KINH TRUNG A-HÀM

93. KINH THỦY TỊNH PHẠM CHÍ

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật đến Uất-tì-la, bên bờ sông Ni-liên-nhiên, ngồi dưới gốc cây A-đa-hòa-la Ni-câu-loại vào lúc mới thành đạo.

Bấy giờ sau giờ ngọ, có Thủy Tịnh Bà-la-môn ung dung đi đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn thấy Thủy Tịnh Bà-la-môn từ xa đi lại; nhân vì có Thủy Tịnh Bà-la-môn, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế làm bẩn tâm, chắc chắn dẫn đến ác xứ, sanh vào địa ngục.

“Những gì là hai mươi mốt thứ cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật.

“Nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế này làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục.

“Ví như cái áo bị cáu bẩn đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, hoặc dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch cái áo dơ bẩn đó. Dù người thợ giặt dùng tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho sạch, nhưng cái áo dơ bẩn ấy vẫn có màu dơ bẩn. Cũng như vậy, nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Những gì là hai mươi mốt thứ cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật.

“Nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế này mà không làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế này mà không làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.

“Ví như cái áo trắng sạch của loại vải dệt ở xứ Ba-la-nại, đem cho nhà thợ nhuộm. Người thợ nhuộm nhận áo đó, dùng hoặc tro sạch, hoặc dùng bột giặt hay dùng nước chắt chà xát thật kỹ cho thêm sạch cái áo trắng sạch bằng loại vải Ba-la-nại này. Người thợ giặt Ba-la-nại chà xát thật kỹ cho thêm sạch, nhưng cái áo trắng sạch loại vải Ba-la-nại ấy vốn đã sạch lại càng trắng sạch thêm. Cũng vậy, nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế mà không làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Những gì là hai mươi mốt thứ cấu uế? Đó là, tâm uế do tà kiến, tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn, tâm uế do phóng dật. Nếu có hai mươi mốt thứ cấu uế này mà không làm bẩn tâm thì chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.

“Nếu ai biết được tà kiến là cấu uế của tâm, sau khi biết liền đoạn trừ. Cũng như vậy, nếu ai biết được tâm uế do phi pháp dục, tâm uế do ác tham, tâm uế do tà pháp, tâm uế do tham, tâm uế do nhuế, tâm uế do thụy miên, tâm uế do trạo cử hối quá, tâm uế do nghi hoặc, tâm uế do sân triền, tâm uế do phú tàng, tâm uế do xan tham, tâm uế do tật đố, tâm uế do khi trá, tâm uế do dua siểm, tâm uế do vô tàm, tâm uế do vô quý, tâm uế do mạn, tâm uế do đại mạn, tâm uế do ngạo mạn; nếu biết phóng dật là tâm uế, sau khi biết liền đoạn trừ.

“Tâm của vị ấy cùng đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Như vậy, cho đến hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới, trùm khắp tất cả cùng đi đôi với lòng từ, không kết, không oán, không giận, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.

“Này Bà-la-môn, đó là phương pháp gột rửa nội tâm chứ không phải gột rửa ngoại thân”.

Bấy giờ, Bà-la-môn nói với Thế Tôn:

“Này Cù-đàm, nên đi đến sông Đa thủy mà tắm rửa.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Bà-la-môn, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì sẽ được những gì?”

Bà-la-môn trả lời:

“Này Cù-đàm, sông Đa thủy ấy là dấu hiệu trai khiết của thế gian, là dấu hiệu độ thoát, là dấu hiệu phước đức. Cù-đàm, nếu đến tắm nơi sông Đa thủy thì được trừ sạch tất cả ác”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng cho Bà-la-môn nghe:

Diệu Hảo Thủ Bà-la-môn!
Nếu vào sông Đa Thủy,
Kê ngu thường du hý,
Không thể sạch nghiệp dữ.
Hảo Thủ, đến sông chi
Sông ấy có nghĩa gì?
Người tạo nghiệp bất thiện
Nước trong nào ích chi!
Người tịnh, không cấu uế,
Người tịnh, thường thuyết giới;
Người tịnh, nghiệp trắng trong;
Thường được thanh tịnh hạnh.
Nếu ông không tạo sát,
Cũng không hay trộm cắp,
Chân thật không dối trá,
Thường chánh niệm, chánh trí;
Bà-la-môn học như vậy,
Tất cả chúng sanh an.
Bà-la-môn về nhà chi?
Suối nhà đâu trong sạch.
Bà-la-môn, ông nên học,
Dùng thiện pháp tẩy sạch.
Cần gì nước bẩn kia,
Chỉ trừ bẩn thân thể.

Bà-la-môn bạch Phật rằng:

Tôi cũng nghĩ như vầy:
Dùng thiện pháp tẩy sạch,
Cần gì nước bẩn kia.
Bà-la-môn nghe Phật dạy,
Trong lòng rất hoan hỷ.
Tức thì lạy chân Phật,
Quy y Phật, Pháp, Tăng.

Bà-la-môn bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết! Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Con nay tự quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con làm Ưu-bà-tắc, bắt đầu từ ngày nay, trọn đời, con tự quy y cho đến chết”.

Phật thuyết như vậy. Bà-la-môn Diệu Hảo Thủy Tịnh và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.