không hối hận. Này A-nan, nếu ai giữ giới, người ấy được sự không hối hận”.
“Bạch Thế Tôn, không hối hận thì có mục đích gì?”
“Này A-nan, không hối hận thì có mục đích khiến cho được hân hoan. A-nan, nếu ai không hối hận, người ấy được sự hân hoan”.
“Bạch Thế Tôn, hân hoan có mục đích gì?”
“Này A-nan, hân hoan có mục đích khiến cho có hỷ. Này A-nan, nếu ai hân hoan, người ấy có hỷ”.
“Bạch Thế Tôn, hỷ có mục đích gì?”
“Này A-nan, hỷ có mục đích khiến cho an chỉ. Này A-nan, nếu ai có hỷ, người ấy có an chỉ của thân”.
“Bạch Thế Tôn, an chỉ có mục đích gì?”
“Này A-nan, an chỉ có mục đích khiến cho lạc. A-nan, nếu ai co an chỉ người ấy có cảm thọ lạc.”
“Bạch Thế Tôn, lạc có mục đích gì?”
“Này A-nan, lạc có mục đích khiến cho có định. A-nan, nếu ai có lạc người ấy có định.””
“Bạch Thế Tôn, định có mục đích gì?”
“Này A-nan, định có mục đích là khiến cho thấy như thật, biết như chơn. A-nan, nếu ai có định người ấy thấy như thật, biết như chơn.”
“Bạch Thế Tôn, thấy như thật, biết như chơn có mục đích gì?”
“Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn có mục đích là khiến cho yếm ly. Này A-nan, thấy như thật, biết như chơn người ấy có sự yếm ly.
“Bạch Thế Tôn, yếm ly có mục đích gì?”
“Này A-nan, yếm ly có ý mục đích khiến cho vô dục. A-nan, nếu ai yếm ly người ấy được vô dục.
“Bạch Thế Tôn, vô dục có mục đích gì?”
“Này A-nan, vô dục có mục đích khiến cho giải thoát. Này A-nan, nếu ai vô dục thì người ấy được giải thoát hết thảy dâm, nộ, si.
“Cho nên, này A-nan, nhân trì giới mà được không hối hận, nhân không hối hận mà được hân hoan, nhân hân hoan mà được hỷ, nhân hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được định.
“Này A-nan, Đa văn Thánh đệ tử nhân định mà có tri kiến như thật, nhân có tri kiến như thật mà có yếm ly, nhân có yếm ly mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này A-nan, đó chính là các pháp hỗ trợ lẫn nhau, làm nhân cho nhau. Như vậy, giới này đưa đến chỗ cao tột, tức là đưa từ bờ này đến tận bờ kia.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.