KINH TRUNG A-HÀM
92. KINH THANH BẠCH LIÊN HOA DỤ
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cáp Cô Độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thầy Tỳ-kheo:
“Hoặc có pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng mà diệt trừ. Hoặc có pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân mà diệt trừ. Hoặc có pháp không do nơi thân và miệng diệt trừ nhưng do tuệ kiến để diệt trừ.
“Thế nào là pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng diệt trừ? Tỳ-kheo có thân hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, dễ dính trước nơi thân, các Tỳ-kheo thấy vậy khiển trách Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Hiền giả, thân hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, sao lại dính trước nơi thân? Hiền giả, nên bỏ thân hành bất thiện, tu tập thân hành thiện’. Thời gian sau, vị Tỳ-kheo ấy bỏ thân hành bất thiện, tu tập thân hành thiện. Đó gọi là pháp do nơi thân mà diệt trừ, không do nơi miệng mà diệt trừ.
“Thế nào là pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân diệt trừ? Tỳ-kheo khẩu hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ và dính trước nơi miệng. Các Tỳ-kheo thấy vậy quở trách Tỳ-kheo ấy rằng: ‘Hiền giả, khẩu hành bất thiện sung mãn, thọ trì đầy đủ, sao lại dính trước nơi miệng? Hiền giả, nên bỏ khẩu hành bất thiện, tu tập khẩu hành thiện’. Thời gian sau, vị Tỳ-kheo ấy bỏ khẩu hành bất thiện, tu tập khẩu hành thiện. Đó gọi là pháp do nơi miệng mà diệt trừ, không do nơi thân diệt trừ.
“Thế nào là pháp không do nơi thân, miệng mà diệt trừ, nhưng chỉ do tuệ kiến để diệt trừ? Tham lam không do thân, miệng diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ. Cũng như thế, tranh tụng, nhuế, hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua siểm, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến không do nơi thân, miệng diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ. Đó gọi là pháp không do nơi thân, miệng mà diệt trừ, chỉ do tuệ kiến mà diệt trừ.
“Như Lai có khi quán sát; quán sát tâm của người khác, biết người này không tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ như vậy. Nếu như người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì diệt trừ được tham lam. Vì sao? Vì người này sanh tâm ác tham mà trụ. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế, hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến; nếu người ấy tu tập thì diệt trừ được ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì người này sanh tâm ác dục, ác kiến mà trụ.
“Như Lai cũng biết người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ như vậy. Nếu như người này tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ thì diệt trừ được tham lam. Lý do vì sao? Vì nơi người này tâm không sanh nơi ác tham mà trụ. Cũng như vậy, tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn sẻn, tật đố, lừa gạt, dua nịnh, vô tàm, vô quý, diệt được ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì nơi người này tâm không sanh ác dục, ác kiến mà trụ.
“Giống như hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh từ trong nước, lớn lên trong nước, vượt lên khỏi mặt nước, không bị dính nước. Cũng như thế, Như Lai sanh từ trong thế gian, lớn lên trong thế gian, tu hành vượt trên thế gian, không đắm trước pháp thế gian. Vì sao? Vì Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, vượt khỏi tất cả thế gian”.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng cầm quạt hầu Phật, chắp tay hướng về Phật bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, kinh này tên là gì, và thọ trì như thế nào?”
Lúc ấy Đức Thế Tôn bảo rằng:
“A-nan, kinh này tên là ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’. Ngươi hãy như vậy thọ trì đọc tụng”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy cùng nhau thọ trì đọc tụng, gìn giữ kinh Thanh Bạch Liên Hoa Dụ này. Lý do vì sao?—Vì kinh ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’ này là như pháp, có nghĩa, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí thông, đưa đến giác ngộ và cũng đưa đến Niết-bàn. Nếu thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo thì nên hãy khéo thọ trì, đáng tụng đọc kinh ‘Thanh Bạch Liên Hoa Dụ’ này”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.