Duyên khởi ở thành Sāvatthī: Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của tỳ khưu ni Thullanandā đã nói với tỳ khưu ni Thullanandā điều này:—“Thưa ni sư, nếu chúng tôi có khả năng, chúng tôi sẽ dâng y đến hội chúng tỳ khưu ni.” Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trải qua mùa (an cư) mưa có ý định phân chia y nên đã tụ họp lại. Tỳ khưu ni Thullanandā đã nói với các tỳ khưu ni ấy điều này:—“Này các ni sư, hãy chờ đợi. Có niềm hy vọng về y cho hội chúng tỳ khưu ni.” Các tỳ khưu ni đã nói với tỳ khưu ni Thullanandā điều này:—“Này ni sư, hãy đi và tìm hiểu về y ấy.” Tỳ khưu ni Thullanandā đã đi đến gặp gia đình ấy, sau khi đến đã nói với những người ấy điều này:—“Này các đạo hữu, hãy dâng y đến hội chúng tỳ khưu ni.”—“Thưa ni sư, chúng tôi không thể dâng y đến hội chúng tỳ khưu ni.” Tỳ khưu ni Thullanandā đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.
Các tỳ khưu ni nào ít ham muốn, … (như trên) … các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:—“Vì sao ni sư Thullanandā lại để cho vượt quá thời hạn về y khi niềm hy vọng về y không chắc chắn?” … (như trên) … “Này các tỳ khưu, nghe nói tỳ khưu ni Thullanandā để cho vượt quá thời hạn về y khi niềm hy vọng về y không chắc chắn, có đúng không vậy?”—“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: … (như trên) … Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni Thullanandā lại để cho vượt quá thời hạn về y khi niềm hy vọng về y không chắc chắn vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, … (như trên) … Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy:
“Vị tỳ khưu ni nào để cho vượt quá thời hạn về y khi niềm hy vọng về y không chắc chắn thì phạm tội pācittiya.”
Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào … (như trên) …
Tỳ khưu ni: … (như trên) … vị ni này là ‘vị tỳ khưu ni’ được đề cập trong ý nghĩa này.
Niềm hy vọng về y không chắc chắn nghĩa là lời nói đã được phát ra rằng: “Nếu chúng tôi có khả năng, chúng tôi sẽ dâng y.”
Thời hạn về y nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì tháng cuối cùng của mùa mưa, khi Kaṭhina được thành tựu thì năm tháng.
Để cho vượt quá thời hạn về y: khi Kaṭhina không được thành tựu, vị ni để cho vượt quá ngày cuối cùng của mùa mưa thì phạm tội pācittiya. Khi Kaṭhina được thành tựu, vị ni để cho vượt quá ngày Kaṭhina hết hiệu lực thì phạm tội pācittiya.
Khi y không chắc chắn, nhận biết là y không chắc chắn, vị ni để cho vượt quá thời hạn về y thì phạm tội pācittiya. Khi y không chắc chắn, có sự hoài nghi, vị ni để cho vượt quá thời hạn về y thì phạm tội dukkaṭa. Khi y không chắc chắn, (lầm) tưởng là được chắc chắn, vị ni để cho vượt quá thời hạn về y thì vô tội.
Khi y được chắc chắn, (lầm) tưởng là không chắc chắn, phạm tội dukkaṭa. Khi y được chắc chắn, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa. Khi y được chắc chắn, nhận biết là được chắc chắn thì vô tội.
Vị ni cản trở sau khi chỉ rõ sự lợi ích, vị ni bị điên, … (như trên) … vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.”
Điều học thứ chín.