KINH TRUNG A-HÀM

51. KINH BỔN TẾ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm Lâm Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Không thể biết biên tế tối sơ của hữu ái, rằng trước vốn không có hữu ái, mà nay sanh ra hữu ái. Nhưng có thể biết được sở nhân của hữu ái.

“Hữu ái có tập khởi chứ không phải không tập khởi. Tập khởi của hữu ái là gì? Vô minh là tập.

“Vô minh cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô minh là gì? Năm triền cái là tập.

“Năm triền cái cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của năm triền cái là gì? Ba ác hành là tập.

“Ba ác hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba ác hành là gì? Không thủ hộ các căn là tập.

“Không thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không thủ hộ các căn là gì? Không chánh niệm chánh trí là tập.

“Không chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không chánh niệm chánh trí là gì? Không tư duy chính xức là tập.

“Không tư duy chính xác cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không tư duy chính xác là gì? Không có tín là tập.

“Không có tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không có tín là gì? Nghe pháp ác là tập.

“Nghe pháp ác cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe điều ác là gì? Thân cận ác tri thức là tập.

“Thân cận ác tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thân cận ác tri thức là gì? Người ác là tập.

“Như thế, có đủ người ác liền có đủ sự thân cận ác tri thức. Có đủ sự thân cận ác tri thức rồi liền có đủ sự nghe pháp ác. Có đủ sự nghe pháp ác rồi, liền có đủ sự sanh lòng bất tín. Có đủ sự sanh lòng bất tín rồi, liền không chánh tư duy. Có đủ sự không chánh tư duy rồi, liền có đủ sự không chánh niệm chánh trí. Có đủ sự không chánh niệm chánh trí rồi, liền có đủ sự không thủ hộ các căn. Có đủ sự không thủ hộ các căn rồi, liền có đủ ba ác hành. Đủ ba ác hành rồi, liền có đủ năm triền cái. Đủ năm triền cái rồi, liền có đủ vô minh. Có đủ vô minh rồi, liền đầy đủ hữu ái.

“Như vậy, hữu ái này lần lượt được phát triển tựu thành.

“Minh giải thoát cũng có tập, chứ không phải không tập. Tập của minh giải thoát là gì? Bảy giác chi là tập. Bảy giác chi cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của bảy giác chi là gì? Bốn niệm xứ là tập. Bốn niệm xứ có tập chứ không phải không tập. Tập của bốn niệm xứ là gì? Ba diệu hành là tập. Ba diệu hành cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của ba diệu hành là gì? Thủ hộ các căn là tập. Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập. Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập. Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập. Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Nghe pháp thiện là tập. Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Thân cận thiện tri thức là tập. Thân cận thiện tri thức cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của sự thân cận thiện tri thức là gì? Người thiện là tập.

“Đó là, có đủ người thiện liền có đủ sự thân cận thiện tri thức. Đủ sự thân cận thiện tri thức liền có đủ sự nghe điều thiện. Có đủ sự nghe điều thiện liền có đủ tín. Có đủ tín liền có đủ chánh tư duy. Có đủ chánh tư duy liền có đủ chánh niệm chánh trí. Có đủ chánh niệm chánh trí mới có đủ sự thủ hộ các căn. Có đủ sự thủ hộ các căn liền có đủ ba diệu hành. Có đủ ba diệu hành liền có đủ bốn niệm xứ. Có đủ bốn niệm xứ liền có đủ bảy giác chi. Có đủ bảy giác chi liền đầy đủ minh giải thoát. Như vậy, minh giải thoát này lần lượt được thành tựu toàn vẹn”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.